Đó là cuộc sống mà tôi đã chọn lựa…
Anh vừa khóc, vừa nói và bất ngờ kéo tay tôi đặt vào nơi mà tạo hóa ban cho người đàn ông để chứng tỏ quyền lực của phái mạnh và khả năng duy trì nòi giống. Nhưng với anh, những điều đó đã không còn nữa. Thứ mà bàn tay tôi chạm vào chỉ là một mớ thịt da mềm mại, lạnh lẽo…
Ảnh minh họa
Ngày tôi quyết định dọn về sống với anh, má tôi đã khóc ngất. Ba không nói gì, chỉ ngồi lặng lẽ hút hết điều thuốc này đến điếu thuốc khác. Nhìn chiếc gạt tàn đã đầy ắp những mẫu thuốc lá thừa, tôi không chịu nổi nên cầm lấy tay ông: “Ba đừng hút nữa. Con biết con làm điều này mà không được phép của ba má là con mang tội bất hiếu, nhưng con không đành lòng bỏ ảnh ba ơi…”.
Chỉ nói được vậy rồi tôi nghẹn lời. Đến lúc ấy tôi mới thấy những giọt nước mắt đùng đục chảy dài trên mặt ba. Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi thấy đàn ông khóc. Người đầu tiên chảy nước mắt trước mặt tôi chính là anh… Tôi có cảm giác dường như nước mắt đàn ông đục hơn, mặn hơn…
Ba vuốt tóc tôi: “Con làm như vậy không có gì sai. Ba má chỉ lo cho con sau này. Cái chuyện vợ chồng nó rất phức tạp chớ không phải như bạn bè với nhau đâu con à. Rồi còn chuyện con cái nữa… Thằng Minh bị như vậy…”. Nói đến đây, tự dưng ba im lặng. Nhưng ở tuổi 24 của mình, tôi biết phía sau sự im lặng ấy của ba là nỗi lo lắng, xót thương cho đứa con gái của mình sau này không có được một đời sống vợ chồng trọn vẹn.
Ba má cho tôi một lượng vàng, coi như là của hồi môn ngày con gái đi lấy chồng. 20 năm rồi, số vốn liếng ban đầu ấy đã sinh sổi nẩy nở để tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình…
… Tôi trông thấy anh lần đầu ở khu phục hồi chức năng của bệnh viện. Mấy hôm đó, tôi hay tới lui bệnh viện để mang cơm nước cho anh hai tôi đang điều trị thoát vị đĩa đệm ở đó. Khi xách gà-mên cháo đi ngang, tôi thấy một người phụ nữ đã lớn tuổi đang cố gắng đẩy chiếc xe lăn lên bậc thềm. Trông bà thật tội nghiệp. Vậy là tôi chạy đến đẩy phụ một tay. Bà cho biết, người ngồi trên xe là con trai của bà. Anh là công nhân xây dựng bị tai nạn do sập giàn giáo. Hai mẹ con họ đã có “thâm niên” ở bệnh viện gần 6 tháng…
Từ hôm đó, mỗi khi vào bệnh viện, tôi lại ghé qua chỗ mẹ con họ. Gia cảnh họ rất đơn chiếc, chỉ một mẹ, một con. Cứ vài hôm, bà mẹ phải chạy về nhà trên Hóc Môn để “quơ quào” rau trái bán kiếm tiền mang xuống lo cho con. “Hồi đầu, anh em trong công ty còn tới lui thăm viếng; sau này thấy nó nằm lâu nên mọi thứ cũng thưa thớt dần…”- bà mẹ kể với tôi, giọng buồn buồn.
Những hôm ấy, tôi lại tự nguyện thay bà “coi ngó” thằng con đã 28 tuổi đầu nhưng giờ bỗng như một đứa con nít lên ba, ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân cũng không tự làm được… Mới đầu Minh còn e ngại nhưng khi nghe bảo, tôi đang học trường trung cấp y tế và nếu không có người giúp, anh sẽ không thể tự xoay xở được, Minh đành phải nghe lời.
Video đang HOT
Hơn nửa tháng sau, khi ông anh tôi xuất viện, tôi sang chào hai mẹ con. Mẹ anh buồn hiu, còn anh thì cố tình quay mặt đi không muốn cho tôi thấy cảm xúc trên gương mặt mình. Thế nhưng tôi vẫn nhận ra sự buồn bã, tuyệt vọng trong mắt anh. Với di chứng của chấn thương cột sống, anh có thể suốt đời phải cột chặt mình vào chiếc xe lăn.
