Diễn viên Mộng Vân – Một cuộc đời biến động
Mộng Vân là nhan sắc hấp dẫn một thời và cũng là tài năng diễn xuất ấn tượng cùng thời với những tên tuổi chói sáng Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà…
Minh tinh “mì ăn liền”
Nói về thời phim “mì ăn liền” những năm 90, hẳn nhiên nhiều người vẫn còn tiếc nuối không thôi. Tuy các phim thời đó nhàn nhạt một màu nhưng các nghệ sĩ được sống trong không khí điện ảnh sôi động, phim làm ra có người xem, có doanh thu, lãi suất, còn diễn viên được săn đón như những ngôi sao đích thực. Mộng Vân là tên tuổi lớn từng được tung hô nhiệt liệt vào thời bấy giờ.
Mộng Vân thời trẻ
Mộng Vân sinh ngày 29/10/1969 trong một gia đình gốc Huế. Chị lớn lên và học tập tại TP.HCM. Năm 20 tuổi, Mộng Vân tham gia và lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong 1989 (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngày nay).
Nhờ vẻ đẹp rạng ngời, Mộng Vân trở thành người mẫu quen thuộc của ảnh lịch, tạp chí ngày ấy. Cùng với những người đẹp cùng thời như Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà… Mộng Vân thường được các nhà làm phim ưu ái mời vai, được báo chí săn đón, khán giả tung hô…
Vẻ đẹp lộng lẫy của Mộng Vân
Không thua kém các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa, Mộng Vân cũng sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp “chim sa cá lặn” lẫn tài năng diễn xuất thiên bẩm. Vẻ đẹp của chị ăn hình và ăn khách khi lần lượt xuất hiện ở nhiều phim nổi tiếng thời những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Khi nhận được lời mời đóng phim, Mộng Vân đang là sinh viên của trường Điện ảnh TP. HCM. Chị được Biên tập viên truyền hình Phan Vũ phát hiện trên ảnh lịch. Vì quá ấn tượng, Phan Vũ đã tìm đến tận trường Mộng Vân theo học và mời chị đến thử vai cho bộ phim Tình khúc 68.
Mộng Vân cùng bạn diễn trong “Lửa cháy thành Đại La”
Mang tâm trạng thấp thỏm, vui mừng lẫn lộn, nữ sinh điện ảnh Mộng Vân đến thử vai tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Trước thành phần làm phim chính là đạo diễn Lê Mộng Hoàng, biên kịch Hoàng Hà và biên tập Phan Vũ, Mộng Vân thử vai với sự rụt rè và thiếu tự tin. Sau cùng, chị cũng hoàn thành với cảm xúc chân thật, trọn vẹn với nhân vật dưới sự giúp đỡ của các bậc tiền bối.
Đoàn làm phim tin tưởng giao vai nữ chính cho Mộng Vân và chị đã lột tả thành công nhân vật Đài Trang với tính cách rõ ràng và tự nhiên. Vai diễn này là bước đệm đầu tiên đưa chị trở thành ngôi sao thời phim “mì ăn liền”.
Mộng Vân bên đạo diễn “Tình khúc 68″ Lê Mộng Hoàng
Video đang HOT
Sau khi tham gia tác phẩm Tình khúc 68, Mộng Vân tiếp tục khẳng định mình trong bộ phim cổ trang: Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tây Sơn hiệp khách… Đây là những phim ăn khách nhờ hơi hướng của dòng phim võ thuật Hồng Kông đang thịnh hành thời bấy giờ. Và không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Mộng Vân khi góp một phần sức mình vào phim.
