Đổ lỗi số phận
Câu cửa miệng của chị luôn là “số tao hẩm hiu, trời đày tao đến chết!”. Đi quá nửa đời người, chưa một ngày chị cảm thấy bình an, hạnh phúc. Chị nếm đủ mùi đau khổ nhưng vẫn không ngẫm ra “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Sai lầm và bất hạnh đầu tiên của chị là đã không thiết yêu. Tuổi mười tám đôi mươi khi bạn bè chân thành,vụng dại yêu đương, chị tặng cho tình yêu cái cười khẩy, rằng cuộc đời làm gì có thứ màu hồng như thế. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông mình, lớn lên chị cũng dùng đầu óc sắc lạnh ấy để chọn bạn đời. Vốn ưa nhìn, lại được ăn học tử tế, thời sinh viên chị có khá nhiều cây si theo đuổi. Tốt nghiệp đại học, chị đồng ý cưới người có điều kiện tốt nhất trong số họ. Vợ giáo viên, chồng làm trong ngành lương thực, bố mẹ chồng mua tặng một căn nhà ở trung tâm thị trấn, chị chắc mẩm đời mình từ nay sẽ an nhàn.
Thế mà cưới nhau chưa đầy nửa năm, chị đã nghi ngờ lựa chọn của mình. Công ty giải thể, chồng chị quay ra buôn bán nhỏ lẻ nhưng thời đấy kinh tế khó khăn lại không có đầu óc nhạy bén, anh càng buôn càng lỗ, đành lui về lo việc nội trợ. Biết vợ phải một mình gánh chuyện tiền nong, anh làm chu toàn mọi việc trong nhà, chị đi dạy về chỉ việc đạp mâm cầm đũa. Nhưng người đàn bà tham vọng như chị không muốn cam phận. Thấy chồng suốt ngày ru rú ở nhà, chị đâm bực mình. Ban đầu chỉ giữ trong lòng, về sau thì không ngần ngại tỏ thái độ coi thường chồng ra mặt. Lúc sinh con đầu lòng, chị ôm thằng bé khóc rấm rứt rằng người ta sung sướng còn mình vớ phải chồng vô dụng nên đến nghỉ dưỡng sinh mà tâm trí vẫn ngổn ngang chuyện cơm áo.
Video đang HOT
Làm thằng đàn ông không kiếm ra tiền bị vợ coi thường, chồng chị đâm đổ đốn. Anh giải sầu bằng rượu, lâu dần sống bằng men say. Từ lúc chồng nát rượu, cảnh nhà chị trở nên tan hoang, đồ đạc trong nhà bị phá không thương tiếc. Gặp ai chị cũng than thở trời ăn ở không cân với mình, chồng đã hay dở thói mèo mả gà đồng lại còn về nhà đánh đập vợ con dù anh ta chỉ phạm tội bợm rượu còn những tật kia là do chị tự bịa ra. Thế rồi nước với lửa không chịu nổi nhau, chị nhất quyết đòi ly hôn. Anh đuổi chị ra khỏi nhà vì cậy nhà của bố mẹ đẻ, chị tự ái cao ngùn ngụt cũng lạnh lùng mang con bỏ đi không thèm đợi tòa chia tài sản.
Dồn hết số tiền dành dùm gần nửa đời người, chị mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại ô, gây dựng lại cơ ngơi. Trong lúc đợi nhà xây xong, mẹ con chị đến ở với vợ chồng ông anh trai. Mang tiếng ở nhờ nhưng vẫn chứng nào tật nấy, ngần ấy năm sống cùng người chồng kém cỏi, chị quen tự cho mình là nhất, là có quyền sai bảo người khác. Chị dễ dàng nổ cáu vì những chuyện nhỏ nhặt như khi thằng cháu tranh đồ chơi với con mình hay anh trai chị nhắc các bóng đèn lúc không dùng nữa thì tắt đi cho tiết kiệm. Bà chị dâu tuy dễ tính vẫn không chịu được thói hạnh họe của em chồng nên tình cảm chị em cứ lạnh nhạt dần. Chị lại kêu trời rằng đến người ruột thịt còn coi thường, xa lánh mình. Vợ chồng ông anh một phen giận sôi ruột khi ngày giỗ mẹ có đông khách khứa, chị đến quỳ lạy trước bàn thờ, khóc lóc bảo mẹ sinh con giờ nào mà số con khổ thế, bị anh chị đối xử tệ.
Than vãn chán chê, mẹ con chị chuyển về nhà mới ở, từ mặt luôn người anh trai độc nhất. Bất hạnh vẫn chưa tha chị, thằng con trai đến tuổi ẩm ương thì sinh đổi tính đổi nết thích ăn chơi đua đòi. Biết thế nhưng hễ nó ngửa tay xin tiền chị vẫn không cầm lòng được. Khi nhận quyết định đình chỉ học từ nhà trường vì con chị phá hoại của công, thường xuyên bỏ tiết, lại tham gia đua xe trái phép, chị mới tá hỏa. Giờ nhìn thằng con chưa tốt nghiệp nổi cấp 3 suốt ngày chơi bời lêu lỏng, chị thấy tia hy vọng duy nhất của đời mình đã tắt ngấm. Chị hằn học đổ lỗi số phận mà không biết rằng số phận đó do chính mình lựa chọn.
Theo VNE
Hạnh phúc ở trong tâm
Hạnh phúc là gì còn tùy thuộc ở suy nghĩ của mỗi người. Chẳng có chuẩn mực nào cho hạnh phúc cả, càng không thể áp đặt sống như người này, người kia mới là hạnh phúc.
