Điểm 10 THPT quốc gia tăng hơn 60 lần so với năm ngoái
Theo thống kê dựa trên số liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 4.235 điểm 10. Trong đó, môn Hóa học có 1.521 điểm tuyệt đối. So với năm 2016, số điểm 10 năm nay tăng hơn 60 lần.
Ngày 6/7, Bộ GD&ĐT đã cung cấp dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh thành.
Theo thống kê từ dữ liệu này của bộ, 4.235 bài thi đạt điểm 10 ở 9 môn thi (chưa có thống kê các môn Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật và Tiếng Đức).
Trong đó, môn Toán là 281, Ngữ văn: 1, Lịch sử: 107, Vật lý: 75, Địa lý 603, Hóa học: 1.521, Giáo dục Công dân: 250, Sinh học: 401, Tiếng Anh: 996.
Năm 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 69 bài thi đạt điểm 10 và năm 2015 là 406 bài thi đạt điểm tuyệt đối.
Như vậy, số điểm 10 của kỳ thi năm nay tăng 61 lần so với năm 2016 và tăng hơn 10 lần so với năm 2015.
Theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 4.235 bài thi đạt điểm 10 ở 9 môn (chưa có thống kê các môn Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật và Tiếng Đức) . Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Cũng theo thống kê từ dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Hà Nội đang là tỉnh, thành phố dẫn đầu về điểm 10 thi THPT quốc gia với 621 thí sinh. TP.HCM đứng thứ hai với 462 thí sinh.
Theo thông tin từ các sở GD&ĐT, nhiều thí sinh đạt 3 điểm 10. Tại Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, thí sinh Lê Văn Trọng đạt 3 điểm 10 ở các môn Toán, Hóa học, Sinh học.
Hồ Phi Khánh (Nghệ An), Phạm Hữu Triết (TP.HCM), Lê Hữu Hiếu (Thanh Hóa) cũng đạt 3 điểm 10 ở tổ hợp khối B.
Tại Hà Tĩnh, em Nguyễn Quang Dũng đạt tổng 30 điểm ở các môn Toán, Hóa học, Vật lý.
Video đang HOT
Các môn tổ hợp xét tuyển khối B ghi nhận 2 thí sinh ở Thanh Hóa Nguyễn Hải Đăng (SBD 28027504) và Lê Hồng Nga (SBD 28015017); một thí sinh TP.HCM Nguyễn Trung Duy Anh (SBD 02039943) cùng đạt điểm 10 ở 3 môn Toán, Hóa, Sinh.
Lý giải về hiện tượng “mưa điểm 10″ trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng điểm 10 tăng cao không có nghĩa coi thi không nghiêm túc hoặc đề thi quá dễ mà cần đánh giá trên tổng thể phổ điểm thi của thí sinh.
Trước thông tin cho rằng đề thi THPT quốc gia 2017 dễ, TS Sái Công Hồng nhận định dư luận đánh giá như vậy do chưa được cung cấp đủ thông tin. Các sở GD&ĐT chỉ báo cáo số điểm cao mà chưa phân tích phổ điểm từng môn để thấy rõ tỷ lệ chênh lệch về điểm số.
Theo TS Sái Công Hồng, nhìn ở số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, thành phố, số điểm 10 nhiều nhưng bài thi bị 0 điểm cũng lớn, từ đó thấy được điểm 10 rất giá trị.
Ví dụ, theo số liệu phân tích sơ bộ, môn Toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Cũng ở môn này, toàn quốc có tới 1.577 em điểm từ một trở xuống (điểm liệt) và trượt tốt nghiệp. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18, điểm dưới 5 xấp xỉ 49,2%.
Theo Zing
Điểm thi cao khiến các trường top trên khó tuyển sinh
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Số thí sinh đạt điểm này ở mỗi môn thi tương đối lớn.
Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2017.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - trả lời phỏng vấn Zing.vn về phổ điểm thi và việc xét tuyển vào trường.
Điểm chuẩn sẽ tăng so với năm ngoái
- Ông có nhận xét gì về phổ điểm thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT công bố?
- Phổ điểm có sự phân bố tốt hay xấu dựa vào đỉnh để xác định nghiêng về phía bên phải (điểm cao) hay bên trái (điểm thấp).
ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm phổ điểm của môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh không nhiều ở môn Văn và Sinh. Chúng tôi đặc biệt chú ý môn Toán, nhiều ngành kỹ thuật của ĐH Bách khoa Hà Nội đòi hỏi nhân đôi điểm môn này. Những thông tin từ phổ điểm rất đáng để suy nghĩ.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.
ĐH Bách Khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Tuy nhiên, nhìn theo phổ điểm có thể thấy số lượng thí sinh đạt điểm này tương đối lớn. Đặc biệt, các cột điểm đặt liền kề nhau, ví dụ từ 7 điểm đến 7,2 điểm đều có số lượng thí sinh nhiều gần bằng nhau (môn Toán có hơn 20.000 em). Điều này thể hiện sự phân hóa không rõ nét ở thí sinh có điểm cao.
