“Điểm tên” ba vấn đề của ngành giáo dục
Có những người dạy Toán cả một đời người nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60 %. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không?
Dù đã qua tuổi 75 nhưng GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT vẫn đang miệt mài theo đuổi những nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển sự nghiệp “trồng người” của đất nước.
Trong chuyên đề bàn về những “thất vọng và kỳ vọng vào nền giáo dục, trước thềm Hội nghị TƯ 6, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ những trăn trở, tìm sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, và bản thân ông luôn kỳ vọng sẽ có sự biến đổi trong ngành giáo dục nước nhà.
- Là một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, từng là người chèo lái “con thuyền giáo dục” Việt Nam qua khó khăn trong thời kỳ đổi mới, GS có những kỳ vọng và kế sách gì về nền giáo dục nước nhà hiện nay?
GS Phạm Minh Hạc: Thời điểm này, giáo dục Việt Nam phải làm được 3 việc tối thiểu sau:
Thứ nhất, đủ trường lớp với tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục về sỹ số. Kiên cố ở tất cả mọi vùng miền, học 2 buổi/ngày, 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp trung học. Theo quy định của Bộ là mỗi lớp chỉ 35 em, nhưng thực tế một cô giáo phải quản lý từ 40 – 60 học sinh/lớp. Quá vất vả và rất khó quản lý.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bàn về giáo dục hiện nay
Thứ hai, Bộ GD& ĐT cần có một bộ sách giáo khoa (SGK) tốt, đạt chuẩn quốc tế, không quá tải, đủ đảm bảo chất lượng. Mau chóng có bộ sách giáo khoa mới (về khoa học tự nhiên như các nước có nền giáo dục tiên tiến, về khoa học xã hội thiết thực, vừa sức, không ôm đồm, tạo cơ sở hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu hình thành nhân cách – thành người, làm người). Đủ thiết bị và phương tiện dạy học tối thiểu.
Thứ ba, chấn chỉnh, củng cố và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ tư cách và năng lực, đảm bảo số lượng, cơ cấu. Xem xét các chính sách đối với đội ngũ này, đảm bảo cho giáo viên đủ sống bằng nghề. Ví dụ, một giáo viên phổ thông cơ sở chỉ có 2,1 triệu/tháng, như thế là không đủ.
“Không có người cho thì không có người xin”
- Thưa nguyên Bộ trưởng, đa số người Việt Nam đều có tâm lý: “Hư văn, khoa cử, quan trường” (coi trọng tấm bằng, bảng điểm). Hiện tượng học giả thi giả, mua bằng không còn xa lạ đối với giáo dục hiện nay. Vậy, quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
GS Phạm Minh Hạc: Vấn đề này có hai khía cạnh:
Một là, nói một cách trực tiếp nhất là những người có trách nhiệm phải làm một cách công tâm, không tiêu cực, không tham nhũng thì làm sao có chuyện chạy điểm, đi thầy… Ví dụ vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), nếu những giám thị nghiêm túc thì không có học sinh nào dám quay cóp được.
Hai là, cái nền dẫn đến hiện tượng đó là do tâm lý người dân. Tâm lý “chạy chọt”, con em học kém nhưng vẫn muốn vào trường này trường khác, lên lớp, tốt nghiệp hay điểm cao… Đó là cái gốc tạo ra tiêu cực. Người ta không hiểu thực chất của việc học là thành con người, thành nghề. Nếu hiểu thì không bao giờ họ làm như thế.
Video đang HOT
Và người trực tiếp quản lý là cái ngọn dẫn đến hiện tượng tiêu cực giáo dục. Thử ngẫm xem, nếu không có người cho thì sẽ không có người xin và nếu không xin thì ai dám cho.
- Hệ thống trường chuyên được mở ra và nhân rộng là một trong những chủ trương có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay phong trào “chạy đua” vào trường chuyên, lớp chọn không còn lạ. Đó có phải “cớ” để dẫn đến tiêu cực, gian lận không thưa GS?
GS Phạm Minh Hạc: Trường chuyên có từ năm 1965. Từ năm 1965 đến thời kỳ đổi mới, cả nước có 6 cơ sở trường chuyên. Là người đóng góp vào chủ trương mỗi tỉnh có một trường phổ thông trung học chuyên với khẩu hiệu phát triển đại trà và mũi nhọn, tôi nhận thấy đây là một bước đổi mới giáo dục.
Theo tôi, hiện tượng tiêu cực xảy ra ở đây là rất hãn hữu và không chạy theo thành tích. Vì ở đó học sinh phải học giỏi thực sự, các em phải học với tốc độ và “nồng độ” đậm đặc. Học kém cho vào cũng phải bị đào thải, không thể theo được.
- Vậy GS lý giải sao về hiện tượng phụ huynh học sinh thức đêm, chờ đợi hàng giờ, đạp đổ cổng trường để nộp đơn xin cho con vào lớp 1?
