Đi học được gạo
Quanh đi quẩn lại đã hết tháng, lại lo tiền đóng học phí vào đầu tháng cho hai thằng con đứa 3 tuôi, đứa 2 tuổi đang học ở nhà trẻ phường mà lòng dạ hai vợ chồng tôi tan nát.
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Vẫn biết là vài trăm gia đình phụ huynh có con em theo học tại trường đều phải đóng chứ đâu riêng gia đình mình mà rên xiết, vậy mà tiền học phí cho con hằng tháng luôn là món “nợ đồng lần” thật ám ảnh.
Ước gì trở lại ngày xưa! Ba mẹ tôi đều là công chức nhà nước, sinh năm thằng con trai khiến hàng xóm ai cũng sợ “ngũ quỷ”. Nhưng cả năm đều học hành đến nơi đến chốn nên người. Anh trai đầu ham chơi và nghịch phá nhất, năm lần bảy lượt đòi nghỉ học ở những năm cấp III vì lý do “học không vào”. Vậy mà ba mẹ tôi vẫn bắt phải đi học, bởi vì không có cái chữ thì ngu dốt cả đời… Điều quan trọng hơn là còn đi học thì mỗi tháng còn được 15 cân gạo Nhà nước cấp, nghỉ học là bị cắt ngay, là đói.
Lương giáo viên dạy lái xe của tôi trung bình tháng 3 triệu đồng, lâu lâu viết được bài báo kiếm thêm năm, ba trăm ngàn. Vợ làm thuê làm mướn trung bình tháng có thêm 1 triệu đồng nữa. Mỗi tháng đóng tiền học cho hai thằng con mất 1,3 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, tiền sữa; chưa kể lễ, lộc, biếu xén; chưa kể ma chay, đám cưới, tiền nước, tiền điện… Chưa đâu, một vài năm khi lũ nhỏ lớn hơn tí thì còn “đuối” nữa.
Video đang HOT
Đi đâu cũng nghe ta thán: không cho con đi học thì không được mà cho đi học rồi không biết để làm gì. Người ta có tiền, chạy chọt lo cho con học trường này trường nọ, ra trường rồi có tiền lo lót vào làm chỗ này chỗ kia. Còn biết bao nhiêu sinh viên cầm tấm bằng đại học phải đi làm thuê làm mướn, có đứa cướp của, giết người…
Cái khó này là khó chung của cả xã hội chứ không riêng nhà mình. Tôi cố giữ thăng bằng cho vợ bằng cách khuyên vợ thắt chặt chi tiêu, khuyên vợ hạn chế cho con uống sữa với lý do dễ bị béo phì hoặc con dễ bị bệnh gút quá sớm. Quần áo con mặc cũng toàn đồ đi xin mặc lại, cái rộng, cái dài, cái dây thun giãn khiến thằng bé cứ vừa chạy vừa một tay giữ quần cho khỏi tuột.
Tôi vẫn tin khó khăn rồi sẽ qua. Rồi mỗi người cũng sẽ nuôi nổi gia đình mình bằng lương. Tháng tới, tháng tới nữa hoặc tháng tới nữa có thể tôi vẫn lo đủ tiền để vợ đóng tiền học cho hai đứa con. Còn sau nữa thì tôi không biết. Chỉ biết ước rằng bao giờ trở lại ngày xưa…
Học “chui” vẫn có giấy khen
1 Năm 1997, tôi – một con bé nhỏ xíu, đen cháy và gầy còm – cứ sáng sớm là trốn mẹ để… đi học lớp mẫu giáo cùng lũ bạn trong làng. Lớp học là một căn nhà cấp 4 giữa làng. Nó vừa là hội trường của thôn, vừa là nơi cô Mai (cách gọi của chúng tôi ngày ấy) dạy chúng tôi – những đứa bé mẫu giáo vừa tròn 5 tuổi.
Tôi phải trốn mẹ để đi học vì tôi có nhiệm vụ là ở nhà giữ đứa em mới sinh. Tôi rất sợ mẹ tôi, nhưng sự thích thú được đến lớp học mạnh hơn nhiều nỗi sợ đó. Thế là nhân lúc thằng em đang ngủ, mẹ thì đang cho lợn ăn, tôi nhắm mắt đánh liều “1, 2, 3… chạy”!
Đến lớp học của cô Mai, tôi vui lắm. Tôi được sờ vào và sáng tạo những trò chơi với cái làn đi chợ nhỏ xíu mà giờ mới thấy, với quả ớt xanh, quả ớt đỏ, quả chuối vàng, quả chuối xanh… Những trò ngày ấy tôi gọi là “chơi đồ hàng”, chơi mẹ con sao mà thích đến vậy. Rồi những giờ học ê a “o tròn như quả trứng gà, o mà đội nón gọi là chữ ô” có một sức cuốn hút tôi đến kỳ lạ. Tôi nhìn chăm chú vào bảng chữ cái treo trên tường và bập bẹ theo những lời cô Mai nói.
