Địa phương có 100% trường tiểu học dạy Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nói gì?
Trong chuyến công tác mới đây của Bộ GD&ĐT tại Hà Nam, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, địa phương này đã có 100% trường tiểu học dạy “ hình tròn, ô vuông” theo sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều người đánh giá, nhờ chương trình này, kiến thức tiếng Việt của các em khá vững vàng.
Từ lo lắng sang tin tưởng
Ông Nguyễn Trọng Cung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, nhà trường đã áp dụng dạy chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) đã 5 năm.
Theo ông Cung, đây là một chương trình tuyệt vời, học sinh học cảm thấy rất vui. Các cháu đọc thông viết thạo và nắm rất chắc về quy tắc chính tả. Nhà trường có hơn 700 học sinh thì tỉ lệ đọc và viết đúng chính tả rất cao.
Chị Trần Thị Mai Lương, hiện có con đang học lớp 2 và lớp 3 tại trường tâm sự, việc giáo viên dạy bằng ô vuông, hình tròn là việc bình thường. Đó chỉ là mô hình cho các cháu học để các con dễ hiểu chứ không phải là nhìn hình để đoán chữ như một số ý kiến chủ quan trên mạng xã hội của một số người.
Tại Trường Tiểu học A Kiện Khê (Thanh Liêm, Hà Nam), một số phụ huynh cho biết, mình đã chuyển từ lo lắng sang tin tưởng chương trình CNGD.
Học sinh tiểu học trong giờ học tiếng Việt ở Hà Nam. (Ảnh: Đ. Cường).
Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn – phụ huynh có con học lớp 2 ở đây cho biết, con mình học theo chương trình Tiếng Việt 1 CNGD từ năm ngoái. Sau một năm, con chị học được các chữ cái và âm vần. Đến một hai tuần tiếp theo, các con đã nắm vững được cách ghép vần, tiếp thu nhanh.
Theo phụ huynh này, những kiến thức như âm chính, âm giữa hay âm cuối về nhà bố mẹ không hiểu để dạy nhưng tới trường, các cháu được cô giáo truyền thụ đầy đủ nên tiếp thu tốt.
Chị Lại Thị Hương – phụ huynh có 2 con học tại trường cũng cho hay, ban đầu mình cũng lo lắng nhưng sau đó khá yên tâm khi cho 2 con- một đang lớp 5 và một đang lớp 1, học chương trình Tiếng Việt 1 CNGD. Về nhà các con biết cách phân biệt tiếng ra tiếng và vần ra vần. Ví dụ, một câu thơ có 6 tiếng thì cô giáo dạy để tách tiếng cho các con hiểu đó là tiếng chứ không phải học hình vuông, tròn hay tam giác đó.
“Sách CNGD ngày xưa tôi không được học, nhưng thấy con học có tiến bộ và đánh vần đúng, viết đúng chính tả nên càng tin tưởng”, chị Hương nói.
Học sinh sử dụng bộ đồ dùng học tập môn Tiếng Việt CNGD tại Trường tiểu học Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam). (Ảnh: Đ. Cường)
Video đang HOT
Hạn chế sai chính tả
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là năm thứ 5 Hà Nam triển khai dạy Tiếng Việt 1 CNGD và có kết quả nhất định. Ban đầu quy mô chỉ ở một số trường, sau đó lan rộng ra toàn tỉnh với 100% trường tiểu học dạy theo sách này.
Chia sẻ về phương pháp dạy này có gây khó cho giáo viên, cô giáo Vũ Thị Thu Hồng, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học A Kiện Khê cho hay, đây là năm thứ 6 nhà trường áp dụng dạy chương trình Tiếng Việt 1 CNGD. Phương pháp dạy học này có nhiều ưu điểm, bản thân cô và các giáo viên được tập huấn nên không có khó khăn gì lớn.
