Điểm khác biệt giữa vụ tài liệu mật mới nhất của Mỹ với những vụ rò rỉ trước
Các quan chức Mỹ lo ngại dữ liệu lần này ít toàn diện hơn nhưng lại mang tính cập nhật hơn, từ đó có khả năng dẫn tới những tổn thất vô cùng to lớn.
Tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot là một trong những thiết bị quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi trang web WikiLeaks tiết lộ kho tài liệu khổng lồ về các bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ cách đây 13 năm, cả thế giới lần đầu tiên được biết về công việc hàng ngày của các nhà ngoại giao Mỹ – những cái bắt tay vững chắc, sự nghi ngờ đối với các đồng minh và cái nhìn thoáng qua về cách Washington ứng phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran.
Ba năm sau đó, cựu nhân viên kỹ thuật của CIA Edward Snowden lật tẩy các bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Thời điểm này, người dân Mỹ lại tiếp tục được một phen bất ngờ phát hiện thời đại kỹ thuật số mở ra một kỷ nguyên giám sát mới đáng chú ý, cho phép cơ quan này thâm nhập vào ngành viễn thông của Trung Quốc và xâm nhập vào các máy chủ của Google ở nước ngoài để nhận thông tin liên lạc nước ngoài.
Tuy nhiên, trong vụ rò rỉ dữ liệu mới nhất của Lầu Năm Góc, hơn 100 tài liệu bao gồm dữ liệu hoạt động về cuộc chiến ở Ukraine bị tiết lộ gây ra những tác động hoàn toàn khác biệt. Mặc dù so với những lần rò rỉ thông tin trước, dữ liệu lần này ít toàn diện hơn nhưng lại mang tính cập nhật hơn. Thậm chí có những thông tin chỉ vừa được lưu trữ trước thời điểm bị rò rỉ 40 ngày như vị trí hệ thống phòng không của Ukraine và đây là điều khiến các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lo lắng nhất vì những tiết lộ này có khả năng dẫn tới những tổn thất vô cùng to lớn.
Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây đã gọi vụ rò rỉ thông tin mật lần này là “một cơn ác mộng”.
Video đang HOT
Trên thực tế, các tài liệu được công bố cho đến nay đã cung cấp phần nào quan điểm nhìn nhận của Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh vị trí hệ thống phòng không Ukraine, bản tài liệu còn chứa loạt cảnh báo sớm về cách Nga có thể trả đũa. Một tài liệu của CIA đề cập đến một nhóm tin tặc có liên quan đến Nga đã đột nhập thành công vào mạng lưới phân phối khí đốt của Canada và nhận được chỉ thị từ Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) để duy trì quyền truy cập mạng vào cơ sở hạ tầng khí đốt của Canada. Cho đến nay không có bằng chứng cho thấy phía Nga bắt đầu một cuộc tấn công phá hoại, nhưng rõ ràng nỗi sợ hãi được thể hiện trong các thông tin bị rò rỉ.
Vì những cảnh báo như vậy rất nhạy cảm nên nhiều tài liệu “tuyệt mật” chỉ dành cho các quan chức Mỹ hoặc “Five Eyes” – liên minh chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.
Tất nhiên, với mỗi lần tài liệu bí mật bị rò rỉ, đều có những lo ngại về thiệt hại lâu dài, đôi khi bị thổi phồng quá mức. Việc này đã từng xảy ra vào năm 2010, khi tờ New York Times bắt đầu xuất bản một loạt bài có tên “Bí mật của Nhà nước”, trình bày chi tiết và phân tích các tài liệu được chọn từ kho điện tín do Chelsea Manning tiết lộ và được người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange đăng tải. người sáng lập. Ngay sau khi những bài báo đầu tiên được xuất bản, Ngoại trưởng Hillary Clinton thời điểm đó bày tỏ lo ngại rằng sẽ không còn ai nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ.
Phát biểu trước các phóng viên trong Phòng Hiệp ước của Bộ Ngoại giao Mỹ, nữ Ngoại trưởng nhấn mạnh: “Ngoài việc gây nguy hiểm cho các cá nhân cụ thể, những tiết lộ như thế này còn xé nát kết cấu hoạt động đúng đắn của chính phủ. Tất nhiên, họ vẫn tiếp tục liên lạc, song nhiều quan chức nước ngoài cho biết họ cần dè chừng vì biết rằng có thể bị trích dẫn trong các điện tín của bộ bị rò rỉ trong tương lai.
