Điều bí ẩn về thành công trong học tập của trẻ em Việt Nam ở Đức
VOV.VN – Học tập là chìa khóa để hội nhập. Từ nhiều năm nay, người Việt Nam đã thành công vượt trội trong hệ thống giáo dục Đức.
Đã có nhiều người tìm cách giải thích, nhưng chưa có giải thích nào có tính thuyết phục.
Những ai tới thăm gia đình Lê Phạm sẽ tìm thấy ở đây một chút Việt Nam ở Đức. Gia đình Lê Phạm sống trong một ngôi nhà có nhiều hộ sinh sống ở một thành phố nhỏ bên sông Rhein.
Học sinh một lớp tiếng Việt ở Berlin
Trong nhà thơm mùi cơm, rau thơm và mùi nước mắm. Trong phòng khách có bộ salon da đen, một vô tuyến truyền hình phẳng có kích thước rất lớn và một bàn thờ nhỏ ở trên cao với bát hương và ảnh thờ các cụ. Trong hai tủ kính có trưng bày rượu Whisky đắt tiền và những đồ khắc gỗ, khắc đá.
Tiểu sử của hai cha mẹ cũng giống như nhiều người trong khoảng 100.000 người Việt hoặc người Đức gốc Việt giờ sống ở đây. Người cha Lê Thanh Yên khá vạm vỡ từng học trung học ở Việt Nam, sau sang Séc học nghề kim khí và chế tạo máy.
Sau khi khối Đông Âu sụp đổ, anh quyết định sang phương Tây. Từ 1991, anh sống ở Đức. Giờ đây, anh có một quán ăn nhỏ ở Kln. Vợ anh Phạm Thị Lâm đã học thiết kế thời trang trước khi sang Đức năm 2004. Chị làm việc trong một tiệm Nail.
Video đang HOT
Hai anh em
Hai vợ chồng có chung hai đứa con trai: Minh Anh thì dè dặt, còn cậu em là Minh thì lanh lợi. Khi được hỏi những môn học yêu thích nhất, Minh nói ngay: “Âm nhạc và nghệ thuật!”. Người anh Minh Anh thì trả lời khẽ: “ Thể thao và toán – những môn dễ”.
Hai người học lớp 5 và lớp 6 của trường Gymnasium (có thể học thẳng để vào đại học). Năm học trước, người anh là Phát ngôn viên của lớp (lớp trưởng), người em thì năm nay là lớp trưởng. Người mẹ tự hào kể rằng các con rất thích đi học và bà ít khi phải đến gặp cô giáo vì cô giáo chủ nhiệm rất hài lòng.
Vì cả hai cha mẹ đều đi làm, nên các con ở trường tới 16h. Người mẹ thì thỉnh thoảng 18h mới về nhà, còn người cha thì thông thường phải tới 21h. Ở điểm này thì gia đình Lê Phạm cũng có nét đặc trưng như nhiều gia đình Việt Nam khác. Để đảm bảo chi tiêu của gia đình, nhiều người Việt Nam phải làm việc nhiều. Điều đó đối với các con là phải sớm tự lập.
Họ kể rằng sau khi ở trường về, họ học cho ngày hôm sau. Người mẹ nói xen vào: Hoặc là chúng chuẩn bị bữa ăn tối”. Ngoài ra, cậu em còn học đàn Ghita, trong khi cậu anh tham gia đội Tennis của trường. Mặc dù điều kiện không dễ dàng này, hai đứa học vẫn giỏi ở trường. Cậu anh có thể nhảy cách lớp, nhưng người mẹ không muốn: “Tốt hơn, nếu các cháu học dần từng bước”.
Thành công bí ẩn trong học tập
Những đứa con của gia đình Lê Phạm học giỏi ở trường. Nhiều người Việt Nam khác ở Đức cũng vậy, bình quân còn học giỏi hơn nhiều học sinh Đức. Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang, trong năm học 2013/2014, có tới 64,4% thanh thiếu niên Việt Nam được vào Gymnasium so với 47,2% học sinh Đức.
