Dịch Covid-19 nhưng vẫn nhiều việc làm cuối năm
Dự báo nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm ở riêng TP.HCM cần khoảng 62.000 – 65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề kinh doanh – thương mại, tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm, dịch vụ…
Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm tại doanh nghiệp – ẢNH: MỸ QUYÊN
Tuyển dụng để phục vụ sản xuất cao điểm cuối năm
Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH), dù dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. Qua việc khảo sát dựa trên tổng số 16.778 doanh nghiệp tại TP.HCM, nếu quý 3 năm nay cần 53.380 chỗ làm việc thì dự báo những tháng cuối năm sẽ tăng lên khoảng 62.000 – 65.000 chỗ.
Ông Đỗ Thanh Vân cho biết: “Số lượng việc làm những tháng cuối năm tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh – thương mại, dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, chế biến lương thực – thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin – bưu chính – viễn thông, điện – điện tử – điện lạnh, tư vấn chăm sóc khách hàng, tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,26%, với trình độ ĐH là 20%, CĐ 20%, trung cấp 31%”.
Để tìm kiếm nhân viên cho mình, đa số doanh nghiệp đăng thông tin lên các trang web về tuyển dụng phổ biến hiện nay. Chẳng hạn tại trang web của Vietnamworks hiện có 3.779 vị trí việc làm nhân sự cấp trung và cấp cao cho khu vực TP.HCM, ở rất nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kế toán… với mức lương từ 500 – 700 USD cho vị trí nhân viên và gần 1.500 USD cho vị trí trưởng phòng.
Nhiều việc làm bán thời gian, tuyển thực tập sinh…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông qua một kênh hiệu quả khác, đó là gửi công văn tuyển dụng tới các trường ĐH, CĐ để tìm kiếm ứng viên. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Từ tháng 10 là chúng tôi nhận được công văn của nhiều doanh nghiệp đề nghị trường hỗ trợ giới thiệu ứng viên. Tổng số vị trí việc làm quý 4 mà các doanh nghiệp gửi qua trường là 3.453, thấp hơn chỉ khoảng 300 việc làm so với năm 2019. Trong đó nhiều nhất là ngành nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, thực phẩm, chứng khoán, bất động sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất phân bón, kế toán, ngân hàng… Việc làm bán thời gian dành cho sinh viên đang theo học tại trường cũng rất nhiều, tới 6.686 giờ làm việc”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, cũng cho biết hàng chục doanh nghiệp vừa gửi công văn đến trường với mong muốn tuyển hàng trăm nhân viên kế toán, kinh doanh nội địa, kinh doanh quốc tế, bảo hiểm, bán hàng, tiếp thị, thẩm định, nhân viên khảo sát thị trường, tư vấn đầu tư… với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ tuyển nhân viên chính thức, các công ty còn tuyển thực tập sinh và nhân viên làm việc bán thời gian dịp cuối năm. Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cho hay rất nhiều doanh nghiệp tới trường đề nghị giới thiệu ứng viên tốt nghiệp các ngành tự động hóa, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, ô tô. Có công ty tuyển hàng trăm người dịp cuối năm này.
Video đang HOT
Theo ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM, đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng và số lượng vị trí việc làm thông qua trung tâm không hề thấp hơn năm ngoái, khoảng 2.000 đầu việc. Đa phần các công việc tập trung vào vị trí nhân viên thời vụ mùa tết như bán hàng, giao hàng, thu ngân, phục vụ nhà hàng, quán ăn, đóng gói…
Theo đó, thời gian làm việc cao điểm sẽ từ 15 tháng chạp đến 10 tháng giêng âm lịch. “Chúng tôi cũng dự báo nhu cầu tìm việc của sinh viên cuối năm nay sẽ tăng. Qua khảo sát sơ bộ thì khá đông sinh viên sẽ ở lại TP.HCM kiếm việc làm thêm trong tết”, ông Dũng chia sẻ.
Hiểu đúng mình để chọn đúng ngành học
Làm sao để xác định đúng năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học phù hợp là mối quan tâm chính của hơn 3.000 học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Bình Thuận sáng 29-11.
Hơn 3.000 học sinh tỉnh Bình Thuận hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ sáng 29-11 - Ảnh: D.PHAN
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chọn sai ngành thì làm sao?
Bạn Phạm Huỳnh Hạ Vy (học sinh lớp 12B2 Trường THPT Lý Thường Kiệt) nêu hai câu hỏi: "Giả sử khi đã trúng tuyển nhưng sau một thời gian học mới phát hiện mình chọn nhầm ngành học thì phải làm gì? Nếu có đam mê nhưng không đủ năng lực, hoặc có năng lực nhưng lại không đam mê thì chọn ra sao?".
Tư vấn cho nữ sinh này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết đây là băn khoăn của phần lớn học sinh và cả sinh viên trong nhiều năm nay.
Theo thầy Hùng, hiện nay các trường ĐH đào tạo nhiều ngành, một số trường cho phép sinh viên được chuyển sang ngành học khác nếu đủ điểm tuyển sinh đầu vào của ngành đó. Sinh viên cũng có thể chọn học thêm ngành thứ hai với điều kiện đáp ứng một số yêu cầu về kết quả học tập theo quy định của trường.
