Điểm danh món ngon đến Đà Lạt là phải thưởng thức
Đà Lạt là thành phố tập trung những đặc sản ẩm thực Lâm Đồng. Đến với Đà Lạt hãy khám phá những món ăn ngon nơi đây để hiể thêm về văn hóa ẩm thực Lâm Đồng nhé!
BÁNH MÌ XÍU MẠI
Bánh mì xíu mại đơn giản là một chén nước dùng trong veo với một ít váng mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt. Trong không khí se lạnh của tiết trời Đà Lạt, thử qua một chén xíu mại sẽ làm bạn khó quên.
Hầu hết xíu mại Đà Lạt được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.
Khi dùng xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Thực khách có thể dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.
NEM NƯỚNG ĐÀ LẠT
Một trong số những món ăn khi đến Đà Lạt nhất định phải thử, và nếu đã thử thì nhất định sẽ tìm đến lần thứ hai, đó là nem nướng. Thông thường, nghe đến nem, người ta nghĩ đến thịt chua, nhưng, với nem Đà Lạt thì không!
Nem nướng Đà Lạt được làm từ loại thịt heo chọn lọc kỹ, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị cùng hành tỏi, buộc người làm phải đi qua một công đoạn là quết bằng tay để tạo độ dai cho món ăn.
Ăn kèm với món nem nướng Đà Lạt gồm bánh tráng chiên giòn, củ quả ngâm chua và nước chấm. Củ quả ngâm chua gồm cà rốt, củ cải trắng, hành tím và dưa leo ngâm dầu giấm, tạo độ chua ngọt nhất định cho món ăn, khiến thực khách không cảm thấy nhàm chán hay ớn ngấy.
Đây chính là những thứ tạo nên sự khác biệt cho nem nướng Đà Lạt với những nơi khác.
BÁNH TRÁNG NƯỚNG (“PIZZA VIỆT NAM”)
Bánh tráng nướng ở Đà Lạt thơm ngon, hấp dẫn lại có hình thức giống pizza nên được du khách nước ngoài ví như bánh “pizza của người Việt” vậy.
Sở dĩ những chiếc bánh tráng nướng được coi là “pizza” của Việt Nam bởi hình thức và các nguyên liệu phủ lên bánh khá giống những chiếc pizza đến từ nước Ý xa xôi. Còn nét khác biệt rõ rệt nhất chính là phần đế bánh. Chiếc “pizza Việt” có phần đế chính là những chiếc bánh tráng giản dị, mỏng tang. Bánh được đặt lên những vỉ than hồng, đỏ rực rồi quết trứng, rắc các nguyên liệu lên. Đó có thể là ruốc, pate, phô mai, pho mát, thậm chí là bơ, hành, thịt các loại… nói chung tất cả các nguyên liệu mà thực khách yêu cầu.
Bánh tráng nướng không thể tìm thấy trong các nhà hàng sang trọng, chỉ khi dạo bước quanh Hồ Xuân Hương, hay chịu khó thăm thú các chợ đêm, hẻm nhỏ mới có thể tìm ăn bánh tráng nướng Đà Lạt. Món bánh tráng nướng này cũng chỉ thường được bán sau 3 giờ chiều, khi ấy Đà Lạt lạnh, ẩm thực Đà Lạt cũng mới trở nên hấp dẫn nhất.
CANH HOA ATISO HẦM GIÒ HEO
Canh hoa atiso hầm giò heo là món ăn nằm trong danh sách top 50 món ăn đặc sản của Việt Nam được Kỷ lục châu Á công nhận năm 2012, là đỉnh cao của sự hội tụ giữa ẩm thực và cảnh sắc ngàn hoa của Đà Lạt, là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người dân xứ sở hoa anh đào.
