Điệp khúc thừa trường, thiếu giáo viên ở bậc mầm non
Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, số lượng trường học mầm non tăng lên đáng kể, tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên mầm non (GVMN) vẫn là bài toán khó giải ở không ít nơi.
Một lớp học mẫu giáo tại Bình Dương. Ảnh: C.Chương
Thiếu trên 45.000 giáo viên
Theo số liệu tổng hợp của Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), năm học 2019 – 2020, cả nước thiếu hơn 45.000 GVMN theo định mức tại các cơ sở GDMN công lập. Đây là số lượng còn thiếu sau khi đã được bổ sung trên 20.000 biên chế GV trong năm học 2019 – 2020.
Trong báo cáo tổng kết công tác GDMN, nhiều sở GD&ĐT cho biết đang gặp khó khăn trong tuyển dụng GVMN do bị tác động của quy định về tinh giản biên chế. Đồng thời một số quy định về đất đai dành cho GD cũng làm hạn chế việc tư nhân mở trường MN ngoài công lập.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bên cạnh những thành tựu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, Đắk Nông vẫn gặp một số khó khăn như tỷ lệ GV/lớp vẫn còn thấp.
“Tình trạng thiếu GV là vấn đề tồn tại lớn nhất của tỉnh trong phát triển GDMN. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp bảo đảm 99,2%. Nhưng trẻ ở độ tuổi nhà trẻ còn thấp do không đáp ứng yêu cầu về phòng học và GV” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, một trong những nguyên nhân thiếu GVMN của địa phương là do số trẻ ngày càng tăng, trong khi phải cắt giảm hằng năm 20% biên chế từ nguồn giáo dục. Đồng thời, cơ chế không cho hợp đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Video đang HOT
Tương tự, tỉnh Bình Phước hiện còn thiếu hơn 500 GVMN, trong khi biên chế giao chỉ còn tuyển được 100 GVMN. Ông Hồ Hải Thạch – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước cho hay: Sau 10 năm thực hiện công tác phổ cập GDMN đạt được những thành tựu nhất định. Tất cả phường, xã đều có ít nhất 1 trường mầm non, có nơi 2, 3 trường. Bên cạnh các trường công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang phát triển.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước, thiếu GV là tình trạng mà tỉnh đang tìm cách tháo gỡ. Nhiều địa phương có hiện tượng dư phòng học nhưng không tuyển được GV.
Cùng tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên cho hay: Thiếu GV là rào cản lớn nhất trong việc triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
“Nhiều trường không tuyển được GV. Do đó, tỷ lệ GV trên lớp đối với trẻ mầm non 5 tuổi rất thấp, có lớp chỉ có một cô. Như vậy, không bảo đảm điều kiện về đội ngũ theo quy định”, bà Ái nói.
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT Phú Yên tích cực tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo về công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ tỉnh tiếp tục ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo, trong đó quan tâm đến chỉ tiêu, định mức biên chế GV. Mặt khác, sở cũng khuyến khích các tập thể, cá nhân có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và GV để mở các trường mầm non tư thục.
Ông Hồ Hải Thạch – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước, phát biểu tại Hội nghị về GDMN. Ảnh: C.Chương
Cho phép hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, để giảm bớt áp lực về biên chế cho GD nói chung và GDMN nói riêng trong điều kiện hiện tại, việc bổ sung biên chế hàng năm không những không thực hiện được, mà còn phải cắt giảm, do đó cần có cơ chế chuyển trường công lập ở vùng có điều kiện sang hình thức bán công, được tự chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí để hợp đồng GV, chỉ ưu tiên GV biên chế cho vùng khó khăn.
“Với tỉnh khó khăn, việc phát triển trường ngoài công lập cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù để thu hút các nhà đầu tư. Hiện có Nghị định 105, tuy nhiên Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hải – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh cho biết: Tỉnh đã dư phòng học nhưng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, chỉ đáp ứng cho trẻ 5 tuổi. Đồng thời, Tây Ninh còn thiếu hơn 500 giáo viên, trong khi biên chế được giao sắp hết. Sở GD&ĐT tỉnh đã xây dựng 3 nghị quyết lấy ý kiến rộng rãi để trình Hội đồng nhân dân vào tháng 12 tới. Trong đó, có vấn đề xã hội hóa để thu hút nguồn lực, chi trả cho GV.