Cũng theo cô Hồng, những mô hình dạy bằng hình tam giác, vuông tròn mà cư dân mạng đang chỉ trích chỉ là một vài tiết đầu của chương trình. Việc này giúp các em học sinh phân biệt được các tiếng, mỗi tiếng sẽ ứng với một mô hình. Các em sẽ biết được mỗi câu có bao nhiêu tiếng ứng với chừng ấy hình vuông, tròn hoặc tam giác.
Một số giáo viên ở Hà Nam cho biết, chương trình này có nhiều ưu điểm, trong đó giúp học sinh viết đúng chính tả. (Ảnh: Đ. Cường).
Cô giáo Phạm Thị Lý – giáo viên lớp 2C Trường Tiểu học A Kiện Khê cũng cho biết, mình dạy chương trình Tiếng Việt CNGD cho trẻ lớp 1 từ năm đầu tiên nhà trường áp dụng, tức từ năm học 2013 – 2014. Chương trình này có nhiều ưu điểm, trong đó giúp học sinh viết đúng chính tả.
Trong bộ đồ dùng học tập môn Tiếng Việt CNGD, các em được dùng các quân nhựa nhiều màu sắc để áp dụng trong bài học để thay thế cho mô hình vuông, tròn hay tam giác. Ví dụ, trong bài có các tiếng giống nhau, các cháu sẽ sử dụng quân nhựa có cùng màu sắc để có thể phân biệt được đấy là tiếng giống hay khác nhau.
Tiếp đó là những bài phân biệt nguyên âm và phụ âm, các em kiểm tra nhau bằng hình dáng miệng bằng cách phát âm để phân biệt. Bài tiếp theo là nguyên âm tròn môi và không tròn môi…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam cho hay, ban đầu địa phương này triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 theo CNGD có một số phụ huynh băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả thực tế.
Tuy nhiên, khi đã được học sách này trẻ đã hạn chế được việc đọc và viết sai chính tả rất nhiều. Phụ huynh ngày càng hiểu, ủng hộ việc này và đồng hành cùng nhà trường.
Do đó quan điểm của Sở này đưa ra, sẽ giữ ổn định việc này cho đến khi thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, không có xáo trộn gì trong giảng dạy.
Đ. Cường
Theo Dân trí
Thầy giáo từng dạy trường Thực Nghiệm nói về cách rèn luyện tư duy trong sách của GS Đại
Theo thầy giáo Phạm Toàn, cách học của Công nghệ GD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng không cho học sinh học thuộc mô tả các khái niệm mà giúp trẻ làm ra khái niệm.
Cách dạy Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục theo đường lối ngữ âm học
Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách dạy trẻ đánh vần bằng 'ô vuông, hình tròn, hình tam giác' trong cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.
Trao đổi với PV, nhà giáo Phạm Toàn cho biết, trong quá trình công tác tại Trường Thực Nghiệm, ông đã cùng tham gia với GS Hồ Ngọc Đại xây dựng một số chi tiết trong cuốn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.
Theo thầy giáo Phạm Toàn, nhiều người chưa biết tính khoa học của cách dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục.
Cụ thể, về đánh vần bằng các hình vuông, hình tròn, ông lý giải, các hình này là vật thay thế chữ viết.
Thầy Toàn nói, phương pháp sử dụng ô vuông, tròn để giúp học sinh hiểu về 'tiếng' (hay âm tiết) trước khi nhận mặt chữ. Bởi, về bản chất, tiếng hay âm thanh phát ra là thứ có trước, chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước dành cho tiếng.
Thầy giáo Phạm Toàn.
Trước khi nhận mặt chữ, các em học sinh cần hiểu rằng ngôn ngữ là cấu tạo từ các 'tiếng' và các ô vuông là để hỗ trợ cho sự tưởng tượng đó được tốt hơn, tránh gây nhầm lẫn.
'Trong lúc học sinh lớp 1 mới vào học chưa viết được, các tiếng đó được ghi lại bằng hình tròn, vuông, tam giác để các em dễ nhận biết.