Là một đặc sản của riêng Đà Lạt, canh hoa atiso hầm giò heo ăn ở bất cứ nơi nào khác cũng không có hương vị như giữa đất trời nơi đây. Trong các món ăn từ atiso, atisô hầm giò heo là hút người ăn nhất. Ăn miếng atisô hay giò heo đã ninh nhừ đều thấy trọn vẹn vị hòa quyện vào nhau của món ăn. Vị béo ngậy, mềm ngập chân răng cùng với cái bùi bổ và mùi thơm hấp dẫn, nước ngọt rất tự nhiên kích thích mọi giác quan, khẳng định chất lượng của món ăn quý tộc phương Tây ngày càng phổ biến
Không chỉ là món ăn ngon, atisô hầm giò heo còn là loại thuốc bổ. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan, tăng thêm sức khỏe.
RAU ĐÀ LẠT
Thành phố Đà Lạt không phải vùng nguyên liệu rau duy nhất của Lâm Đồng nhưng lại thành cái tên được biết đến nhiều nhất. Rau Đà Lạt có chất lượng cao, được bảo đảm bằng sự tin tưởng của khách hàng trong nước và lượng rau xuất khẩu hàng năm.
Bất kể món ăn nào từ bún, phở, lẩu… mà có rau Đà Lạt kèm theo là sẽ dễ cảm nhận rõ độ ngọt, giòn mát “ăn đến đâu, biết đến đấy”.
HỒNG GIÒN ĐÀ LẠT
Video đang HOT
Trước kia, hồng chỉ thường được để chín, làm mứt hoặc sấy khô nhưng đến những năm gần đây, hồng giòn mới thật đưa thương hiệu hồng Đà Lạt vang xa. Thay vì để quả mọng đỏ, người ta thu hoạch hồng già sớm hơn một chút. Dù là hồng đầu bằng hay hồng trứng lốc đều được lựa kỹ càng, chọn riêng những quả lành lặn. Sau đó, hồng được đem ủ giòn.
Hồng giòn – đặc sản Lâm Đồng – ăn lâu chán, cứ miếng ra miếng vào cả ngày mà dễ thành nghiện. Vừa ngon lại có tác dụng chữa bệnh trong đông y nên hồng giòn được du khách ưa thích vừa mua làm quà, vừa để ăn vặt khi thăm thú thành phố ngàn hoa.
TRÀ BẢO LỘC
“Kinh đô trà hương” thời Pháp thuộc nay vẫn là một trong những nơi trồng trà ngon nhất nước. Những vườn chè xanh mướt mát trải dài hai bên đường đi không chỉ là phong cảnh đẹp mê lòng người mà còn cho ra thứ nguyên liệu thức uống ngan ngát níu mãi hồn khách đến.
Trà hoa sen thanh mát, quen thuộc, trà hoa sói lạ lẫm, thanh tao, trà sâm dứa nồng đượm, trà lài ngào ngạt… mà thứ nào cũng đậm đà vị núi vị sương.
DÂU TÂY ĐÀ LẠT
Dâu tây là món quà đặc sản của Đà Lạt sản xuất ra bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Loại quả này có hình dáng đẹp, lại chứa nhiều chất bổ hơn cả cà chua, quả kiwi, hay hoa lơ xanh nên được các chị em rất ưa thích.
Ghé qua Đà Lạt, vào vườn tự tay chọn dâu thì khó mà kiềm lòng không cầm mấy quả mọng đỏ cứ thế cắn để nghe vị chua chua ngọt ngọt, thơm thơm lan tỏa và thú vị khi thấy hạt dâu lạo xạo rất thực trong khoang miệng. Ngoài ra, mứt dâu tây nước, dâu tây sấy, mứt dâu tây khô, dâu tây sữa… chế biến sẵn cũng là sự lựa chọn quà tặng hoàn hảo sau chuyến đi về núi.
RƯỢU VANG ĐÀ LẠT
Đà Lạt không chỉ nổi tiếng là thành phố hoa và rau quả, mà còn cả rượu vang. Không lừng danh như rượu vang của Pháp, nhưng rượu vang Đà Lạt là niềm tự hào của người dân xứ sở sương lạnh này. Thức uống thơm ngon bổ dưỡng này được chế tạo từ nhiều làng nghề rượu vang Đà Lạt.
