Đi học lại ngày 4.5: Sinh viên ngồi cách nhau tối thiểu 1 mét
Sau thời gian dài tạm nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường ĐH thông báo cho sinh viên trở lại trường vào tuần tới. Có trường quy định sinh viên ngồi cách nhau tối thiểu 1 mét.
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp học – PHẠM HỮU
Đến thời điểm này, các trường ĐH đã đồng loạt thông báo thời gian cho sinh viên trở lại trường học tập trung sau thời gian nghỉ dài phòng chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, cùng với thông báo thời gian cụ thể, các trường còn có những lộ trình thực hiện và nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người học.
Giãn khoảng cách, chụp hình lớp học
Sáng nay 29.4, Trường ĐH Y dược TP.HCM phát đi thông báo về việc học tập từ tuần sau. Theo đó, tùy điều kiện cụ thể từng khoa và bệnh viện để sắp xếp cho sinh viên học lý thuyết, thực hành và thi từ ngày 4.5.
Đáng chú ý trong thông báo này, Trường ĐH Y dược TP.HCM yêu cầu không tập trung quá 30 người trong cùng 1 lớp học, thi hay thực hành nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các sinh viên trong lớp tối thiểu 1 mét. Đồng thời, lưu hình ảnh về việc bố trí lớp học theo quy định.
Bên cạnh đó, trường yêu cầu sinh viên thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang toàn thời gian tại trường. Đảm bảo an toàn khi giảng dạy, tăng cường vệ sinh tối đa, khử khuẩn theo quy định. Với các lớp thực hành, cần chú ý và thực hiện thêm các điều kiện về an toàn phòng thí nghiệm, an toàn khi tiếp xúc với các đối tượng trong thực hành.
Riêng với các lớp thi, đầu giờ thi chú ý giãn lưu lượng tránh tụ tập, phân các lớp đi lên bằng cầu thang khác nhau, chia nhỏ danh sách và đi vào bằng nhiều cửa. Cuối giờ thi, cán bộ coi thi thu bài từng sinh viên và nhắc nhở ra về ngay, tránh tụ tập sau khi thi xong.
Chia thời gian đi học thành nhiều đợt
Sáng nay 29.4, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã ra thông báo chính thức tới 35.000 sinh viên trường này về việc đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống Covid-19.
Video đang HOT
Theo thông báo do tiến sĩ Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng trường này ký, sinh viên năm 3 và năm 4 bắt đầu học tập trung tại trường từ ngày 4.5. Các lớp học trực tuyến đang triển khai vẫn tiếp tục học qua mạng theo tiến độ và thời khoá biểu đã thông báo.
Tiếp đó, từ ngày 11.5, sinh viên và học viên tất cả các bậc học còn lại trong toàn trường bắt đầu học tập trung theo thời khóa biểu của học kỳ 2. Các phòng ban và đơn vị chuẩn bị công tác tổ chức đón sinh viên trở lại.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng thông báo các hoạt động giảng dạy, học tập và làm việc chính thức trở lại từ ngày 4.5.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng thông báo, các môn thực hành, thí nghiệm và giáo dục thể chất chính thức giảng dạy và học tập từ ngày 4.5 đến hết tháng 5.9, trễ 13 tuần so với kế hoạch giảng dạy. Với các lớp học lý thuyết, đồ án và khóa luận tốt nghiệp tiếp tục theo hình thức trực tuyến và gặp gỡ nhóm nhỏ trước khi trở lại bình thường vào ngày 1.6.
Cũng từ ngày 4.5, Trường ĐH Luật TP.HCM cho phép sinh viên chất lượng cao, sinh viên văn bằng 2 và vừa làm vừa học trở lại trường học tập trung. Ngày 11.5, tất cả sinh viên hệ chính quy đại trà khoá 41 (ngành quản trị-luật), 42, 43 và 44 trở lại trường. Với khoá sinh viên hệ chính quy khoá 40 và 41 (ngành quản trị-luật) đi học vào ngày 18.5.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM thông báo cho giảng viên, cán bộ viên chức và người lao động trở lại làm việc từ ngày 4.5. Lịch học tập trung của học viên và nghiên cứu sinh cũng bắt đầu từ thời gian này. Tuy nhiên, với sinh viên thời gian học bắt đầu chính thức vào ngày 11.5.
Trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có thông báo cho lộ trình đi học lại với gần 70.000 sinh viên. Từ ngày 4.5, nghiên cứu sinh, học viên sau ĐH, sinh viên năm thứ tư, sinh viên khối thực hành, thực tập và một số lớp ôn tập thi cuối kỳ sẽ trở lại trường. Tiếp đó, ngày 11.5 sinh viên đi học bình thường nếu trường tuân thủ quy định nghiêm túc về đảm bảo an toàn. Từ ngày 18.5, toàn bộ hệ thống cho sinh viên đi học lại bình thường.
Các trường đại học điều chỉnh phương thức tuyển sinh ra sao?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật so với thi THPT quốc gia các năm trước đã khiến các trường ĐH có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh.
