ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo thí điểm 6 ngành theo mô hình giáo dục 4.0
Năm 2018, 5 trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ ĐH theo mô hình giáo dục 4.0. Thông tin này được Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 ĐHQG TPHCM công bố tại tọa đàm “Triển khai mô hình giáo dục 4.0 tại ĐHQG T.HCM” diễn ra mới đây.
Tại tọa đàm, Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 của ĐHQG TPHCM cho biết, dựa trên kết quả triển khai áp dụng theo mô hình CDIO (đề xướng quốc tế nhằm đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật có năng lực hình thành ý tưởng – Conceive, thiết kế – Design, triển khai – Implement, vận hành – Operate), ĐH này sẽ xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo theo mô hình giáo dục 4.0, triển khai thí điểm và sau đó nhân rộng cho một số ngành khác.
Sinh viên đang theo học tại một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM
Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2018-2022 số lượng ngành triển khai theo giáo dục 4.0 là 6. Trong đó, trường ĐH Bách khoa đào tạo 2 ngành và các trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Công nghệ thông tin mỗi trường đào tạo 1 ngành.
Tiêu chí để lựa chọn các ngành triển khai mô hình này chính là dựa vào các ngành mang tính liên ngành, ngành gần hoặc ngành mới mở để có thể triển khai hiệu quả và thuận lợi vì có thể tận dụng lợi thế như dùng chung không gian học tập, hệ thống các công cụ, phần mềm hỗ trợ dạy – học, hệ thống học liệu mở…
“Theo kế hoạch đến năm 2022, ĐHQG TPHCM sẽ có 5 trường, 30 ngành đào tạo được cập nhật và điều chỉnh để có thể giảng dạy theo mô hình giáo dục 4.0. Các trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp (khóa 2018) đạt chuẩn đầu ra theo giáo dục 4.0, có cơ hội việc làm cao hơn các khóa trước đây”, đại diện Ban điều hành Đề án cho biết.
Với mô hình giáo dục 4.0, chương trình đào tạo sẽ được đổi mới, được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và phát triển phẩm chất cá nhân của sinh viên cũng như được đánh giá định kỳ. Chuẩn đầu ra được xây dựng toàn diện, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được sắp xếp hợp lý hóa. Hệ thống bài giảng điện tử; đội ngũ giảng viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm.
Video đang HOT
ĐHQG TPHCM sẽ hỗ trợ các trường thành viên đầu tư 4 không gian học tập, tập trung cho các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kinh tế – Luật và ĐH Công nghệ thông tin. Thư viện linh kiện/phòng thí nghiệm ảo sẽ được xây dựng và đầu tư hằng năm, hệ thống hỗ trợ giảng dạy E-learning trên quy mô liên trường được phát triển, cùng với hệ thống tài liệu học tập số sẽ góp phần hỗ trợ phục vụ công tác dạy – học.
Theo ĐH Quốc gia TPHCM, với mô hình này, người học được học tập và trải nghiệm trong môi trường học tập thực tế. Chính nhờ vậy, sinh viên sẽ càng trở nên năng động, sáng tạo và độc lập; có khả năng và cơ hội để phát hiện các sáng kiến trong học tập cũng như chủ động trong thực hành nghề nghiệp sau này.
Giảng viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy theo công nghệ số có sự hỗ trợ của phần mềm và các công cụ hỗ trợ. Đồng thời, được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức… Giảng viên còn được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại các trường danh tiếng trên thế giới đang cùng vận dụng mô hình này. Cả nhà tuyển dụng cũng được thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong việc cùng cơ sở đào tạo đưa ra các môn học tích hợp, chuẩn đầu ra; được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng…
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên phó giám đốc ĐHQG TPHCM, với mô hình giáo dục 4.0, các trường cần bám đúng chuẩn đầu ra để làm tốt. Chuẩn đầu ra này sẽ khác, sẽ được bổ sung thêm.
