Điểm danh 7 mặt trận có thể bùng phát xung đột Israel – Iran
Trong lúc Israel vẫn chìm trong chiến tranh ở Dải Gaza và công khai tính đến một cuộc tấn công mới ở miền nam Liban (Lebanon), mối lo ngại đang gia tăng khắp khu vực về viễn cảnh một cuộc xung đột lớn hơn nổ ra có thể chứng kiến ít nhất 7 mặt trận giao tranh lớn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu họp báo tại Jerusalem. THX/TTXVN
Israel đã phải đối mặt với các cuộc tấn công từ nhiều mặt trận kể từ khi phong trào Hamas tiến hành cuộc thảm sát vào tháng 10 năm ngoái. Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói về việc đất nước của ông đang tham gia vào “cuộc chiến 7 mặt trận” với Iran, nói rằng Tehran ủng hộ một liên minh không chính thức gồm các phe nhóm vũ trang trên toàn khu vực được gọi là “ Trục kháng chiến”.
Ngay ngày hôm sau, Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã chia sẻ với Newsweek và đăng lên mạng X một cảnh báo nghiêm khắc chống lại bất kỳ “cuộc xâm lược quân sự toàn diện” nào của Israel ở Liban, nơi có phong trào Hezbollah hùng mạnh đã giao chiến với Israel trong các cuộc tấn công trả đũa qua lại xuyên biên giới.
Phái đoàn Iran cảnh báo rằng một động thái như vậy sẽ dẫn đến một “cuộc chiến tranh tiêu diệt” và có khả năng dẫn đến “sự tham gia của tất cả các Mặt trận Kháng chiến”.
Đáp lại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói với Newsweek rằng “IDF đã chuẩn bị cho nhiều tình huống an ninh khác nhau trong mọi lĩnh vực và sẽ tiếp tục bảo vệ Nhà nước Israel khỏi các mối đe dọa khác nhau.”
Giờ đây, với các mối đe dọa ngày càng leo thang và không có dấu hiệu ngừng bắn sắp xảy ra ở Gaza hay biên giới Israel-Liban, tạp chí Newsweek đã phác thảo 7 mặt trận mà Israel đối mặt với nguy cơ leo thang chiến sự trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn hơn.
DẢI GAZA
Israel và Hamas đã xảy ra một số cuộc xung đột và đụng độ kể từ khi nhóm vũ trang Palestine nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, hai năm sau khi IDF rút quân khỏi vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, cuộc tấn công chết chóc ngày 7/10/2023 do Hamas lãnh đạo và chiến dịch trả đũa tiếp theo của IDF đã gây ra cuộc chiến dài nhất và nguy hiểm nhất cho đến nay tại vùng lãnh thổ ven biển đông dân cư này.
Người dân sơ tán khỏi khu vực phía Đông thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi các quan chức Israel tuyên bố đạt được những lợi ích to lớn trong cuộc xung đột, họ cũng thừa nhận rằng sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để đạt được các mục tiêu đã nêu là đánh bại Hamas với tư cách là một thực thể chính trị và quân sự, đảm bảo Gaza không thể là mối đe dọa trong tương lai và trao trả nốt các con tin Israel. Trong khi đó, Hamas đã tìm cách tiếp tục tiến hành các hoạt động gần như hàng ngày, thường hợp tác với nhiều phe phái nhỏ hơn.
BỜ TÂY
Trong khi Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) do Fatah lãnh đạo vẫn giữ quyền kiểm soát trên danh nghĩa đối với các khu vực ở Bờ Tây, Tổng thống Mahmoud Abbas phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị trước sự phẫn nộ của người dân sau nhiều năm không tổ chức bầu cử, cùng cáo buộc về hoạt động quân sự và định cư ngày càng tăng của Israel. IDF thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những nơi bị nghi là thành trì của các nhóm vũ trang Palestine, trong khi Hamas và các phe phái khác đã mở rộng ảnh hưởng trên khắp Bờ Tây, bao gồm cả thành phố linh thiêng Jerusalem.
Lực lượng an ninh Israel phong tỏa hiện trường vụ tấn công tại thành phố Hebron ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, ngày 21/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Israel đã thực hiện quyền kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ Bờ Tây, nhưng một cuộc tấn công phối hợp của các nhóm ở đây có thể làm chệch hướng hơn nữa các nguồn lực an ninh của Israel vốn cần thiết để ứng phó với các mặt trận khác.
LIBAN
Israel đã bắt đầu tăng gấp đôi nguồn lực được phân bổ cho mặt trận phía Bắc do các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng với Hezbollah.