Các thông tin này được chia sẻ chi tiết trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề Thi THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT: Trường ĐH, CĐ thay đổi tuyển sinh ra sao? Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Khi nào thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển?
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mới đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT có điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, phục vụ chủ yếu việc xét tốt nghiệp. Trong đó, bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vẫn có điểm các môn thi thành phần.
Đại diện các trường đại học tham gia chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo tiến sĩ Nhân, các trường ĐH cũng đã điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển cho phù hợp. Nhưng thí sinh không cần quá lo lắng, chỉ cần tập trung vào các môn thi vì hiện nay, dù điều chỉnh ra sao thì hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
"Về thời gian, ở các năm trước, thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia rồi mới xét học bạ. Năm nay thì ngược lại. Nhiều trường xét học bạ 5 học kỳ, không xét điểm trung bình học kỳ 2 lớp 12. Các trường ĐH dự kiến xét học bạ từ tháng 5 - 7. Với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu tịnh tiến như năm ngoái, rất có thể cuối tháng 5, thí sinh sẽ bắt đầu làm hồ sơ thi và xét tuyển", tiến sĩ Nhân cho biết. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết đến hiện tại vẫn phải chờ quy chế thi chính thức của Bộ GD-ĐT.
Tăng cơ hội cho thí sinh
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, đến nay, có thể thấy cơ bản các hình thức tuyển sinh của các trường ĐH không khác nhiều so với những năm trước. Nhưng có một số điểm thí sinh cần lưu ý. Với các trường tổ chức kỳ thi riêng, thí sinh cần chú ý thời gian và địa điểm tổ chức của từng trường vì phần lớn các trường đã điều chỉnh thời gian thi. Chẳng hạn, Trường ĐH Việt Đức dời kỳ thi sang tháng 7 thay vì tháng 5 như trước đây. Thứ hai là xét tuyển từ học bạ thì hiện nay, các trường chủ yếu dựa vào điểm 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12).
Nhiều thí sinh lo lắng: Các trường điều chỉnh chỉ tiêu các phương thức xét tuyển có ảnh hưởng việc thí sinh nộp hồ sơ theo các phương thức hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết nhiều trường đã điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển theo hướng giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiển nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào các trường, vì nếu chỉ tiêu thấp thì điểm sẽ cao và ngược lại.
Thí sinh cũng thắc mắc tốt nghiệp các năm trước thì có xét tuyển vào các trường bằng học bạ? Tiến sĩ Huỳnh Thế Nguyễn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết nhiều trường hiện cho phép xét kết quả học bạ của thí sinh tốt nghiệp năm 2018, 2019 nên đây là cơ hội cho các thí sinh tự do tham gia xét tuyển năm nay.
Hiện nay, đa số các trường đều cho thí sinh đăng ký xét tuyển online đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Thay đổi về tuyển sinh ở các trường đại học
Trường ĐH Việt Đức: Điều chỉnh tổ chức kỳ thi riêng từ tháng 5 sang tháng 7. Ngoài kỳ thi riêng còn thực hiện xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và đang cân nhắc xét tuyển dựa vào học bạ.
Trường ĐH Tài chính - Marketing: Xét tuyển phương thức mới là dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10 và 11, học kỳ 1 lớp 12).
Trường ĐH Văn Lang: Vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển: học bạ, tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, thi các môn năng khiếu và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Điểm mới trong năm nay là ở phương thức xét học bạ: Bên cạnh xét điểm trung bình năm lớp 12 còn xét điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Trường cũng xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Xét tuyển theo 5 phương thức: Điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức, xét tuyển theo dạng tuyển thẳng hoặc cử tuyển. Điểm mới năm nay ở phương thức xét học bạ, bên cạnh cách xét điểm lớp 12, còn thêm cách xét theo tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và điểm trung bình học kỳ 1 năm lớp 12 (5 học kỳ).
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Bổ sung phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh trường chuyên, học sinh có IELTS quốc tế 5.0 trở lên và tương đương. Về xét học bạ, trước đây trường xét điểm năm lớp 12 thì năm nay xét kết quả lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 (5 học kỳ). Bên cạnh đó, trường xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: Xét học bạ bằng điểm trung bình lớp 12 hoặc theo 5 học kỳ (không xét học kỳ 2 lớp 12). Trường cũng xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Xét học bạ bằng điểm trung bình lớp 12 hoặc xét 5 học kỳ, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, trường bổ sung phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đăng Nguyên
Trường ĐH đầu tiên ở TPHCM chốt thời gian cho sinh viên quay lại học Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa thông báo thời gian trở lại học tập trung sau một thời gian dài cho sinh viên nghỉ tránh dịch bệnh Covid-19 và điều chỉnh kế hoạch học kỳ 2. Theo thông báo của Ban giám hiệu trường vào chiều ngày 22/4, sinh viên chính quy dự kiến quay trở lại học...