Theo nhận định chung, mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái có thể dẫn đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là ở các ngành "hot".
- Những ngày gần đây, dư luận quan tâm "mưa điểm 10" ở kỳ thi THPT quốc gia. Ông có thể lý giải nguyên nhân thí sinh đạt điểm cao tăng đột biến như vậy?
- Việc có nhiều thí sinh đạt điểm 10 không phải do coi thi dễ. Năm nay, việc coi thi được đảm bảo nghiêm ngặt, có sự tham gia giám sát của cả Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, trường đại học. Hình thức thi bằng trắc nghiệm cũng hạn chế việc gian lận thi cử, trừ các trường hợp gian lận bằng công nghệ cao chưa được phát hiện.
Điểm thi năm nay cao hơn các năm có thể do đề thi phù hợp hơn, nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, số môn thi cũng tăng so với năm ngoái (từ tối thiểu 4 môn thành 6 môn). Tuy nhiên, điểm thi cao không đồng nghĩa chất lượng học sinh tốt hơn các năm trước.
- Thí sinh có điểm thi cao có gây khó khăn trong việc tuyển sinh của nhà trường không?
- Điểm cao quá sẽ khó tuyển sinh. Tuy vậy, nhà trường cũng đã lường trước khó khăn này.
ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường top trên bắt buộc phải chọn tiêu chí phụ để tuyển sinh. Không có tiêu chí phụ thì không thể xét tuyển được.
Dự kiến năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra 2 tiêu chí phụ. Mọi năm, trường chỉ có một tiêu chí phụ là lấy điểm môn Toán từ cao xuống, nếu đủ sẽ dừng lại.
Năm nay, môn Toán nhân hệ số 2. Tiêu chí phụ thứ nhất là tổng điểm của ba môn (không cộng điểm ưu tiên khu vực và các cuộc thi, kỳ thi học sinh giỏi), sẽ công bằng hơn cho thí sinh. Tiêu chí phụ thứ hai là nguyện vọng nào cao hơn sẽ được ưu tiên.
Ví dụ, 2 thí sinh có điểm bằng nhau, em đăng ký nguyện vọng 2 vào ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ được ưu tiên so với bạn có nguyện vọng 3.
Nên biết lượng sức khi xét tuyển đại học
- Trước những thay đổi nêu trên, ông có lời khuyên như thế nào cho thí sinh?
- Quy chế của Bộ GD&ĐT năm nay tạo điều kiện tối đa cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi thí sinh, phụ huynh phải là những người thông thái, nghiên cứu kỹ về quá trình xét tuyển, điểm trúng tuyển ở các năm trước, xu hướng trong tương lai qua các kênh tư vấn tuyển sinh của trường và nhiều phương tiện khác.
Thí sinh nên biết lượng sức mình, đặc biệt trong một năm điểm thi có sự thay đổi mặt bằng chung như 2017. Việc Bộ GD&ĐT không hạn chế số lượng nguyện vọng không gây khó khăn vì đã có bộ phận lọc ảo.
- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia đã được tiến hành trong 3 năm, theo ông, có nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học trong tương lai?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, việc này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Tôi cho rằng mỗi phương thức thi đều có ưu và nhược điểm riêng. Từ năm 2014 trở về trước, hai kỳ thi được tổ chức với nhiều căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, tìm giải pháp chung cho các kỳ thi là điều khó.
Cá nhân tôi cũng mong muốn trong tương lai, chúng ta có một kỳ thi riêng để các trường xét tuyển đại học, một kỳ thi khác là tốt nghiệp có thể được triển khai nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, điều này còn được quy định bởi luật pháp.
Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, cho rằng về mặt lý thuyết, điểm cao sẽ ảnh hưởng việc tuyển sinh. Điểm thi cao thì điểm trúng tuyển sẽ phải tăng lên.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: Nhìn vào phổ điểm có thể thấy lượng thí sinh đạt điểm cao năm 2017 nhiều hơn so với năm 2016.
Những năm trước, khi điểm càng lên cao, số lượng càng ít đi, phổ điểm xuống dốc nhanh, nhưng năm nay phổ điểm thoải, xuống dốc dần dần. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định ngưỡng trúng tuyển của các trường top trên.
Theo Zing
Đỗ thủ khoa năm nay có còn được ngưỡng mộ? Không ít bạn đọc nhận định đề thi năm nay dễ, thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhiều và đỗ thủ khoa bây giờ dễ hơn trước. Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh thành. Hiện tượng "cơn mưa điểm 10" là tâm điểm chú ý của cộng đồng trong những ngày này. Đối với...