Địa phương phải ‘đối phó’ với Hội đồng nhân dân trong chọn sách giáo khoa cho chương trình mới
Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn, vướng mắc khi chọn sách giáo khoa, chuyển đổi tổ hợp môn cho học sinh.
Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 – 2023.
Tại Hôi nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đã trao đổi nhiều vấn đề xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa ra trao đổi, bàn luận tại Hội nghị. Ảnh HA
Giải trình nhiều lần mới chọn được sách giáo khoa
Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế bày tỏ băn khoăn về việc chọn nhiều bộ sách giáo khoa khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho rằng, ngay chính đội ngũ giáo viên vẫn còn chưa hiểu vấn đề đổi mới nên cần xem lại cách truyền thông để hiệu quả hơn.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết, Sở không được ủng hộ khi chọn sách giáo khoa.
“Tôi cứ phải đi giải trình cho việc lựa chọn nhiều sách giáo khoa. Gần đây, tỉnh Lâm Đồng mới thông qua nghị quyết về mức chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa vì lúc đầu không được ủng hộ. Chúng tôi phải mang hết thông tư ra giải trình thì mới được duyệt”, bà Phạm Thị Hồng Hải nói.
Tại Hội nghị, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định phải “đối phó” với Hội đồng nhân dân, các đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương về vấn đề chọn sách giáo khoa.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với các môn học đòi hỏi sự tham gia của nhiều giáo viên như Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại Nghị quyết 88/2014/QH13 và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT. Ở trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên chứ không có môn Lý, Hóa, Sinh và cũng không có môn Sử, môn Địa mà chỉ có môn Lịch sử – Địa lý.
“Chúng tôi tổ chức đào tạo giáo viên môn tích hợp 2 năm ở Trường Đại học Quy Nhơn và cấp chứng chỉ năm 2021. Ở Bình Định, các giáo viên gốc Lý, Sinh, Hóa có thể dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6,7 bởi đây là giai đoạn dạy hiện tượng nhưng lên lớp 8,9 các em sẽ học về bản chất thì chúng tôi rất lo”, ông Đào Đức Tuấn nêu quan điểm.
Vướng mắc trong chuyển đổi tổ hợp môn cho học sinh
Ông Đào Đức Tuấn cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc chuyển đổi môn học và lựa chọn cụm chuyên đề của học sinh trung học phổ thông.
Vị lãnh đạo này cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hướng dẫn để các trường có thể chuyển đổi và cho điểm, đánh giá, xếp loại học sinh hợp lý hơn.
Video đang HOT
Tương tự, Ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này.
“Sau khi học xong một học kỳ, học sinh xin chuyển tổ hợp môn rất nhiều. Phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Đồng thời, học sinh muốn chuyển trường sang vùng khác nhưng nơi chuyển cũng không dạy tổ hợp đang học thì như thế nào?”, ông Lê Duy Định nêu thực tế.
Giải đáp những thắc mắc về chuyển tổ hợp môn ở lớp 10, chuyển trường học, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH đã có hướng dẫn chi tiết.
“Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người quyết định việc này. Còn vấn đề các em có hồ sơ học những môn học nào và đủ năng lực học các môn tiếp theo hay không thì phải căn cứ trên cơ sở của Quyết định 51 ban hành năm 2002 và Thông tư 54 mới được ban hành, giúp các trường thực hiện việc chuyển tổ hợp, chuyển trường thuận lợi”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chương trình mới đã khoán một năm với số tiết tổng nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ một mà đợi hết năm. Nếu chuyển thì phải đáp ứng được yêu cầu đủ năng lực để học các môn học mới ở lớp trên, còn các môn học cũ phải đủ điều kiện lên lớp.