Lê Phương
Theo Dân trí
Cách viết bài luận để được ưu tiên xét tuyển
Thí sinh phải nộp một bài luận được viết tay trên giấy A4 là một trong các yêu cầu bắt buộc khi làm hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Chuyên gia tư vấn trả lời câu hỏi của thí sinh trong buổi tư vấn trực tuyến sáng 21-4 - Ảnh: TR.HUỲNH
Viết như thế nào cho hiệu quả? Đó là nội dung được nhiều thí sinh, phụ huynh thắc mắc trong buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia TP.HCM" diễn ra trên tuoitre.vn sáng 21-4.
Trình bày động lực
Từ 15-5 đến 15-6-2018, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng thông tin, cho phép các thí sinh vào đăng ký diện ưu tiên xét tuyển. Thí sinh truy cập https://tuyensinh.vnuhcm.edu.vn để điền thông tin đăng ký ưu tiên xét tuyển và thực hiện các bước theo hướng dẫn.
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Bài luận trình bày đơn giản, giới thiệu về bản thân và tại sao thích ngành mình chọn là đủ. Bên cạnh đó, thí sinh cần cho biết thêm mình có giải thưởng gì, khả năng gì... Các bạn nên viết ngắn gọn thôi" - ông Quán khuyên.
Chia sẻ về những yêu cầu của bài luận, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban đại học, ĐH Quốc gia TP.HCM - thông tin: "ĐH Quốc gia TP.HCM không quy định cụ thể về nội dung và hình thức bài luận viết tay.
Tuy nhiên, thí sinh có thể nêu trong bài luận những năng lực của mình mà thí sinh cho là phù hợp, giúp ứng viên học tốt ngành học đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh có thể trình bày những động lực khiến các em chọn ngành học và những dự định của mình sau khi tốt nghiệp" - ông Vũ tư vấn.
Bạn Huỳnh Hoàng Tân nêu thắc mắc: "Thầy có thể cho em biết yêu cầu của bài luận viết tay? Nội dung bài luận này em nên viết về vấn đề gì là tốt nhất ạ? Em là học sinh chuyên toán nên rất lo...".
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay theo thông lệ chung, bài luận viết tay là bài viết để thuyết phục nhà trường tiếp nhận mình là thành viên của trường.
"Chúng tôi đã từng đọc các bài luận viết về mơ ước của thí sinh, về câu chuyện phấn đấu cá nhân, về thành tích học tập, về kỷ niệm chiến dịch Mùa hè xanh, bài viết như một lời hứa về nghiên cứu khoa học..., thậm chí là bài viết về các câu nói ấn tượng của một thầy cô nào đó của nhà trường. Không có văn mẫu nhé" - ông Thắng nhắn nhủ.
Tuyển sinh ở phân hiệu: điểm tuyển được phép thấp hơn
Bên cạnh đó, những thắc mắc về quy định tuyển sinh của Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre cũng được rất nhiều thí sinh, phụ huynh gửi đến buổi tư vấn trực tuyến.
TS Hồ Thu Hiền - phó giám đốc Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre - cho biết đối tượng tuyển sinh tại phân hiệu này chỉ dành riêng cho thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau) và khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).
Trong năm học 2018-2019, năm trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin sẽ tuyển sinh và đào tạo 15 ngành tại Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM ở Bến Tre.
Cũng theo TS Hồ Thu Hiền, thí sinh thuộc đối tượng tuyển sinh của phân hiệu sẽ có nhiều lợi thế khi đăng ký xét tuyển tại đây. Điểm xét tuyển được phép thấp hơn tối đa 2 điểm so với điểm chuẩn tại TP.HCM cùng ngành của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh tại TP.HCM.
"Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM trực tiếp đào tạo và cấp văn bằng chính quy. Đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trong thời gian học tập, sinh viên được tham gia các lớp học kỹ năng mềm (kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tự học...) để hoàn thiện hơn khi ra trường. Về học phí: như mức học phí tại các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM và không có phụ thu phí gì thêm" - bà Hiền chia sẻ.
Theo tuoitre.vn
Nữ tiến sĩ trẻ với những công trình khoa học ấn tượng Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, 32 tuổi (công tác tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM), được xem là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam. TS Vũ Bích Ngọc tại phòng nghiên cứu Chị đã sở...