Trong lịch sử, Israel đã tấn công quy mô lớn vào Liban ba lần và tiến hành hai cuộc chiến lớn liên quan đến Hezbollah, nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng một cuộc xung đột toàn diện mới sẽ là tàn khốc nhất đối với cả hai bên. Các quan chức Israel nói rằng họ ước tính Hezbollah đã tích lũy được một kho vũ khí gồm khoảng 200.000 tên lửa, cũng như súng cối, thiết bị bay không người lái, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tăng, đạn dẫn đường chính xác cùng nhiều loại vũ khí khác. Được coi là lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với Hamas, một trận chiến với Hezbollah có thể khiến các thành phố lớn của Israel như Tel Aviv và Haifa trở thành mục tiêu tấn công bằng hàng loạt vũ khí có thể áp đảo các hệ thống phòng thủ của Israel, như Vòm Sắt (Iron Dome). Ngoài ra, quân Israel phải đối mặt với hỏa lực liên tục ở cả hai bên biên giới.
Vệt khói trải dài khi hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa được phóng từ Liban, ngày 27/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
SYRIA
Israel cũng có chung đường biên giới trên thực tế phía Bắc với Syria ở Cao nguyên Golan, phần lớn trong số đó đã bị Israel chiếm đóng và sáp nhập mà không được quốc tế công nhận.
Iran đã mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp Syria kể từ khi cử cố vấn cũng như một số lực lượng dân quân khác ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, chống lại nhiều nhóm phiến quân và khủng bố khác nhau kể từ năm 2011. Trong thời gian đó, IDF đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu bị nghi ngờ có liên quan đến Iran.
IRAQ
Iraq đã nổi lên như một mặt trận đặc biệt tích cực kể từ khi bùng phát cuộc chiến Israel-Hamas. Mặc dù không giáp biên giới trực tiếp với Israel, Iraq là nguồn gốc của các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa thường xuyên được thực hiện bởi liên minh các phe nhóm được gọi là “Kháng chiến Hồi giáo” ở Iraq.
Xe quân sự Mỹ di chuyển trên tuyến đường cao tốc tới khu vực Taji, gần thủ đô Baghdad. Ảnh: AFP/TTXVN
Cho đến tháng 2 năm nay, lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq cũng tuyên bố thường xuyên tấn công quân đội Mỹ ở Iraq và nước láng giềng Syria. Sau cái chết của 3 binh sĩ Mỹ ở biên giới Jordan-Syria, một loạt cuộc tấn công toàn diện của Mỹ nhằm vào các vị trí dân quân ở Iraq và Syria đã khiến chiến dịch của lực lượng này bị đình lại.
Tuy nhiên, các nhóm này đã cảnh báo rằng việc họ tạm dừng gắn liền với lời hứa rút quân của Mỹ khỏi Iraq, điều mà Lầu Năm Góc đã báo hiệu không có kế hoạch thực hiện. Các thủ lĩnh “kháng chiến” đã nhiều lần đe dọa sẽ không chỉ tiếp tục mà còn mở rộng chiến dịch chống lại lực lượng Mỹ khi các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp tục.
YEMEN
Nằm cách xa Israel hơn nữa, phong trào Houthi của Yemen đã tự khẳng định mình là một trong những phe nhóm “Trục kháng chiến” gây rối nhất. Nhóm này đã nắm giữ thủ đô Sanaa từ năm 2015 bất chấp liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của đất nước này, đã phóng tên lửa và UAV chống lại Israel, cũng như chống lại hoạt động của các tàu thương mại trên khắp khu vực bị cáo buộc liên quan đến Israel.
Houthi cũng đã phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục từ liên quân Mỹ – Anh. Nhưng nhóm này đã tìm cách củng cố cơ sở hạ tầng quân sự của mình bằng hệ thống các khu phức hợp dưới lòng đất và thề sẽ tham gia chiến tranh trực tiếp với cả Israel và Mỹ nếu cần thiết.
IRAN
Iran đã nhiều lần tuyên bố họ không mong muốn một cuộc chiến tranh khu vực và các quan chức Iran cũng nói rằng, ngay cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh của Israel ở Liban, họ tin rằng Hezbollah có đủ sức mạnh để đánh bại kẻ thù. Nhưng những tuyên bố từ nước Cộng hòa Hồi giáo đã trở nên sắc bén hơn đáng kể trong những tháng gần đây khi viễn cảnh về một cuộc chiến Israel-Hezbollah ngày càng được chú ý và các quan chức Iran đã sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ trực tiếp của họ đối với các phe phái “Trục kháng chiến”.