Khi Snowden tiết lộ dữ liệu từ NSA, các quan chức cũng lo sợ về những thất bại trong việc thu thập thông tin tình báo. NSA đã dành nhiều năm để thay đổi các chương trình, với chi phí lên tới hàng trăm triệu USD. Sau 10 năm, các quan chức cho biết họ vẫn phải theo dõi những thiệt hại sau vụ rò rỉ này.
Washington Post: Mỹ ra lệnh phi công tránh xa bán đảo Crimea của Nga
Trích dẫn tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, tờ Washington Post đưa tin Mỹ dường như đã chỉ thị cho quân đội điều máy bay do thám bay cách xa hơn nhiều giới tuyến mà luật quốc tế cho phép.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper tại Fort Huachuca, Arizona, 2022. Ảnh: RT
Theo nguồn tin, trong số những tài liệu bị rò rỉ, có một bản đồ khu vực mà các máy bay do thám của Mỹ có thể tiếp cận. Bản đồ biểu thị đường ranh giới ở khoảng 19,3 km ngoài khơi bờ biển Crimea, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đường ranh giới thứ hai cách bờ biển khoảng 80,4 km, với dòng ghi chú cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin "có thể đã ra lệnh cho các phi công Mỹ giữ máy bay cách xa bán đảo hơn", tờ Washington Post viết.
Hôm 14/3, Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM) cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã áp sát, buộc máy bay không người lái giám sát MQ-9 Reaper của Mỹ phải hạ cánh khi đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen. Theo EUCOM, chiếc Su-27 của Nga đã đổ nhiên liệu lên UAV và một trong các máy bay Nga đã va vào cánh quạt của chiếc Reaper.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay không người lái đã đi vào khu vực cấm do Moskva vạch ra cho hoạt động quân sự ở Ukraine. Bộ này tuyên bố MQ-9 đã tự rơi sau khi "mất kiểm soát". Moskva cũng phủ nhận rằng có sự tiếp xúc vật lý giữa máy bay không người lái và các máy bay được điều động để đánh chặn nó.
Thông tin Mỹ ra lệnh phi công tránh xa bán đảo Crimea được đưa ra sau khi kho tài liệu mật của Mỹ, bao gồm cả tài liệu về cuộc xung đột ở Ukraine, đã bị tung lên mạng vào tuần trước.
Tuần trước, Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành các cuộc điều tra riêng về vụ rò rỉ các tài liệu này. Tài liệu - dường như là thông tin hàng ngày từ chiến trường, đề cập đến khu vực bố trí của các lực lượng Ukraine, cũng như lịch trình huấn luyện của họ - đã lan truyền trên mạng xã hội.
Trích dẫn tài liệu khác bị rò rỉ khác, tờ Washington Post cũng cho biết Nga và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã suýt tiến gần nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực vào năm ngoái, sau khi một máy bay chiến đấu của Nga suýt bắn hạ một máy bay giám sát của Anh,
Tờ báo đưa tin vụ việc xảy ra vào cuối tháng 9/2022 được cho là nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì London thừa nhận trước đó. Trở lại vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace báo cáo về vụ việc này với quốc hội, đồng thời cho biết thêm rằng phía Moskva giải thích đó là một sự cố kỹ thuật và London chấp nhận lời giải thích này.
Tài liệu mà Washington Post nắm được đã mô tả đây là một vụ "suýt bắn hạ RJ của Anh" - ám chỉ mật danh "River Joint" của máy bay trinh sát RC-135 chuyên thu thập các đường truyền vô tuyến và tin nhắn điện tử. Phía Anh thông báo rằng chiếc RC-135 đã bị chặn đầu bởi hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga trên Biển Đen, và một chiếc Su-27 đã thả tên lửa gần máy bay Anh.
Theo tờ báo, vụ việc có khả năng kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO và có thể dẫn đến sự can dự trực tiếp của các lực lượng NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine, hoặc thậm chí là nổ ra xung đột trực tiếp giữa Moskva và khối quân sự này.
Tờ báo trên cho biết cả Mỹ, Anh và Nga đều không đưa ra bình luận về nội dung của tài liệu này.
CNN: Mỹ theo dõi Tổng thống Ukraine khiến Kiev vô cùng thất vọng Một báo cáo tình báo bị rò rỉ cho thấy Mỹ đã giám sát nhà lãnh đạo Ukraine thông qua việc sử dụng tình báo tín hiệu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Warsaw, Ba Lan ngày 5/4/2023. Ảnh: AFP Đài CNN hôm 9/4 trích dẫn các báo cáo tình báo bị rò rỉ trực tuyến vào tuần trước cho biết Mỹ đã...