Vang là một loại rượu nhẹ được chiết suất từ trái cây tươi, mà phổ biến là nho, mận…, nhưng vang Đà Lạt lại được chế biến từ trái dâu tằm. Cây dâu tằm làm rượu vang không giống với dâu mà người ta thường trồng để nuôi tằm. Thay vì ít lá, loại dâu này cho nhiều trái, những trái dâu đen thẫm, cuộn xoắn như từng chùm nho nhỏ xíu. Dâu làm rượu vang chỉ thích hợp trồng ở vùng khí hậu lạnh.
Người Đà Lạt rất thích uống rượu vang, có lẽ là để giữ ấm cho cơ thể khi sống trong vùng đất sương lạnh gần như quanh năm. Dần dần, rượu vang được xem như một trong những đặc sản truyền thống không thể thiếu trong các gia đình Đà Lạt cũng như là quà được ưa chuộng của những khách đi du lịch Đà Lạt.
MỨT HOA QUẢ, TRÁI CÂY SẤY
Ai cũng biết Đà Lạt là thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng của Lâm Đồng. Và điều khiến du khách nhớ tới nơi đây không chỉ là cảnh sắc và sự thân thiện của người Đà Lạt mà còn là những thức quà vặt tuyệt hảo – mứt hoa quả ôn đới.
Với đặc trưng khí hậu ôn hòa, mát mẻ và trời phú cho cao nguyên đất đai màu mỡ, tươi tốt, Đà Lạt thực sự là thiên đường của những trái cây được coi là hiếm ở một đất nước mà đặc trưng khí hậu là nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Như một lẽ tất nhiên, người dân Đà Lạt đã biết tới nghề trồng cây ăn quả, trồng hoa ôn đới và sản xuất các thứ mứt quả tuyệt vời từ những nông sản tươi ngon, bổ dưỡng đó. Đến Lâm Đồng hay Đà Lạt, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng trăm loại mứt trái cây với nguyên liệu và công thức chế biến truyền thống.
Các loại trái cây, rau củ sấy – món ngon Lâm Đồng – là nét đặc sắc khác trong ẩm thực Lâm Đồng. Từng hộp, từng gói ngon lành đủ màu sắc chế biến sẵn với các nguyên liệu ngay tại chỗ như khoai tây, mít, khoai lang…
Loại nào cũng giòn tan như snack thượng hạng, vị thanh giản không quá ngọt khiến từ trẻ em đến người già đều thấy phù hợp.
RAM BẮP ĐÀ LẠT
Đặc sản này thì thực khách có thể đã gặp ở Quảng Ngãi nhưng khi đến Đà Lạt thì món này lại có vị khác một chút, rất riêng của Đà Lạt. Ngon miễn chê nếu như ai đó từng nếm thử, có thể nói ăn là ghiền luôn. Ram bắp được chế biến từ bắp tươi được bào nhỏ và ướp với gia vị, hành tím xay, cuốn với bánh tráng và chiên giòn.
Ram được cuốn với rau sống Đà Lạt và đồ chua thì khỏi phải chê, chấm cùng nước lèo làm từ đậu phụng xay nhuyễn, đây chính là sự khác biệt với ram bắp ở nơi khác.
BÁNH ƯỚT LÒNG GÀ
Quán bánh ướt gà lúc nào cũng đông khách. Cả người địa phương và khách du lịch đều muốn trải nghiệm vị lạ của món ăn khác thường này. Không ăn với chả, nem hay bánh tôm, nem chua như món bánh ướt nhiều nơi khác, món bánh ướt ở Đà Lạt được ăn kèm với thịt gà, lòng gà.
Sự kết hợp giữa bánh dẻo, mềm với thịt gà thơm ngọt, lòng gà giòn, khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng. Nếu có dịp đến thăm thành phố ngàn hoa, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn ngon miệng này.