Iran sở hữu kho tên lửa lớn nhất và tiên tiến nhất ở Trung Đông. Trong khi Israel từ lâu đã thể hiện khả năng tấn công Tehran trong “cuộc chiến bóng tối”, nhưng một cuộc chiến tranh mở có thể sẽ thử thách Israel, các quốc gia Arab lân cận và Mỹ hơn bao giờ hết.
Israel và Hezbollah chơi trò 'ăn miếng trả miếng' đầy rủi ro
Khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza, một trận chiến khác đã diễn ra song song dọc biên giới phía Bắc của Israel với Liban - một "trò chơi" ăn miếng trả miếng đầy rủi ro đã gia tăng trong những tuần gần đây.
Israel có thể phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện thứ hai, chống lại kẻ thù mạnh hơn nhiều. Trong ảnh, tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel tại Shebaa, Liban, ngày 10/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Để đo lường nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử một trong những trợ lý cấp cao của mình, Amos Hochstein, tới Israel hôm 17/6 và tới Liban ngày kế tiếp để thúc đẩy một giải pháp ngoại giao.
Không giống như Hamas - lực lượng dân quân Palestine chiến đấu với Israel ở Gaza, Hezbollah có quân đội là những chiến binh thiện chiến và nhóm này sở hữu tên lửa tầm xa, dẫn đường chính xác có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong Israel.
Bất chấp những nỗ lực của cả hai bên nhằm kiềm chế các chu kỳ tấn công và phản công không leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, nhiều thường dân ở Israel và Liban đã thiệt mạng và hơn 150.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa dọc theo đường biên giới.
Tuy nhiên, khi cuộc đụng độ Israel - Hezbollah gia tăng trong những ngày gần đây, người ta cũng lo ngại rằng một tính toán sai lầm có thể khiến các bên rơi vào xung đột sâu sắc hơn. Hezbollah cho biết họ sẽ không đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn cho đến khi Israel kết thúc chiến dịch quân sự ở Gaza - được cho là sẽ còn tiếp tục trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Một đối thủ được vũ trang mạnh hơn nhiều
Các quan chức quân sự Israel từ lâu đã dự đoán rằng các tay súng được đào tạo bài bản có thể một ngày nào đó tràn qua biên giới của họ, tiến tới các thị trấn và căn cứ quân sự, như Hamas đã làm vào ngày 7/10. Nhưng khi đó họ có xu hướng nhìn về phía bắc, lo sợ các chiến binh tinh nhuệ của Hezbollah hơn là các nhóm vũ trang Palestine tương đối yếu hơn.
Sau cuộc tấn công quá bất ngờ do Hamas dẫn đầu, quân đội Israel bắt đầu dồn lực lượng để bảo vệ biên giới phía bắc vì lo sợ Hezbollah sẽ nhân cơ hội tràn qua. Ngày 8/10/2023, Hezbollah bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công vào miền Bắc Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine, khiến Israel phải phản công ở Liban.
Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah hiện nay mạnh hơn nhiều so với năm 2006, thời điểm nhóm này tiến hành cuộc chiến lớn gần đây nhất với Israel. Cuộc chiến đó kéo dài khoảng 5 tuần, giết chết hơn 1.000 người Liban và hơn 160 người Israel, đồng thời khiến hơn một triệu người phải di dời. Nhưng các nhà phân tích đánh giá, một cuộc chiến giữa hai bên ngày nay có thể tàn phá cả Israel và Liban.
Assaf Orion, một thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu cho biết, trong cuộc chiến năm 2006, Hezbollah đã bắn khoảng 4.000 quả rocket, chủ yếu vào miền Bắc Israel, trong vòng 5 tuần. Ông nói thêm rằng giờ đây nhóm này có thể bắn số tên lửa tương tự, bao gồm cả tên lửa hạng nặng gây thiệt hại nghiêm trọng, trên khắp Israel chỉ trong vòng một ngày.
Tướng Shlomo Brom, cựu chiến lược gia quân sự hàng đầu của Israel, cho biết số lượng đạn dược khổng lồ trong kho vũ khí của Hezbollah - đặc biệt là kho chứa thiết bị bay không người lái - có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện. Quân của Hezbollah cũng là những chiến binh giàu kinh nghiệm; nhiều người trong số họ đã chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria.
Tướng Brom cho biết: "Trong một cuộc chiến không giới hạn, sẽ có sự tàn phá lớn hơn cả ở mặt trận và sâu hơn bên trong Israel". Ông nói thêm: "Họ có khả năng nhắm mục tiêu ít nhiều vào bất kỳ nơi nào ở Israel và sẽ nhắm vào các mục tiêu dân sự, giống như chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu vào miền nam Beirut" - ám chỉ các quận thủ đô được coi là thành trì của Hezbollah.
