Đi học mà không được chạy nhảy !
Con tôi vào lớp 1 ở một trong những trường thuộc loại “hot” của Q.1, TP.HCM, nhưng tôi bất ngờ đến phát hoảng vì sự thiếu vận động của bé ở trường.
Có hàng loạt lợi ích cho trẻ thông qua các trò chơi vận động – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giờ ra chơi, hoạt động phổ biến nhất của trẻ là… coi ti vi (cô giáo bật), nếu không cũng là đọc truyện hoặc ngồi vẽ trong lớp. Ban đầu, tôi gợi ý con rủ bạn xuống sân chơi đuổi bắt, trốn tìm, thi chạy… Bé về nhà mếu máo kể bị cô giáo phạt vì cô đã bảo không được chạy. Thôi thì cô cũng có lý, sân trường nhỏ, hàng trăm đứa trẻ mà ùa ra sân chạy giỡn một lần thì dễ dàng va chạm vào nhau. Tôi đành hướng trẻ chuyển sang các hoạt động ít di chuyển mạnh hơn như nhảy cò cò, nhảy dây. Bé lắc đầu bảo: “Cô không cho đâu, không tin mẹ lên hỏi cô đi”.
Đúng là cô giáo không cho thật, bảo rằng giờ ra chơi, bé được phép xuống sân trường để… đi vòng vòng chứ không được chơi đùa, chạy nhảy. Rõ ràng hoạt động “đi vòng vòng” quá chán so với những bộ phim hoạt hình hấp dẫn trên ti vi. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm (2 tháng sau khi trẻ bắt đầu đi học), cô giáo liên tục than phiền là học sinh “quậy” quá, nhiều trẻ không nghe lời, đã bảo không được chạy nhảy mà giờ ra chơi cứ chạy mồ hôi chảy ròng ròng, ướt hết áo thì làm sao mà học (?)
Tôi thực sự sốc vì quy định của nhà trường và quan điểm của cô giáo. Thứ nhất, về mặt nhu cầu vận động, cấm một đứa trẻ ở tuổi tiểu học chơi đùa, chạy nhảy chẳng khác nào trói tay, trói chân chúng. Vận động thông qua vui chơi là nhu cầu tự nhiên của tất cả những đứa trẻ trên hành tinh này, ngoại trừ trẻ thiểu năng vận động. Thứ hai, về mặt sức khỏe, vận động giúp trẻ tăng cường sức mạnh cơ bắp, củng cố cho hệ tim mạch, giúp đẩy xa những “đại dịch” của thời hiện đại như tiểu đường, béo phì… Về sức khỏe tâm thần, vận động giúp trẻ xả stress, giúp tinh thần phấn chấn, giúp đầu óc minh mẫn, tập trung hơn, chắc chắn là sẽ giúp trẻ học tốt hơn. Ấy là chưa nói tới hàng loạt lợi ích khác như thông qua các trò chơi vận động: trẻ học được cách xử lý tình huống thắng/thua, học được cách xử lý khi va chạm với bạn, học được tinh thần đồng đội, biết cách kết bạn… Tất cả đều là những kỹ năng cực kỳ quan trọng cho cả cuộc đời một con người.
Video đang HOT
Hiện mỗi tuần bé có 2 tiết thể dục, còn lại thì tha hồ ngồi một chỗ. Mà mỗi ngày bé ở trường tới 9 giờ đồng hồ. Hiện có một số trường tiểu học bán trú tổ chức cho trẻ học các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, đá banh… tại công viên, trung tâm thể thao mỗi tuần thêm một lần. Vẫn là quá ít ỏi so với yêu cầu vận động của một đứa trẻ, được các chuyên gia khuyên là 60 phút/ngày nhưng rõ ràng có vẫn hơn không. Chuyện tổ chức vận động cho trẻ ở trường học dường như là tùy thích, hiệu trưởng trường nào “có lòng” thì tổ chức trong giờ học, không thì thôi.
Tôi không thể hiểu nổi vì sao mỗi ngày con mình phải bỏ ra quá nhiều thời gian, gò lưng, căng mắt mà luyện viết cho thật chuẩn từng li từng tí theo yêu cầu của cô giáo. Bé phải bỏ quá nhiều công sức để luyện chữ đẹp giữa thời đại người người viết bằng máy tính trong khi vận động, nhất là vận động qua vui chơi – thứ giúp trẻ sống khỏe mạnh hơn, tinh thần phấn chấn hơn, học tốt hơn, xây dựng các kỹ năng sống cần thiết cho cả cuộc đời – thì nhà trường, cô giáo chẳng hề quan tâm tới, thậm chí cấm đoán.
Chừng nào chưa có quy định của cấp quản lý giáo dục về điều này, trẻ sẽ tiếp tục có “cơ hội” ngồi một chỗ suốt ngày!
Theo TNO
Phát sốt vì... học toán
Từ đầu năm học tới nay, không khí trong gia đình chị Lê Hải Thu (ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) lúc nào cũng căng như dây đàn. Hết đưa đón cô con gái 5 tuổi đi học toán "siêu tốc", vợ chồng chị Thu lại phải thay nhau cùng cậu con trai học lớp 2 giải... toán nâng cao, khiến cả nhà lúc nào cũng quay cuồng với việc học.
Thay vì ép trẻ đi học thêm, làm bài tập nâng cao, phụ huynh nên tăng cường
cho con tham gia các hoạt động ngoài trời
Chưa biết chữ vẫn học toán... siêu tốc
Chương trình dạy toán tính nhẩm "siêu tốc" bằng bàn tính được áp dụng cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi và các bậc phụ huynh muốn thấy được rõ lợi ích của việc học tập này cần phải cho con theo học từ 2 - 3 năm! Mỗi khóa học giải toán "siêu tốc", thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng với mức học phí trên 1 triệu đồng, tùy theo từng cấp độ. Đối với lứa tuổi mầm non, khi tham gia khóa học, các bé sẽ học nhận biết các số trên ngón tay và thực hiện được các phép tính cộng trừ trong phạm vi từ 0 đến 99 chỉ với hai bàn tay.