Với những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, tùy theo điều kiện của từng địa phương có thể, nơi nào có điều kiện thì dạy môn tích hợp (đi cùng với sự chuẩn bị là việc đào tạo từ các trường sư phạm), nếu chưa thì phân công giáo viên dạy từng môn thành phần. Các địa phương cần bình tĩnh đi từng bước tùy theo điều kiện, giải thích cho phụ huynh hiểu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc chăm lo cho thư viện, chọn sách giáo khoa nên ổn định qua các năm, lớp 1 chọn bộ này, lớp 2 nên tiếp tục chọn bộ đó.
“Mỗi địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, không để xảy ra và sẵn sàng xử lý khủng hoảng truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục có thêm sự thuyết phục với chính quyền, địa phương, phụ huynh… Đặc biệt cần tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phải xem đây là nhiệm vụ tối quan trọng trong tiến trình tiến tới thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018″, Bộ trưởng nói.
Có cần năm nào giáo viên cũng họp hành, bỏ phiếu kín chọn sách giáo khoa?
Môn Ngữ văn 6,7 đã chọn sách thuộc bộ A nhà xuất bản A thì trường nào năm lớp 8, 9 lại lựa chọn lại sách thuộc bộ B?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được Bộ triển khai thực hiện được ở các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Năm học tới đây sẽ là lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và thực hiện cuốn chiếu cho đến năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất cả 3 cấp học.
Với chương trình 2006, Bộ chủ trương "một chương trình, một bộ sách giáo khoa" nên các trường học không phải thực hiện lựa chọn bộ sách giáo khoa nào khi chuẩn bị cho các năm học.
Nhưng, chương trình 2018 thì Bộ chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" nên quy trình lựa chọn sách giáo khoa khá phức tạp và tốn nhiều công sức đối với giáo viên và các nhà trường.
Sách giáo khoa của chương trình mới hiện nay đang có 3 bộ sách: "Cánh diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo".
Cấp tiểu học đã lựa chọn sách để dạy ở các lớp 1, 2, 3 nên ở lớp 4 rất khó xảy ra tình trạng trường sẽ chọn sách khác mà để đảm bảo tính liền mạch, các trường đa phần sẽ tiếp tục chọn sách lớp 4 là bộ sách mà trường đang dạy.
Tương tự, cấp trung học cơ sở đã lựa chọn sách dạy ở lớp 6 và lớp 7 thì lớp 8 đa phần sẽ chọn bộ sách mà trường đang dạy ở các khối lớp trước.
Vì thế, theo quan điểm người viết, những môn nào nhà trường chọn bộ sách khác mới phải thực hiện thủ tục lựa chọn sách giáo khoa như hướng dẫn của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Những môn nào, trường nào vẫn chọn bộ sách đó cho năm học kế tiếp thì không cần thiết phải hội họp và tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tiếp theo sẽ đỡ phức tạp, hình thức.
Năm nào cũng lựa chọn sách giáo khoa là không cần thiết (Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa hiện nay đang được thực hiện qua nhiều bước khác nhau
Theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, quy trình lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện cụ thể như sau:
Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn;
Cơ sở giáo dục phổ thông (nhà trường) tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất;
Lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Sau đó, Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lại tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn theo quy trình như sau:
Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 (bảy) ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng;
Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp môn học không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn.
Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
Nhìn qua quy trình, các bước thực hiện lựa chọn sách giáo khoa như thế này, chúng ta thấy rõ ràng Bộ muốn ràng buộc kĩ lưỡng các bước để giúp cho địa phương và các nhà trường lựa chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất.
Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện ở các nhà trường chưa hẳn đã là vậy. Việc thực hiện các bước theo hướng dẫn của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT cơ bản vẫn mang tính hình thức.
Không nên năm nào cũng phải thực hiện lựa chọn sách giáo khoa
Thực tế cho thấy, nếu Bộ có về các địa phương kiểm tra quy trình lựa chọn sách giáo khoa sẽ không thể nào tìm được kẽ hở nào hết.
