Điều Huawei lo sợ đã thành sự thật
Dù vẫn được người dùng nội địa ủng hộ, Huawei không còn là hãng smartphone Trung Quốc số một.
Năm 2019, chính quyền Mỹ trừng phạt Huawei bằng cách hạn chế công nghệ. Tuy nhiên, hành động này lại khiến người dùng Trung Quốc càng ủng hộ thương hiệu trong nước.
Đầu tháng 1/2020, Huawei đã chiếm tới 40% thị phần smartphone tại Trung Quốc. Sự ủng hộ của thị trường nội địa, chiếm tới 60% doanh số Huawei, giúp công ty này giữ vững vị trí hãng smartphone lớn thứ 2 toàn cầu. Đến tháng 7/2020, Huawei thậm chí vươn lên vị trí số một toàn cầu sau một quý thành công.
Xiaomi đang mở rộng kênh bán lẻ smartphone, tận dụng khó khăn của Huawei.
Tuy nhiên, những lệnh cấm tiếp cận công nghệ của Mỹ cuối cùng cũng có tác dụng với Huawei. Từ nửa cuối năm 2020, hãng không còn tiếp cận được nguồn chip để sản xuất smartphone. Vị thế cạnh tranh với Apple, Samsung của Huawei cũng chính thức bị Xiaomi lấy mất trong quý vừa qua.
Người hưởng lợi nhiều nhất từ cú ngã của Huawei
Khi Huawei vấp ngã, Xiaomi chính là người hưởng lợi nhiều nhất. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị phần smartphone toàn cầu của Xiaomi đạt 11,2% trong quý IV/2020, tương đương 43,3 triệu máy. Với số lượng này, Xiaomi đã chính thức vươn lên vị trí hãng smartphone thứ ba toàn cầu, chỉ sau Apple và Samsung.
Theo báo cáo tài chính mới được Xiaomi công bố ngày 24/3, doanh thu smartphone của hãng này đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 42,6 tỷ tệ. Trong đó, lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc của hãng đã tăng 52%. Phần tăng trưởng của Xiaomi đến từ chính Huawei.
“Khi Huawei bị đưa vào danh sách thực thể của Mỹ năm 2019, họ đang là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Đến quý IV/2020, hãng đã tụt xuống vị trí thứ tư, và chúng tôi cho rằng thị phần toàn cầu của Huawei sẽ tiếp tục suy giảm”, nhà phân tích Fiona Vanier của CCS Insight nhận xét.
Xiaomi đang tận dụng khó khăn của Huawei để tăng trưởng mảng smartphone.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Huawei cũng tăng trưởng mạnh tại châu Âu. Tại châu lục này, Huawei từng là thương hiệu smartphone Trung Quốc hàng đầu.
“Xiaomi rõ ràng đã tận dụng những khó khăn của Huawei để tăng trưởng trên toàn cầu. Cùng thời điểm Huawei gặp khó khăn, chúng ta thấy rõ Xiaomi đã tăng mạnh về thị phần”, bà Vanier phân tích.
Video đang HOT
Tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi đưa ra nhiều chiến dịch khuyến mãi mạnh tay nhằm cạnh tranh trực tiếp với Huawei. Hãng đẩy mạnh dòng điện thoại giá tốt Redmi, trong khi Huawei phải bán đi thương hiệu smartphone tầm trung Honor vào tháng 11.
Tuy vẫn chỉ xếp thứ 5 ở thị trường nội địa, thị phần smartphone Xiaomi trong nước đã tăng mạnh. Trong quý IV, thị phần smartphone của Xiaomi tại Trung Quốc đạt 12%. Công ty này đứng thứ năm trong nước, sau Vivo, Oppo, Apple và Huawei.
“Năm 2020, Xiaomi đã đưa ra nhiều bước đi đúng đắn để cạnh tranh ở thị trường trong nước, như cách họ tấn công kênh bán lẻ cửa hàng của Huawei”, nhà phân tích Will Wong của IDC nhận xét.
Cảnh trái ngược của hai đối thủ Trung Quốc
Năm 2019, tuy bị cấm sử dụng các dịch vụ Google, Huawei vẫn có thể ra mắt nhiều mẫu smartphone mới. Người dùng Trung Quốc vốn không cần gói dịch vụ Google, nên thiết kế cùng cấu hình của điện thoại Huawei đủ thuyết phục họ.
Tuy nhiên, sau khi bị cấm làm ăn nhà sản xuất chip TSMC, Huawei đã không thể tiếp cận với nguồn chip cho smartphone. Họ chỉ có thể dùng những con chip đã mua từ trước, hoặc chọn các loại chip cũ, công nghệ lạc hậu do công ty Trung Quốc SMIC sản xuất.
