Độc đáo Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô và TP. Gia Nghĩa.
Đắk Nông đã xây dựng 41 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông: Trường ca của nước và lửa, Bản giao hưởng của làn gió mới, Âm vang từ trái đất. Các điểm đến là nơi lưu giữ những giá trị di sản độc đáo, tiêu biểu về văn hóa, địa chất, địa mạo, sinh vật học, con người… vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Khám phá tuyến đi bộ trong rừng (Điểm số 6, Tuyến 1 – Trường ca của lửa và nước) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Không khí trong lành, mát mẻ, tuyến đi bộ dài 1,5km mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, mang giá trị khám phá đa dạng sinh học
Dãy núi lửa Nâm Kar (Điểm số 7, Tuyến 1 – Trường ca của lửa và nước) nằm cạnh quốc lộ 28, thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, là điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá những giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
Thung lũng Mặt trời mọc (Điểm số 9, Tuyến 1 – Trường ca của lửa và nước) nằm ở xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô là nơi thể hiện rõ nhất sự gặp gỡ giữa hai thế lực siêu nhiên lửa và nước
Thác Đ’ray Sáp (Điểm số 12, Tuyến 2 – Trường ca của lửa và nước) nằm ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô Là một trong những ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất Tây Nguyên, được công nhận danh thắng cấp Quốc gia
Hang động núi lửa (Điểm số 13, Tuyến 1 – Trường ca của lửa và nước) nằm trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Đ’ray Sáp, là một trong những điểm đến quan trọng đối với các nhà khoa học và du khách ưa mạo hiểm, khám phá
Thác Gia Long (Điểm số 14, Tuyến 1 – Trường ca của lửa và nước) nằm trong cảnh quan rừng đặc dụng Đ’ray Sáp, được hình thành bởi dòng chảy bazan của núi lửa Nâm Blang bao phủ lên đá trầm tích tạo nên vẻ đẹp cuốn hút, độc đáo
Cầu Sêrêpốk còn gọi là cầu 14 (Điểm số 16, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới), xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, là một cây cầu bắc qua sông Sêrêpốk trên Quốc lộ 14, nối liền hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; trở thành một địa điểm lịch sử, chứng tích ghi dấu cho sự phát triển của vùng đất và con người Tây Nguyên
Video đang HOT
Núi lửa Băng Mo (Điểm 15, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới), thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút là nơi lưu giữ lịch sử kiến tạo vỏ trái đất, mang giá trị khám phá địa chất, cảnh quan. Từ điểm dừng chân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, có thể ôm trọn không gian của cả một vùng thị trấn bình yên và trù phú
Du khách có thể đến khám phá và trải nghiệm nhà dài, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc, nghề truyền thống, lễ hội… tại buôn văn hóa Ê đê (buôn Nui, Buôr, Trum và Êa Pô), xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Điểm số 17, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới)
Khung cảnh yên bình tại Hồ Núi Lửa (Điểm số 23, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới), ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil với chu vi hơn 10km, là một trong những hồ đẹp của vùng đất Tây Nguyên
Thác Lưu Ly (Điểm số 27, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới) ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cao khoảng 20m, nằm trọn vẹn trong một khu rừng già nguyên sinh, dòng chảy trắng xóa tựa như mái tóc của cô gái đẹp buông xõa giữa rừng già; là điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách
Vườn ca cao (Điểm số 29, Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới) ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song là một trong những mô hình nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu của địa phương. Dừng chân tại Vườn ca cao Ánh Mai, du khách sẽ có một không gian mát mẻ và tìm hiểu, thưởng thức những sản phẩm được làm từ ca cao
Nhà triển lãm âm thanh (Điểm 31, Tuyến 3 – Âm vang từ Trái đất) ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa giúp du khách trải nghiệm sự kết hợp giữa các giá trị về địa chất và văn hóa
Cảnh quan hồ Tà Đùng (Điểm 32, Tuyến 3 – Âm vang từ trái đất) ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được ví như Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên với cảnh sắc hữu tình, không khí trong lành
Cái khó của công viên địa chất Đắk Nông
Dù sở hữu nhiều giá trị địa chất, cảnh quan cùng các di sản, di tích độc đáo, nhưng đến nay Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Di sản hàng ngàn năm tuổi
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC) Đắk Nông có diện tích đề cử hơn 4.700km2, trải dài 6 huyện, thành phố gồm Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.
Theo các chuyên gia, đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, sinh học, xã hội và hội tụ những tiêu chí của một CVĐCTC.
Hóa thạch xương người được các nhà khoa học tìm thấy trong hang động núi lửa, thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
Điểm nổi bật nhất trong CVĐCTC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đ'ray Sáp - Chư Bluk phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động này được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo.
Trong vùng CVĐCTC Đắk Nông đã xác định, phân loại và đánh giá được hơn 180 di chỉ địa chất thuộc 10/10 loại (theo phân loại của UNESCO). Trong số này, 49 hang động núi lửa, 8 hang động núi lửa nằm trong danh sách 10 hang động dài nhất Đông Nam Á và Trung Quốc. 10/49 hang chứa di vật của người tiền sử.