GS Phạm Minh Hạc: Việc phụ huynh mong muốn chọn cho con em mình theo học trường tốt là không có gì phê phán cả. Cái điều đáng lên án, kêu ca là Bộ GD không thể tổ chức được nhiều trường như thế, hiện nay tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp! Nếu có nhiều, thì người dân không phải chen nhau đạp đổ cổng.
Sách giáo khoa vẫn… hết sức nặng nề
- Theo GS thì sách giáo khoa hiện nay bất cập như thế nào?
GS Phạm Minh Hạc: Chương trình SGK, đặc biệt là Toán, Văn vẫn còn nhiều bất cập và hết sức nặng nề. Khi tôi làm Bộ trưởng, tôi ra quyết định là bỏ hết các bài toán sao (toán khó – PV) và các cháu chỉ học rất cơ bản. Còn ngày nay thì những bài toán khó lại được in tràn lan. Ai đời sách tham khảo môn Toán có đến hơn 100 cuốn.
Có những người dạy Toán cả một đời người nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60 %. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không?
Còn môn Văn thì dạy quá nhiều định nghĩa, văn phạm, nhưng ngữ văn thực hành thì rất kém. Năm 2015 mới có bộ SGK mới, vậy chúng ta, con em chúng ta phải đợi lâu quá! Mà chưa chắc năm 2016 có bộ sách mới bởi còn phải tập huấn, thí điểm…!
Năm học 2011 – 2012, Bộ tiến hành giảm tải chương trình sách giáo khoa. Nhưng thực tế, giảm tải mang tính hình thức, vụn vặn, không đến nơi đến chốn.
Cấm giao bài tập về nhà: “Ném đá ao bèo”
- GS đánh giá như thế nào về chủ trương của Bộ GD là không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học? Điều đó có thực sự hiệu quả, sát sao?
GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi nếu học sinh tiểu học học ở trường 2 buổi/ngày thì không cần giao bài tập về nhà, nhưng nếu học 1 buổi thì nên. Hiện nay, có những tỉnh chỉ được 50% học 2 buổi. Và Bộ GD tuyên bố đến năm 2025 mới thực hiện 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Trong tình hình hiện nay, quản lý thời gian học ở nhà của các em, nhà nước chưa với tới được. Văn bản ra cũng có tác dụng nhất định, nhưng phần lớn chưa đi vào thực tế, chưa xuống hết đại bộ phận gia đình. Như ở Liên Xô trước đây quy định trẻ học lớp 1 học ở nhà 15 phút, lớp 2 chỉ 30 phút, lớp 3 là 45 phút… và người dân tuân theo vì họ coi đó là căn cứ khoa học. Còn ở Việt Nam thì chỉ là “ném đá ao bèo”!
- Thưa GS, ngay cả việc dạy thêm, học thêm cũng khiến nhiều người rất bức xúc. Bức xúc bởi vì nhiều khi học thêm không xuất phát từ nhu cầu thực, mà vì phụ huynh e sợ điều gì đó nên cứ cho con đến nhà cô học thêm. Xin thưa thật với GS, ngay ở thời điểm này, tại Hà Nội, có những giáo viên dạy thêm cho học sinh ngay từ lớp 1, lớp 2. Theo GS thì đâu là căn nguyên dẫn đến hiện tượng này?
GS Phạm Minh Hạc: Khía cạnh thứ nhất, người Việt Nam phần nhiều vẫn ưa chuộng hình thức danh tiếng. Người Việt có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhiều trường hợp quá kỳ vọng hoặc kỳ vọng quá sớm vào khả năng của con mình. Tất nhiên, tâm lý mong cho con mình tốt đẹp, nói rộng là tinh thần hiếu học của dân tộc là đáng khuyến khích. Nhưng vì quá kỳ vọng, nên hễ có điều kiện, họ đổ xô đưa con đi học thêm.
Khía cạnh thứ 2 là đời sống thiếu thốn, nhiều giáo viên tranh thủ lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở lớp. Không có gì chê trách khi họ sống bằng lao động nghề nghiệp của họ. Nhưng việc tổ chức này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và hoạt động của nhà trường thì không ai ủng hộ mà cần lên án. Sau năm 1996 đã đưa khẩu hiệu “chống dạy thêm, học thêm tràn lan”, nhưng suốt 16 năm nay tình hình chưa ổn và làm cực kỳ vất vả.
Khía cạnh 3, quản lý nhà nước về giáo dục chưa là cuộc vận động rộng rãi trong quần chúng và cần phải dựa vào đoàn thể. Như thế mới có thể chấn chỉnh, củng cố và đổi mới được nền giáo dục nước nhà.
Trân trọng cảm ơn GS!
Theo GDVN
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học VN"
Nếu nền giáo dục Việt Nam như một con tàu thì Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam như hai cỗ máy trên con tàu đó.
Có lẽ chính từ cách nhìn như vậy nên ngay từ những ngày đầu mới thành lập, hơn 15 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn nhận được sự cộng tác, ủng hộ tận tình của Bộ GD-ĐT. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xung quanh vấn đề này.