Do không có chip, smartphone Huawei nhanh chóng trở thành “hàng hiếm”. Hãng buộc phải giảm sản lượng smartphone. Năm 2020, hãng này xuất xưởng được 189 triệu smartphone. Con số đó trong năm nay dự kiến chỉ từ 70-80 triệu máy, theo IDC.
“Hầu hết cửa hàng bán lẻ đều đang hết hàng. Huawei thường phân phối hàng cho đại lý dựa trên số lượng bán ra, và giờ đây cả những cửa hàng lớn cũng chật vật mới có hàng. Cửa hàng nhỏ thì không có hàng luôn”, Ethan Qi, nhà phân tích tại Counterpoint Research nhận xét.
Do khan hiếm chip, những mẫu smartphone mới ra mắt của Huawei như Mate X2 trở thành của hiếm.
Vì khan hàng, smartphone Huawei trở thành của hiếm. Ben Xu, chủ một doanh nghiệp tại Quảng Đông cho biết ông phải trả thêm 500 tệ cho mỗi chiếc Huawei mua vào cuối năm ngoái, vì đã hứa sẽ tặng máy cho nhân viên.
“Không thể nào mua được điện thoại Huawei qua kênh thông thường”, Xu cho biết.
Do không thể nhập máy, nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Huawei đã phải đóng cửa. Theo South China Morning Post , nhiều cửa hàng Huawei tại các trung tâm thương mại không còn hoạt động.
Đó là tình cảnh trái ngược hoàn toàn với Xiaomi. Cuối quý IV/2020, hãng này đã có 3.200 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, tăng hơn 1.000 cửa hàng chỉ trong một quý.
“Chúng tôi đang tích cực mở rộng kênh bán lẻ để có thể phủ tất cả các địa phương tại Trung Quốc”, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang chia sẻ với những nhà đầu tư sau khi công bố báo cáo tài chính.
Nhiều cửa hàng chuyên Huawei tại Trung Quốc phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Không phải mọi thứ đều màu hồng với Xiaomi. Công ty này từng bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ, với cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định cấm đầu tư vào Xiaomi của Bộ Quốc phòng Mỹ đã không thành công sau quyết định của toà án tại Washington ngày 13/3 vừa qua.
“Không có gì ngạc nhiên khi Xiaomi cố kiện lại quyết định của Chính phủ Mỹ, và quyết định có lợi cho họ là tin tức rất tốt. Xiaomi muốn tránh số phận như Huawei. Do họ không tham gia vào lĩnh vực hạ tầng mạng, chúng tôi tin rằng Xiaomi sẽ nhận được kết quả tích cực hơn”, nhà phân tích Vanier của CCS Insghit nhận xét.
Điều gì khiến nhân viên Huawei cống hiến không mệt mỏi?
Khởi đầu với số vốn ít ỏi 3.300 USD, người sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi đã làm thế nào để giữ chân những nhân sự cốt cán từ ngày đầu?
Huawei thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, trong thời kỳ Trung Quốc mở cửa với nền kinh tế thị trường. Ông Nhậm Chính Phi, cựu kỹ sư của quân đội nhân dân Trung Hoa đã trăn trở tìm đường sống cho đứa con tinh thần trước nhiều đối thủ mạnh, gồm các công ty công nghệ nước ngoài hay đơn vị có sự hỗ trợ của chính phủ.
"Văn hóa sói" nổi tiếng của Huawei
Theo tác giả Wang Yukun kể lại trong cuốn sách The hero of suffering Ren Zhengfei " (Tạm dịch: Nhậm Chính Phi, người anh hùng gian khó ), trong những ngày đầu khó khăn, ông Nhậm không thể trả đủ lương cho nhân viên. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định thuê một chuyên gia từ Bắc Kinh với mức lương hậu hĩnh nhằm đầu tư vào nguồn lực cấp cao. Ông cấp nhà ở cho vị chuyên gia và thậm chí cho một trương mục tiết kiệm.
Đến năm 1993, sau khi công ty có được những thành quả đầu tiên, vị chuyên gia rời Huawei, mang theo những trụ cột về kỹ thuật và mở công ty riêng. Sự ra đi ấy khiến ông Nhậm một lần nữa suy ngẫm về vấn đề giữ chân nhân tài. Khi ấy, cha của ông, một cựu giáo viên đã nói một câu khiến ông thức tỉnh: "Ở đất nước này, ông chủ là người đầu tư nhưng người nhân viên phải nắm kho báu. Khi trở thành người giữ kho báu, họ sẽ có áp lực ràng buộc với tổ chức".
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.
Kết quả là ông Nhậm đã chuyển đổi tiền lương và thưởng thành cổ phần. Sau này, phương thức ấy được định nghĩa thành ESOP - kế hoạch chia sẻ lợi cho nhân viên qua cổ phiếu thưởng, nhằm tăng sự gắn bó của nhân viên với Huawei.