Riêng hang C6-1 chứa hàng trăm hiện vật từ thời kỳ đồ đá mới - đồ sắt. Các nhà khoa học đã tìm thấy di vật xương người có niên đại cách đây 6.000-7.000 năm. Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ trong hang động núi lửa. Vì vậy, năm 2023, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với hang C6-1.
Đặc biệt, di chỉ hóa thạch Ammonite và hai mảnh vỏ tại thôn Nam Tiến và Nhà Đèn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút là nơi có hóa thạch Ammonite lớn nhất và đa dạng nhất Việt Nam. Hóa thạch này góp phần chứng minh nơi đây từng là một phần của đại dương rộng lớn.
Ngoài ra, quá trình hình thành và phát triển trái đất cách đây hàng triệu năm còn mang đến cho Đắk Nông những hồ nước tự nhiên thơ mộng, các miệng núi lửa độc đáo và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ, trong đó thác Đ'ray Sáp - Gia Long được công nhận là danh thắng quốc gia.
CVĐCTC Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, tạo điều kiện để phát triển du lịch
Tại Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20, diễn ra tại Đắk Nông năm 2022, PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO cho biết, CVĐCTC Đắk Nông có hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan, về sau phân hóa ra thành đất đỏ trù phú mang lại nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả.
Toàn hệ thống CVĐCTC Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.
Điểm đặc sắc, đặc biệt nhất so với toàn thế giới và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa. Theo vị chuyên gia này, nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế mà CVĐCTC mang lại thì sẽ phát triển hiệu quả du lịch công viên địa chất tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Chưa được đầu tư đúng mức
Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐCTC. Sự kiện đã tạo cơ hội để Đắk Nông xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới CVĐCTC với 177 điểm đến.
Đến nay, việc xây dựng và phát triển CVĐCTC Đắk Nông được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và cộng đồng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và quan tâm, hưởng ứng tham gia vào các hoạt động.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của CVĐCTC, Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch công viên địa chất gồm "Trường ca của nước và lửa", "Bản giao hưởng của làn gió mới", "Âm thanh từ trái đất" với 41 điểm di sản.
Tuy nhiên, sau 4 năm được công nhận, đến nay CVĐCTC Đắk Nông chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để trở thành một "sản phẩm du lịch" đặc trưng của Đắk Nông.
Khu lưu trú dành cho khách du lịch nằm trong Khu du lịch sinh thái cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long
Ngoài một số điểm du lịch đã được hình thành trước đó như Khu du lịch sinh thái cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên; thác Lưu Ly; khu vực hồ Tà Đùng... thì phần lớn các điểm du lịch, điểm di sản chỉ được đầu tư nhỏ lẻ, chưa đạt như kỳ vọng. Một số điểm do không thường xuyên được quan tâm, sửa chữa, tôn tạo nên đã xuống cấp, hư hỏng, không thể đón khách du lịch.
Theo lãnh đạo một số địa phương, việc đầu tư cho CVĐCTC Đắk Nông chưa đồng bộ, tương xứng với giá trị của di sản hàng ngàn năm tuổi.
Nguyên nhân là nguồn lực (nhân lực, vật lực, kinh phí) còn hạn chế; thiếu các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn xây dựng và phát triển công viên địa chất của các cơ quan chuyên môn để địa phương làm căn cứ thực hiện.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết: "Kinh phí hàng năm bố trí cho CVĐCTC Đắk Nông rất ít. Kinh phí thấp nên chúng tôi mới thực hiện cho công tác truyền thông, bao gồm ghi hình ảnh, quay clip các điểm của CVĐCTC Đắk Nông nằm trên địa bàn huyện Đắk Mil để giới thiệu trên một số trang thông tin điện tử của huyện".
Điểm dừng chân tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (thuộc CVĐCTC Đắk Nông) là một trong số ít công trình được đầu tư với số tiền lớn để phục vụ phát triển du lịch
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin, nhiều điểm di sản thuộc CVĐCTC Đắk Nông đang nằm trên đất thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức hoặc quy hoạch khoáng sản, từ đó ảnh hưởng tới việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn xây dựng phát triển công viên địa chất còn thiếu và chưa đồng bộ, nên địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác quản lý và vận hành.
"Phần lớn điểm di sản trên địa bàn huyện đều nằm trên quy hoạch khoáng sản; đất quốc phòng hoặc đất của Công ty Thủy điện Đồng Nai 3. Đến nay, sau 4 năm được công nhận, các điểm di sản vẫn chưa thực sự trở thành nơi đón khách du lịch bởi cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế", Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho hay.
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển CVĐCTC Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 cũng nhìn nhận thực tế này.
Năm 2021, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu thu hút ít nhất 3 nhà đầu tư đủ tiềm năng cơ bản đáp ứng hạ tầng du lịch vào cùng CVĐCTC Đắk Nông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng công viên địa chất. Mặc dù, trong thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội như tập đoàn TH, T&T, Hòa Phát... nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp đầu tư.
Vết tích người tiền sử trong hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á Đắk Nông - Trong hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, các nhà nghiên cứu phát hiện được các bộ di cốt người tiền sử. Phát hiện này được xem là mở ra bước ngoặt cho ngành Cổ nhân học Việt Nam. Miệng núi lửa thuộc hệ thống Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông. Ảnh:...