Đoàn tàu đặc biệt có thể đưa ông Kim Jong-un tới Việt Nam họp thượng đỉnh
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng sử dụng tàu hỏa trong các chuyến công du tới Trung Quốc và phương tiện đặc biệt này có thể tiếp tục phục vụ ông trong chuyến đi tới Việt Nam sắp tới để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới nhà ga Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Theo thông báo của Tổng thống Donald Trump, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng này. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sử dụng chuyên cơ riêng, hoặc thuê một máy bay của Trung Quốc để tới Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nguồn tin nói rằng lãnh đạo Triều Tiên ưa dùng tàu hỏa cho chuyến công du nước ngoài hơn là máy bay vì lý do an toàn.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3 năm ngoái và tháng 1 năm nay, phương tiện đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm nước láng giềng là đoàn tàu đặc biệt. Đoàn tàu này được cho là từng phục vụ hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành trong các chuyến công du nước ngoài hiếm hoi trước đây. Cả cha và ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều sử dụng tàu hỏa trong các chuyến thăm tới Việt Nam trong thập niên 1950 và 1960.
Cố lãnh đạo Kim Jong-il lên tàu tại nhà ga Bureya ở Siberia trong chuyến thăm Nga năm 2011. (Ảnh: AP)
Hầu hết thông tin về đoàn tàu đặc biệt của các nhà lãnh đạo Triều Tiên đều dựa trên tài liệu tình báo hoặc chia sẻ của các quan chức từng có cơ hội sử dụng phương tiện này và một số hình ảnh hiếm hoi trên truyền thông.
Khi tới nhà ga Bắc Kinh hồi đầu năm ngoái, đoàn tàu chống đạn chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un được sơn màu xanh đậm và có sọc vàng chạy dọc thân tàu. Đoàn tàu này có 21 toa với toàn bộ phần cửa được phủ mờ để không làm lộ danh tính của người ngồi bên trong. Vào thời điểm trước và sau khi tàu đến, an ninh luôn được siết chặt để đảm bảo an toàn cho phái đoàn Triều Tiên.
Truyền thông Hàn Quốc hồi năm 2009 từng dẫn các thông tin mật cho biết đoàn tàu phục vụ nhà lãnh đạo Triều Tiên có ít nhất 90 toa được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt. Trong mỗi chuyến công du của lãnh đạo Triều Tiên sẽ có 3 đoàn tàu hoạt động với nhiệm vụ khác nhau: gồm một đoàn tàu đi trước làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, một đoàn tàu chính chở lãnh đạo và đoàn tàu thứ ba chở các vệ sĩ cũng như các trang thiết bị cần thiết.
Ông Kim Jong-un đi tàu tới Trung Quốc hồi tháng 3/2018. (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Do mỗi toa tàu đều được bọc thép chống đạn nên trọng lượng của chúng sẽ nặng hơn các tòa tàu bình thường hàng nghìn kg. Trọng lượng lớn hơn đồng nghĩa với việc tàu sẽ di chuyển chậm hơn. Đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên ước tính có tốc độ tối đa khoảng 60km/giờ.
Ông Kim Jong-il được cho là có 6 đoàn tàu hạng sang để ông sử dụng cho các chuyến đi cả trong và ngoài nước. Khoảng 20 nhà ga đã được xây dựng trên khắp đất nước Triều Tiên chỉ để phục vụ riêng cho đoàn tàu của lãnh đạo.
Theo truyền thông Hàn Quốc, trong thời kỳ của cố lãnh đạo Kim Jong-il, khoảng 100 nhân viên an ninh sẽ có mặt trên đoàn tàu đi trước. Họ có nhiệm vụ kiểm tra bom mìn tại các nhà ga cũng như các mối đe dọa khác, đồng thời kiểm tra độ an toàn của đường ray. Ngoài ra, các trực thăng quân sự và máy bay cũng bay ở phía trên đoàn tàu để đảm bảo thêm an ninh.
Tàu hạng sang dành riêng cho lãnh đạo
Hình ảnh từ đoạn video được công bố năm 2015 cho thấy ông Kim Jong-un và cấp dưới họp tại căn phòng màu trắng trên đoàn tàu trong một chuyến đi tại Triều Tiên. (Ảnh: BI)
Ngày nay, ông Kim Jong-un được cho là sử dụng một trong số các đoàn tàu trước đây của cha ông. Tàu có các phòng họp, phòng ngủ, phòng tiếp khách, được trang bị điện thoại vệ tinh và tivi để phục vụ cho các hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Một nguồn tin từng tiết lộ với báo Chosun (Hàn Quốc) rằng nội thất chủ yếu màu trắng được trang bị trên đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên do “các thợ thủ công nước ngoài” chế tác đặc biệt và sử dụng các nguyên liệu “với chất lượng hàng đầu”.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đôi khi cũng chiếu một số cảnh quay ghi lại hình ảnh của các nhà lãnh đạo bên trong các đoàn tàu, từ đó giúp người xem có góc nhìn hiếm hoi về phương tiện đặc biệt này.
Năm 2015, ông Kim Jong-un từng được nhìn thấy ngồi trên một bàn dài màu trắng tại nơi được cho là bên trong phòng họp. Trong đoạn video tương tự được công bố năm 2011, cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng được nhìn thấy ngồi trong phòng họp tương tự. Người xem có thể thấy rõ một tivi màn hình phẳng và một máy tính xách tay trong căn phòng này.
