Dở khóc dở cười chuyện sinh viên đi học hộ
Học hộ… rất phổ biến
“Mai tớ về quê, cậu đi học hộ tớ 1 hôm nhé?”
“Mai bạn gái tớ ra chơi, cậu đi học hộ tớ 1 buổi nhé?”
“Ơ, bạn nào trong lớp mình mà lạ thế nhỉ? – Nói nhỏ thôi. Cậu ấy học hộ bạn Lan đó. Hôm nay người yêu cậu ấy ra đây chơi”.
Những câu nói này đã trở lên quá quen thuộc với các bạn sinh viên hiện nay.Vì đã quen rồi nên cũng chẳng bạn nào ngại ngần nữa. Vì thế tình trạng sinh viên đi học hộ hiện nay khá phổ biến trong các lớp học của các trường đại học, cao đẳng.
Lí do thật đơn giản
Hầu hết các sinh viên nhờ người khác đi học hộ chỉ để điểm danh cho minh. Vì nếu nghỉ học mà thầy giáo điểm danh thì sẽ mất điểm chuyên cần. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học thì sẽ không được thi môn đó. Điểm chuyên cần là điểm điều kiện để các bạn sinh viên được tham gia kì thi lần 1. Vì thế nên khi nghỉ học các bạn cũng không thể quên nhờ người khác đi học hộ cho mình. Đây là lí do chính của tình trạng học hộ trong giới sinh viên hiện nay.
Và với các bạn sinh viên thì có hàng ngàn lẻ một lí do để phải nghỉ học. “Vì là dịp cuối tuần nên mình muốn nghỉ ngày thứ 7 để về quê. Nếu đi học thì phải chiều mình mới về được, như thế muộn mất, và ở nhà được ít quá.” – Vũ, Đại học Mỏ địa chất chia sẻ. Còn với Thủy, Đại học Thương mại Hà Nội thì chỉ đơn giản là: “Thỉnh thoảng người yêu mình lên chơi, mình phải ở nhà chứ.”…Hay hôm đó mình phải đi chơi cùng mấy đứa bạn hồi cấp III, mình đi tham dự triển lãm ảnh…Có rất nhiều lí do tưởng chừng như rất chính đáng, nhưng cũng rất “sinh viên” được các bạn đưa ra để giải thích cho việc phải nhờ người khác đi học hộ của mình.
Không thể phủ nhận những bạn có lí do hoàn toàn chính đáng như ốm hay có việc bận đột xuất nhưng đa phần sinh viên nhờ bạn đi học hộ chỉ vì những lí do hết sức đơn giản trên mà thôi. Và nguyên nhân sâu xa của những lí do đó theo quan điểm chủ quan của người viết là do tư tưởng của các bạn đến lớp chỉ để điểm danh, lấy điểm chuyên cần cho đủ điều kiện dự thi mà thôi. Với các bạn đó thì có lẽ kiến thức trên lớp không quá quan trọng nên “ở nhà đọc giáo trình cũng hiểu” – Triều, Đại học Mỏ địa chất nói.
Video đang HOT
Những tình huống dở khóc dở cười
Hôm đó là tiết học môn “Cơ sở lí luận báo chí” của lớp tôi. Vừa đến lớp tôi đã thấy một bạn lạ. Vì đã quá quen với những chuyện đi học hộ nên tôi quay sang hỏi cậu bên cạnh: “Cậu kia đi học hộ ai vậy ?” - ” Học hộ cậu B đó. Hôm nay cậu ấy về quê”. Những tưởng buổi học cứ thế trôi đi, khi cô giáo đã điểm danh xong. Nào ngờ lại xảy ra tình huống dở khóc dở cười cho cậu bạn đi học hộ kia. Hôm nay cô giáo không lấy tinh thần xung phong như mọi hôm nữa mà gọi theo danh sách để lên bảng làm bài tập. Run rủi làm sao lại gọi đúng tên thật của cậu bạn đó. Thế là cậu quên luôn mất rằng mình đang đi học hộ cho bạn mình. Vì hôm đó cậu bạn lớp tôi có tên giống tên thật của cậu ấy thì lại nghỉ học. Thế nên chẳng ai tranh của cậu ta cả, nên cậu cứ hồn nhiên lên bảng trả lời câu hỏi. Cả lớp thấy lạ nhưng ai cũng hiểu cả nên chỉ im lặng. Chỉ đến khi cô gọi đến tên B thì cậu ta mới giật mình. Đó mới là tên của cậu ngày hôm nay. Mà lên bảng 2 lần thì không thể được. Cô giáo sẽ biết. Cậu bạn đỏ mặt, lúng túng. Nhưng cũng may là mấy cậu bạn ngồi cùng bàn nhanh trí nên đã đứng lên trả lời giúp.
