Dịch COVID-19, khi nào thi IELTS?
Việt Nam là một trong những nước có lượng thí sinh thi IELTS hằng năm lớn nhất trong khu vực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khi nào kỳ thi này trở lại?
Thí sinh tham dự kỳ thi IELTS tại Việt Nam – Ảnh: BC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Donna McGowan, giám đốc quốc gia Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam – một trong ba đơn vị đồng sở hữu IELTS, cho biết theo công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 28-3 và UBND TP Hà Nội ngày 31-3, nhằm đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng, Hội đồng Anh đã tuân theo chỉ thị và tiếp tục hoãn tất cả các kỳ thi quốc tế đến hết ngày 15-4 tại Hà Nội và 19-4 tại TP.HCM.
* Những thí sinh bị ảnh hưởng do lịch thi tạm hoãn sẽ được hỗ trợ gì?
- Việc hoãn các kỳ thi có thể ảnh hưởng đến kế hoạch học tập và lịch trình của thí sinh, tuy nhiên an toàn và sức khỏe của tất cả thí sinh và cộng đồng cần được đặt lên trên. Những thí sinh bị ảnh hưởng do hoãn thi trong thời điểm dịch bệnh có thể chuyển đổi ngày thi không mất phí hoặc yêu cầu hủy ngày thi và được hoàn toàn bộ lệ phí.
Hội đồng Anh cũng đang làm việc chặt chẽ với các tổ chức giáo dục đại học tại Anh và nhiều nơi để giảm thiểu tối đa những gián đoạn gây ra do việc thay đổi lịch thi. Chúng tôi hi vọng các thí sinh có thể đổi ngày thi và vẫn theo kịp các kế hoạch học tập của họ.
Ngoài ra, chúng tôi đã và đang triển khai các quy trình cần thiết để ngoài việc đảm bảo có thể kịp thời tuân thủ mọi khuyến cáo, còn có thể cung cấp các kỳ thi quốc tế trở lại nhanh chóng ngay sau khi không còn hạn chế do dịch bệnh.
“An toàn và sức khỏe của tất cả nhân viên, đối tác và cộng đồng luôn là những ưu tiên hàng đầu của Hội đồng Anh bởi chúng ta đang trải qua thời điểm quan trọng chống lại đại dịch. Hội đồng Anh, cũng như bất kỳ tổ chức nào khác đang hoạt động tại Việt Nam, luôn tuân thủ các quy định của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc phòng chống COVID-19.”
Video đang HOT
Bà Donna McGowan
* Trong thời gian tới nếu được phép tổ chức ở một số địa phương, Hội đồng Anh có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho các thí sinh dự thi?
- Trong trường hợp với sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, các kỳ thi được tổ chức lại, Hội đồng Anh vẫn sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong thời gian thi với tất cả các kỳ thi để đảm bảo an toàn cho tới khi công bố hoàn toàn hết dịch.
Đây cũng là bước phòng ngừa bổ sung để hỗ trợ cũng như tuân thủ quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Cụ thể, vào các ngày thi, tất cả mọi người tại các địa điểm thi đều được kiểm tra thân nhiệt trước khi cho phép vào khu vực thi. Khu vực thi cũng được vệ sinh kỹ lưỡng trước khi buổi thi bắt đầu.
Giữa buổi thi, tất cả thiết bị sử dụng trong quá trình kỳ thi diễn ra sẽ được vệ sinh. Nước rửa tay hoặc khăn ướt kháng khuẩn cũng được đảm bảo cung cấp đầy đủ tại khu vực thi. Bút chì, bút bi và tẩy sẽ không được thu lại sau các bài thi viết.
Đặc biệt, thí sinh có thể đeo khẩu trang trong các ngày thi, bao gồm cả phần thi nói. Tuy nhiên để đảm bảo tránh gian lận, nếu đeo khẩu trang đến phòng thi, thí sinh sẽ được yêu cầu tạm thời tháo khẩu trang trong khi kiểm tra thông tin (chụp ảnh), kiểm tra chứng minh nhân dân và sau mỗi lần đi vệ sinh.
TP.HCM hoãn đến ngày 8-5
Mới đây, Trung tâm ngoại ngữ tin học (Sở GD-ĐT TP.HCM) ra văn bản điều chỉnh lịch thi tiếng Anh, tin học quốc tế trên địa bàn. Theo đó, tất cả các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học quốc tế, trong đó có IELTS, tiếp tục tạm ngưng đến ngày 8-5. Để các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh theo dõi, Trung tâm ngoại ngữ tin học (Sở GD-ĐT TP.HCM) sẽ thông tin kế hoạch tổ chức các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học quốc tế đến địa chỉ: https://ttngoaingutinhoc.hcm.edu.vn.