Ghế bọc da màu hồng bên trong toa tàu đặc biệt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)
Trong đoạn băng ghi lại các chuyến đi của ông Kim Jong-il trên tàu, nhà lãnh đạo Triều Tiên được nhìn thấy ngồi ở phòng khách với những chiếc ghế bọc nhung, hoặc chủ trì một cuộc họp ở phòng ăn và tham dự một bữa tiệc tối trong một căn phòng được ốp gỗ tối màu. Ông Kim Jong-il ngồi trên một chiếc bàn đầy đồ ăn trong khi các nghệ sĩ mặc tuxedo và đầm dài biểu diễn xung quanh.
Phòng làm việc của cố lãnh đạo Triều Tiên trên tàu, gồm một bàn và một máy vi tính, được trưng bày như một vật lưu niệm ở Cung điện Kumsusan – nơi đặt lăng mộ của ông Kim Jong-Il tại Bình Nhưỡng.
Có nhiều tin đồn nói rằng cố lãnh đạo Kim Jong-il sợ đi máy bay, do vậy ông thích di chuyển bằng tàu hỏa – phương tiện được trang bị công nghệ liên lạc hiện đại với đội ngũ nhân viên phục vụ đông đảo.
“Ông ấy có thể yêu cầu bất kỳ món ăn nào của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay Pháp”, Konstantin Pulikovsky, một quan chức Nga từng đi cùng cố lãnh đạo Kim Jong-il trong chuyến đi tới Nga năm 2011, cho biết.
Theo hồi ký của Pulikovsky, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã thưởng thức tôm hùm và các món đặc sản tươi được chuyển lên tàu khi tàu đi qua vùng Siberia trong chuyến đi tới Nga. Ngoài ra, rượu Bordeaux và Burgundy từ Paris cũng được chuyển tới.
Hiện không rõ ông Kim Jong-un thích ăn gì hay thư giãn như thế nào trên tàu. Tuy nhiên, khẩu vị của ông được cho là khác với cha của mình. Ông Kim Jong-un được cho là thích ăn phô mai Thụy Sĩ, rượu Champagne Cristal và rượu Cognac Hennessy.
Thành Đạt
Theo Dantri/ New York Times
Hé lộ ảnh chân dung chính thức đầu tiên của ông Kim Jong-un
Triều Tiên đã công bố bức ảnh được cho là ảnh chân dung chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này đã nâng vị trí của ông Kim Jong-un lên một tầm cao mới trong ban lãnh đạo Triều Tiên.
Ảnh chân dung Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên. (Ảnh: BBC)
Mặc dù chân dung của hai cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il được nhìn thấy ở khắp nơi trên đất nước Triều Tiên, song chân dung đương kim lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa xuất hiện chính thức. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel tới Bình Nhưỡng hôm 4/11, Triều Tiên đã công bố bức ảnh được cho là chân dung chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ảnh chân dung mới ghi lại khoảnh khắc ông Kim Jong-un đang cười và mắt nhìn hơi nghiêng về phía bên trái. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mặc Âu phục với vest đen, áo sơ mi trắng và cà vạt.
Cho đến nay, bức ảnh được cho là chân dung chính thức của ông Kim Jong-un mới chỉ xuất hiện trên truyền hình nhà nước Triều Tiên khi đưa tin về chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Cuba. Hiện vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ trưng bày chân dung này ở đâu và bức ảnh có được sử dụng thường xuyên hay không.
Theo Oliver Hotham, nhà phân tích của trang tin NK News, chân dung mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy chính quyền Triều Tiên đang có những bước đi để nâng tầm vai trò của ông. Bức chân dung này có phong cách rất giống với các bức chân dung trước đây của hai cố lãnh đạo Triều Tiên.
"Người Triều Tiên chắc chắn sẽ hiểu ý nghĩa biểu tượng của động thái này", nhà phân tích Hotham nhận định.
Chân dung hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un lên nắm quyền thay cha sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il đột ngột qua đời vào năm 2011. Ban đầu ông Kim Jong-un được đánh giá là người chưa có nhiều kinh nghiệm và vẫn chưa xây dựng được hình ảnh của một nhà lãnh đạo tương lai. Tuy nhiên, sau vài năm, hình ảnh của ông đã được thay đổi.
Trong khi cha ông theo đuổi chương trình nghị sự ưu tiên cho quân đội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thúc đẩy chính sách vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa cải cách nền kinh tế.
"Những gì diễn ra trong năm 2018 đã giúp củng cố hình ảnh của ông ấy. 8 hội nghị thượng đỉnh với các nguyên thủ nước ngoài đã trở thành điểm sáng giúp ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo được tôn kính toàn cầu, ngang hàng với (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình và (Tổng thống Mỹ) Donald Trump", ông Hotham cho biết.
Thành Đạt
Theo Dantri/ BBC
Người anh trai ruột bí ẩn của ông Kim Jong-un và vai trò đặc biệt tại Triều Tiên Từ trước tới nay, người anh ruột của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Jong-chol, được cho là có cuộc sống kín tiếng và bị chính quyền quản thúc. Tuy nhiên, một tờ báo Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong-chol có vị trí đặc biệt tại Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong Chol (bên trái) ở London năm 2015 (Ảnh:...