Không chỉ dở khóc dở cười khi nhầm lẫn giữa tên thật của mình và tên người mình đi học hộ, mà khi đi học hộ phải làm bài kiểm tra hộ cũng thật đến khổ. Quyến, sinh viên Đại học Mỏ địa chất cũng từng phải rơi vào tình huống này khi đi học hộ cậu bạn cùng phòng. Quyến kể: “Cứ nghĩ đi học hộ cũng đơn giản như mọi lần trước thôi. Ai ngờ hôm đó lớp cậu ấy phải làm bài kiểm tra. Mà lại đề chẵn lẻ xen kẽ. Thật không biết phải làm như thế nào. Quay sang thì hai cậu bạn bên cạnh làm khác đề. Ngó lên bàn trên thì sợ thầy giáo chú ý. Thế là phải nhắn tin về hỏi cậu bạn kia. Nhưng cũng không làm được vì mình chưa được học”.
Rủi ro khó lường
Khi được hỏi “đi học hộ các bạn không sợ bị các thầy cô phát hiện à?” thì hầu hết các bạn sinh viên đều có chung 1 câu trả lời: “Các thầy cô không nhớ được hết mặt sinh viên đâu. Giảng đường thì rộng, sinh viên thì đông, nhớ làm sao được.” Vì thế tình trạng học hộ đến nay vẫn chưa có một lời giải đáp nào thỏa đáng. Sinh viên vẫn cứ hồn nhiên đi học hộ nhau với tinh thần “Bạn bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn”. Nhưng không biết các bạn có nghĩ rằng nếu bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng? Nhẹ thì bị cảnh cáo, trừ hạnh kiểm, thậm chí bạn có thể bị đuổi học nữa.
Học hộ… bao giờ mới chấm dứt?
Vì tình trạng thầy không nhớ mặt trò, trò thì luôn “sẵn lòng giúp đỡ nhau” nên tình trạng sinh viên đi học hộ chẳng biết khi nào mới có thể chấm dứt. Mặc dù rất nhiều trường đã có những biện pháp cứng rắn nhưng vẫn không ngăn chặn được sinh viên học hộ. Vì sinh viên thường bao che cho nhau nên không dễ dàng có thể phát hiện ra những sinh viên đi học hộ để xử lí. Để ngăn chặn tình trạng đang ngày càng phổ biến trong sinh viên này có lẽ cần sự tham gia không chỉ của nhà trường, của các thầy cô giáo mà rất cần sự vào cuộc của những bạn sinh viên có tính thần, trách nhiệm với chính mình và bạn bè của mình.
Theo Mực tím
Sinh viên làm gì trong giờ học?
Hoạt động của sinh viên trong giờ lên lớp rất "phong phú", "đa dạng", vì mỗi người sẽ chọn cho mình một cách tiếp thu khác nhau.
Khi lười học, khi môn học ấy "cực kì chán", khi không hứng thú, khi vì một vài lí do không chính đáng, sinh viên có thể cúp học bất cứ lúc nào. Nhưng nếu có điểm danh, bắt buộc đi, thì họ sẽ miễn cưỡng đến trường. Và họ làm gì trong giờ học?
Chăm chú nghe giảng (chiếm rất ít)
Biểu hiện: Thường ngồi bàn đầu, chăm chú nghe giảng, tích cực phát biểu, đặt vấn đề hỏi lại thầy cô, siêng làm bài tập, chép đầy đủ nội dung trong bài giảng, ghi chú thêm một số điều không có trong sách vở, lúc có thuyết trình thì hăng say nghe, hăng say đăng kí, hăng say đặt vấn đề. Dù môn học có chán cách mấy, dù buồn ngủ đến thế nào, họ vẫn lắng nghe với phương châm "thà học nhiều còn hơn bỏ sót". Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, họ mới nghỉ học. Tóm lại, họ là "ngọc trong đá", lâu lâu mới thấy được một người.