Ngoài ra, Mộng Vân còn là nhân tố tạo nên thành công của các phim như: Đằng sau một số phận, Bông hồng đẫm lệ, Nước mắt học trò, Tráng sĩ Bồ Đề, Cuộc tình hai mặt, Cái chết nhà tỷ phú…
Vết chàm cuộc đời và hạnh phúc của Mộng Vân
Có lẽ hơi nhàm khi nhắc lại “vết chàm” của cuộc đời diễn viên xinh đẹp này, nhưng chính nhờ sự kiện khó quên đó lại mới có một Mộng Vân khiến khán giả phải nhớ nhiều đến thế.
Vào năm 1992, Mộng Vân bị bắt vào trại tạm giam chờ xét xử, bị dư luận cáo buộc “ăn chơi thác loạn” khi liên quan tới vụ án Vũ trường Century nổi tiếng. Mặc dù được toà xử trắng án nhưng đó lại là vết thương khó lành lại trong lòng cô diễn viên gốc Huế này.
Một Mộng Vân gợi cảm
Sau khoảng thời gian đó, Mộng Vân đã từ bỏ nghiệp diễn. Người ta không còn thấy cô xuất hiện trên phim và ảnh bìa lịch nữa. Khán giả tiếc nuối khi vắng một bóng hồng của màn ảnh rất đỗi xinh đẹp và tài năng.
Mộng Vân đã từng nói những lời tâm sự về nghề khiến nhiều người hâm mộ phải tiếc nuối thay cho chị: “Tôi quá may mắn trong nghiệp diễn. Tôi không phải cố gắng làm điều gì cả, điện ảnh đã cho tôi một hành trình dễ ngay từ đầu chứ không trầy da tróc vẩy như người khác. Có lẽ vì thế nó cũng nhanh đi.”
Chị rời xa điện ảnh không một lời từ biệt chính thức nhưng ai cũng có thể hiểu, Mộng Vân có lẽ đã rời xa màn bạc vĩnh viễn khi đang đứng trên đỉnh vinh quang.
Mộng Vân cùng các con
Khi rút lui vào hậu trường, Mộng Vân lập gia đình với một người đàn ông Hồng Kông. Vợ chồng chị lần lượt đón chào 3 đứa con xinh xắn.
Những tưởng sự bận bịu với việc chăm sóc chồng con đã lấy hết thời gian của Mộng Vân và con đường điện ảnh mãi mãi khép lại. Nhưng thật bất ngờ, vào năm 2009, tài nữ một thời của màn ảnh Việt “tái xuất giang hồ” với phim Tây Sơn hào kiệt của đạo diễn NSND Lý Huỳnh. Chị quay trở lại trong sự ngỡ ngàng và niềm vui của những người hâm mộ.
Mộng Vân trên phim trường “Tây Sơn hào kiệt”
Trong Tây Sơn hào kiệt, Mộng Vân thể hiện nhân vật Hoàng hậu Ý Bình – vợ vua Lê Chiêu Thống với vẻ ngoài nhung gấm sang trọng và ánh nhìn sắc lẹm. Đây là vai diễn có ý nghĩa với riêng Mộng Vân và cả những người hâm mộ chị sau 17 năm đoạn tuyệt với màn bạc.
Sau tác phẩm này, Mộng Vân còn tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình dài 40 tập Nghe trà. Vai diễn của chị nặng về diễn tả nội tâm đánh dấu sự trở lại của Mộng Vân sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ.
Mộng Vân mặn mà hiện tại
Có thể nói, Mộng Vân đã sống một cuộc đời thật đẹp khi chị được trải nghiệm qua những vinh quang và nỗi đau, những biến cố và hạnh phúc. Chị đã được bước qua mọi cảm xúc khi đi trên cuộc đời nghệ thuật đầy vinh quang, duyên nợ nhưng cũng ẩn nhiều nỗi trắc trở mà không dễ ai cũng có và vượt qua được.
Theo Trí thức trẻ
Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng
Có thể thấy, cổ trang là thể loại phim "lớn tuổi" nhất trong làng điện ảnh Việt. Nhưng dường như, vị "bô lão" này chưa bao giờ có được một chỗ đứng xứng tầm.
