Điểm thi thấp, điểm chuẩn năng lực nhiều ngành hot vẫn cao
Điểm chuẩn cao nhất năm nay ở một số trường vẫn là những ngành hot như trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, ngôn ngữ Anh…
Sau thời gian dài thấp thỏm chờ đợi, hai ngày qua, các trường đại học (ĐH) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã lần lượt công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH này tổ chức năm 2022. Nhìn chung, dù điểm thi năm nay giảm nhưng điểm chuẩn nhiều ngành vẫn ở mức cao.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2022 tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Có ngành hơn 1.000 điểm mới trúng tuyển
Trong công bố của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) chiều 30-6, điểm chuẩn theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM dao động 24.00-28.15 điểm. Điểm chuẩn ĐGNL cũng dao động từ 610 đến 900, theo thang điểm 1.200 của bài thi ĐGNL.
Trong đó, truyền thông đa phương tiện vẫn là ngành có điểm cao nhất ở cả hai phương thức vì đây là ngành luôn thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký. Một số ngành hot khác cũng có điểm cao trên 800 như ngôn ngữ Anh (870 điểm), quan hệ quốc tế (850 điểm), tâm lý học (860 điểm)…
Năm nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả kỳ thi ĐGNL.
Theo công bố của hội đồng tuyển sinh trường, điểm chuẩn năm nay dao động từ 610 đến hơn 1.000 điểm. Trong đó, ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất với 1.001 điểm. Đây là lần đầu tiên trong các năm qua, trường có ngành xét tuyển đạt ngưỡng điểm chuẩn trên 1.000 điểm.
Đánh giá điểm chuẩn năm nay, theo ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng thông tin – truyền thông, so với năm 2021, trường có chín ngành giảm điểm, ba ngành không thay đổi, còn lại 14 ngành tăng. Đa số ngành tăng thuộc nhóm điểm chuẩn cao (700-900 điểm). Điểm tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành toán học, toán ứng dụng, toán tin (tăng 80 điểm), còn lại đều tăng nhẹ 10-30 điểm. Điều này nằm trong dự báo bởi kỳ thi ĐGNL năm nay có lượng thí sinh đăng ký đông, nhóm thí sinh được phân loại khá rõ rệt.
Việc một số ngành giảm điểm, theo ThS Vũ, có thể lý giải thông qua phổ điểm năm nay có phần “lệch trái” so với các năm trước, đồng thời các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thường ít được thí sinh lựa chọn.
“Nhìn vào điểm chuẩn năm nay, có thể thấy xu thế thí sinh vẫn lựa chọn số đông theo các khối ngành về toán, máy tính, kỹ thuật, công nghệ khiến việc cạnh tranh vào các ngành này càng “khốc liệt”" – ThS Vũ nhìn nhận.
Tương tự, năm nay điểm chuẩn của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở phương thức xét điểm thi ĐGNL không biến động nhiều và có một số ngành giảm nhẹ so với năm trước. Điểm chuẩn của 13 ngành học dao động 805-940 điểm. Trong đó, ngành trí tuệ nhân tạo có mức điểm cao nhất với 940 điểm, thấp hơn 10 điểm so với ngành có điểm cao nhất năm trước.
Còn tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngôn ngữ Anh là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 835 điểm. Các ngành còn lại dao động 600-820 điểm.
PGS-TS Lê Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường, cho biết so với năm 2021, điểm chuẩn một số ngành năm nay không thay đổi và có một số ngành tăng nhẹ điểm. Tuy nhiên, nhìn chung số điểm năm nay của trường phù hợp với chất lượng thí sinh cũng như phù hợp với độ khó của đề thi năm nay.
Video đang HOT
Những thí sinh đã đủ điều kiện điểm chuẩn (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tự đặt thứ tự nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để xác nhận kết quả trúng tuyển vào trường.
Cẩn trọng khi đăng ký lại trên hệ thống
Mặc dù thời điểm này nhiều trường ĐH đã rục rịch công bố điểm chuẩn ở một số phương thức tuyển sinh như ĐGNL, xét học bạ, ưu tiên xét tuyển… nhưng nhiều thí sinh và cả cơ sở đào tạo cũng không khỏi lo lắng vì vẫn chưa nắm chắc được lượng thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường.