Ở góc độ đơn vị quản lý Nhà nước về GDMN, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Nếu trông chờ vào biên chế, không có địa phương nào tuyển dụng đủ GV. Hơn nữa, quy định cũng không cho phép hợp đồng lao động chuyên môn. Đồng thời, ông Nguyễn Bá Minh cho hay, trước những khó khăn về GVMN tại các địa phương, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện, đề xuất giải pháp xã hội hóa buổi học thứ hai để bố trí đủ GV.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ GDMN, thêm tổng biên chế đã có cần ưu tiên cho các vùng khó khăn. Bởi các địa phương này không kêu gọi được xã hội hóa. Đồng thời, ưu tiên cho đối tượng phổ cập 5 tuổi. Tổng biên chế còn lại ở vùng thuận lợi, Bộ có hướng đề xuất với Chính phủ cho hợp đồng GV ngoài chỉ tiêu biên chế đã được phê duyệt. Mục đích bố trí đủ GV theo định mức để bảo đảm chất lượng và an toàn cho trẻ.
Cần có chính sách cho hợp đồng lao động GVMN ngoài chỉ tiêu được giao từ nguồn kinh phí địa phương, đáp ứng yêu cầu cho con em đến trường. – Ông Hồ Hải Thạch
Lời giải cho buổi học thứ 2
Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ảnh minh họa
Biên chế sự nghiệp giáo dục chiếm tỷ lệ rất cao song hiện nay vẫn khó tinh giản, do thực hiện chủ trương "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp". Để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời vẫn bảo đảm cơ cấu nhân sự cho ngành Giáo dục, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế đã nhấn mạnh đến yêu cầu xã hội hóa (XHH) buổi học thứ 2 trong ngày với cấp mầm non và tiểu học.
Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống được nâng lên rõ rệt khi trẻ được chăm dạy 2 buổi/ngày, vì thế trước khi Nghị quyết 102/NQ-CP ra đời, để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc - giáo dục trẻ theo quy định, đồng thời đáp ứng nhu cầu phụ huynh, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tổ chức học 2 buổi/ngày, thực hiện thu thỏa thuận với cha mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú; thu phục vụ ăn sáng, cơ sở vật chất phục vụ bán trú, giữ trẻ ngày thứ 7, học ngoài giờ...
Một số địa phương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, quy định về các khoản thu và việc sử dụng khoản thu theo thỏa thuận, tạo cơ chế cho việc huy động nguồn kinh phí XHH. Ở cấp tiểu học dù Chương trình 2006 thiết kế dạy 1 buổi/ngày nhưng tỷ lệ học 2 buổi/ngày cũng đạt trên 86%.
Ảnh minh họa
Dù đạt được những thành quả nhất định nhưng việc triển khai dạy buổi 2 trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thiếu GV. Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố việc thực hiện XHH buổi học thứ 2 trong ngày với cấp học mầm non cho thấy, năm học 2019 - 2020, toàn quốc thiếu 45.242 GV, vẫn còn 32/63 tỉnh dưới 1,8 GV/lớp. Đáng chú ý một số nơi chỉ có 1 GV/lớp. Ở cấp tiểu học, năm học 2019 - 2020 cả nước có 403.371 GV tiểu học; thiếu khoảng 19.474 GV. Tỷ lệ GV/lớp, bình quân cả nước đạt 1,38 GV/lớp. Chỉ một số ít tỉnh đạt tỷ lệ 1,5 GV/lớp.
Tháo nút thắt cho vấn đề này, mới đây, Bộ GD&ĐT có định hướng với cấp tiểu học, Chương trình 2006 sẽ xem xét để trường chưa đủ 1,5 GV/lớp thực hiện hợp đồng GV theo chính sách từng địa phương. Trường đủ 1,5 GV/lớp sẽ không thực hiện hợp đồng GV mà triển khai các nội dung đáp ứng nhu cầu người học như bán trú, các câu lạc bộ...
Với Chương trình GD phổ thông năm 2018, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định đủ biên chế dạy học 2 buổi/ngày theo quy định, thực hiện XHH giáo dục ở các nội dung theo nhu cầu người học như bán trú, câu lạc bộ, các hoạt động trải nghiệm...
Với GD mầm non, việc sử dụng kinh phí XHH giáo dục để hợp đồng lao động GV mầm non đủ định mức theo quy định cần đưa vào nghị định thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đang được Bộ Tài chính chủ trì trình Chính phủ ban hành...
Định hướng về biên chế giáo viên mầm non, tiểu học của Bộ GD&ĐT được các cơ sở giáo dục bày tỏ sự ủng hộ cao. Quan trọng hơn, bài toán GV được giải theo những hướng này sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp học nền tảng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
"Khó khăn" chương trình lớp 1 có khiến Bộ thay đổi quan điểm cấm dạy chữ trước? Bộ Giáo dục đã cấm học chữ trước lớp 1, sao lãnh đạo Bộ lại nói thực hiện chương trình lớp 1 năm nay khó khăn, một phần là do đầu ra mầm non chưa đảm bảo? Năm học 2020-2021 này là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 1 và đến...