Đỗ Quang Minh và bộ sưu tập Huy chương Vàng Toán học
Sở hữu hàng chục huy chương vàng môn Toán, Đỗ Quang Minh (học lớp 10 Toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) có bí quyết là tự học và không đặt áp lực thành tích cho bản thân. Cậu rất “nghiện” bóng đá và là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX năm 2020.
3 tuổi biết đọc, làm Toán
Đỗ Quang Minh sớm bộc lộ năng khiếu đặc biệt với môn Toán. Lên 3 tuổi, Minh rất thích thú với các con số và biết làm phép cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Mặc dù gia đình không áp dụng một phương pháp giáo dục sớm nào, nhưng Minh cũng đã tự biết đọc từ lúc 3 tuổi.
Đỗ Quang Minh và em gái Đỗ Ngọc Linh cùng tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP Hà Nội năm 2020. ẢNH: NVCC
“3 tuổi, con đọc được cả tờ báo cho ông nội nghe, khiến mọi người ngỡ ngàng. Hồi còn thơ bé, được ông bà, bố mẹ đưa đi chơi ở đâu, con đều nhớ hết đường đi. Có những đường đi với ngõ ngách, lộ trình phức tạp, con đều nhớ chính xác. Bây giờ, con có khả năng đọc nhanh và trí nhớ tốt”, chị Hải Hương, mẹ Đỗ Quang Minh chia sẻ. Hồi bé Minh được gia đình mua cho bảng chữ cái, một số thiết bị giáo dục bằng gỗ đơn sơ để chơi, tự quan sát thu nhận kiến thức, vận dụng và hình thành tư duy.
Có một điều đặc biệt, gia đình chị Hương dành một phòng riêng và khuyến khích con tự do vẽ, viết theo sở thích lên 4 bức tường. Với Minh, căn phòng là một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc và sự trải nghiệm, để có thể bộc lộ mọi cảm xúc, sở thích. “Đến giờ, căn phòng vẫn còn vẹn nguyên 4 bức tường chằng chịt các nét chữ, bức vẽ không đầu, không cuối. Gia đình chúng tôi không có ý định sơn lại mà lưu lại làm kỷ niệm cho con”, chị Hương chia sẻ.
Bước vào học Tiểu học, phát hiện Minh bộc lộ tư duy về Toán rất tốt, gia đình bắt đầu cho làm quen với Toán tư duy, Toán logic, Toán của Singapore. Lớp 4, Minh tham gia cuộc thi Toán quốc tế đầu tiên tại Singapore, đoạt Huy chương Đồng. Minh ngồi nhẩm tính, ngoài tấm Huy chương Đồng duy nhất trong cuộc thi Toán quốc tế đầu đời, hiện cậu sở hữu khoảng 20 tấm Huy chương Vàng Toán trong các cuộc thi.
Chia sẻ về bí quyết đứng đầu các cuộc thi Toán, Minh cho biết: “Tham gia các cuộc thi em không đặt ra mục tiêu phải đoạt huy chương nào cả, mà chỉ để thỏa mãn niềm yêu thích môn Toán. Em thấy thích thì thi. Vì không đặt ra áp lực cho bản thân nên bước vào mỗi cuộc thi em đều rất thoải mái, nhẹ nhàng. Em chưa bao giờ cảm thấy mình là người giỏi”.
Dù liên tiếp chinh phục thành công các cuộc thi Toán quốc tế, nhưng Minh không đi học thêm nhiều, chủ yếu học trên lớp và chọn một lớp học thêm phù hợp nhất. Từ lớp 6 đến nay, Minh theo học thầy giáo Nguyễn Tiến Lâm – giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Thầy Lâm chính là người đã truyền cho Minh cảm hứng môn Toán học.
Lớp 8, Minh được trao học bổng toàn phần Astar tại Singapore cho 1 năm học lớp 9 và 3 năm cấp 3 nhưng cậu chọn ở lại Việt Nam. Thi vào cấp 3, cậu đỗ cả 3 trường: Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam. Cuối cùng Minh quyết định chọn lớp chuyên Toán, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Dành nhiều thời gian cho thể thao
Video đang HOT
Học ngoại ngữ cũng là một câu chuyện thú vị của “cậu bé vàng” Toán học Đỗ Quang Minh. Cậu làm quen với tiếng Anh khá muộn, 10 tuổi mới bắt đầu học. 12 tuổi, bước vào lớp 6 trường chuyên, Minh bị ngợp, lép vế bởi nhiều bạn rất giỏi tiếng Anh. Trong một lần thi kiểm tra chất lượng tiếng Anh của trường, Minh đạt điểm 2.
“Em bị sốc. Trong lúc hoang mang, em hỏi mẹ: Mẹ ơi, điểm số con thế này mẹ có mắng con không? Mẹ động viên: Không vấn đề gì con ạ, con cứ bình tĩnh cố gắng lên là được”, Minh nói và cho biết, điểm 2 cùng lời động viên của mẹ trở thành “cú hích” để cậu chinh phục tiếng Anh. Sau một năm nỗ lực, hè năm lớp 7, cậu đạt Huy chương Vàng môn Writing, cuộc thi Cúp các học giả quốc tế The World Scholar’s Cup tại Mỹ; đồng thời đạt 7.0 IELTS.