Bởi lẽ, theo điều chỉnh mới của Bộ GD&ĐT trong xét tuyển ĐH năm nay, hệ thống phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc ảo chung cho tất cả nguyện vọng đăng ký của thí sinh (đủ điều kiện) ở tất cả phương thức, không chỉ là phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Khi tiến hành lọc ảo, thí sinh sẽ được xác định trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, theo thứ tự ưu tiên cao nhất và thí sinh cũng sẽ phải xác nhận nhập học trên hệ thống.
Về vấn đề này, ngay sau khi công bố điểm chuẩn, các cơ sở đào tạo cũng đã có hướng dẫn, lưu ý cho thí sinh để “giữ chân” được những thí sinh đã đạt điểm chuẩn của trường trong đợt 1 này.
Theo ThS Trần Nam, Trưởng Phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH KHXH&NV, những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường, thuộc một trong các phương thức trường đã công bố phải tiếp tục thực hiện các bước theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong từng mốc thời gian do bộ quy định, bắt đầu từ ngày 22-7.
Trường cũng lưu ý nếu thí sinh xác định nhập học vào trường, khi thực hiện “xác nhận thứ tự của nguyện vọng”, thí sinh phải điều chỉnh và xác nhận ngành đủ điều kiện trúng tuyển mà thí sinh muốn học ở thứ tự đầu tiên (nguyện vọng 1).
Tuy nhiên, trong trường hợp thí sinh chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng để tham gia xét tuyển ở đợt xét chung. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không còn trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển.
ThS Trần Vũ cũng dặn dò thí sinh rằng để được công nhận trúng tuyển chính thức, những thí sinh đã đủ điều kiện điểm chuẩn (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tự đặt thứ tự nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để xác nhận kết quả trúng tuyển vào trường. Sau đó, thí sinh sẽ thực hiện các bước xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học để được công nhận chính thức là sinh viên của trường.
“Tất cả bước trên đều phải được thực hiện, do đó thí sinh cần cẩn trọng để không bị vuột mất cơ hội một cách đáng tiếc” – ThS Vũ nhắn nhủ.
Những mốc thời gian xét tuyển thí sinh cần lưu ý
- Trước 17 giờ ngày 15-7: Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu (không giới hạn số nguyện vọng) về các cơ sở đào tạo theo hướng dẫn của cơ sở.
- Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Từ ngày 21-8 đến 17 giờ ngày 28-8: Thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống.
- Từ ngày 4-9 đến 17 giờ ngày 15-9: Thực hiện lọc ảo trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
- Trước 17 giờ ngày 17-9: Các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
- Trước 17 giờ ngày 30-9: Tất cả thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Xét tuyển ĐH-CĐ bằng điểm thi đánh giá năng lực ra sao?
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào ngày 5-4.
Ngày 27-3, gần 80.000 thí sinh (TS) lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT trước đó đã hoàn thành đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Kỳ thi diễn ra cùng lúc tại 17 tỉnh, thành với 36 cụm thi, 80 địa điểm thi.
96,4% thí sinh dự thi đợt 1
Trong đợt thi đầu tiên, dù đây là kỳ thi tuyển sinh riêng, kết quả sẽ dùng để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ nhưng tâm lý của các TS khá thoải mái và hào hứng. Các em đã trải qua bài thi trắc nghiệm với 120 câu ở nhiều lĩnh vực trong 150 phút trong buổi sáng.
Đây là năm thứ năm kỳ thi được tổ chức và cũng là năm có số TS dự thi nhiều nhất. Như tại TP.HCM có đến khoảng 42.000 em với 32 địa điểm thi. Đây cũng là năm mà số địa điểm thi được mở rộng ở nhiều địa phương nên thuận tiện đi lại cho TS, không còn cảnh phụ huynh, TS phải lặn lội từ xa, mang theo hành lý đưa con đi thi như những năm trước.
Công tác phòng dịch COVID-19 cũng được triển khai nghiêm ngặt tại từng điểm thi như đo thân nhiệt, bố trí phòng y tế, trang bị khử khuẩn... TS cũng được yêu cầu phải khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID trong vòng 48 tiếng trước giờ thi. Những TS đang là F0, cách ly y tế hay có những biểu hiện liên quan đến COVID-19 như sốt, ho, khó thở... sẽ không được dự thi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, do số TS và điểm thi nhiều, ĐH Quốc gia TP.HCM đã huy động khoảng 6.000 cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi.