Các tổ chuyên môn, nhà trường, phòng, sở đều lưu giữ cẩn thận phiếu lựa chọn sách giáo khoa, biên bản cuộc họp ghi rất cẩn thận, chi tiết và tất nhiên không có văn bản nào của phòng, sở yêu cầu nhà trường phải lựa chọn bộ sách giáo khoa cụ thể nào.
Theo tìm hiểu của người viết, gần như huyện, tỉnh nào chọn bộ sách nào trong 3 bộ sách giáo khoa cho từng môn học là cùng chọn chung cho cả địa bàn. Không có tình trạng cùng môn học mà mỗi trường trong cùng huyện, cùng tỉnh mà lại đi lựa chọn sách giáo khoa khác nhau.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng nếu thời gian tới đây lại yêu cầu các tổ chuyên môn, nhà trường phải lựa chọn sách giáo khoa cho các lớp tiếp theo là không thực sự cần thiết bởi nó hình thức nhưng tốn kém thời gian, công sức của giáo viên ở các nhà trường.
Việc lựa chọn sách giáo khoa chỉ cần yêu cầu những trường, những địa phương mà chọn lại bộ sách khác thì mới nên tổ chức lựa chọn lại.
Bằng không, nếu đang dạy bộ sách đó, tiếp tục lựa chọn bộ sách đó cho năm học tiếp theo thì thôi, đừng họp hành, bỏ phiếu kín, ghi biên bản, tờ trình... bởi việc này không có nhiều ý nghĩa.
Chẳng lẽ, cấp tiểu học họ đã dạy được 3 năm, cấp trung học cơ sở đã dạy được 2 năm rồi mà năm học tới lại đi lựa chọn lại bộ sách khác hay sao? Khi đã lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho môn học của mình, nếu có nhầm lẫn, sai sót, không phù hợp thì hết năm đầu tiên trường đã lựa chọn lại rồi.
Năm học tới là năm thứ 3, thứ 4 cấp tiểu học, trung học cơ sở dạy chương trình mới nên chẳng có trường nào lại đi lựa chọn lại sách giáo khoa khác.
Vì công sức của giáo viên đã đầu tư cho giáo án, kế hoạch giáo dục đã quen thuộc thì ai lại đi làm mới từ đầu. Nhà trường thì đầu tư sách giáo khoa, sách tham khảo, sách giáo viên về thư viện với những khoản kinh phí không hề nhỏ. Chẳng lẽ họ lại tự vứt bỏ đi hay sao?
Lúc này, Bộ đã đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 nên việc tiến hành lựa chọn sách giáo khoa cho các lớp này sẽ được thực hiện trong thời gian tới đây. Vì thế, chúng tôi hy vọng Bộ sẽ có những hướng dẫn kịp thời sự việc này.
Nếu trường nào, địa phương nào chọn lại sách khác thì mới cần tiến hành lựa chọn sách cho lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Nếu trường không chọn sách khác thì chỉ cần hiệu trưởng làm tờ trình với cấp trên là trường tiếp tục lựa chọn các bộ sách ở các năm học trước cho năm học tiếp theo là được.
Cả nước, hiện có trên 1 triệu giáo viên, với hàng mấy chục ngàn trường học phổ thông mà đều phải tiến hành lựa chọn sách giáo khoa quả là tốn kém rất nhiều công sức, tiền của mà cuối cùng vẫn tiếp tục lựa chọn bộ sách mà tổ chuyên môn, nhà trường đang dạy thì cần gì phải họp hành, bỏ phiếu, làm biên bản, tờ trình để tiếp tục lựa chọn vẫn là bộ sách đó.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thái Bình: Sở Giáo dục và Đào tạo trình phê duyệt nhầm sách giáo khoa vì...lỗi đánh máy? Dù hội đồng lựa chọn sách đã phê duyệt 5 cuốn nhưng trong báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình trình lên UBND tỉnh phê duyệt lại xuất hiện thêm 3 cuốn. Thời gian vừa qua, dư luận, giáo viên một số trường trung học phổ thông tại tỉnh Thái Bình bức xúc về vấn đề liên quan đến...