Bên cạnh việc học, Minh cũng dành nhiều thời gian cho các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Với Minh, bóng đá là niềm đam mê lớn bên cạnh môn Toán. Mỗi ngày cậu đều dành một khoảng thời gian nhất định để xem, đọc tin tức thể thao trong nước và quốc tế, từ báo trong nước đến báo nước ngoài. Cậu có thể nói vanh vách các chiến thuật, thông tin, dữ kiện các đội bóng, các giải bóng đá lớn trên thế giới.
Khi được hỏi về những kỷ niệm thi Toán quốc tế, cậu nhớ nhất chuyến đi thi Toán IMC năm 2018 tại châu Âu. Chuyến đi đó vào đúng dịp diễn ra trận chung kết World Cup giữa đội tuyển Pháp và Croatia. “Em được xem trận chung kết tại Paris, được hòa vào dòng người dưới chân tháp Eiffel ăn mừng chức vô địch của bóng đá Pháp, đúng dịp Quốc khánh Pháp 14/7″, Minh nhớ lại.
Đỗ Quang Minh (học lớp 10 Toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) sở hữu khoảng 20 tấm Huy chương Vàng Toán học quốc tế, trong đó tiêu biểu: Huy chương Vàng cuộc thi Toán châu Á – Thái Bình Dương APMOPS tại Singapore; Huy chương Vàng cuộc thi đánh giá năng lực toán học quốc tế IMAS; Huy chương Vàng cuộc thi Toán học trẻ Quốc tế IMC tại Bulgaria; Huy chương Vàng cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế IMSO; Huy chương Vàng cuộc thi Olympic toán học Mỹ AMC; Huy chương Vàng Cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ MYTS…
Cậu còn được nhận học bổng Odon Vallet; học bổng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhiều lần được trao tặng Giấy khen và Bằng khen của Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Trương Tuấn Nghĩa - Cậu học trò 'mê toán vô cùng' giành Huy chương Vàng IMO
Nghe tin con trai giành Huy chương Vàng IMO, bố Nghĩa dù mừng vui nhưng ngay sau đó không quên dặn dò con: "Giải thưởng này khiến mình vui chốc lát, nhưng không thể quyết định một đời. Mong con hãy bình thường mà sống".
Trương Tuấn Nghĩa (học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa đem về cho Việt Nam tấm Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) 2020.
Hai bố con "túc tắc" cùng tiến
Tuấn Nghĩa sinh ra trong gia đình có bố là giảng viên Toán học, còn mẹ là giáo viên dạy Tiếng Anh. Nhiều người thường nói vui: "Chắc Nghĩa bị bố mẹ ép học dữ lắm!". Những Nghĩa thường phủ nhận, vì "bố mẹ luôn cho em làm những điều mà mình mơ".
Trương Tuấn Nghĩa (học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) - vừa đem về cho Việt Nam tấm Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) 2020.
Thời cấp 1, Nghĩa theo học tại một trường công lập gần nhà. Vốn có sức học khá, thầy cô khuyên bố mẹ Nghĩa nên cho em tham gia vào một vài cuộc thi để cọ xát, giao lưu. Anh Trương Chí Trung, bố của Nghĩa cho hay: vợ chồng anh Trung thống nhất không ép con làm bất cứ điều gì cả. Vì thế, Nghĩa thích thi gì, anh chị đều để con tham gia. Anh thường nói với con: "Đi thi cho vui thôi, không có gì phải áp lực cả".
Đến cấp 2, Nghĩa xin bố cho thi vào trường Ams vì mê ngôi trường này. Mặc dù có chút lo lắng, nhưng vợ chồng anh Trung vẫn chiều theo ý con.
Vẫn giữ tâm lý học hành thoải mái, cuối năm lớp 6, Nghĩa được lựa chọn sang Singapore tham gia Kỳ thi Toán APMOPS và lọt vào top 40. Đến năm lớp 8, lớp 9, cậu liên tiếp giành giải Nhất, Nhì trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Nam sinh khiêm tốn cho rằng: "Đó chỉ là những thành tích ít ỏi em đạt được vì trong lớp có rất nhiều bạn học giỏi hơn em và luôn khiến em vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng em cũng không cảm thấy áp lực vì em không để ý đến điều ấy, càng chưa bao giờ coi những người bạn là 'đối thủ'. Em cứ bình thường mà học thôi".
Trương Tuấn Nghĩa (thứ 3 bên trái) cùng thầy Lê Bá Khánh Trình, thầy Lê Anh Vinh và các bạn trong đội IMO. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Sau này, khi lựa chọn thi vào chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Nghĩa cho hay, lý do đơn giản chỉ vì em thầm ngưỡng mộ một vài "đàn anh" học tại ngôi trường này. Đơn cử như Nguyễn Khả Nhật Long, người giành Huy chương Bạc IMO 2019 hay Nguyễn Quang Bin, người giành Huy chương Vàng IMO 2018.
