Điểm danh những món lẩu đắt khách cho mùa hè Hà Nội
Lẩu là món ăn vô cùng được ưa chuộng, nhất là vào những dịp tụ họp gia đình, bạn bè. Đừng ngần ngại khi thưởng thức lẩu giữa tiết trời mùa hè, vì lẩu ốc, vịt om sấu hay bò nhúng dấm,…
Chính là những món ăn được sinh ra để bạn “thỏa mãn” cơn thèm ngay cả trong những ngày nắng nóng.
Lẩu ốc
Bún ốc là món ăn nổi tiếng, nhưng lẩu ốc vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Một nồi lẩu ốc ngon được chế biến cầu kỳ với khá nhiều gia giảm.
Món lẩu ốc lạ tai và lạ miệng. (Ảnh: Internet)
Món lẩu ốc không thể thiếu những con ốc vặn và ốc nhồi luộc chín tới được khêu khéo léo. Trong lẩu không chỉ có mỗi phần thịt ốc giòn sần sật, béo mẫm mà còn có sủi cảo, chả, mọc được chế biến từ ốc rất độc đáo. Ngoài ra, thịt bò, giò tai, đậu cũng là những đồ ăn kèm phù hợp với món này. Các loại rau ăn cùng lẩu ốc không thể thiếu được rau tía tô thái nhỏ và rau muống chẻ.
Vị thanh, giòn, đậm của lẩu ốc sẽ khiến thực khách quên đi cái nóng trong mùa hè oi bức. Bạn có thể ghé ngõ Khương Thượng trên đường Trường Chinh hoặc đường Tô Hiệu để thưởng thức món ngon này.
Lẩu riêu cua bắp bò, sườn sụn
Lẩu riêu cua bắp bò là món ăn mà bạn có thể thưởng thức vào cả 4 mùa trong năm. Món này ăn ngon và không ngán, do đó rất hợp với thời tiết hè. Nước lẩu riêu cua ngon phải thơm ngọt vị cua đồng, vàng óng ánh gạch cua chưng, thơm mùi hành phi, dậy mùi dấm bỗng, điểm xuyết vài miếng cà chua đỏ, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm.
Lẩu riêu cua bắp bò- món lẩu dễ ăn và rất quen thuộc với người Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Người ta có thể ăn lẩu riêu cua với nhiều thứ nhưng thường không thể thiếu được giò tai, đậu phụ rán, sườn sụn, thịt bò. Sườn sụn ngon khi ăn phải mềm và không được mất đi độ giòn sật. Bò ăn kèm lẩu phải là loại bò bắp ngon, thái mỏng, chỉ trụng qua nước lẩu là có để dùng được ngay. Lẩu riêu cua có thể ăn kèm với các loại rau nhưng nhất thiết không thể thiếu các loại rau sống, đặc biệt là ít hoa chuối thái mỏng, ngâm nước muối trắng phau.
Nếu chợt thèm lẩu vào một ngày hè oi ả, bạn có thể thưởng thức món lẩu riêu cua bắp bò trên phố Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Kim Mã, Phó Đức Chính (Hà Nội)… Một nồi lẩu riêu cua cho 4 người có giá từ 300.000 đồng trở lên.
Video đang HOT
Bò nhúng dấm
Bò nhúng dấm là món ăn kết hợp giữa lẩu và cuốn. Một suất bò nhúng dấm gồm có nước lẩu chua dịu vị dấm, thơm phức vị xả và cốt dừa.
Lẩu bò nhúng dấm được rất nhiều thực khách ưa chuộng. (Ảnh: Internet)
Thịt bò ăn lẩu là bò bắp hoặc bò thăn thái lát. Bò sau khi được chần trong nồi sẽ được cuốn với bánh đa, dứa, chuối xanh thái chỉ cùng rau thơm, cải thảo, hành chần, bún… Cuốn bò có thể thay đổi tùy theo khẩu vị của người ăn. Điều đặc biệt của món ăn này là cuốn sẽ được chấm với mắm nêm đậm đà.
Vị chua dịu, thơm, ăn không ngấy, không quá nóng bức như ăn lẩu nước thông thường chính là điểm cộng khiến bò nhúng dấm trở thành món lẩu được ưa chuộng trong tiết hè. Một nồi lẩu bò nhúng dấm cho 4 người có giá khoảng từ 400.000 trở lên. Bạn có thể ghé Trần Xuân Soạn, dốc Đốc Ngữ, Huỳnh Thúc Kháng hay Hòe Nhai,… để thưởng thức món lẩu lạ miệng này.