Thời học mẫu giáo của tôi bữa đi bữa bỏ. Bữa nào tôi không chịu nổi cảm giác muốn đến lớp nữa thì tôi sẽ trốn mẹ đi. Còn mẹ tôi thì phải nấu rượu và đi chợ bán rượu cả tuần liền. Những hôm tôi không đi được mà lớp có bánh kẹo ăn, cô Mai sẽ gửi nhỏ bạn ở gần nhà đưa về cho tôi, cô còn gửi cả những miếng giấy bìa cứng hình chữ cái và con số cho tôi nữa.
Thế rồi cũng đến buổi tổng kết năm học. Tôi biết ngày tổng kết vì nhỏ bạn gần nhà mách cho tôi như thế. Đêm trước đó tôi không tài nào ngủ được. Tôi chạy xuống bếp nhìn mẹ đang ngồi nấu rượu. Ba, bốn lần mấp máy trên môi, cuối cùng tôi cũng thút thít được nên lời: “Mẹ ơi, mẹ cho con sáng mai đi tổng kết lớp với cô Mai!”. Mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi rồi lại nhìn nồi rượu. Mãi một lát sau, mẹ nói: “Ừ, con!”. Mãi đến muôn đời tôi vẫn nhớ câu trả lời đó của mẹ. Tôi sung sướng cười tít mắt, mà coi bộ ruột tôi cũng đang cười xoắn tít lên. Mẹ tôi cũng thoáng hiện một nụ cười.
Hôm đó tôi được cô Mai thưởng cho rất nhiều kẹo. Và vô cung bât ngơ đôi với tôi, cô gọi tôi lên trước lớp và trao vào tay tôi một tờ giây khen. Trên tờ giấy khen đó có tên tôi, tên thầy mẹ tôi và có cả dấu đỏ của UBND xã, mặc dù tôi không hề có tên trong danh sách chính thức của lớp và tôi cũng chưa đóng một khoản học phí nào.
Trưa đó về, tôi chia kẹo cho anh tôi (đang học lớp 2), cho chị tôi (đang học lớp 5). Tôi cất những chiếc bánh quy Hải Châu ngon nhất cho thầy mẹ tôi. Đúng ra là tôi chưa hề ăn một cái kẹo nào, tôi vui quá, tôi muốn để dành cho thầy mẹ tôi, cho anh chị tôi.
2 Một ngày tháng 9-1998, cô Mai và một cô nữa trước đó tôi chưa hề thấy vào thăm nhà tôi. Hai cô đi chiếc xe đạp có khung ngang màu xanh. Tôi không biết hai cô và thầy mẹ tôi đã nói với nhau những gì, nhưng khi hai cô ra về, cô Mai nói với tôi: “Em đi học lớp 1 nhé”.
Và sau đó, mọi chuyện đến với tôi cứ như là trong mơ. Mẹ tôi mua cho tôi một cái áo trắng dài tay mới, khâu lại cho tôi cái quần cũ của chị để tôi đi học lớp 1. Hôm đầu tiên đến lớp, tôi nhận ra ngay người đã đi cùng cô Mai đến nhà tôi hôm trước đó. Đó chính là cô giáo dạy lớp 1 của tôi – cô Châu.
Từ những ngày đó, tôi bước vào quãng đời đi học với biết bao vui buồn tuyệt đẹp của tuổi học trò. Tôi được dạy dỗ bởi rất nhiều thầy cô nữa mà mỗi khuôn mặt, mỗi cái tên đều chất chứa trong lòng tôi đầy niềm kính trọng và tự hào.
Giờ đây khi đã là một sinh viên đại học, được quan sát và học cùng các thầy cô giảng viên với những phong cách dạy học khác nhau, tôi vẫn luôn yêu mến nghề nhà giáo. Trong tâm hồn tôi, giáo dục luôn luôn cao quý và thiêng liêng.
Mặc dù những dịp về quê tôi cứ hay nghe mẹ kể về những khó khăn của mẹ trong việc học hành của các em tôi, mà đa số là do từ phía nhà trường: nào là đóng quá nhiều loại học phí, tiền học chính thức, tiền học thêm, học tăng buổi (bắt buộc phải học)… Rồi bốn năm học cấp II là bốn lần phải may mới đồng phục cả áo và quần, bốn lần phải mua vở của nhà trường với giá cao hơn giá thị trường, trong khi các em tôi luôn nói là không thật sự thích đi học lắm. Rồi ngay cả ở Sài Gòn này, khi tôi đi làm gia sư cho các em cấp II, cấp III, nghe các em kể về những bất bình của mình với trường học, tôi thiết nghĩ: “Ước gì tinh thần giáo dục ngày hôm nay vẫn như xưa, như cái thời tôi còn đi học mẫu giáo, lớp 1 đó!”.
Theo Tuoitre