Chính ánh mắt anh hôm đó đã kéo tôi quay lại bệnh viện. Thoạt đầu chỉ là để giúp đỡ một người bạn cần được giúp đỡ; lâu dần, con đường đến bệnh viện đã quen thuộc đến nỗi mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi lại ghé qua đó thay vì về nhà… Tôi cho anh ăn, giúp anh uống nước, lau mặt cho anh, kể anh nghe những câu chuyện mà tôi đọc trên báo hay xem tivi. Và cả những câu chuyện ở nơi tôi đang thực tập… Tôi thấy những điều đó dường như làm anh vui hơn, sức khỏe chuyển biến tốt hơn.
3 tháng sau, bệnh viện cho anh về nhà nhưng vẫn phải tiếp tục tập luyện, điều trị ngoại trú. Hôm đó là lần đầu tiên tôi đến nhà anh. Nhìn ngôi nhà với khu vườn nhỏ bao bọc xung quanh, tôi nghĩ nơi đây sẽ tốt cho sức khỏe của anh hơn nên cũng yên tâm.
Thế nhưng, số phận dường như lại trêu đùa với Minh một lần nữa. Chưa đầy 1 tháng sau, mẹ anh ngã bệnh và ra đi đột ngột… Đến khi ấy tôi mới biết Minh vẫn còn mấy bà chị đi làm ăn xa. Ngày hay tin mẹ mất cũng là ngày họ về bàn bạc với nhau chuyện chia chác miếng vườn và ngôi nhà của mẹ. Tôi thấy Minh mím chặt môi rồi những giọt nước mắt từ từ lăn dài trên má… Một nỗi xót thương tràn ngập lòng tôi.
Cuối cùng thì họ quyết định bán phần lớn miếng vườn chia nhau; chỉ chừa lại cho Minh ngôi nhà để thờ cúng và 200m2 đất quanh nhà.
Xong đám, mọi người đi hết, chỉ còn tôi ở lại. Tôi muốn nghe Minh nói anh sẽ sống ra sao với những ngày tháng trước mặt. Đôi chân anh vẫn bị liệt, hai tay thì có đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể cầm nắm một cách tự nhiên. Nhìn anh trong bộ dạng hiện tại, tôi biết cơ hội để anh trở lại cuộc sống bình thường gần như là một con số không. Khi nghe tôi nói điều này, đột nhiên Minh quát lên: “Em về đi. Đừng có ở lại đây làm phiền anh nữa”. Tôi bực bội dắt xe ra nhưng đến đầu ngõ lại quay vào: “Nhưng em phải sắp xếp mọi thứ cho anh đã”.
Tôi ra giếng xách nước đổ đầy các thau chậu; gạo, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn… tôi kê một cái kệ thấp vừa tầm với của anh. Tôi đập bỏ luôn cái ngạch cửa phòng tắm để anh có thể lăn xe ra vô dễ dàng… Tôi làm xong thì đã hơn 10 giờ đêm. Đến lúc đó, thấy tôi dắt xe ra, anh lại quát: “Ở lại đi, giờ này mà còn đi đâu?”. Nhưng tôi nhất quyết ra về. Mấy chục cây số từ Hóc Môn về nhà giữa đêm khuya không làm tôi lo lắng bằng việc bỏ anh lại một mình.
3 ngày sau tôi lại xuống “để xem anh còn sống không?”. Vừa trông thấy tôi, mắt anh sáng lên nhưng lại vội làm ra vẻ… không quan tâm. Tôi ngạc nhiên thấy nhà cửa gọn gàng, nồi cơm vẫn còn lại một ít nóng hổi. Mấy cái đọt rau muống luộc xanh um. Keo thịt chà bông tôi làm cho anh đã vơi khá nhiều.
Anh khoe mấy hôm nay đã tập luyện đầy đủ các bài tập mà tôi căn dặn: tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế, tập di chuyển tại giường, tập di chuyển từ giường ra xe lăn, tập làm mạnh cơ, tập thăng bằng ngồi tĩnh và động, tập đi, tập với các dụng cụ trợ giúp… Tôi nhìn anh, thấy lòng dâng lên một niềm vui thật khó tả. Giá như anh không tật nguyền thì có lẽ, chung quanh anh không thiếu gì đàn bà con gái bởi công bằng mà nói, anh có khuôn mặt rất đẹp…
Cứ vậy, cho đến một ngày, tôi đến thăm anh và không muốn về nữa. Hôm đó anh ôm tôi vào lòng và lặng lẽ khóc. Anh kể cho tôi nghe về mối tình đầu của mình. Cô gái ấy chỉ đến thăm anh 3 lần sau ngày anh bị nạn rồi không thấy quay lại. Còn tôi như một món quà quý mà ông trời đã đền bù cho anh giữa lúc anh tuyệt vọng, đớn đau nhất. Thế nhưng giờ đây anh không dám nhận món quà ấy bởi anh biết mình không thể làm chồng, làm cha…
Anh vừa khóc, vừa nói và bất ngờ kéo tay tôi đặt vào nơi mà tạo hóa ban cho người đàn ông để chứng tỏ quyền lực của phái mạnh và khả năng duy trì nòi giống. Nhưng với anh, những điều đó đã không còn nữa. Thứ mà bàn tay tôi chạm vào chỉ là một mớ thịt da mềm mại, lạnh lẽo…
Tôi đã khóc không chỉ một lần. Tôi khóc vì thương anh, vì giận mình và vì không thể thoát ra được những thứ bùng nhùng trong suy nghĩ. Nếu chấp nhận anh, có nghĩa là tôi sẽ không thể sống một cuộc đời bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác. Tôi vẫn còn có cơ hội lựa chọn, bởi anh chính là người đã xua đuổi, từ chối tôi…
Cuối cùng tôi đã chọn ở bên anh.