Sức hấp dẫn không thể chối từ của các món ăn đường phố Đà Lạt
Đâu cũng vậy, những món ăn đường phố luôn mang đến sức hấp dẫn khó cưỡng. Và Đà Lạt cũng không phải ngoại lệ. Ngồi ngắm thành phố và nhâm nhi cốc sữa đậu trong một ngày se lạnh thì còn gì thú hơn.
NEM NƯỚNG
Ở Đà Lạt, không ai không biết đến quán nem nướng nổi tiếng trên đường Phan Đình Phùng. Dù sau này có nhiều quán ở nhiều nơi khác nhau mang cùng thương hiệu, nhưng phần nem ở đó vẫn không có nơi nào sánh bằng. Quán đã lâu đời nên bác taxi hay xe ôm nào cũng biết, rất dễ hỏi hoặc tìm đến. Quán Chỉ bán duy nhất món nem với giá 35.000 đồng/phần.
BÁNH TRÁNG NƯỚNG
Ít nơi có bánh tráng nướng mà thành phần gồm nhiều loại thực phẩm như ở Đà Lạt. Nào là trứng cút, mỡ hành, thịt băm, tép rang và bánh tráng được làm từ bột gạo, thậm chí có nơi còn cho thêm khô bò.
Người mua sẽ được chứng kiến từ đầu đến cuối quy trình nướng bánh cực kỳ "điêu luyện" và nhanh lẹ của những người bán khắp nhiều con phố Đà Lạt. Chiếc bánh tráng mỏng manh được đặt lên vỉ nướng trên bếp than hồng, rồi các nguyên liệu lần lượt được dàn đều trên bề mặt cho chín. Để tăng thêm vị, bánh tráng thường ăn cùng với tương ớt cay nồng.
Trong những buổi chiều hay tối lạnh, đi bên bạn bè người thân và lai rai bánh tráng nướng thì thật thi vị. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì chắc chắn, đây là món khoái khẩu của các bé, với giá phải chăng, chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng /cái. Nơi bán món ăn vặt này ngon nhất là quán trên đường Nguyễn Văn Trỗi, mở từ 14h - 22h hàng ngày.
CHẢ RAM BẮP
Món ăn đặc biệt có tên "chả bắp" hay "chả ram bắp", hiếm có ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Đà Lạt. Nhiều người cứ nghĩ nó giống như "chả lụi" nhưng hoàn toàn không phải.
Chả bắp được làm khá công phu. Bánh tráng mỏng được cuốn bên trong là bắp non quết nhuyễn, hành tím băm, nêm thêm gia vị, tiêu xay... cho vào chảo dầu chiên giòn, vàng ruộm. Vị bắp non trong nhân thường rất ngọt và thơm, tạo cho cuốn chả bắp có hương vị hấp dẫn lạ.
Món ngon Đà Lạt này ăn với rau, đồ chua, bánh tráng và loại nước chấm làm từ tương đậu phụng béo béo, có thịt xay rất vừa miệng. Chính loại nước chấm độc đáo này đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho món ăn và hình thành "đẳng cấp" cùa các quán.
Các quán chả ram bắp đường Nguyễn Công Trứ, khu gần ngã 5 Đại học được rất nhiều người ưa chuộng, thường bán khoảng từ 15h trở đi. Mỗi phần có giá rất "hữu nghị", chỉ khoảng 20.000 đồng/phần.
ỐC BƯƠU NHỒI THỊT
Món này nổi tiếng tại một quán lâu đời trên đường Hai Bà Trưng. Vừa từ ngoài phố rét lạnh, bạn sẽ cảm nhận được hơi ấm ngay khi bước chân vào quán. Quán giữ nguyên thiết kế xưa cũ cách đây hàng chục năm, bốn bề là gỗ và có móc treo áo khoát, áo mưa cho khách. Không gian nơi này không rộng lắm, nhưng lúc nào cũng đông khách nên khá ấm cúng. Đôi khi bạn phải chờ 5 - 10 phút mới có chỗ trống.