Kết quả, ở đợt 1 có khoảng 82.340 TS đăng ký dự thi và tỉ lệ TS có mặt dự thi năm nay khá cao, đạt đến 96,4%.
Kỳ thi diễn ra thuận lợi, đúng quy chế, đảm bảo an toàn về mọi mặt, từ công tác an ninh kỳ thi, phòng chống dịch đến hỗ trợ TS...
Tiến sĩ Chính lưu ý: Những TS không thể tham dự kỳ thi đợt 1 sẽ được tạo điều kiện để tham dự kỳ thi ĐGNL đợt 2 mà không phải đóng lệ phí dự thi và cũng không phải chứng minh lý do không dự thi trước đó.
Tiến sĩ Chính cho biết kết quả thi đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 5-4. TS sẽ biết điểm thông qua tài khoản và mật khẩu cá nhân khi truy cập trên trang điện tử của kỳ thi.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Về công tác xét tuyển ĐH-CĐ, Tiến sĩ Chính cho hay điểm mới đáng chú ý năm nay là TS được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV). Các NV được xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là NV cao nhất).
Đặc biệt, TS sẽ được đăng ký bổ sung NV xét tuyển và sắp xếp lại thứ tự NV xét tuyển sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố.
Việc điều chỉnh này sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 6-4, tức khi cổng thông tin của kỳ thi được mở để TS đăng ký thi đợt 2 hoặc đồng thời điều chỉnh NV đã đăng ký.
Được biết theo thống kê, trong đợt đăng ký thi đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận đã có khoảng 1 triệu NV được đăng ký. Trung bình mỗi em đăng ký 3-4 NV.
Theo Tiến sĩ Chính, đến nay đã có 84 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển đầu vào năm 2022. Trong đó có 57 đơn vị đăng ký xét tuyển chung. Riêng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay dự kiến dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL. Tuy nhiên, nhiều trường thành viên dành chỉ tiêu xét tuyển lớn.
Như Trường ĐH Bách khoa xét tuyển tối đa đến 70% chỉ tiêu trong tổng số hơn 5.000 TS, theo ngành/nhóm ngành. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng xét tuyển 40%-70% trong tổng chỉ tiêu hơn 3.600, Trường ĐH KHXH&NV xét tuyển 35%-50% trong gần 4.600 chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay chỉ tuyển 60% chỉ tiêu cho cả xét điểm thi tốt nghiệp THPT và ĐGNL. Tuy nhiên, trường chỉ nhận hồ sơ cho những TS đạt mức điểm từ 600, theo thang điểm 1.200 của bài ĐGNL.
Đối với các trường ngoài hệ thống và không có trong hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS cần xem thông tin do các trường công bố để biết cách đăng ký NV xét tuyển.
Đa số các trường này xét tuyển 5%-15% chỉ tiêu theo kết quả ĐGNL. Trong đó có những trường lần đầu tiên sử dụng kết quả này như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xét tuyển với những TS từ 700 điểm trở lên, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận xét tuyển TS từ 650 điểm trở lên.
Còn với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoài yêu cầu TS có điểm sơ tuyển đạt từ 700/1.200 điểm trở lên, TS còn phải có điểm trung bình học tập học kỳ 1 năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 dự kiến vào ngày 22-5
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, ở đợt 2, thời gian đăng ký sẽ từ ngày 6 đến 25-4. Kỳ thi dự kiến được tổ chức vào ngày 22-5, tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng, tại bốn tỉnh, TP là Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và An Giang.
TS có thể tham gia cả hai đợt thi, đợt thi nào cao điểm hơn sẽ dùng để xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Kết quả thi của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 29-5. Đối với các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL được dự kiến công bố trước ngày 5-6.
Thời gian công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1? Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ sau khi có điểm thi, bắt đầu từ ngày 6-4. Đến 11 giờ ngày 27-3, kết thúc 150 phút với 120 câu hỏi trắc nghiệm, hàng chục ngàn thí sinh trên cả nước đã hoàn thành đợt thi đánh giá năng lực đợt một do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Thí sinh...