Dù không quá mong mỏi con phải đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, nhưng khi Nghĩa quyết theo "tiếng gọi của trái tim", một lần nữa, anh Trung lại gật đầu: "Thôi con đỗ thì học thôi. Hai bố con túc tắc cùng tiến".
Cũng kể từ hôm ấy, anh Trung bắt đầu đồng hành nhiều hơn với con. Cả hai bố con không ngần ngại cùng nhau tranh luận về các vấn đề toán học. Có những khi trên đường đi học về, hai bố con đã tranh thủ giải quyết xong một câu hỏi phức tạp.
"Rất nhiều lần Nghĩa tranh luận thắng bố. Mình cứ để cho Nghĩa được nói, vì việc tranh luận sẽ giúp con định hướng thêm nhiều lối suy nghĩ khác nhau cho một bài toán", anh Trung nói.
Bên cạnh đó, anh vẫn luôn duy trì quan điểm "dạy con không ép buộc", bởi theo anh: "Mình muốn ép cũng không được. Nếu như đứa trẻ ấy nghe lời thì sẽ tạo thành một người không chủ động, lúc nào cũng chờ sự sắp đặt của người khác cho tương lai của mình. Còn nếu không, bố mẹ sẽ dần mất đi sự kết nối với chính đứa trẻ ấy".
Cậu học trò "mê toán vô cùng"
Thầy Lê Bá Khánh Trình, thầy Lê Anh Vinh và các thành viên đội tuyển IMO Việt Nam 2020. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Anh Trung cho biết, ngay từ nhỏ Nghĩa đã có thiên hướng học Toán. Đưa con tới trường mầm non, anh từng vô cùng ngạc nhiên khi nghe cô giáo nói: "Nghĩa đã biết cộng trừ rồi". Anh Trung thú thực, cả hai vợ chồng đều không có thời gian dạy trước cho con. Nghĩa luôn tự học, tự chơi và rất chịu khó quan sát.
Mỗi dịp nghỉ hè khi còn học tiểu học, được về quê Nghệ An chơi cùng ông nội - vốn là giáo viên Toán của Trường ĐH Vinh - Nghĩa lại xin ông mua cho sách Toán để đọc. Việc học Toán luôn khiến Nghĩa cảm thấy thích thú.
Năm lớp 10 đoạt giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, lớp 11 đoạt giải Nhất, đến giờ là tấm Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế, Nghĩa nói, bí quyết quan trọng nhất là "bản thân phải thật thoải mái mới có thể học tốt được".
Vì thế, ngay cả thời điểm sát ngày thi IMO, em cũng hiếm khi thức khuya. Buổi tối, Nghĩa chỉ học 2 tiếng. Khi cảm thấy căng thẳng quá, nam sinh lại nghe vài bản nhạc ballad, chơi cờ tướng, thậm chí chơi game.
"Em rèn cho mình việc ăn ngủ điều độ, thức dậy đúng giờ và luôn đi ngủ trước 12 giờ. Thời điểm hơn 2 tháng tập trung ôn thi, bố mẹ cũng không quản lý điện thoại, laptop nên lại càng cảm thấy bản thân phải có kỷ luật hơn".
PGS.TS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn IMO Việt Nam, người từng tiếp xúc với Nghĩa từ những năm cấp 2 cho biết, vào năm Nghĩa học lớp 7, anh đã nhận thấy sự đặc biệt ở cậu học trò này.
"Nghĩa mê Toán vô cùng và là nhân tố rất nổi trội. Đến khi vào lớp 10, các thầy trong đoàn đều kỳ vọng Nghĩa sẽ là học sinh được tham gia đội tuyển IMO Việt Nam. Nhưng tiếc là Nghĩa đã thiếu một chút nữa để chạm đến điều đó.
Tới năm nay, Nghĩa giành giải Nhất trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đồng thời cũng đứng đầu vòng thi TST. Với sự trầm tĩnh, cẩn thận và chỉn chu, mọi người đều kỳ vọng Nghĩa sẽ đoạt Huy chương Vàng.
Và quả đúng như thế, kết quả lần này đã phản ánh rất chính xác năng lực của Nghĩa", TS Lê Anh Vinh nói.
Hiện tại, Nghĩa chưa đặt mục tiêu gì cho kỳ thi Olympic quốc tế năm sau vì cho rằng, điều đó có thể khiến bản thân cảm thấy áp lực. "Em luôn muốn mình thoải mái nhất khi học nên vẫn muốn việc học diễn ra tự nhiên".
TS Lê Bá Khánh Trình: 'Tôi chưa lý giải được thành tích năm nay' "Đúng là thực lực của đội tuyển Olympic Toán năm nay khá mạnh. Tôi cũng chưa thể lý giải được vì sao thành tích năm nay thấp hơn các năm", TS Lê Bá Khánh Trình nói. Năm 2020, đoàn Việt Nam "văng" khỏi top 10, xếp thứ 17 tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Trước đó, năm 2017, đội tuyển Olympic...