Doanh nghiệp “mệt mỏi” sau 1 quý “chiến đấu” với dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang “cướp” đi nguồn thu nhập của hàng triệu người lao động, còn các doanh nghiệp thì điêu đứng, bên bờ vực phá sản…
Chia sẻ với phóng viên VOV bằng giọng trầm buồn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink – đơn vị chuyên sản xuất thời trang đồ da cao cấp một khu công nghiệp ở Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, công ty của ông không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý 1 sụt giảm tới 80%, riêng tháng 3 giảm tới 95%. Việc dừng sản xuất không chỉ “phá tan” mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019, mà khiến công ty có thể phá sản.
Từ nhiều năm nay, sản xuất và kinh doanh của Eurolink phụ thuộc hoàn toàn vào xuất nhập khẩu. Công ty thường nhập nguyên liệu 3 tháng/lần, 70-80% là nhập từ Italia, nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã chặt đứt nguồn cung nguyên liệu từ nước này, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu.
Bên cạnh sự thiếu hụt nguyên liệu, Eurolink còn đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Với tình hình bi đát như hiện nay, nhiều khả năng đến 20/4 tới, doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn.
Dệt may là một trong những ngành nghề chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
“Để cầm cự, công ty đang xoay sở, chuyển đổi sang may khẩu trang, hỗ trợ một phần cho khó khăn hiện tại của ngành y tế. Công việc này cũng chỉ có thể duy trì trong khoảng 1 tháng. Hy vọng, các khoản hỗ trợ của Chính phủ tới đây sẽ giúp doanh nghiệp của ông kịp thanh toán các khoản tiền lương, bảo hiểm, phí công đoàn và các loại phí khác cho đến khi nhà máy sản xuất trở lại”, ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ.Ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, doanh nghiệp đang sử dụng 300 lao động, trong 2 ngành nghề, da giày và vải. Hiện nay đã giảm tới 85% lao động, chỉ duy trì 15% lao động với các đơn hàng nhỏ trong nước. Những đơn hàng nhỏ lẻ trong bối cảnh hiện nay là không đáng kể, chỉ để duy trì hoạt động, trong khi một loạt các hợp đồng mới của Eurolink với các đối tác Nga, Đức, Thụy Điển và Hong Kong (Trung Quốc) đã bị hoãn, nhiều khả năng phải qua tháng 6 mới có thể nối lại.
Video đang HOT
Với các doanh nghiệp trong ngành dệt may tình hình cũng không khá hơn. 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm nay – giai đoạn 1 của dịch bệnh – đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ – chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng.
Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng do không thể xuất khẩu được.
Hiệp hội cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 tới thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%.
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 – 50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp trong nước hiện nay không thể đếm xuể, khó khăn trước hết là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao, thậm chí có hợp đồng vận chuyển chịu mức phí tăng gấp 3 lần so với trước khi xảy ra dịch.
Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn vốn do sản phẩm sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Dự báo, những ảnh hưởng này đến cộng đồng doanh nghiệp còn tiếp diễn ngay cả khi đã hết dịch bệnh. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp có khả năng bị phá sản nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, lý do là họ không thể bù đắp các khoản chi phí như: trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng…
Với lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Công thương, nếu dịch bệnh tiếp diễn, triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo sẽ tương đối thấp. Theo đó, nếu dịch kéo dài đến giữa năm, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% trong quý 1 và quý 2. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm./.
Chung Thủy
Nhu cầu nhập khẩu thiết bị bảo hộ y tế và khẩu trang từ các châu Âu - châu Mỹ
Đơn cử, như: Thị trường Mỹ có nhu cầu 500 triệu chiếc khẩu trang N95, 200 triệu chiếc khẩu trang các loại khác, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ đôi găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế và 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch...
Năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam lớn và đã có một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất đi nhiều nước. Tuy nhiên, câu chuyện "đầu ra" của mặt hàng này đang cần sớm giải quyết, để giúp ngành Dệt may duy trì sản xuất trong đại dịch, giảm bớt khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.2 tỷ m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày.
Nếu tính trung bình 1 m2 sản xuất được 20 khẩu trang vải, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).
Tuy nhiên, lượng vải còn tồn trong thương mại và doanh nghiệp vẫn còn khá lớn, chưa kể nguồn vải từ Trung Quốc đã bắt đầu được nhập về. Do vậy, có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để may khẩu trang vải.
Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam (tính đến năm 2017) là hơn 3.500 doanh nghiệp dệt và gần 7.000 doanh nghiệp may.
Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam mỗi tháng có thể sản xuất được 50 triệu khẩu trang vải. Toàn ngành Dệt may Việt Nam có thể sản xuất khoảng 150 - 200 triệu khẩu trang vải/tháng.
Nhận thấy thị trường một số nước Âu - Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổng hợp một số yêu cầu chi tiết sản phẩm mà các nước Âu - Mỹ hiện đang có nhu cầu.
Các doanh nghiệp quan tâm có thể kịp thời liên lạc và cung ứng cho các thị trường đang rất cần các sản phẩm nêu trên, Bộ Công Thương thông tin. Đơn cử, như:
Thị trường Hoa Kỳ: đang có nhu cầu: Khẩu trang N95 là 500 triệu chiếc; Khẩu trang (các loại khác) - 200 triệu; Face Shields - 200 triệu; Máy trợ thở - 1000; IV Pumps - 5000; Găng tay ( các size khác nhau ) - 1 tỷ; Gạc - 20 triệu; Bộ áo choàng y tế - 100 triệu; Bộ áo bảo hộ phòng dịch - 50 triệu chiếc.
Thị trường Tây Ban Nha: Găng tay nitrile có bột hoặc không bột dung trong khám bệnh, phẩu thuật vô trùng - 123 triệu chiếc; Mắt kính bảo hộ - 286 nghìn; Quần áo bảo hộ dung 1 lần và chống thấm - 1,1 triệu (bộ dùng 1 lần) và 780 nghìn (bộ chống thấm); Khẩu trang bảo vệ FFP3 - số lượng tối đa có thể cung ứng...
Được biết, Bộ Công Thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài và cũng đang chỉ đạo các thương vụ khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Nguyễn Thanh
Tìm lối đi để kinh tế Việt Nam vượt "bão" Covid-19 LTS: Đại dịch Covid-19 như một cơn bão bất ngờ, một cơn đại hồng thủy dữ dội, thậm chí có nhà nghiên cứu còn gọi đó là một cuộc "chiến tranh thế giới thứ 3" vô hình và nguy hiểm, đang làm đảo lộn thế giới, gây ra suy thoái và nguy cơ khủng hoảng kinh tế, với những ảnh hưởng nặng nề,...