Món ốc bươu nhồi thịt tại đây rất nổi tiếng với người Đà Lạt. Thịt ốc bươu được nhồi chung với nạc heo, băm nhuyễn, thêm vài lát sả để khử mùi khiến cho bạn muốn ăn ngay khi nhìn thấy thố ốc thơm phức này. Chính chủ quán cho biết, sở dĩ món này đặc biệt là nhờ vào chén nước chấm với công thức pha chế gia truyền của cụ chủ quán đời thứ nhất.
BÁNH ƯỚT GÀ
Quán bánh ướt gà lúc nào cũng đông khách. Cả người địa phương và khách du lịch đều muốn trải nghiệm vị lạ của món ăn khác thường này. Không ăn với chả, nem hay bánh tôm, nem chua như món bánh ướt nhiều nơi khác, món bánh ướt ở Đà Lạt được ăn kèm với thịt gà, lòng gà. Sự kết hợp giữa bánh dẻo, mềm với thịt gà thơm ngọt, lòng gà giòn, khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng.
Để thưởng thức, các bạn hãy tìm đến quán bánh ướt trên đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt, ở đây có bán cả nem nướng, giá các món ở đây từ 30.000 - 60.000 đồng, nước chấm rất ngon. Hoặc bạn cũng có thể đến quán trên ngã 5 Đại Học gần cổng Tỉnh Đội với mức giá sinh viên mềm hơn.
NƯỚNG NGÓI
Đúng như tên gọi của nó, thay vì dùng vỉ, quán sử dụng viên ngói âm dương để nướng. Viên ngói được đặt trên một bếp than hồng, quét một lớp dầu ăn lên trên để khi nướng thịt không bị dính. Món chính của những quán này là các món thịt heo, bò, hải sản, thịt rừng được tẩm gia vị thơm ngon ăn với đĩa rau xà lách trộn dầu dấm rất hấp dẫn. Rau tươi, thịt ngon kèm theo bầu rượu chính là điểm 10 cho những ngày mưa. Đến Đà Lạt, đừng ngại xa xôi mà hãy tìm đến những quán nướng ngói đặc biệt này trên đường Nguyễn Lương Bằng.
BÁNH BÈO
Bánh bèo Đà Lạt giống như bánh bèo miền trung. Phần bánh được làm từ bột gạo, hơi dẻo. Nước sốt làm từ tôm, thịt băm nhỏ, thêm một ít da lợn chiên giòn và chén nước nắm chua ngọt bên cạnh. Bánh bèo ở đây thường được ăn kèm với những cây chả bò hoặc heo nho nhỏ thơm mùi tỏi. Món này nổi tiếng nhất ở đường Phan Đình Phùng, rất thích hợp để ăn vào những chiều mưa rả rích.
NÀNH BÒ VÀ BÁNH SU KEM
Nành bò là tên gọi tắt của món sữa đậu nành pha với sữa bò, món thức uống rất đơn giản nhưng lại vô cùng hút khách. Ngay góc đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt bán rất nhiều loại sữa và bánh để ăn khuya như sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, bánh su kem... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món sữa nành bò ăn chung với bánh su kem. Nơi này chỉ bán buổi tối, rất gần điểm bán bánh mì xíu mại. Trời mưa lâm râm thường ít khách, bạn có thể mua một ổ bánh mì rồi đi bộ đến đây, ngồi dưới mái hiên uống một ly sữa nóng, ngắm mưa. Một đêm mưa Đà Lạt đơn giản mà lại rất lãng mạn.
BÚN BÒ ẤP ÁNH SÁNG
Tuy là đặc sản của Huế nhưng khi đến ấp Ánh Sáng, cạnh Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, bạn vẫn có thể thưởng thức bún bò với hương vị không hề thua kém, có chăng chỉ là chút biến tấu để hợp hơn với khẩu vị của xứ lạnh cao nguyên. Đó là thay vì rau muống chẻ, bát bún bò Huế ở đây ăn kèm với xà lách thái nhỏ, giá đỗ và hoa chuối. Tùy theo khẩu vị, khách có thể gọi giò nạc, giò khoanh hoặc giò sụn.
