Đồ ăn của Obama được kiểm tra thế nào khi công du nước ngoài
Nhân viên Nhà Trắng mang theo thực phẩm từ Mỹ và được biết trước thực đơn của tiệc chiêu đãi chính thức để chế biến riêng cho ông Obama.
Tổng thống Obama ăn kem tại một nhà hàng. Ảnh: AP
Khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài, các nhân viên thường mang theo thực phẩm từ Mỹ, theo Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách Standing Next to History với Joseph Petro, mật vụ làm việc 23 năm cho Nhà Trắng. Tổng thống cũng mang theo một đoàn đầu bếp và những người phục vụ, những người này mua thực phẩm và chuẩn bị thức ăn cho tổng thống riêng biệt trong một nhà bếp, dưới sự giám sát của mật vụ để đảm bảo không ai can thiệp.
Cựu mật vụ Joseph Petro nói rằng “về nguyên tắc, không có thực phẩm nào được tiếp cận tổng thống nếu chúng tôi không biết rõ nó đến từ đâu và ai là người chế biến”, để đề phòng nguy cơ thức ăn nhiễm độc.
Ông Petro tiết lộ khi tổng thống ra nước ngoài, nhân viên Nhà Trắng sẽ được cho biết trước thực đơn của bữa tiệc chiêu đãi chính thức. Các nhân viên Nhà Trắng sẽ mang đúng những nguyên liệu đó từ Mỹ và chế biến riêng cho tổng thống. Như vậy, về bề ngoài, đồ ăn của tổng thống sẽ giống các thực khách khác, nhưng thực chất, các mật vụ đã kiểm soát thực phẩm.
John Burgess, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết trên trangQuora rằng khi tổng thống đến một nhà hàng địa phương tại Mỹ, sẽ có rất ít người biết điểm dừng chính xác của ông và các mật vụ phải đảm bảo nhà hàng không có thức ăn nhiễm độc. Mật vụ có thể sẽ theo dõi khi đầu bếp nhà hàng chế biến.
Khi công du nước ngoài, nếu món ăn được chế biến bởi đầu bếp nước bạn thì một người từ phòng bếp Nhà Trắng sẽ có mặt trong giai đoạn thức ăn được chuẩn bị và phục vụ.
Burgess nói thêm rằng, trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi tổng thống dùng bữa tại Cung điện Buckingham hoặc Elysée, mật vụ có thể tin tưởng rằng sẽ không thể có một vụ ám sát xảy ra và để nước chủ nhà tự đảm bảo an toàn thực phẩm cho tổng thống.
Video đang HOT
Đồn đoán về người thử thức ăn
Theo Washington Times, mật vụ Mỹ thường giữ kín thông tin về các biện pháp bảo vệ tổng thống, tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng có một nhân viên được chính thức bổ nhiệm để thử tất cả đồ ăn của ông Obama.
Những đồn đoán về người thử thức ăn của ông Obama dấy lên nhiều vào tháng 3/2013, khi tổng thống không dùng bữa với các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong khi các nghị sĩ thưởng thức món ăn gồm tôm hùm, khoai tây chiên và bánh việt quất, tổng thống không hề đụng dao dĩa.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins cho rằng tổng thống không thể dùng bữa vì vấn đề an ninh. “Rõ ràng là ông ấy phải có người thử món ăn. Tôi nói với ông ấy rằng tất cả chúng tôi đều là người thử món ăn cho ông ấy, rằng nếu thực phẩm bị nhiễm độc thì tất cả chúng tôi đã quỵ xuống rồi”, bà Collins nói.
Thông tin này khiến phe bảo thủ mỉa mai rằng ông Obama muốn được đối xử như “ông hoàng”. Mật vụ đã từ chối bình luận về bữa trưa năm 2013 này.
Năm 2012 cũng xuất hiện thông tin về người thử món ăn cho ông Obama, khi Tolan Florence, vợ của đầu bếp nổi tiếng Tyler Florence, người chuẩn bị thức ăn cho một sự kiện ở Tampa, Florida, viết trên Twitter rằng một người được gọi là đầu bếp Andrew ở Nhà Trắng đã thử các món ăn. Nhưng chỉ vài giờ sau, cô đã xóa bài đăng này và danh tính của đầu bếp Andrew vẫn còn là điều bí ẩn.
Cũng có thông tin về người nếm thử thức ăn cho ông Obama trong các chuyến công du nước ngoài. Tháng 11/2010, trước khi tổng thống thăm chính thức Ấn Độ, truyền thông địa phương đưa tin rằng một nhóm bác sĩ của bệnh viện JJ ở Mumbai được điều động để làm người thử thức ăn. Tuy nhiên, trang dnaindia sau đó đưa tin rằng các bác sĩ không làm việc đó, vì phía Mỹ có sự chuẩn bị riêng.
Khi ông Obama tới Paris năm 2009, một người bồi bàn Pháp tại nhà hàng La Fontaine de Mars nói với AFP rằng một thành viên trong đội ngũ an ninh đã thử tất cả món ăn.
Tuy nhiên, cựu mật vụ Joseph Petro và cựu nhân viên ngoại giao Burgess đều bác bỏ việc này, nói rằng không có người thử thức ăn, chỉ có người giám sát nguồn thực phẩm và quy trình chế biến.