Xét về lịch sử, phim cổ trang là thể loại phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam. Từ khi khai sinh, dòng phim này cũng có khá nhiều tác phẩm.
Điện ảnh du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1898. Nhưng đến năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương mới thực hiện bộ phim truyện đầu tiên tại Việt Nam: Kim Vân Kiều. Phim được dựng phỏng theo tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, do Famechon chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và không có sự thay đổi đáng kể nào về tình tiết. Bối cảnh được quay ở Việt Nam và làm hậu kỳ tại Pháp. Các vai diễn do các đào kép của ban tuồng Quảng Lạc đảm nhiệm.
Phim được công chiếu vào ngày 14 tháng 3 năm 1924. Kim Vân Kiều thất bại nặng nề do mắc phải nhiều sai lầm về nội dung, từ trang phục tới lối diễn xuất của diễn viên không khác gì hát tuồng trên sân khấu. Tuy nhiên, bộ phim cũng được coi là dấu mốc mở màn cho nền điện ảnh Việt.
Thẩm Thuý Hằng trong phim Người đẹp Bình Dương
Bộ phim cổ trang tiếp theo có thể kể đến là Người đẹp Bình Dương của đạo diễn Nguyễn Thành Châu công chiếu năm 1957. Đây là bộ phim đã làm nên tên tuổi của Thẩm Thuý Hằng - nữ minh tinh lừng lẫy một thời. Phim thành công về mặt doanh thu và tạo được tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
Phim mang tính chất tôn giáo tuy không phát triển nhưng một vài tác phẩm có chút dấu ấn. Về Thiên chúa giáo có thể kể đến phim Áo dòng đẫm máu (1960). Về Phật giáo có thể kể đến 3 bộ phim Người con báo hiếu (1997), Đôi mắt Thái tử Câu Na La (1997) và Ánh đạo vàng (1998).
Cuối những năm 1980 đến khoảng đầu những năm 1990, phim cổ trang chủ yếu hướng tới những câu chuyện cổ tích như Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Tấm Cám.... Khi thể loại phim võ thuật của Hồng Kông du nhập vào Việt Nam, các nhà làm phim cũng sản xuất hàng loạt những phim võ hiệp dã sử như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề, Chuyện tình Mỵ Châu...
Tuy nhiên, bộ phim cổ trang để lại được điểm nhấn trong thời kỳ này là Đêm hội Long Trì - một phim dã sử của đạo diễn Hải Ninh được công chiếu vào năm 1989. Bộ phim được đánh giá là khá thành công về mặt nội dung, bối cảnh cũng như trang phục.
Kiếp phù du là phần tiếp theo của Đêm hội Long Trì, được công chiếu vào năm 1990. Tuy nhiên, Kiếp phù du không để lại nhiều dấu ấn.
Poster phim Đêm hội Long Trì
Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội là dịp mà phim lịch sử được đầu tư rất lớn. Có thể kể đến những bộ phim như Long thành cầm giả ca, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, Khát vọng Thăng Long, Lý Công Uẩn - Long thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt,.... Với thời gian chuẩn bị khá dài và sự quảng cáo rầm rộ, khán giả đã rất mong chờ một loạt phim cổ trang lịch sử Việt Nam cho thỏa cơn khát bấy lâu. Tuy nhiên, khán giả đã sớm thất vọng.
Ví như, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long dù đã sản xuất xong từ lâu nhưng tới tận bây giờ, khán giả vẫn chỉ được xem phim trên báo. Hay như Huyền sử thiên đô, dù được chiếu trong giờ vàng trên VTV nhưng số phận cũng không khá hơn là mấy. Phim chỉ được phát sóng đến tập 20 thì bị ngừng giữa chừng, dù nhận được khá nhiều lời khen từ khán giả.