Đồng hành cùng ngành giáo dục
Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của Bộ trưởng về những đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam với sự nghiệp giáo dục - đào tạo?
Sau 15 năm kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, Hội Khuyến học Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng với trên 8,5 triệu hội viên, trong đó phần lớn là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghỉ hưu và tổ chức hội đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong những năm qua, Hội Khuyến học đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, đóng góp một phần tích cực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Hội không ngừng khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc thông qua các hoạt động như xây dựng Dòng họ khuyến học, Gia đình hiếu học, Cụm dân cư khuyến học, Xây dựng xã hội học tập, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng... Các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài do Hội phát động đã tạo nên một không khí thi đua học tập sôi động, lôi cuốn nhiều triệu người tham gia. Những hoạt động, phong trào thiết thực này đã góp phần cùng ngành Giáo dục thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Sự phối hợp luôn luôn cần thiết và điều đó được thể hiện như thế nào giữa Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD-ĐT, thưa Bộ trưởng?
Những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã rất tích cực, chủ động phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng và phát triển thành công mô hình trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Đồng thời Hội cũng có sự đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Bộ GD-ĐT xây dựng và thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010", xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Hội sẽ là một trong những lực lượng xung kích
Thưa Bộ trưởng, trong những năm sắp tới, Bộ GD-ĐT và Trung ương Hội KHVN cần làm gì để sự hợp tác có hiệu quả hơn nữa nhằm phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, một trong những lĩnh vực được xã hội quan tâm hàng đầu hiện nay?
Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT và Hội KHVN đều có kế hoạch phối hợp từng giai đoạn 5 năm. Vừa qua, Bộ và Hội đã ký Bản phối hợp hành động 2011 - 2015 với các nội dung cơ bản như: Hàng năm khi tổng kết năm học cũ và xây dựng chương trình năm học mới, Bộ GD-ĐT có nội dung kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động phối hợp giữa Bộ và Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; Phối hợp xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ; Xác định Dòng họ khuyến học, Gia đình hiếu học, Cụm dân cư khuyến học là một nội dung trong cuộc vận động xây dựng " Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực". Bộ GD-ĐT tạo mọi điều kiện để Hội KHVN tham gia thực hiện những đề tài nghiên cứu lý luận và triển khai ứng dụng thực tiễn về xây dựng xã hội học tập. Bộ và Hội làm nòng cốt trong hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập ở trung ương và địa phương, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Tuần lễ Khuyến học, Tháng Khuyến học và Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10.
Còn những nhiệm vụ của năm 2012, thưa Bộ trưởng?
Năm nay, Bộ và Hội sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010"; triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020". Bộ GD-ĐT sẽ tích cực ủng hộ Hội KHVN tổ chức Đại hội biểu dương GĐHH, DHKH lần thứ 3 và có hình thức khen thưởng các đơn vị xuất sắc.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, toàn ngành Giáo dục đang khẩn trương hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Đó cũng là một trong 9 giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khuyến học Việt Nam nói riêng. Với mục tiêu nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam và tin tưởng rằng Hội sẽ là một trong những lực lượng xung kích để thực hiện các mục tiêu trên.
Báo Dân trí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng
Được biết là vừa qua, giữa Bộ và Hội đã có ký kết về phối hợp tuyên truyền...?
Cùng với các nhiệm vụ trên, chúng tôi tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền trực thuộc phản ánh các hoạt động phối hợp, động viên, khuyến khích các việc làm tốt, các cá nhân điển hình trong hoạt động giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Báo Giáo dục và Thời đại và Báo Khuyến học và Dân trí - Dân trí điện tử có chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động xã hội; tổ chức vinh danh nhà giáo, học sinh, sinh viên, tuyên dương Nhân tài Đất Việt.
Theo Bộ trưởng, báo Dân trí đã có đóng góp gì cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà?
Trước hết, tôi xin chúc mừng sự phát triển mạnh mẽ của báo Dân trí những năm qua. Từ một trang báo mạng, đến nay Dân trí đã trở thành một trong những tờ báo điện tử hàng đầu. Về các hoạt động truyền thông, cùng với hệ thống báo chí ngành giáo dục, báo Dân trí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời đưa ra và điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp để từ đó đề ra các biện pháp đúng đắn, phù hợp với lòng dân và định hướng phát triển của ngành. Những điều mà Bộ góp ý, đề nghị đều được Báo tiếp thu với tinh thần hợp tác và xây dựng. Tôi mong rằng trong thời gian tới, tập thể cán bộ, phóng viên báo Dân trí tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, nỗ lực học tập, nghiên cứu, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
Theo DT
Cần tổ chức một nền giáo dục như thế nào? Vấn đề thứ hai: Cần tổ chức một nền giáo dục như thế nào? Trước tiên phải xuất phát từ yêu cầu phát triển nhân cách, năng lực người học, tiếp đến là đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội, mà tổ chức nền giáo dục. Ngày nay thế giới biến đổi với tốc độ rất nhanh, điều kiện...