"Trong chọn ngành, trước hết phải chọn ngành mình đam mê. Nếu không đam mê sẽ không hoàn thành tốt việc học được. Bên cạnh đam mê cũng cần xét tới yếu tố năng lực học tập và tài chính. Nếu em đam mê ngành hot, điểm cao nhưng học lực trung bình, hoặc muốn vào trường có học phí cao trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lựa chọn đó sẽ không phù hợp.
Hiện nay một ngành học được đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau. Nếu điểm không đủ sức vào trường tốp trên có thể chọn trường tốp dưới. Tôi khuyên các em nên chọn ngành mình yêu thích, có đam mê để học" - thầy Hùng nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng cho hay thực tế có rất nhiều em vào học ĐH mới phát hiện mình chọn sai ngành, tạo ra tâm lý chán nản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cơ cấu ngành nghề thay đổi rất nhanh, dẫn đến nhu cầu nhân lực của từng vị trí công việc cũng thay đổi.
Quy chế đào tạo hiện nay cho phép sinh viên được chuyển trường nếu được sự đồng ý từ hiệu trưởng của hai trường. Đồng thời điểm trúng tuyển đầu vào của sinh viên phải cao hơn (cùng tổ hợp) điểm chuẩn ngành muốn chuyển sang.
Không nên theo số đông, cảm tính
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc chọn ngành theo đam mê là rất quan trọng, nếu chọn sai ngành sẽ thất bại trong học tập. "Hằng năm ở các trường ĐH có cả ngàn sinh viên bị đình chỉ, buộc thôi học vì lý do chọn sai ngành, không có đam mê nên không thích học, dẫn đến kết quả học tập thấp" - thầy Quán nói.
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng ngàn sinh viên bị đình chỉ, buộc thôi học, bỏ học hằng năm ở các trường do chọn sai ngành dẫn đến chán nản, không muốn học hoặc không đủ sức học.
"Thật sự rất nhiều học sinh không hiểu về ngành học. Phần lớn các em chỉ quan tâm học ngành nào ra trường dễ tìm việc, thu nhập cao nên chọn sai ngành. Trong khi việc làm và thu nhập đều phụ thuộc vào chính năng lực của mỗi người" - thầy Hạ nói.
"Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường có cho bạn cơ hội tốt không sau khi tốt nghiệp. Các bạn nên có lựa chọn theo quyết định của chính mình, không nên theo số đông, không chọn theo cảm tính" - thầy Hạ khuyên.
Chọn đúng ngành, nghề để cống hiến nhiều nhất
Phát biểu tại buổi tư vấn, ông Phan Đoàn Thái - giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận - dẫn câu chuyện của Lev Landau - nhà vật lý Liên Xô (cũ), chủ nhân giải Nobel vật lý năm 1962. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 13 tuổi với thành tích xuất sắc đặc biệt về toán và vật lý, Landau đã ghi danh vào Học viện Kinh tế theo yêu cầu của cha. Nhưng chỉ học kinh tế được 1 năm, Landau quyết định nghỉ học vì chán ngán và được cha cho phép học toán và vật lý tại một trường đại học khác.
"Tôi muốn gửi câu chuyện này đến tất cả các em học sinh lớp 12 trong tỉnh với hi vọng các em sẽ hoàn thành tốt năm học 2020-2021 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 để có thể bay cao hơn và xa hơn. Tôi cũng muốn các em ghi nhớ thông điệp của câu chuyện: hãy chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu của xã hội để có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng" - thầy Thái nhắn nhủ.
Tiếp tục nhận đăng ký gian tư vấn
* Ban tổ chức tiếp tục nhận đăng ký gian tư vấn tại 3 ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Cách đăng ký:
1. Trực tuyến: tại địa chỉ bktphcm.net/ngayhoituoitre.
2. Điện thoại: (028) 2214 6555, gặp anh Hồng Hiếu.
3. Trực tiếp: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và việc làm Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (phòng 119 nhà B1, 268 đường Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM).
* Đăng ký tham gia gian tư vấn tại chương trình tư vấn ở các tỉnh:
- Khu vực miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam): chị Nguyễn Thị Thùy Trang - 0905.405.366 - thuytrang@tuoitre.com.vn.
- Khánh Hòa: anh Phạm Phú Hùng - 0975.146.879 - hungpp@tuoitre.com.vn.
- Đắk Lắk: anh Nguyễn Văn Viên - 0905.797.778 - nguyenvanvien@tuoitre.com.vn.
- Bình Định và Phú Yên: anh Trần Minh Duyên - 0974.357.178 - duyentm@tuoitre.com.vn.
- Khu vực Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang): chị Phạm Thị Kiều Diễm - 0918.146.163 - kieudiem@tuoitre.com.vn.
- Khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An): anh Vũ Anh Tú - 0979.414.862 - vuanhtu@tuoitre.com.vn.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Ngành 'hot' cũng khó tuyển sinh Mùa tuyển sinh năm 2020 chứng kiến cảnh "vắng vẻ" thí sinh ở một số ngành học vốn là ngành truyền thống của các trường. Đáng nói, những ngành vốn được cho là "hot" cũng lâm vào cảnh đìu hiu, dù được doanh nghiệp đặt hàng. Làm sao để các ngành học này duy trì vị thế? Dừng tuyển vì không có thí...