Mùa hè, người ta thường tránh ăn các món lẩu dùng những loại thịt nhiều mỡ, nhưng lẩu vịt om sấu là một ngoại lệ. Thịt vịt vốn mát lại được nấu khéo léo, kết hợp vị chua thanh của sấu và béo ngậy của cốt dừa nên rất được ưa chuộng trong mùa nắng.
Không còn món nào thích hợp hơn lẩu vịt om sấu cho ngày hè Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Nếu các loại lẩu khác có thể thoải mái kết hợp với nhiều loại nguyên liệu thì món lẩu này chỉ có duy nhất thịt vịt. Từ từ thưởng thức vị ngọt béo của thịt vịt cùng nước chua của sấu, bạn sẽ thấy đây là món lẩu vô cùng phù hợp với mùa hè.
Lẩu vịt thường cho rau ngổ để thêm thơm, nhưng loại rau “chủ đạo” của món này lại là rau muống bỏ bớt lá. Khi chần, ngọn rau xanh mướt, giòn sần sật. Lẩu vịt ăn kèm với bún tươi cũng rất tuyệt và mát.
Bạn có thể thưởng thức lẩu vịt ngon tại Kim Mã, đường Yên Phụ hoặc Giảng Võ. Điểm đặc biệt của lẩu vịt là giá khá mềm, trung bình chỉ khoảng 200.000 đồng trở lên cho 4 người.
Đây là món khá phổ biến của đất Nam bộ được du nhập về Hà Nội. Sự khác biệt của lẩu cá kèo là ngoài vị chua chua, ngọt ngọt còn có vị chát thơm của lá giang – thứ lá chỉ có ở vùng đất Nam bộ.
Lẩu cá kèo lá giang – món ăn đặc trưng cho hương vị Nam bộ. (Ảnh: Internet)
Cá kèo là loại cá bé nhưng thân tròn, béo, thịt mềm, ngọt, dễ ngấm vào nước lẩu, làm người ăn rất đã miệng. Rau dùng với lẩu cá kèo cũng đặc biệt, chủ yếu là rau đắng và hoa chuối làm cho món ăn càng thêm tinh tế. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm rau muống, cũng rất “hợp gu”.
Lẩu cá kèo ngon, được nhiều người ưa chuộng, nhưng giá khá đắt bởi nhiều nguyên liệu phải vận chuyển từ miền Nam. Một nồi lẩu cá kèo có khoảng 10 con cá có giá từ 300.000 đồng trở lên. Tại Hà Nội, bạn có thể ghé qua các nhà hàng chuyên ẩm thực Nam bộ trên phố Văn Cao, Ngụy Như Kon Tum, Chùa Láng hoặc Tăng Bạt Hổ,… để thưởng thức món lẩu này.
Theo Dân trí
Lạ miệng với hai món ăn "độc nhất vô nhị" ở Hòa Bình
Những món đặc sản của mảnh đất Hòa Bình vẫn luôn cuốn hút du khách bởi sự đơn giản nhưng hoang sơ, dân dã nhưng tinh tế và đầy khéo léo.
Thịt trâu lá lồm và chả rau đáu là hai món ăn khá lạ tai, nhưng chắc chắn sẽ khiến những thực khách khó tính nhất cũng phải hài lòng.
Thịt trâu lá lồm
Thịt trâu lá lồm là món ăn đặc trưng ở mảnh đất Hòa Bình. Nó vừa chứa đựng tinh hoa văn hóa ẩm thực, vừa gần gũi, gắn bó với đời sống phong tục người dân tộc Mường nơi đây.
Thịt trâu lá lồm là món ăn đặc trưng không thể bỏ qua khi đến Tây Bắc.
Từ xa xưa, người Mường thường sử dụng món ăn này trong những dịp có cỗ và coi đó là món ăn cao sang. Tuy nhiên, ngày nay, món ăn đã trở nên phổ biến hơn và xuất hiện thường xuyên trên mâm cơm hàng ngày. Thịt trâu thì đâu cũng có, nhưng người Mường lại vô cùng tự hào khi "độc quyền" sở hữu lá lồm cùng những gia vị khác. Đến Mai Châu, du khách có thể dễ dàng tìm mua loại lá này ở bất cứ khu chợ nào.
