Doanh nghiệp điêu đứng vì quy định ‘đất ở hợp pháp’
Quy định phải có 100% đất ở mới được chỉ định làm chủ đầu tư tiếp tục bị các doanh nghiệp bất động sản ta thán tại hội nghị gặp gỡ lãnh đạo UBND TP HCM tổ chức hôm qua (7/11).
Điểm nghẽn của thị trường
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh, cho biết quy định đất ở hợp pháp (theo hướng dẫn mới đây của Bộ Xây dựng về thủ tục đầu tư dự án bất động sản) đang làm khó doanh nghiệp (DN) và cả cơ quan chức năng. “Đất ở là đất có nhà đang ở, làm sao mà làm dự án? Trong khi đất nông nghiệp còn khó giải phóng mặt bằng, huống gì đất ở. Quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này hoàn toàn không đúng. TP cần phải kiến nghị sửa luật”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, nói thẳng những khó khăn, chồng chéo của pháp luật đã khiến công ty ông điêu đứng hai năm nay. Công ty gần như không có dự án mới nào được thực hiện nên phải tinh giản biên chế cả ngàn nhân viên. “Hiện công ty đang bế tắc trong khâu công nhận chủ đầu tư do thuật ngữ đất ở hợp pháp. Như dự án 4,3 ha ở đường Đồng Văn Cống (Q.2) dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã có sổ đỏ nhưng do phải bổ sung thủ tục chấp thuận chủ đầu tư nên đến nay vẫn chưa thể khởi động”, ông Huy nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong: Thành công của DN là thành công của TP. Do đó trách nhiệm của chính quyền TP là phải tạo điều kiện cho DN phát triển. Đối với một số kiến nghị cụ thể của DN thuộc thẩm quyền của TP, ông Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho DN tại hội nghị. Đồng thời đề nghị Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cùng các sở ngành giao ban hằng quý với các DN để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn kịp thời
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, cũng cho biết công ty ông có dự án 5,8 ha, hiện đã giải phóng mặt bằng gần hết, nhưng không thể thực hiện dự án được do quy định muốn được công nhận làm chủ đầu tư, DN phải có 100% đất sạch và phải có sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất.
Video đang HOT
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, quy định này gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới, kể cả các khu dân cư nông thôn… Bởi lẽ, các dự án này đều sử dụng chủ yếu quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Đến thời điểm này, DN đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.
Nhiều DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản. Chính phủ cần sớm hướng dẫn cụ thể các trường hợp DN đã bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất (trong đó có đất ở xen cài với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng…) để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư, với điều kiện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị, khu dân cư của địa phương.
Quy định “đất ở hợp pháp” đang làm khó doanh nghiệp và hạn chế nguồn cung. ẢNH: KHẢ HÒA
Kiến nghị gỡ 39 điểm vướng
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM, thừa nhận luật Đất đai ngay khi ra đời đã có 109 điểm vướng, đến nay tháo gỡ vẫn còn 39 điểm vướng. Ví dụ, quy định của pháp luật trong dự án hàng chục héc ta, nếu chỉ cần 1 m2 đất của nhà nước quản lý cũng phải đấu giá. Nhưng đấu giá không được vì nó làm dự án bị phá vỡ và cũng không ai đấu giá. Tới đây sẽ tháo gỡ quy định để giao phần đất này cho DN theo giá thị trường.
“Các vướng mắc này DN cần đồng hành với TP để kiến nghị. Còn nếu cán bộ làm sai quy trình thì phản ánh để xử lý. Cố tình làm khó DN, làm sai thì đó là trách nhiệm của giám đốc sở. Bây giờ chúng tôi luôn nghĩ cách làm sao cho tốt chứ không phải ngồi để nghĩ cách làm khó DN”, ông Thắng nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đa phần các dự án khi nhà đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng thì đều có nguồn gốc chủ yếu là đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Khi triển khai luật Nhà ở và nghị định hướng dẫn, TP đã nhận thấy vướng mắc này. Do đó, tháng 4.2016, UBND TP đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Tháng 5.2016, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận đề xuất của TP.
Tuy nhiên, bộ này lại đề nghị “TP phải có văn bản báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Tháng 11.2016, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về vướng mắc của TP và kiến nghị cho phép thực hiện theo quan điểm của TP. Khoảng một năm sau, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ liên quan “nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt, đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện”. Tuy nhiên trên thực tế các cơ quan chức năng khi giải quyết hồ sơ rất ngại vì các chỉ đạo nói trên đều dưới luật.
Theo Thanh Niên
Sửa Luật Chứng khoán: Tăng tính minh bạch của thị trường
Nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán (TTCK).
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức ngày 7/11.
Làm rõ những bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 cùng một số văn bản hướng dẫn liên quan đã góp phần đưa TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đến 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016.
Tuy nhiên, với quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động TTCK đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật Chứng khoán và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho TTCK phát triển bền vững và an toàn. Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương thông tin, Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng dựa trên 4 chủ trương căn bản. Thứ nhất, luật xây dựng dựa trên chỉ đạo của Đảng, phát triển TTCK trở thành kênh đầu tư huy động vốn dài hạn của nền kinh tế. Thứ hai, luật dự thảo xây dựng kế thừa những quy định Luật Chứng khoán từ năm 2006, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Theo UBCKNN, việc sửa đổi luật lần này bám sát các nguyên tắc chỉ đạo quan trọng: Kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định còn chưa rõ, bất cập; luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và TTCK...
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật do Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới 3 mục tiêu căn bản: Hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với TTCK, bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung, làm rõ các vấn đề còn bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Đồng thời luật hóa các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; bổ sung các điều luật trên cơ sở tham khảo các TTCK phát triển trong khu vực và thế giới nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tăng thẩm quyền thanh tra cho cơ quan quản lý
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) Nguyễn Thanh Kỳ, nhìn chung, Dự thảo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, một số mục tiêu đã được đặt ra và giải quyết tương đối rõ nét. Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra UBCKNN như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, DN viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, quy định về tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán cũng là một bước tiến quan trọng. Theo VASB, điều này giúp cho UBCKNN có thể thực thi các chế tài như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Tránh được tình trạng không thể xử lý dứt điểm các thành viên thị trường vi phạm do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản DN, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi cho công chúng. Đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ đem lại những thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.
"Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần làm rõ các quy định về chào bán chứng khoán, khái niệm về lãnh thổ. Bởi trong thời đại toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính, chứng khoán có thể diễn ra xuyên biên giới. Ví dụ một tổ chức phát hành ở nước ngoài có thể thực hiện chào bán chứng khoán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không cần hiện diện tại Việt Nam. Trong trường hợp này có rủi ro là việc chào bán chứng khoán xuyên biên giới bị lọt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam." - Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect
Theo kinhtedothi.vn
Quý 3, lãi thu từ dịch vụ của ABBank tăng 60% so với nửa đầu năm Đến hết tháng 9 năm nay, lợi nhuận của ABBank đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2017 đạt 102% kế hoạch. Riêng trong quý 3, lãi từ dịch vụ tăng tới 60% so với nửa đầu năm Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, đến hết quý 3...