Kết quả này không mới và từ nhiều năm nay, người ta cũng biết tới điều đó ở Mỹ. Câu hỏi đằng sau đó mà các nhà khoa học quan tâm là: Tại sao lại có sự khác biệt giữa các nhóm sắc tộc khác nhau? Và làm sao có thể giải thích được điều đó?
Năm 2015, nhà xã hội học Bernhard Nauck của trường Đại học Chemnitz và nhà giáo dục học Birger Schnoor của trường Đại học Hamburg đã tìm cách trả lời câu hỏi này. Trong một trình nghiên cứu theo kinh nghiệm chủ nghĩa, họ điều tra 720 gia đình Đức, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bước đi đầu tiên, hai nhà khoa học muốn kiểm tra cách giải thích kinh điển. Cách giải thích đó là: Thu nhập gia đình càng lớn thì liên kết xã hội càng tốt và học thức của cha mẹ càng cao thì con cái càng thành công trong nhà trường.
Trên cơ sở mô hình này thì lẽ ra trẻ em Việt Nam cũng phải học kém tương tự như trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ. Trò chuyện với đài phát thanh DW, ông Nauck giải thích: “Nhưng không phải như vậy. Đó là điều bí ẩn mà chúng tôi phải khám phá”.
Cách giải thích khác
Sau khi đã loại trừ cách giải thích tho mô hình nguồn lực, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm sự lựa chọn khác để giải thích. Trước tiên, họ nghĩ tới phong cách giáo dục. Trong những cuộc điều tra khác, Nauck đã có thể chỉ ra rằng sự giáo dục của cha mẹ người Việt nghiêm khắc hơn nhiều so với các cha mẹ người Đức.
Nhưng việc kiểm tra theo kinh nghiệm chủ nghĩa cũng không chứng minh được rằng cha mẹ càng nghiêm khắc thì con cái càng học giỏi.
Các nhà khoa học cũng tìm kiếm một cách giải thích khác về những thành tích học tập tốt của học sinh Việt Nam, đó là di sản của Khổng giáo, theo đó đánh giá cao giá trị của học tập và con học giỏi mang lại vinh dự cho cha mẹ.
Nhưng cộng đồng những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam cũng đều đặt cược vào việc học tập để tiến thân, lên cao hơn về mặt xã hội và được xã hội thừa nhận. Vì vậy, cách tiếp cận này cũng không làm sáng tỏ được vấn đề.
Việc chuyển đổi góc nhìn có vẻ hứa hẹn
Nhà khoa học Nauck thừa nhận rằng sau công trình nghiên cứu này, câu hỏi về thành công trong học tập của học sinh Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng ông đã có ý tưởng để bắt đầu hướng nghiên cứu mới.
Ông cho rằng, có lẽ cho tới nay, người ta quá chú ý tới cha mẹ, mà ít chú ý tới các con. Việc thay đổi góc nhìn có thể mang lại lời giải đáp. Có thể liên quan tới phản ứng của cha mẹ đối với thái độ cư xử của các con.
Ví dụ như sự bền bỉ của cha mẹ, nếu con cái học tập không thành công. Ông Nauck cho biết liên quan tới vấn đề này, các bậc cha mẹ vùng Đông Nam Á rất khác so với các nhóm nhập cư khác cũng như khác với người Đức.
Ông lấy ví dụ như vấn đề học thêm. Trong khi đối với các bậc cha mẹ Đức, con cái bị một điểm 4 chưa phải là lý do để nghĩ tới việc cho con học thêm thì ở một số gia đình người Việt, khi con “bị” một điểm 2 đã làm cho cha mẹ nghĩ tới việc cho con đi học thêm.
Trong công trình nghiên cứu tới, các nhà khoa học sẽ tập trung vào những giác độ mới để khám phá điều bí ẩn trong thành công học tập của học sinh Việt Nam tại Đức./.
Theo DW