Món thịt trâu lá lồm không quá cầu kỳ trong khâu chế biến, nhưng lại có yêu cầu cực cao trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá lồm được nấu phải là loại vừa hái, còn xanh ngắt. Khi thả lá vào niêu đất và để những miếng thịt trâu no lửa quấn lấy thì sẽ mang hương vị chua thanh, không khé cổ. Chỉ cần sử dụng lá hơi ngả màu đem om thì hương vị sẽ khác ngay.
Sức hấp dẫn đến từ sự hòa quyện của các nguyên liệu.
Thịt trâu cũng cần phải mới, không được để qua ngày vì thịt sẽ ngót hoặc đổi màu tím thẫm ăn rất dai. Quan trọng hơn, những người khắt khe trong ăn uống sẽ không hài lòng với món ăn trông không đẹp mắt.
Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi đem thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất. Khi ninh, đầu bếp nhanh tay cho lá lồm vào ninh cùng, thêm một ít tấm gạo để tạo độ sánh. Khi miếng thịt ninh chín mềm, ngấm gia vị sẽ trở nên thơm lừng, béo ngậy.
Thịt trâu vốn có mùi ngai ngái, nhưng đem nấu chung với lá lồm chua thì vô cùng thanh ngọt, thịt có vị đậm đà khó tả. Đầy đủ các loại gia vị thấm đẫm trong một miếng thịt trâu mềm nhừ, ăn đến đâu cảm nhận được vị ngon đến đấy.
Đừng vì bất cứ lí do gì mà khước từ miếng thịt trâu thơm ngon. Chỉ cần nếm một miếng nhỏ, chắc chắn bạn sẽ bị mê hoặc ngay tức thì và thấm thía trọn vẹn cái hồn sơn cước ẩn sâu trong món ăn.
Chả rau đáu
Lá đáu (hay còn gọi là rau đáu) là một loại rau rừng mọc tự nhiên ở khe suối vào mùa lạnh ở xứ Mường. Loại cây này khó trồng nên khá hiếm và không được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, đây lại là món ăn cổ truyền và rất tốt cho sức khỏe.
Mới nhìn, chả rau đáu cũng có nét giống với món chả thịt bò cuốn lá lốt hay thịt trâu cuốn lá bưởi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của món ăn này là sự cẩn trọng từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến khâu chế biến.
Chả rau đáu độc đáo của người Mường.
Để làm món chả này, người Mường phải lặn lội mất cả chục ngày để vào rừng tìm rau. Cũng chính vì vậy nên không phải vị khách nào đến thăm cũng có may mắn được gia chủ thết đãi món ngon quý hiếm.
Người Mường ở Hòa Bình bảo rằng, chả rau đáu là món ăn cổ truyền, rất đặc biệt vào dịp Tết. Món ăn này đã có từ thời xa xưa và đến nay vẫn còn được người Mường và các du khách hết sức ưa chuộng.
Thịt được gói chả phải bao gồm cả thịt nạc lẫn xương sụn. Người ta băm thật nhuyễn các nguyên liệu rồi tẩm ướp gia vị như: hạt tiêu, hạt sổi, hành tươi... , để khoảng 30-40 phút cho ngấm gia vị, sau đó mới tiến hành gói chả. Thứ lá gói chính là loại rau đáu quý giá của người Mường.
Món ăn không quá cầu kỳ nhưng vẫn có sức hút lạ thường.
Chả rau đáu có vị thơm mát của lá rau quyện lẫn với hương vị của hạt sổi, hành khô được ướp trong thịt, lại có cái giòn rụm của xương sụn đem lại cảm giác mới lạ và khó quên đối với ai đã từng một lần nếm thử.
Món chả rau đáu không ngán như các loại chả thông thường, hơn nữa còn thanh mát và là vị thuốc rất tốt cho cơ thể. Chả rau đáu được người Mường ăn với cơm hoặc nhâm nhi với chén rượu nếp mỗi khi xuân sang. Vị cay nóng của rượu hòa quyện với hương vị thanh mát của chả sẽ làm cho lòng thực khách lâng lâng, xao xuyến.
Theo Dân trí
Giữa rừng "sơn trân hải vị", đâu là biểu tượng ẩm thực của Hội An? CNN gần đây có một bài viết về Hội An, một di sản được UNESCO công nhận năm 1999 và cũng được coi là thủ đô ẩm thực của Việt Nam. Được nhiều người coi là thủ đô ẩm thực của Việt Nam, Hội An mang tới một thực đơn các món ăn vô cùng đa dạng để thỏa mãn mọi cơn thèm...