BÁNH MÌ XÍU MẠI
Vẫn lại là cái tên quen nhưng cách chế biến đem lại nét đặc biệt cho món ăn. Bánh mí xíu mại có ở nhiều nơi trong thành phố, cổng trường, cổng chợ... nhưng nổi tiếng nhất là quán góc ngã ba Trần Nhật Duật - Hoàng Diệu. Chỉ bán bánh mì với hai món là xíu mại và xíu mại thập cẩm nhưng từ 6h - 9h kín mít khách. Do vậy, nếu muốn ăn sáng thì bạn nên dậy sớm và thưởng thức món vừa rẻ vừa ngon này.
Mỗi phần xíu mại được bày trong chén nhỏ sâu lòng, đầy nước súp, bên trong có các viên xíu mại, chả que, da heo, rắc đầy hành bên trên. Bánh mì cũng ngon, vừa nóng vừa giòn, lại thơm.
Thưởng thức một lần cái vị ngọt xương, với cái cay nồng của ớt trong nước dùng kết hợp bánh mì mới ra lò và hành hoa thanh thanh cùng miếng xíu mại dai dai, đậm đà, thơm béo khiến cho buổi sáng Đà Lạt thêm tròn đầy. Cứ an tâm là giá của món ngon Đà Lạt này khá bình dân, chỉ từ dưới 10.000 đồng mà thôi.
ATISO HẦM GIÒ HEO
Một đặc sản của riêng Đà Lạt, ăn ở bất cứ nơi nào khác cũng không có hương vị như giữa đất trời nơi đây. Không chỉ là món ăn ngon, atisô hầm giò heo còn là loại thuốc bổ. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan, tăng thêm sức khỏe.
Món atiso hầm được dùng khi nóng, với nước mắm ớt cay. Vị nước ngọt, thanh và xương hầm mềm, béo mà không nát càng khiến món ăn được lòng nhiều thực khách. Không chỉ các chị em bầu bì, đang nuôi con mà những người khỏe mạnh, các đấng mày râu đều khó có thể chối từ món ngon bổ đến thế.
Món này có trong thực đơn ở hầu hết khách sạn, nhà hàng với giá đa dạng, từ mấy chục ngàn đến 100.000 đồng/tô tùy nơi.
Ngoài ra, các bạn thích bánh canh thì ghé qua khu gần bưu điện TP. Đà Lạt, bánh bèo trên đường Phan Đình Phùng, bún bò Huế ở ấp Ánh Sáng. Hay dạo qua các khu ăn uống tại chợ lầu, chợ trung tâm Đà Lạt với đủ loại đồ ăn ngon, rẻ, từ súp cua tới mì Quảng, bún sườn, cơm tấm...
Đêm đến, còn có thể cùng bạn bè, người thân lang thang chợ "âm phủ", thưởng thức các món ăn chơi rẻ rẻ như bắp nướng, khoai lang nướng và uống sữa đậu nành nóng...
Trong bất cứ món ăn nào, cũng dễ dàng nhận ra vị riêng của Đà Lạt: cay cay, nồng nồng, nghi ngút khói nhưng dễ chiều lòng thực khách. Ẩm thực Đà Lạt như chính người dân nơi đây, vừa thanh lịch, vừa nhiệt tình trong nhịp sống bình thản, cùng tạo nên một Đà Lạt dịu dàng, ẩn giấu cái mãnh liệt của núi rừng bên trong.
Gợi ý những quán lẩu rau nên thử khi đến Đà Lạt Đà Lạt không chỉ là thành phố ngàn hoa mà còn là thủ phủ rau xanh của cả nước, đến Đà Lạt mà không thưởng thức món lẩu chua cay với rau tươi thì quả là đáng tiếc cho một hành trình đến phố núi. Lẩu rau chỉ ngon khi rau vừa chín tới - Ảnh: sưu tầm Nhà hàng Léguda buffet rau...