Walter Scheib, một cựu đầu bếp của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Bill Clinton và George W. Bush thì cho rằng việc có người nếm thức ăn cho tổng thống hay không không phải vấn đề to tát và không thể mỉa mai tổng thống về vấn đề này. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo thức ăn của tổng thống không bị nhiễm độc.
“Đừng mô tả việc này như kiểu người thử thức ăn thời Trung Cổ, nó không đúng trong trường hợp này”, Scheib nói.
“Khi các mật vụ ở trong một tình huống có ít kiểm soát, cho dù đó là nhà của một thượng nghị sĩ hay một cửa hàng burger, các mật vụ có thể làm mọi việc để thu hẹp nguy cơ nguy hiểm”, Scheib nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Đội cảnh khuyển hộ tống tổng thống Mỹ ở nước ngoài
Những con chó nghiệp vụ đảm nhận việc cảnh giới và phát hiện các dấu hiệu khả nghi trong phạm vi 100 m xung quanh tổng thống Mỹ.
Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ thường được tuyển chọn kỹ lưỡng và phải trải qua một quá trình huấn luyện gắt gao. Ảnh minh họa: AFP
Mỗi lần tổng thống Mỹ công du nước ngoài, một đội ngũ nhân lực, vật lực hùng hậu lại được huy động. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đứng đầu Nhà Trắng, bên cạnh các nhân viên an ninh, mật vụ tinh nhuệ, những đội chó nghiệp vụ cũng là thành phần không thể thiếu.
Ở các nước phương Tây, người ta thường gọi chung đội chó nghiệp vụ là Đơn vị K9. Những con chó thường được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và phải trải qua quá trình huấn luyện gắt gao nếu muốn làm thành viên của lực lượng này.
Hồi đầu năm ngoái, trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama, các nhân viên mật vụ Mỹ cũng đưa tới thủ đô New Delhi một Đơn vị K9 vô cùng thiện chiến. Theo tờ Express Tribune, cơ quan an ninh đã triển khai tới 40 chó nghiệp vụ để bảo vệ ông Obama.
Đội chó nghiệp vụ là một lực lượng chủ chốt trong đoàn hộ tống tổng tư lệnh nước Mỹ. Chúng thường đảm nhận nhiệm vụ phát hiện những dấu hiệu khả nghi, tìm kiếm các đầu mối tiềm ẩn nguy hiểm ở phạm vi khoảng 100 m xung quanh tổng thống.
Đơn vị K9 của mật vụ Mỹ thành lập từ năm 1977 và sử dụng ngân sách liên bang để duy trì hoạt động. Lực lượng này sở hữu khoảng 75 con chó, mỗi con có giá khoảng 9.000 USD. Các chuyên gia sẽ huấn luyện chúng tầm 5 tháng tại một cơ sở rộng hơn một triệu mét vuông, đặt ở bang Maryland, trước khi cho gia nhập lực lượng.
Chó nghiệp vụ thuộc Đơn vị K9 của Mỹ chủ yếu thuộc giống bec-giê Đức và Bỉ. Ngoài ra, K9 cũng chỉ chấp nhận những con chó trưởng thành. Kỹ năng nổi bật của chúng là đánh hơi, can thiệp và xử lỷ nhanh chóng những kẻ tấn công.
Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ có thể ngửi thấy cả các dấu vết chất nổ đã cũ, ví dụ như RDX, thuốc nổ đen hay thiết bị nổ cải tiến (IED). Khả năng phản ứng của chúng cũng rất nhanh nhạy và linh hoạt. Ngay khi nhận hiệu lệnh, chúng sẽ lập tức khống chế mục tiêu chỉ trong chớp mắt. Vận tốc chạy trung bình của chó nghiệp vụ K9 Mỹ đạt khoảng 40 - 50 km/h. Cú đớp của chúng được đánh giá là rất nguy hiểm. Một khi đã cắn mục tiêu, chúng chỉ nhả ra nếu có chỉ thị từ người điều khiển.
Theo như lời miêu tả của các mật vụ Mỹ, những con chó nghiệp vụ thường tỏ ra thân thiện, gần gũi khi ở bên cạnh trẻ em nhưng sẽ trở nên hung dữ và hành động quyết đoán lúc đối mặt với các đối tượng gây nguy hiểm. Mắt chúng có phạm vi quan sát lên tới 270 độ và chúng "lao nhanh như một viên đạn". Chính vì thế, ngay cả các binh sĩ quân đội cũng ưa dùng chó nghiệp vụ. Một con chó K9 giống Malinois thậm chí từng tham gia sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.
Chó nghiệp vụ Mỹ cũng hưởng lương và được thăng chức trong quá trình làm việc. Chúng sẽ nghỉ hưu sau khoảng 10 năm cống hiến. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, một số con còn có thể lưu trú cùng chủ của chúng tại các phòng khách sạn hạng sang.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Các lớp bảo vệ tổng thống Mỹ ở nước ngoài Hàng rào an ninh bảo vệ tổng thống Mỹ được phân làm ba lớp nhằm đảm bảo không ai có thể bất ngờ tiếp cận hay gây nguy hiểm cho người đứng đầu Nhà Trắng. Các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống trấn thủ lớp an ninh trong cùng, đảm bảo an toàn cho ông chủ Nhà Trắng. Ảnh minh...