Theo trang thông tin của kỳ thi IELTS, đến nay có khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho hoãn kỳ thi này trên phạm vi toàn quốc hoặc ở một số địa phương trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia đều cho hoãn một số hoặc tất cả ngày thi IELTS ít nhất cho đến giữa tháng 4.
HOÀNG THI thực hiện
Lùi lịch thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học thay đổi thế nào?
Việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 của các cơ sở giáo dục đại học.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, dịch Covid-19 kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó có cả kế hoạch thi, tuyển sinh, tổ chức dạy và học.
Kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Ngày 13/3 Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2. Theo đó, kết thúc năm học trước ngày 15/7 và thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến ngày 11/8/2020. Việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 của các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường không tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia cũng vẫn phải lùi đến khi các học sinh được xét tốt nghiệp mới có thể tuyển sinh hoặc chốt danh sách trúng tuyển.
"Như vậy, lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, đăng ký tuyển thẳng, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển... và các mốc thời gian khác quy định cho xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ phải lùi lại, tịnh tiến về sau, tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến sẽ thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31/12/2020", bà Phụng cho hay.
Lý giải thêm về việc thời gian kết thúc tuyển sinh không đổi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Căn cứ vào kết quả tuyển được và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020.
Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh càng chủ động và linh hoạt hơn. Quy chế tuyển sinh đã quy định các trường xác định và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký...
"Các năm trước, kế hoạch tuyển sinh của phần lớn các trường bắt đầu cuối tháng 7 đến hết năm. Mặc dù quy định năm tuyển sinh kết thúc vào tháng 12 nhưng thực tế các trường kết thúc khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, hầu hết các trường không tiếp tục tuyển sinh vì không phù hợp với kế hoạch năm học và hầu như không còn nguồn tuyển. Vì vậy, năm 2020, nếu tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 thì cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả tuyển sinh; các trường vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được", bà Phụng nói thêm.
Các trường đại học đánh giá học trực tuyến thế nào?
Nói thêm về việc công nhận kết quả học trực tuyến trong mùa dịch tại các trường đại học, bà Phụng cho biết, Luật Giáo dục đại học đã quy định cho khối giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khoá học...
Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tuỳ theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia Kỳ thi THPT quốc gia. Việc kết thúc kỳ học, năm học các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn nan giải thì có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.
Bà Phụng cho hay, hiện nay, trong hệ thống đã có 84 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức học tập trung, hơn 70 cơ sở dạy, học trực tuyến... và những trường còn lại đang tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để đảm bảo chương trình và giảm lượng học tập trung...
"Có thể nói, các trường đang dần chuyển từ thế bị động sang thế có kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh, thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Để công nhận kết quả tích luỹ các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy, Bộ GD-ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường chỉ tổ chức đánh giá kết thúc học phần khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Nếu trường nào chưa thực hiện được đầy đủ khối lượng học tập qua công cụ dạy học trực tuyến thì khi quay trở lại học tập trung, cơ sở đào tạo phải tổ chức học bù những nội dung chưa thể triển khai qua các công cụ dạy học trực tuyến (thí nghiệm, thực hành... nếu có) để đánh giá học phần, công nhận kết quả học tập tích lũy theo quy định, đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo", bà Phụng cho hay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, việc công nhận kết quả tích luỹ các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy chỉ được thực hiện khi nhà trường quản lý được hệ thống đào tạo trực tuyến; người học có đủ học liệu theo yêu cầu của chương trình đào tạo; tổ chức và quản lý được quá trình tổ chức dạy-học, tương tác đồng bộ giữa giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý... đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần.
Trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về việc công nhận kết quả học tập tích luỹ, quản lý và lưu trữ các thông tin liên quan đến các học phần tổ chức đào tạo trực tuyến, kiểm tra, đánh giá... nhằm phục vụ công tác kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra. Như vậy, kế hoạch dạy-học trực tuyến mới đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo an toàn phòng chống dịch./.
Nguyễn Trang
Giải pháp giúp học sinh cuối cấp ôn tập hiệu quả khi nghỉ tránh dịch Việc nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch học tập của học sinh, đặc biệt với những học sinh cuối cấp. Ảnh minh họa Câu chuyện không thể đến trường mùa dịch Covid-19, các học sinh sẽ học tập ôn luyện ra sao? Đó không chỉ là trăn trở của các bậc phụ huynh mà...