Nữ diễn viên Nhật Kim Anh trong phim Long thành cầm giả ca
Ngay đến một bộ phim được đánh giá là bộ phim thành công nhất trong loạt phim lịch sử mừng Đại lễ, được chọn làm phim chiếu trong lễ khai mạc Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội như Long thành cầm giả ca cũng không thể làm hài lòng công chúng.
Sau những thất bại nặng nề của loạt phim mừng Đại lễ, có vẻ các nhà làm phim đã không còn hào hứng với việc sản xuất phim bộ lịch sử. Thay vào đó là việc sản xuất những phim lẻ mang tính giải trí cao để công chiếu trong dịp tết. Cách làm này có vẻ an toàn hơn. Hai bộ phim cổ trang mới nhất có thể kể đến làThiên mệnh anh hùng và Mỹ nhân kế.
Thiên mệnh anh hùng là bộ phim điện ảnh võ hiệp, cổ trang của Việt Nam công chiếu vào Tết năm 2012. Phim do đạo diễn Victor Vũ sản xuất dựa vào tác phẩm Nguyễn Trãi phần 2 - Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Là một bộ phim lịch sử hư cấu nên cũng không mấy ai quá khắt khe về những tình tiết lịch sử, và phim cũng không nhấn mạnh tới yếu tố lịch sử.
Thiên mệnh anh hùng
Phim được đánh giá cao, cảnh quay đẹp, trang phục tương đối thuần Việt, võ thuật hấp dẫn. Được quảng cáo rầm rộ và được khán giả rất quan tâm, Thiên mệnh anh hùng vẫn không đạt doanh thu như mong muốn. Có lẽ là vì phim không nhiều sao, không quá hài và cũng không có cảnh nóng nên với thị hiếu phần đông khán giả dịp tết, việc phim thất thu cũng không khó hiểu.
Bộ phim thua lỗ nặng nhưng bù lại, Thiên mệnh anh hùng ẵm rất nhiều giải thưởng Cánh Diều Vàng 2012 với các hạng mục: Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc. Đó cũng coi như sự bù đắp lại phần nào cho những nỗ lực và cố gắng của những người muốn mang một làn gió mới cho phim cổ trang Việt.
Đến bộ phim gần đây nhất là phim Mỹ nhân kế được công chiếu vào dịp tết 2013. Nội dung phim dàn trải và không có điểm nhấn. Tuy nhiên, phim vẫn cháy vé nhờ PR tốt và dàn mỹ nhân nổi tiếng của showbiz Việt hội tụ như Tăng Thanh hà, Thanh Hằng, Diễm My 9x, Ngọc Quyên...
Poster phim Mỹ nhân kế
Bộ phim được ví như một cô gái đẹp nhưng kém duyên. Nhưng cũng không trách được, một cái bình bông thì nhiệm vụ của nó là để trưng cho đẹp, để người ta ngắm cho thoải mái tinh thần chứ không phải để các nhà khảo cổ săm soi. Xét về khía cạnh này, Mỹ nhân kế là một cái bình bông hoàn hảo.
Kết:
Có thể thấy, cổ trang là thể loại phim "lớn tuổi" nhất trong làng điện ảnh Việt. Nhưng dường như, vị "bô lão" này chưa bao giờ có được một chỗ đứng xứng tầm. Sau sự thất bại của hàng loạt phim, chưa nói tới món nợ lớn lao với lịch sử, một món nợ với khán giả hiện tại cũng chưa biết tới bao giờ các nhà làm phim mới có thể trả.
Theo Kenh 14
Những tài tử khuynh đảo màn ảnh Việt thập niên 90 Phim Việt những năm 90 ghi lại dấu ấn tốt đẹp nhờ những nam diễn viên điển trai và tài năng. Họ là những ai? Vào những năm 90, màn ảnh Việt Nam có sự xuất hiện của nhiều tài tử đẹp trai làm xiêu lòng biết bao khán giả nữ. Cùng nhìn lại những hình ảnh xưa và nay của những ngôi...