Đối với Hezbollah, một sự leo thang lớn cũng có tác động tương tự. Nền kinh tế Liban đã suy thoái từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay, và nhiều người dân không mong muốn tái diễn cuộc chiến 2006. Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng Iran, thân Hezbollah, có thể không quan tâm đến việc leo thang căng thẳng vào lúc này, mà muốn triển khai lực lượng thân mình vào thời điểm thích hợp hơn.
Khói bốc lên từ ngoại ô thị trấn Katzrin thuộc Cao nguyên Golan sau cuộc tấn công bằng rocket của lực lượng Hezbollah ở Liban, ngày 2/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần trước, một cuộc tấn công của Israel đã giết chết chỉ huy cấp cao của Hezbollah, Taleb Abdallah, khiến Hezbollah tăng cường tấn công vào Israel để trả đũa. Trong vài ngày tiếp theo, Hezbollah đã bắn hàng trăm quả tên lửa và phóng UAV vào Israel trong các cuộc tấn công phối hợp, làm bị thương một số binh sĩ và dân thường.
"Cả hai bên liên tục thách thức ranh giới đỏ của nhau. Hiện tại có vẻ như không bên nào muốn chiến tranh toàn diện. Nhưng họ có thể dễ dàng vấp phải nó, ngay cả khi đó không phải là thứ họ muốn", Tướng Orion nhận định.
Bất chấp rủi ro, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước nhằm tăng cường chiến dịch quân sự của nước này chống lại Hezbollah. Sau vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái, Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã tán thành một cuộc chiến phủ đầu ở Liban nhưng đã bị bác bỏ. Và ngày 18/6, quân đội Israel thông báo rằng các chỉ huy hàng đầu đã phê duyệt kế hoạch hoạt động cho một cuộc tấn công tiềm năng ở Liban, nhưng không nêu rõ khi nào hoặc liệu các kế hoạch này có được sử dụng hay không.
Theo thống kê của Liên hợp quốc và chính phủ Israel, kể từ tháng 10/2023, hơn 80 thường dân Liban và 11 thường dân ở Israel đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Khoảng 300 chiến binh Hezbollah thiệt mạng, cùng với ít nhất 17 binh sĩ Israel.
Nỗ lực ngoại giao của Mỹ
Ông Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden, đã gặp các quan chức cấp cao của Liban ở Beirut để thúc đẩy giải pháp ngoại giao vào ngày 18/6, một ngày sau cuộc gặp với ông Netanyahu ở Jerusalem.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel tại Wadi Gilo, Liban, ngày 6/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Israel đã yêu cầu Hezbollah rút lực lượng về phía Bắc sông Litani ở Liban, phù hợp với nghị quyết của Hội đồng Bảo an chấm dứt cuộc chiến năm 2006 - một yêu cầu mà Hezbollah khó có thể thực hiện. Nghị quyết quy định rằng chỉ có lực lượng Liên hợp quốc và Quân đội Liban mới được phép vào khu vực này, nhưng cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm.
Khi ở Beirut, ông Hochstein không gặp các thủ lĩnh của Hezbollah, nhóm mà Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức khủng bố. Thay vào đó, ông gặp gỡ các thành viên chính phủ Liban - bao gồm cả Thủ tướng Najib Mikati, người có ảnh hưởng hạn chế đối với Hezbollah.
Ông Hochstein nói với các phóng viên ở Beirut: "Tình hình rất nghiêm trọng. Chúng ta đã chứng kiến sự leo thang trong vài tuần qua và điều mà Tổng thống Biden muốn làm là tránh leo thang thêm thành một cuộc chiến lớn hơn."
Đối với những thường dân Liban có nhà nằm dọc biên giới và đa số đã phải di dời vì bạo lực, chuyến thăm của ông Hochstein chỉ mang đến một tia hy vọng mong manh rằng cuộc giao tranh có thể sớm kết thúc.
'Trục kháng chiến' tuyên bố mở mặt trận thứ 5 chống Israel Nhóm Lữ đoàn Al-Ashtar tại Bahrain tuyên bố lần đầu tiên tấn công vào Israel, đánh dấu mặt trận thứ năm do các lực lượng thuộc "Trục Kháng chiến" mở ra kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu 7 tháng trước. Hình ảnh cắt từ video cho thấy lực lượng Lữ đoàn Al-Ashtar phóng UAV tấn công về phía mục tiêu...