Hồi bé, cứ mỗi chiều mong ngóng mẹ tan làm, để được sà ngay vào lòng mẹ, cứ thế hít hà thứ mồ hôi muối chua chua khen khét bụi đường, cười tít mắt khi được mẹ cho quà là cái kẹo, quả cam, vừa được ăn vừa được mẹ ôm đã thấy thật hạnh phúc.
Lớn lên một chút, lại nghĩ hạnh phúc thật xa xôi. Cái tuổi ổi ương mơ mộng xui khiến đi kiếm tìm, hạnh phúc như điều gì đó mơ hồ, lớn lao, xa tít tắp.
Thêm mười năm nữa đắp cho tuổi ô mai thêm vốn sống, thảng thốt nhận ra rằng hạnh phúc thật ra đơn giản lắm. Chiều cuối ngày quy tụ đủ gia đình, bố cười sảng khoái chơi đùa cùng các con trong khi mẹ tủm tỉm vừa nhìn ngắm "giặc trong nhà" vừa thoăn thoắt đôi bàn tay làm bữa tối. Ăn uống xong xuôi cả nhà chở nhau trên xe đi hóng mát phố phường, tạt quán cà phê quen hay tới thăm ông bà nội ngoại, để thấy ánh mắt già đang ủ rũ bỗng ngời sáng niềm vui. Tuổi già ấy mà, thấy cháu con về chính là hạnh phúc.
Thêm dăm năm nữa, vợ chồng đã tích được của ăn của để, không còn cả nhà chở nhau trên chiếc xe cà tàng đi hóng mát như hôm nào. Giờ đi xe bốn bánh, đổi nhà to hơn, người ngoài nhìn vào bảo "nhà này thật có phúc". Thế mà chẳng thấy vui, vợ chồng tối ngày chúi đầu vào công việc, gặp nhau còn thấy khó, con cái bỏ cho người giúp việc, nhiều lúc thấy chúng thiếu tình thương mà không tìm ra được khoảng thời gian bù đắp. Đùng cái, chồng làm ăn thua lỗ, công ty vợ chuyển đổi nhân sự, tiền bạc trong nhà đội nón ra đi, mất nhà, mất cả xe. Cứ tưởng thôi thế vô phúc, ai ngờ, dắt díu nhau về với ông bà, căn nhà nhỏ lại rộn tiếng cười vui. Vợ chồng chăm chỉ làm lại từ đầu, hết tiền thuê giúp việc phải tự chăm con nhiều hơn, lại thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi các thành viên ở bên nhau, lại thấy mình hạnh phúc.
Cô bạn thân gọi điện bảo bố bạn đang nguy kịch, cả nhà đã về bên giường ông đông đủ nhưng ông chưa thể thanh thản ra đi. Mở mắt thì như không còn biết gì nhưng cứ nhắm là nước mắt lại ứa ra - ông đang đợi con gái út đi học xa nhà chưa kịp về bên bố. Bạn nhờ kiếm giúp một tấm vé máy bay... Sau nhiều nỗ lực cuối cùng cô út cũng về được đến nhà. Người bệnh thấy con thì khẽ cười, gật đầu trút hơi thở cuối cùng, thanh thản ra đi. Cả đời bác sống vui vẻ bên ba người phụ nữ là vợ và hai cô con gái. Căn bệnh nan y cướp bác đi khiến nhiều người khóc thương. Nhưng với số phận một con người, được sống bên những người mình yêu và chết trong vòng tay yêu thương của họ cũng chính là hạnh phúc.
Đứa em họ bỏ chồng, mới rồi tạt nhà chơi tíu tít kể chuyện, "giờ em thanh thản lắm, rũ bỏ được mọi phiền muộn trong lòng". Nó vừa kiếm được một công việc tốt, đã ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống hai mẹ con. Có người còn thương, ngỏ ý muốn cùng nó nuôi dạy thằng cu Tút. Nhìn nó xinh đẹp, trẻ trung hẳn ra. Nhớ lại cảnh sống không bằng chết của nó với người chồng nghiện cờ bạc, gái gú trước đây, thấy nó bỏ chồng lại hóa hay. Hồi ấy, nó chẳng có lúc nào yên. Đi với gái thì chớ, cứ về đến nhà là thằng kia đánh nó nặc tiền. Vốn liếng vợ chồng có bao nhiêu nó đã khổ sở đưa hết cho chồng đi nuôi bố đề. Nhưng thằng kia lúc nào cũng nghĩ nó còn của chìm của nổi. Nhà chồng vô phúc không bảo được con giai, còn vào hùa bênh vực, bưng bít, cấm con dâu lu loa sợ mất mặt với xóm giềng. Nó cứ sợ con không bố thì khổ nên nhùng nhẵng mãi chẳng dám li dị. Giờ nó bảo: "Biết thế này, em giải tán sớm hơn!".
Thế mới hay, hạnh phúc là gì còn tùy thuộc ở suy nghĩ của mỗi người. Chẳng có chuẩn mực nào cho hạnh phúc cả, càng không thể áp đặt sống như người này, người kia mới là hạnh phúc. Gia đình trọn vẹn hay khuyết thiếu, có đôi hay đơn côi, sướng khổ, giàu nghèo, miễn cái tâm mình còn thấy mình vui, thì có nghĩa là mình hạnh phúc. Đơn giản thế thôi, có đâu phải kiếm tìm.
Theo VNE
Tình yêu thương biến đi đâu? Trong hôn nhân tan vỡ, có những người cha là người phản bội, có những người mẹ là người phản bội. Khi người mẹ từ bỏ những đứa con của mình, đó quả là điều đáng sợ. Khi người cha vứt bỏ con mình - điều đó cũng không kém phần đau buồn và bi kịch. Tôi có một người bạn gái rất...