Điều tra vụ học viên bị thầy đánh tím bầm vì nghi trộm điện thoại
Chiều 10/4, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhận hồ sơ trình báo việc 2 học viên Đinh Nhất Nam và Nguyễn Hà Nam bị thầy giáo đánh bầm tím người vì nghi vấn trộm điện thoại.
Trước đó, ngày 8/4, cháu Nguyễn Hà Nam, 13 tuổi, là học viên bộ môn lặn tại Trung tâm Đào tạo Vận động viên cấp cao Hà Nội đi xe khách về nhà tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong trạng thái toàn thân bị tím bầm. Sau đó, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Theo trình báo của gia đình cháu Hà Nam, chiều 7/4, khi Nam đang tập luyện thì thầy L. và thầy V. là huấn luyện viên đến gọi Hà Nam và Đinh Nhất Nam lên phòng hỏi có đi chơi game không? Nhất Nam trả lời có liền bị bắt nắm hai tay vào thành giường, nằm ra ghế rồi thầy đánh.
Thầy hỏi Hà Nam có đi chơi cùng không, Nhất Nam trả lời có. Nhất Nam còn nói rằng đã cùng Hà Nam ăn trộm điện thoại của bạn cùng phòng rồi mang ra làng Tân Mỹ bán lấy tiền chơi game. Hà Nam không nhận liền bị thầy giáo đánh.
Làm việc với gia đình 2 em tại cơ quan công an, 2 thầy giáo đã xin lỗi vì hành vi nóng nảy của mình.
Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Video đang HOT
Thượng tá Nguyễn Văn Lân khẳng định đã tiếp nhận hồ sơ và chỉ đạo lực lượng hình sự điều tra làm rõ vụ việc và hành vi của những người liên quan. Công an quận Nam Từ Liêm sẽ không bao che, dung túng cho bất cứ hành vi sai trái nào.
“Hành vi thầy giáo đánh học sinh là hoàn toàn sai trái. Nhưng ở đây cũng phải điều tra làm rõ việc có hay không 2 học viên Trung tâm Đào tạo Vận động viên cấp cao Hà Nội có hành vi trộm cắp điện thoại, tự ý bỏ đi ra khỏi để chơi game”, thượng tá Nguyễn Văn Lân nêu rõ.
Vụ việc đáng tiếc này là bài học cảnh tỉnh các huấn luyện viên và học viên trẻ đang được đào tạo cho nền thể thao nước nhà. Trước sự việc trộm cắp điện thoại chưa rõ ràng, các huấn luyện viên cần tìm hiểu kỹ lưỡng, đồng thời có những bài giảng văn hóa và đạo đức trước khi dạy các em về kỹ thuật chuyên môn thể thao.
Các học viên trải qua nhiều vòng tuyển lựa mới được vào trung tâm, cần tuân thủ quy định, quy tắc quản lý trong quá trình tập luyện, tránh “vinh quang” đâu chưa thấy, lại bị “trượt dốc” vì vi phạm kỷ luật.
Theo Mạnh Việt / An Ninh Thủ Đô
Học tiến sĩ chỉ để 'thăng chức, lên quyền' là đáng lo ngại
Một số trường đại học bày tỏ ủng hộ khi Bộ GD&ĐT siết chặt việc tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Trước quy chế mới, các trường đại học (ĐH) đã có những phản ứng, ý kiến đóng góp khác nhau.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng từ lâu nay, việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam bị nới lỏng, chưa đạt được chất lượng theo quy định.
Thực tế cho thấy nhiều công trình nghiên cứu của tiến sĩ đều bị "xếp xó", trở thành đống giấy vụn vì không có tính ứng dụng thiết thực vào cuộc sống. Như vậy, nghiên cứu đó rất lãng phí cho xã hội. Nếu việc học tiến sĩ là chỉ để "lên chức, lên quyền", đó là điều đáng lo ngại.
Bày tỏ sự ủng hộ việc Bộ GD&ĐT đưa ra thông tư siết chặt việc đào tạo tiến sĩ ở cơ sở giáo dục ĐH, ông Đỗ Văn Dũng thẳng thắn nêu quan điểm: Người đạt được trình độ tiến sĩ phải có kiến thức sâu rộng và có những tìm tòi, phát hiện những điều mới lạ được giới nghiên cứu khoa học trên thế giới công nhận thông qua những bài báo quốc tế. Những nghiên cứu đó phải có tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách có hiệu quả.
Quy định về việc ngay từ khi tuyển sinh tiến sĩ, các ứng viên phải có trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế là hoàn toàn đúng đắn vì tiến sĩ nếu không nói thông thạo và dịch được các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh thì như "người mù chữ".
Nếu việc học tiến sĩ là chỉ để "lên chức, lên quyền" thì đó là điều đáng lo ngại. Ảnh: VOV.
Tuy nhiên, để thực hiện quy chế mới trong đào tạo tiến sĩ, hiện nay, các trường đại học đang phải đối diện khó khăn về lệ phí để cho nghiên cứu sinh tham gia các hội thảo quốc tế hay đăng bài trên các tạp chí ISI. Trong khi, lệ phí đăng bài trên các tạp chí theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính hiện còn rất hạn chế thì để được đăng trên các tạp chí quốc tế là rất lớn.
Hiện nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã hỗ trợ nghiên cứu sinh được đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế lên tới 60 triệu đồng/bài.
Tuy nhiên, một số tạp chí quốc tế yêu cầu là phải trả chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, để hỗ trợ nghiên cứu sinh có thể đăng công trình nghiên cứu trên tạp chí quốc tế thì Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính cần có cơ chế để hỗ trợ các nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, các trường ĐH cần mở rộng những lớp tập huấn cho các nghiên cứu sinh hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn của các bài báo quốc tế để có hướng nghiên cứu mang tính phát hiện và có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Được thành lập gần 60 năm nhưng đến nay, ĐH Thủy Lợi mới đào tạo được khoảng 120 tiến sĩ. Những năm gần đây, nhà trường có khoảng 30 nghiên cứu sinh đăng ký đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ dưới 50% là thành công.
Con số trên không phải nhiều nhưng GS.TS Nguyễn Quang Kim, hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi, vẫn ủng hộ chủ trương đổi mới tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Có thể trong thời gian đầu, các trường ĐH, học viện sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Nhiều trường ĐH có thể chưa đạt tiêu chuẩn trong việc thẩm định trình độ tiếng Anh, đào tạo nghiên cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vì mục đích nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, các trường ĐH phải thực hiện nghiêm túc.
Việc quy định tuyển sinh tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn vì chứng chỉ tiếng Anh như: TOEFL, IELTS đã được thế giới công nhận về tính khách quan và trung thực.
Để công tác đào tạo tiến sĩ được hiệu quả, GS.TS Nguyễn Quang Kim đề xuất, chính phủ nên có sự hỗ trợ các nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, thực hành, làm thí nghiệm, thu thập tư liệu một cách chính xác và cập nhật. Có như vậy, nghiên cứu sinh có thể phát hiện ra những điều mới mẻ trong các đề tài nhằm đem lại hiệu quả, có thể ứng dụng thực tiễn trong xã hội và được quốc tế công nhận.
Theo Bích Lan / VOV.VN
'Nếu bị xâm hại tình dục, con sẽ tấn công lại kẻ xấu' Hét lên, tấn công lại vào "vùng đồ bơi", nói không với người lạ là những chia sẻ của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội, sau buổi học phòng chống xâm hại tình dục. Sáng 11/4, chia sẻ cùng học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, thạc sĩ giáo dục học...