20 năm qua, nhiều người không tin cuộc hôn nhân của chúng tôi kéo dài đến vậy. 20 năm ấy, nếu nói tôi hoàn toàn hạnh phúc là tôi đã dối lòng. Có những lúc tôi đã khóc thầm, có những lúc tôi đã bức bối muốn thoát ra khỏi những gông xiềng mà chính mình đã cột vào đời mình. Có cả những khoảng thời gian dài, tôi không xem tivi, không lên mạng, không đọc báo, không nghĩ ngợi gì cả… Tôi lục lọi tìm kiếm những món ăn bài thuốc để có thể làm tắt đi mọi ham muốn, đòi hỏi đang cấu xé cơ thể mình. Tóm lại là có những khi, tôi bị “stress toàn tập”, thậm chí tôi đã muốn “đánh bắt xa bờ” như trong một bài viết được đọc gần đây…
Thế nhưng, khi đối diện anh, tôi lại không thể làm khác hơn. Đơn giản vì tôi yêu anh, tôi đã chọn hi sinh vì anh như tín đồ chọn hiến dâng cho đức tin của mình.
Mấy năm trước, có người bảo tôi đi làm thủ thuật thụ tinh nhân tạo để có một đứa con “hủ hỉ tuổi già” nhưng tôi đã từ chối. Tôi muốn dành tất cả sự yêu thương chăm sóc cho anh. Với tôi, niềm vui mỗi ngày vẫn là được tắm cho anh, được xoa bóp đôi chân đã không thể phục hồi của anh, được nấu cho anh những món ăn ưa thích, thậm chí là được “chọc ghẹo” cái biểu tượng đàn ông đã ngủ yên của anh để rồi bực mình vì thấy nó vẫn không chịu thức giấc…
44 tuổi, tôi vẫn hi vọng và chờ đợi; đôi lúc thấy mình sao quá khác biệt…
Theo NLĐ
Hậu ly hôn, đừng biến nhau thành kẻ thù
Người ta nói, vợ chồng sống bao năm với nhau, có chia tay, hết tình vẫn còn nghĩa. Thế nhưng, có những cặp, sau bản án của tòa, họ ngoảnh mặt coi nhau là kẻ thù không đội trời chung.
Hận... không biết lý do
Thu Hà, ngụ quận 9, TP.HCM từng nhiều lần chia sẻ với bạn bè: Với tôi, không có khái niệm "không yêu thì làm bạn". Vợ chồng đã ly hôn rồi thì thôi, dứt tình hết nghĩa, ngoảnh mặt coi nhau là xa lạ cho nó lành! Những tưởng nói vậy trong lúc nóng giận mới ly hôn, không ngờ càng về sau, Thu Hà càng ứng xử quá hơn những gì mình nói. Cô không chỉ coi chồng cũ là người xạ lạ, mà còn là "kẻ xấu", không muốn nhìn mặt.
Ly hôn, nhận nuôi con, theo thỏa thuận thì cứ cuối tuần là Trung, chồng Thu Hà đến đón con đi chơi. Thế nhưng, trước khi Trung đến, bao giờ Thu Hà cũng tìm mọi cách lánh mặt. Thậm chí, cô thà để cậu con trai 6 tuổi ở nhà chờ ba còn hơn phải trông con để bắt buộc đụng mặt "thằng cha ấy". Mà có phải vợ chồng họ ly hôn vì anh mèo mả, vô trách nhiệm hay đánh đập vợ con gì cho cam?
Yêu nhau 4 năm, lấy nhau về mới một năm họ đã lộ nhiều khác biệt quá lớn mà lúc yêu họ không nhận ra. Rồi cũng cố gắng có con mong hóa giải mâu thuẫn, nhưng càng ngày càng thấy xa nhau hơn. Chịu hết thấu, họ ly hôn. Lỗi là lỗi chung, nhưng nhìn cái cách mà Thu Hà đối xử với chồng cũ, nhiều người cứ nghĩ anh đã làm gì đó ghê gớm lắm với vợ.