Nói chuyện
Biểu hiện: Thường ngồi bàn giữa hoặc bàn cuối, đôi khi ngồi bàn đầu. Họ tụm lại với nhau theo từng cặp, hay một nhóm ba người, bốn người. Họ nói rất khẽ, và họ hăng say vào câu chuyện, quên cả không gian, thời gian. Khi có một số nội dung cần ghi chú, họ sẽ "nghỉ ngơi" để chép miệt mài, sau đó tiếp tục tán chuyện. Chủ đề họ nói là vô cùng bao la, rộng lớn, họ tập trung, lao lực hết mực chỉ để được nói, được trò chuyện và xua tan đi nỗi uể oải chán chường. Thời điểm nói chủ yếu vào lúc khoảng 30 phút tính từ khi tiết học bắt đầu, và có thể kéo dài cho đến khi nghỉ giữa giờ, thậm chí đến cuối tiết học.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Suy nghĩ bâng quơ
Biểu hiện: Nhìn giảng viên, nhìn bảng, nhìn quanh lớp, nhìn ra cửa sổ, sau đó tập trung nhìn về một điểm nào đó nhưng tâm trí vẫn hướng về những điều xa xôi, chẳng hạn như mai này mình sẽ ra sao, làm gì, "nửa kia" của mình là ai, ngày mai nên đi uống cà phê hay xem đá bóng, tối nay không ngủ thì nên làm gì, giờ này ba mẹ đang thế nào... Có khi giảng viên kể một câu chuyện, họ bị đắm chìm trong câu chuyện ví dụ đó, và tưởng tượng thêm một vài tình tiết khác cho đến cuối giờ...
Giết thời gian
Biểu hiện: Họ nguệch ngoạc vài dòng lên giấy, vẽ những gì mình tưởng tượng, hớp một ngụm nước, ăn một viên kẹo, lấy máy tính ra bấm, chọc ghẹo người ngồi kế bên, mân mê quyển sách, liếc sang chiếc đồng hồ của tên ngồi trước, nhìn sang một bạn nữ đáng yêu, xem cách trình bày slide trên máy chiếu... Nói tóm lại, họ làm những việc không tên vô nghĩa để mong thời gian trôi qua thật mau. Nhưng thường thì càng trông đợi, càng thấy mọi thứ diễn ra vô cùng chậm...
"Ôm" điện thoại
Thời hi-tek, chiếc điện thoại là "vật bất li thân", thế nên cứ 5 phút, sinh viên lại lôi điện thoại ra xem giờ cũng không còn là chuyện lạ. Đôi khi họ sẽ nhắn tin qua lại, chat, vào web, nghe nhạc, hoặc chơi game trên điện thoại. Hết pin, đôi khi họ sạc trực tiếp trong giảng đường! Thời gian trôi, họ mải mê với chiếc điện thoại...
Ngủ
Ban đầu, họ cố chống cằm và nghe giảng chăm chú để xua tan đi cơn mệt mỏi. Rồi họ gục xuống bàn (tai vẫn chăm chú nghe giảng, chỉ là họ hơi buồn ngủ tí thôi), sau đó họ ngủ quên từ khi nào chẳng rõ. Cho đến khi có một tràng pháo tay, một câu nói nhấn mạnh, một tiếng ồn lạ nào đó, họ mới sực tỉnh, và với cái đầu nhức như búa bổ (do ngủ chưa đủ giấc và do ngủ gật), họ tiếp tục nghe giảng mà đầu trống rỗng, chẳng có khái niệm rõ rệt...
Có vẻ như là siêng năng, nhưng...
Biểu hiện: Họ ngồi thẳng, im lặng và ghi chép, nhưng họ nghe "tiếng được tiếng không", vì họ lắng nghe như phản xạ, nhưng đầu óc mải mê nghĩ đến những chuyện khác, hay lo ra, muốn được về... Đôi khi họ sẽ che miệng ngáp, gục đầu xuống rồi lại thẳng người ngay, tiếp tục nghe giảng... Thi thoảng họ lại xem đồng hồ, lôi điện thoại ra nhắn tin, nói chuyện với bạn bên cạnh... Tóm lại, họ hoạt động rất nhiều, mà tiếp thu được bao nhiêu thì chỉ có họ mới hiểu...
o0o
Dù họ làm gì trong giờ học đi chăng nữa, thì khi hết giờ, họ đều có chung một điểm: gương mặt tỉnh táo, thoải mái vô cùng và hứng khởi khi... ra về.
Theo Mực tím
Khóc, cười vì ngành... "hot" Chọn nghề "hot", nghề thời thượng... đang trở thành "căn bệnh" của nhiều học sinh trung học trước ngưỡng cửa đại học. Do không được định hướng kỹ, nhiều bạn không hiểu gì về ngành mình đã chọn và rơi vào tình thế dở khóc dở cười khi ra trường. Nguyễn Ngọc Thảo, nhớ lại hồi làm hồ sơ thi đại học (ĐH),...