Người đứng đầu Huawei từng chia sẻ, ban đầu ông không định nghĩa rõ ràng được chiến lược trên. Mô hình này có thể đã phổ biến tại phương Tây nhưng tại Trung Quốc, Huawei là một trong những công ty đầu tiên thực hiện những ưu điểm của việc định hướng công ty đi theo chủ nghĩa tư bản. Ông chỉ biết rằng đó chính là tinh thần của loài sói, điều đã làm nên "văn hóa sói" nổi tiếng của Huawei.
Trong tự nhiên, loài sói thường hoạt động theo bầy, cực kỳ nhạy bén trước con mồi và luôn đồng lòng bảo vệ nhau. Nhiều con sói sẽ quyết tâm nhập bầy hơn khi kho lương thực ngày càng mở rộng và mang lại nguồn thức ăn bền vững. Cũng giống như việc mọi nhân viên Huawei đều được hưởng cổ phần của công ty. Điều đó giúp họ nâng cao tinh thần trách nhiệm, san sẻ gánh nặng của tập thể và cùng nhau tiến xa hơn trong tương lai.
Theo "văn hóa sói", người chủ thật sự của Huawei hiện nay là các nhân viên. Ông Nhậm chỉ giữ 1,14% cổ phần, phần còn lại thuộc sở hữu toàn bộ nhân viên đang tận lực cống hiến cho công ty.
"Những bộ óc tài năng mới là điều làm nên sự giàu có của Huawei. Vì thế, họ phải nhận được phần thưởng xứng đáng. Tại Huawei, việc chia cổ tức giúp các tài năng được hưởng lợi từ những gì họ đóng góp, thúc đẩy họ sáng tạo và cống hiến", ông Nhậm nhấn mạnh.
Nỗ lực chiêu mộ và giữ chân nhân tài
Có một câu nói được lưu truyền tại Trung Quốc rằng, sông Hoàng Hà thay đổi dòng chảy sau mỗi 30 năm. Theo ông Nhậm, Huawei đã tồn tại 30 năm và đang bước vào chu trình chuyển mình để theo kịp sự thay đổi của thời đại, từ cấu trúc tổ chức đến cách chiêu mộ và giữ chân nhân tài.
"Chúng ta phải truyền năng lượng mới vào lực lượng lao động. Thế hệ nhân viên tài năng sẽ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Họ phát triển bằng cách kế thừa những kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước", ông Nhậm cho hay.
Bên trong trụ sở chính của Huawei tại Trung Quốc.
Nếu như ESOP chỉ dành cho nhân viên Huawei mang quốc tịch Trung Quốc, thì từ năm 2014, Huawei khởi động kế hoạch TUP - chia sẻ lợi nhuận và thưởng dựa trên hiệu suất công việc cho tất cả nhân viên nước ngoài.
Với chính sách TUP, Huawei vừa tránh tình trạng một số nhân viên nắm giữ cổ phiếu nhiều hơn nhưng lại đóng góp ít hơn, vừa tạo nên động lực để họ cùng nỗ lực cống hiến.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, ông Nhậm đã mở chương trình "Kỳ tài trẻ" để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm xây dựng một lượng lực tinh nhuệ. Các tài năng trẻ đều lấy bằng tiến sĩ từ các trường đại học danh tiếng và nhận mức lương khoảng 129.000-288.000 USD/năm (tương đương 3-6 tỷ đồng). Trong khi mức lương bình quân của nhân viên Huawei rơi vào khoảng 95.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng).
Ông Nhậm chia sẻ, chắp cánh cho những tài năng là sứ mệnh của Huawei. Từ các nhà khoa học, chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu đến đội ngũ nhân viên cao cấp, họ đều được tôn trọng và lắng nghe. Họ được phát huy sự tự do trong nghiên cứu khoa học để mang lại những sáng kiến mới cho công ty.
Hơn 30 năm vươn ra thế giới, Huawei đã có mặt trên 170 quốc gia để phục vụ hơn 3 tỷ người. "Huawei thuộc về thế hệ tương lai, tôi chỉ là một lãnh đạo bù nhìn, là một pho tượng. Ước mong của tôi là một ngày được ngồi uống cà phê mà không ai để ý, và sẽ đến lúc tôi biến mất...", lãnh đạo 76 tuổi của Huawei nhấn mạnh.
Huawei chỉ sản xuất nửa lượng smartphone trong 2021 Huawei dự kiến chỉ xuất xưởng 70 triệu smartphone trong năm 2021, giảm một nửa so với năm ngoái, do ảnh hưởng từ cấm vận của Mỹ. Theo Nikkei , Huawei đã thông báo với các nhà cung cấp rằng đơn đặt hàng linh kiện smartphone của họ sẽ giảm khoảng 60% vào năm 2021, tương đương giảm lượng điện thoại xuất xưởng...