Chuyện của Thu Hà, thì chỉ mình cô coi chồng là "kẻ địch", còn câu chuyện vợ chồng Thanh Nam - Hoàng Yến (ngụ Tây Ninh) thì cả hai đều cùng coi nhau là kẻ thù. Đến bây giờ, người thân và chung quanh cũng chẳng hiểu thực chất ai mà mới người có lỗi khi cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Chỉ biết Hoàng Yến đi rêu rao là chồng mình trai gái, mèo mả, bị cô bắt quả tang nên bỏ, còn Thanh Nam thì đi kể với bạn bè, anh bỏ vợ vì bị vợ cắm sừng. Gặp nhau ở bất cứ đâu, họ lên tiếng móc mỉa, xỉa xói nhau không tiếc lời, khiến bạn bè chung của cả hai phát sợ, và tự biết rằng, buổi họp bạn có người này thì đừng rủ người kia.
Những đứa trẻ tội nghiệp
Chuyện những cặp "người cũ" thù hằn nhau, nếu chỉ nằm trong vòng là cảm xúc, là cách đối đãi của họ với nhau thôi, thì không nói làm gì. Với cách ứng xử thù địch ấy, họ còn làm ảnh hưởng đến những người thân của mình, mà nhất là những đứa con vô tội cần tình thương của cả cha lẫn mẹ.
Cuộc ly hôn của Hạnh và Phi (Tân Phú, TPHCM) không chỉ là sự tan vỡ của mái ấm riêng họ, mà còn là sự rạn nứt của hai gia đình thông gia, vốn trước kia thân nhau như anh em. Vì thân nhau nên mới làm mai mối gả con cho nhau, những mong thắt chặt tình nghĩa. Ai ngờ hai đứa con, sau khi ly hôn xong thì chẳng thèm nhìn nhau, rồi ghét luôn cha chồng mẹ chồng , cha vợ mẹ vợ của mình. Họ tìm mọi cách bài xích nhau, chê bai nhau, chê bai cả gia đình nhau, rồi bất kính cả với những người trên. Để đến bây giờ, hai nhà thông gia gặp nhau cũng ngượng ngùng khó nói chuyện bởi cách hành xử của hai đứa con.
Nhưng người lớn thì cũng chẳng là vấn đề to tát, chứ còn sự thù hằn nhau của cha mẹ mà ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ thì đáng bàn hơn nhiều. Bé Lệ Nhi, 7 tuổi, con của hai vợ chồng Lệ và Tín (Đồng Nai), vốn là một đứa trẻ tươi vui, nhưng từ khi cha mẹ ly hôn, chẳng bao giờ thấy ở cháu một nụ cười, lúc nào cháu cũng rầu rầu già trước tuổi.
Hóa ra, cha mẹ cháu sau khi ly hôn thì trở mặt với nhau, cháu chỉ được gặp một là mẹ hai là cha chứ không còn được hưởng tình thương ấm áp nữa. Mẹ cháu, khi nhìn cháu lại nhớ đến người chồng bội bạc, thường mắng con: Cái mặt như thằng cha mày. Còn cha cháu, gặp cháu lại thở dài: Chẳng biết mày lớn lên có nanh nọc như con mẹ mày không nữa! Rồi họ thi nhau nói xấu người kia trước mặt Lệ Nhi, khiến cháu bé hoang mang chẳng còn biết cha mẹ mình là người thế nào. Những lời nói, hành động của người lớn vô tình làm cháu ngày càng tổn thương tinh thần, xa cách cả mẹ lẫn cha và rút vào vỏ ốc của riêng mình.
Có một nhà tâm lý đã nói, vợ chồng sống với nhau bao năm chữ tình, chữ nghĩa, không thể nói quên là quên sạch, phủ là phủi trơn. Vợ chồng chia tay nhau, tốt nhất, có thể gọi nhau bằng hai tiếng: Người thân! Những người thân đã cùng nhau chia sẻ một đoạn đời, sinh ra những đứa trẻ. Đừng để tâm hồn mình, tâm hồn con trẻ hằn thêm những vết thương vì sự thù oán.
Theo VNE
Tình yêu mù quáng của người phụ nữ đã có chồng Cuộc sống gia đình đang yên bình thì M bị vướng vào một mối tình câm không lối thoát. Suốt ngày cô mơ tưởng đến sếp, ngay cả khi đang trong vòng tay của chồng... Run rẩy khi vô tình gặp sếp M khá xinh đẹp, lấy chồng cách đây 10 năm và đã có một đứa con gái. Cuộc sống gia đình...