Chị Thu chia sẻ, trong khoảng 3 buổi học đầu, cô con gái của chị rất hứng thú khi đi học, về nhà hăng hái làm bài tập, dù chưa biết... viết số, phải nhờ bố, mẹ viết hộ kết quả vào phiếu. Nhưng những buổi sau đó cháu tỏ ra chán nản, hết kêu đau lưng, mỏi tay rồi khóc lóc, ăn vạ, kiên quyết không đến lớp với lý do "toàn bị điểm kém do chưa thuộc mặt các chữ số". Trước tình trạng này, chị Thu đành cho con nghỉ học dù đã đóng tiền toàn bộ khóa học.
Về vấn đề trên, PGS.Văn Như Cương cho rằng, trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo chỉ nên học các trò chơi xếp hình, học nhận mặt chữ. Việc bắt một đứa trẻ mẫu giáo phải ngồi hàng giờ để giải toán "siêu tốc" là không cần thiết vì ở lứa tuổi này, quy luật nhận thức là thông qua việc chơi, qua tiếp xúc với sự vật trực quan, kết hợp học mà chơi, chơi mà học, chứ không phải ngồi vào bàn làm bài tập. Với trẻ ở bậc học mầm non, các bậc phụ huynh hãy dạy chúng những bước đi cơ bản thay vì bắt chúng phải bước quá nhanh. Ngoài ra, việc học toán "siêu tốc" quá sớm tuy giúp các em ra được đáp án rất nhanh nhưng lại không có phương pháp tư duy logic của toán học, có thể khiến các em "mất gốc", ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình học tập sau này.
Học sinh tiểu học "vật vã" với toán nâng cao
Anh Phạm Hải Nam, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ tâm sự, cuối học kỳ 1, cậu con trai đang học lớp một của anh đã mang về một đề toán, gồm nhiều phép tính, trong đó các phép tính có dạng: Hãy điền vào chỗ "...": 45 2...= 68. Khi giảng cho con, để tìm số còn lại, anh Nam đã lấy 68-45=23 nên số phải điền vào chỗ "..." là số 3. Tuy vậy, sau khi mang bài tập đến lớp để cô giáo kiểm tra, con trai anh Nam đã mếu máo bắt đền bố vì bị cô cho điểm kém do cách giải bài tập không đúng với cách giải của cô, bởi trong chương trình học của con chưa học đến phép trừ số có hai chữ số.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, không ít lần chị Nguyễn Lan Phương (ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân) đã phải giúp cô con gái lớp 2 giải toán vì số lượng bài tập quá nhiều lại khá khó. Tuy mới học lớp 2, nhưng riêng đối với môn Toán, ngoài cuốn bài tập Toán, con gái chị Phương phải hoàn thành lượng bài tập ở 5 cuốn sách khác. Không chỉ khối lượng bài tập nhiều mà một số đề Toán trong những cuốn sách này khá khó hiểu, thậm chí... buồn cười. Như trong cuốn "Toán nâng cao lớp 2", đề của một bài tập là: "Lớp 2A có 25 bạn nữ và 21 bạn trai. Hỏi lớp 2A có bao nhiêu bạn vừa gái vừa trai". Khi đọc đề bài này, cô con gái chị Phương đã hỏi mẹ: "Bạn vừa gái vừa trai là bạn gì ạ?".
Để hỗ trợ nhau... giải toán cho con, nhiều diễn đàn trên mạng đã được lập ra thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Trên các diễn đàn này, các bài toán khó của học sinh bậc tiểu học đã được đưa ra để trao đổi, tìm ra cách giải phù hợp nhất. Nhiều phụ huynh đã thừa nhận, có nhiều bài toán trong chương trình tiểu học rất khó, đặc biệt là bài tập nâng cao. Cha mẹ học sinh có thể tìm ra được đáp án nhưng để giải đúng cách là điều không đơn giản.
Các chuyên gia tâm lý khẳng định, từ 3 đến 11 tuổi là khoảng thời gian phát triển vượt trội của bé, trong đó toán học có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tư duy. Khi trẻ 3 tuổi, việc cho trẻ tiếp xúc với môn Toán là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc dạy trẻ học Toán ở độ tuổi mầm non không chỉ đơn thuần là cung cấp các con số, các phép toán thông thường, mà phải có phương pháp giáo dục khoa học, hợp lý, trong đó phương pháp trực quan là vô cùng quan trọng. Còn với trẻ ở độ tuổi Tiểu học, việc hoàn thành chương trình cơ bản trên lớp đã là một điều khá vất vả. Do vậy, các bậc cha mẹ không nên ép con mình đi học thêm, giải quá nhiều bài tập nâng cao khiến trẻ dần mất đi hứng thú với việc học. Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường kiểm tra, siết chặt việc quản lý dạy thêm, học thêm.
Huệ Linh
Theo ANTD
"Choáng ngợp" với Hiệp sĩ xanh giải cứu thế giới Hàng trăm em học sinh trường tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã có dịp háo hức nhập vai "Hiệp sĩ xanh", đánh lùi kẻ thù rác thải qua giờ học ngoại khóa đầy mới lạ và hấp dẫn. Trường tiểu học Thanh Đa chiều qua chưa bao giờ nhộn nhịp như thế. Hàng trăm em học sinh đồng loạt ùa ra...