Điện Kremlin bình luận về số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria
Điện Kremlin cho rằng còn quá sớm để xác định tương lai các căn cứ quân sự của Nga tại Khmeimim và Tartus ở Syria.
Máy bay Il-76 của Nga hạ cánh tại Căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. Ảnh: Sputnik
Theo đài RT (Nga), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các cuộc thảo luận về các căn cứ này sẽ phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo mới của Syria.
“Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến giai đoạn chuyển giao và bất ổn cực độ”, ông Peskov nói với truyền thông ngày 9/12. Ông lưu ý rằng những diễn biến gần đây ở Syria đã khiến thế giới, bao gồm cả Nga, phải bất ngờ. “Sẽ mất thời gian trước khi chúng ta có thể tham gia vào các cuộc đối thoại nghiêm túc với những người nắm quyền lực”, ông nói thêm.
Song ông Peskov tuyên bố lực lượng Nga tại Syria đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự này. Ông nói thêm rằng sự an toàn của các căn cứ quân sự Nga tại Syria là một vấn đề rất quan trọng.
“Tất nhiên, quân đội của chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp phòng vệ cần thiết”, ông Peskov nói khi được hỏi về mức độ quan ngại của Điện Kremlin về an ninh của các căn cứ Nga tại đây.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Moskva đang đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả về tình hình ở Syria.
Video đang HOT
“Syria đang trải qua giai đoạn bất ổn rất khó khăn và điều quan trọng là phải duy trì đối thoại với tất cả các nước trong khu vực. Chúng tôi quyết tâm thực hiện điều này và chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và phân tích”, ông nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Điện Kremlin thừa nhận “định dạng Astana” cho các cuộc đàm phán giữa Syria, các đồng minh, nước láng giềng và đối thủ của nước này đã bị mất cùng với các mục tiêu về hòa bình và chủ quyền. Tuy nhiên, với tư cách là một cơ chế trao đổi ý kiến và tham vấn chính trị giữa các quốc gia, định dạng này vẫn có liên quan.
“Dù dưới hình thức nào, các cuộc tham vấn này sẽ diễn ra”, ông nói.
Lực lượng quân sự Nga hiện diện tại Căn cứ không quân Khmeimim và một trung tâm hỗ trợ hậu cần tại Tartus, nằm ở phía tây của Syria, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Năm 2017, Moskva và Damascus đã nhất trí triển khai quân đội Nga tại các căn cứ này trong thời hạn 49 năm.
Theo nguồn tin, phe đối lập vũ trang Syria đã tiếp cận 2 căn cứ quân sự quan trọng của Nga. Một nguồn tin địa phương nói với hãng thông tấn TASS rằng hiện tại căn cứ này không bị đe dọa.
“Các lực lượng đối lập không tấn công cũng không có kế hoạch xâm phạm lãnh thổ của các cơ sở quân sự của Nga, nơi đang hoạt động bình thường”, nguồn tin cho biết.
Trước đó, hôm 8/12, một nguồn tin từ Điện Kremlin nói với hãng thông tấn TASS rằng các nhóm chiến binh lật đổ Chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đã đảm bảo an toàn cho các cơ sở quân sự và phái bộ ngoại giao của Nga trong nước.
Nhiều phe đối lập khác nhau, bao gồm các chiến binh thánh chiến Hayat Tahrir-al-Sham và các chiến binh Quân đội Syria Tự do Mỹ hậu thuẫn, đã giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus vào cuối tuần qua, khi Quân đội Syria rút lui và Tổng thống Assad xin tị nạn ở Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa tin Tổng thống Assad đã quyết định từ chức và rời khỏi Syria sau các cuộc đàm phán với một số phe phái trong cuộc xung đột Syria, đưa ra chỉ thị về việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nga sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán.
“Không có cuộc họp nào được lên lịch cho Tổng thống Assad. Chúng tôi không có lý do gì để thông báo về nơi ở của ông ấy”, ông Peskov trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Assad tại Moskva.
Liên bang Nga đối mặt nguy cơ mất căn cứ quân sự tại Syria
Các căn cứ quân sự chiến lược của Liên bang Nga tại Syria, bao gồm Tartus và Hmeimim, đang đứng trước nguy cơ bị tấn công nghiêm trọng sau những bước tiến nhanh chóng của phe nổi dậy.
Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov tại New York, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong khi đó, Moskva phải chia sẻ nguồn lực quân sự để đối phó với xung đột ở Ukraine, đặt ra những thách thức lớn về chiến lược và tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhánh của Jabhat al-Nusra, cùng các đồng minh - đã khiến quân đội Syria chịu tổn thất nặng nề. Nhóm này đã nhanh chóng chiếm giữ các khu vực chiến lược, đẩy quân đội chính phủ khỏi Aleppo, Hama và Homs trước khi tiến sát ngoại ô Damascus. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, các lực lượng thánh chiến tiếp cận gần thủ đô, gây áp lực lớn lên chính quyền và cuối cùng buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời bỏ thủ đô Damascus.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov bác bỏ tin đồn về việc rút tàu chiến khỏi căn cứ Tartus. Ông khẳng định, các hoạt động quân sự của Liên bang Nga tại Địa Trung Hải vẫn đang diễn ra bình thường, đồng thời cho rằng những hình ảnh từ vệ tinh là nguyên nhân gây hiểu nhầm là các cuộc tập trận. Tuy nhiên, các cảnh báo từ những blogger chiến tranh nổi tiếng của Liên bang Nga, nhiều người có mối quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Theo đó, các cơ sở quân sự của Liên bang Nga tại Tartus và Hmeimim đang đối mặt với nguy cơ bị đánh chiếm hoặc phong tỏa, đe dọa khả năng duy trì hiện diện của Moskva tại Trung Đông.
Căn cứ Tartus - cảng biển chiến lược của Liên bang Nga ở Địa Trung Hải không chỉ đóng vai trò là trung tâm tiếp tế, mà còn là bàn đạp cho các hoạt động của Moskva tại châu Phi. Nếu căn cứ này rơi vào tay phiến quân, Moskva sẽ mất đi một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận hành quân sự toàn cầu. Tương tự, căn cứ Hmeimim - nơi hỗ trợ các cuộc không kích của Liên bang Nga, là trọng tâm cho chiến lược kiểm soát không phận Syria. Theo một blogger có ảnh hưởng, việc mất Hmeimim đồng nghĩa với việc Liên bang Nga sẽ không thể thực hiện 75% các chiến dịch không kích tại đây và đẩy quân đội Syria vào thế bất lợi nghiêm trọng.
Sự hạn chế về nguồn lực là một trong những nguyên nhân khiến Liên bang Nga gặp khó khăn trong việc hỗ trợ Syria. Hiện tại, phần lớn lực lượng và khí tài quân sự của Liên bang Nga đang tập trung cho chiến trường Ukraine, nơi Moskva đang nỗ lực kiểm soát tình hình trước khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump triển khai các chính sách. Điều này khiến sự hỗ trợ của Liên bang Nga đối với chính quyền al-Assad bị giảm sút đáng kể, hoàn toàn khác biệt so với thời điểm năm 2015 khi Moskva can thiệp quyết liệt vào cuộc xung đột tại Syria.
Ngoài áp lực từ chiến trường, thách thức về chính trị cũng đang bủa vây Moskva. Sự can thiệp vào Syria từng được Tổng thống Vladimir Putin coi là biểu tượng của sức mạnh địa chính trị và năng lực quân sự của Liên bang Nga. Tuy nhiên, thất bại trong việc bảo vệ các căn cứ quan trọng sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông. Một blogger chiến tranh nhận định rằng, nếu quân đội Liên bang Nga không thể giữ được các tỉnh Latakia và Tartus, mọi nỗ lực trong gần một thập kỷ qua - từ sinh mạng binh sĩ đến các chi phí khổng lồ về khí tài quân sự - sẽ trở thành "một khoản lỗ không thể bù đắp".
Đối mặt với câu hỏi về tương lai của các căn cứ tại Syria, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Liên bang Nga sẽ làm tất cả để ngăn chặn "những kẻ khủng bố" giành chiến thắng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ dựa vào quân đội Syria sẽ không đủ để bảo vệ các cơ sở quân sự trước sự tấn công dồn dập của các lực lượng thánh chiến.
Diễn biến tại Syria không chỉ đặt Liên bang Nga vào tình thế khó khăn mà còn làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Các bước tiến của phiến quân được cho là có sự hỗ trợ từ tình báo Ukraine, mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Với Trung Đông là một khu vực quan trọng trong chiến lược của nhiều cường quốc, sự suy yếu của Liên bang Nga tại đây có thể tạo điều kiện cho các lực lượng khác gia tăng ảnh hưởng.
Nga đề nghị HĐBA LHQ họp khẩn về tình hình Syria Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) đã đề nghị tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về tình hình Syria vào chiều 9/12. Các tay súng nổi dậy tiến vào thành phố Homs ở Syria, ngày 6/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN Hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin tại LHQ cho biết liên quan đến những diễn biến mới nhất...