Điều tồi tệ nhất với kinh tế Nga đã qua
Sự suy yếu trong đầu tư ở Nga giảm bớt và ‘nỗi đau’ kinh tế nước này đang dần lắng dịu. Đó là nhận định của Bank of America và giám đốc tài chính ở nhà mạng lớn nhất nước Nga.
Điều tồi tệ nhất đã đi qua với nền kinh tế Nga – Ảnh: Bloomberg
Theo Russia Today, Vladimir Osakovskiy, nhà kinh tế trưởng của Bank of America tại Moscow (Nga), cho hay mức suy giảm trong đầu tư ở Nga đã hạ xuống và lợi nhuận các doanh nghiệp nước này đang gia tăng.
Tuần trước, báo cáo của Osakovskiy cho biết đợt suy thoái của Nga có thể đã chạm điểm đáy khi GDP hạ đến 4,6% trong quý 2 vừa qua. Lợi nhuận các công ty Nga đang tăng trưởng và do đó, chi tiêu có thể tăng lên, góp phần giúp nền kinh tế hồi phục.
Osakovskiy cũng kỳ vọng vào các diễn biến tích cực của nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô. “Có thể chúng ta sẽ thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô bắt đầu cải thiện vào cuối năm nay, nhưng chắc chắn rằng chúng ta phải chờ cho đến khi lợi nhuận gia tăng của các doanh nghiệp đủ sức để kéo tình hình đầu tư đi lên”, chuyên gia của Bank of America nói.
Cũng lạc quan về tình hình kinh tế, ông Alexey Kornya, Giám đốc tài chính (CFO) của hãng viễn thông khổng lồ nước Nga MTS, nói với CNBC rằng “khi xét đến yếu tố lạm phát và nội tệ mất giá, thì điều tồi tệ nhất đã qua”.
Video đang HOT
“Lợi nhuận doanh nghiệp Nga trông khá tốt từ đầu năm đến nay. Chúng ta nhìn vào sự đi lên của lợi nhuận doanh nghiệp như tiềm năng ổn định hóa và phục hồi của nền kinh tế trong tương lai gần”, Kornya nói.
CFO hãng MTS cho hay công ty ông không bị ảnh hưởng quá nhiều vì biến động của đồng RUB trong năm qua, vì 90% hoạt động kinh doanh của công ty là ở thị trường nội địa.
Tính đến ngày 30.6, dịch vụ của MTS đã phục vụ hơn 100 triệu thuê bao di động ở Nga, Ukraine, Armenia, Turkmenistan, Uzbekistan và Belarus. Tổng doanh thu tại Nga tăng 4,4% so với năm trước, lên đến mức 94,3 tỉ RUB, tương đương 1,43 tỉ USD.
Kinh tế Nga đã chịu ảnh hưởng mạnh từ đợt sụt giảm 50% của giá dầu kể từ tháng 6.2014, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây vì chuyện sáp nhập bán đảo Crimea và căng thẳng ở Ukraine. Sự kết hơp của yếu tố luồng vốn thoái từ Nga gia tăng và đồng rúp (RUB) rớt giá so với đô la Mỹ đã đẩy cao giá tiêu dùng.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP quốc gia sẽ giảm 3,3% trong năm nay và tăng từ 1% đến 2% trong năm 2016, 2,3% trong năm 2017.
Người đứng đầu Bộ Bộ Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Ulyukaev cho rằng đầu tư và nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục trong năm 2017. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thì cho biết dòng vốn chảy ra khỏi đất nước trong năm nay sẽ giảm 80 tỉ USD so với năm 2014.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin dọn đường để loại bỏ USD và EUR
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa soạn thảo một dự luật nhằm loại bỏ việc sử dụng đồng đô la Mỹ và euro trong thương mại giữa nhiều nước như Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan...
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa soạn một dự luật nhằm loại bỏ USD và EUR trong giao thương giữa các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập - Ảnh: Reuters
Theo Russia Today hôm 1.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa soạn một dự luật nhằm khiến USD và EUR "biến mất" trong giao thương giữa các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). CIS bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và nhiều nước Cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết: "Việc này sẽ giúp mở rộng việc sử dụng bản tệ các quốc gia trong thanh toán thương mại với nước ngoài và các dịch vụ tài chính. Từ đó tăng tính thanh khoản cho tiền tệ trong nước".
Dự luật cũng sẽ giúp thúc đẩy thương mại trong khu vực, hỗ trợ các nước ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khuôn khổ của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), các nước cũng đã thảo luận về khả năng chuyển sang sử dụng các đồng bản tệ nước nhà.
Theo một thỏa thuận giữa các nước Nga, Belarus, Armenia và Kazakhstan, sẽ có sự chuyển đổi sang việc sử dụng đồng tiền riêng của các nước này, lần lượt là rúp Nga, rúp Belarus, đồng dram và tenge, trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2030.
Hiện nay, khoảng 50% giao dịch thực hiện trong EEU là bằng EUR và USD. Điều này làm tăng sự phụ thuộc của các nước trong khối vào Mỹ và các quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Bên ngoài CIS và EEU, Nga và Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm cách loại bỏ sự thống trị của đô la Mỹ. Vào tháng 8 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa rúp Nga vào lưu thông tại một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang thông qua chương trình sử dụng song tệ thí điểm. RUB đã được giới thiệu như là sự thay thế cho USD.
Năm 2014, Ngân hàng trung ương hai nước Nga - Trung đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong vòng 3 năm, trị giá 150 tỉ nhân dân tệ, tương đương 23,5 tỉ USD, thông qua việc thúc đẩy hợp tác tài chính giữa hai nước.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ô tô Nga đi về đâu? Sự suy giảm của đồng rúp đã tác động mạnh đến các nhà sản xuất ô tô Nga do chi phí nhập khẩu linh kiện nước ngoài tăng cao, buộc các nhà sản xuất nội địa phải nâng giá thành sản phẩm dẫn đến không thể cạnh tranh lại các đối thủ ở nước ngoài, theo Reuters. Một chợ ô tô đã qua...