Các ô vuông, hình tròn chỉ được dạy trong những buổi đầu để học sinh làm quen với tiếng, sau đó sẽ được áp dụng vào bảng chữ như bình thường', thầy Toàn nói.
Sau khi phân biệt các tiếng, học sinh mới được về học bảng chữ cái và cách đánh vần. Đó là lúc nguyên âm, phụ âm - đơn vị cấu tạo của từ được đưa ra.
Thầy giáo Phạm Toàn cho rằng, từ trước đến nay, có hai cách học để biết đọc, biết viết tiếng Việt. Cụ thể, một cách là đánh vần theo chữ và cách thứ 2 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục.
Với cách đánh vần theo lối ngữ âm học, học sinh sẽ phải làm lại những thao tác phát âm - phân tích âm - ghi lại và đọc lại.
Ông chỉ rõ, ba thao tác ngữ âm học được diễn ra theo 7 bước gồm: bước 1 - tách lời nói thành tiếng đơn lập; bước 2 - tách một tiếng thành hai phần; bước 3, 4, 5, 6 - học tiếng mẫu; bước 7 - học nguyên âm đôi, ví như ia, ua, ưa.
Nếu thực hiện đúng 7 bước, theo ông, có thể giúp dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh tiếng Việt.
Cách học do GS Đại khởi xướng là một cách để học sinh luyện tư duy
Thầy giáo từng dạy trường Thực Nghiệm chia sẻ, chúng ta hãy quy những tranh luận thời gian qua trong giới hạn của việc học Tiếng Việt lớp 1 để học sinh biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
'Hãy coi việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm của học sinh giỏi nhưng tự làm ra việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm nằm trong tư duy của người học sinh thực sự giỏi.
Nếu nhà sư phạm nào nghĩ học theo cách cũ, hoặc à uôm 'học thế nào cũng được, cốt biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ' là được rồi sẽ khước từ cách học khác để học sinh luyện tư duy của mình ngay trong khi học', ông nêu và cho rằng, cách học theo đường lối ngữ âm học do Công nghệ giáo dục và GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng chính là cách khác để học sinh luyện tư duy.
GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với một số người trong một buổi tọa đàm.
Ông nói thêm, cách học của Công nghệ Giáo dục không cho học sinh học thuộc những mô tả các khái niệm mà thay vào đó cho trẻ em làm ra khái niệm. Khái niệm do các em làm ra và khái niệm là cuộc sống của các em.
Trước các ý kiến 'ném đá' của dư luận, thầy giao Phạm Toàn nêu rõ, một số người chưa thực sự tìm hiểu kỹ, chưa đặt mình vào học sinh lớp 1 nên có phản ứng không đúng, tuy nhiên, bản thân ông không quan tâm việc này.
Ông mong mọi người tìm hiểu kỹ để hiểu rõ cách dạy, đồng thời, không nên vội vàng và ép buộc mà hãy để mọi người hiểu. thực hiện.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, từ lớp 1 đến lớp 5 có rất nhiều sách, trong khi, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là một trong số rất nhiều cuốn sách dành cho học sinh lớp 1.
'Trong rất nhiều cuốn sách giáo khoa, ông Đại mới có một cuốn tập đánh vần dành cho lớp 1 nhưng dư luận xã hội đã nêu ý kiến rất ghê gớm, lo ngại chệch hướng giáo dục.
Tuy nhiên, chỉ một cuốn sách đó theo tôi, sẽ không thể xảy ra việc chệch hướng của cả nền giáo dục được', GS Dong nhấn mạnh.
Theo tintuc.vn
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Có lợi ích nhóm sau tranh luận về GS Hồ Ngọc Đại PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói ông quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm, cũng như để độc quyền sách giáo khoa. GS Hồ Ngọc Đại nói về Công nghệ Giáo dục và đánh vần 'tròn, vuông' GS Hồ Ngọc Đại giải thích việc phân biệt rõ âm và vần trong dạy...