ĐH khối kinh tế: Tăng tự chủ, tăng hiệu quả
Không nằm ngoài thực trạng của giáo dục ĐH Việt Nam nói chung, trong những năm qua, các trường ĐH khối kinh tế không tránh khỏi sự bất cập trong vấn đề quản trị. Với việc Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ năm 2013, các trường ĐH kinh tế đã có hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản trị trong bối cảnh đang tiến tới mô hình tự chủ.
Nhiều bất cập trong quản trị đại học
Theo ông Nguyễn Quang Dong, Trường ĐH Kinh tế, mô hình quản trị các trường ĐH công lập hiện nay là mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn. Ngoại trừ ĐH quốc gia, các trường khác đều được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo, kèm theo chỉ tiêu ngân sách. Bộ thẩm định và cho phép mở ngành, quy định khung chương trình. Các trường không được tự chủ về tài chính (5 trường được thí điểm tự chủ nhưng học phí vẫn phải thực hiện theo mức chung của Nhà nước). Tất cả các chương trình, dự án đầu tư cho cơ sở vật chất đều cần xin ý kiến của Bộ.
Giờ lên lớp của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Bảo Kha
Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nhà nước giám sát, giao một số chức năng, nhiệm vụ quản trị cho Hội đồng trường. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận: Sự quản lý của cấp Bộ đối với các trường còn cứng nhắc, ôm đồm và chưa hiệu quả, quyền hạn giao chưa đủ, mang tính “ban phát” theo từng thời điểm trước sự đòi hỏi của các trường ĐH và sức ép của xã hội. Còn có sự lẫn lộn giữa quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của cơ sở trường ĐH. Các trường ĐH Việt Nam nói chung và trường kinh tế nói riêng, do ảnh hưởng của cơ chế tập trung từ nhiều năm nên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ từ trên giao xuống, chưa có nhiều quyền tự quyết. Trong khi đó, hoạt động của Hội đồng trường còn mờ nhạt và lúng túng. Sự nhập nhằng về trách nhiệm và quyền hạn giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học có những bất cập không thể sớm giải quyết.
Xã hội hóa cao, cần tăng tính tự chủ
Video đang HOT
Từ góc nhìn của nhà quản trị, ông Nguyễn Đông Phong, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất khó để chỉ ra đâu là đặc thù của trường ĐH khối kinh tế, bởi hầu hết các ĐH trên thế giới đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy vậy, trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng có thể tìm ra những nét riêng. Trước tiên, với khoa học kinh tế, Nhà nước không nhất thiết phải đặt hàng các trường đào tạo theo “đơn”. Thay vào đó, xã hội sẽ nhập cuộc và can dự vào chương trình đào tạo của nhà trường. Do vậy, tính xã hội hóa đối với chương trình đào tạo của các trường ĐH khối kinh tế là rất cao. Từ đó, việc chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và xã hội cũng cởi mở hơn rất nhiều. Các trường có nhiều điều kiện để tham gia việc hoạch định chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho từng địa phương, cho từng vùng và quốc gia. Ngoài ra, trong bộ máy tổ chức của một trường ĐH khối kinh tế cũng cần tính đến việc thành lập các đơn vị xuất bản, thông tin kinh tế, các trung tâm dịch vụ và các công ty TNHH, công ty cổ phần. Đây chính là thế mạnh và nét đặc sắc cần khai thác và phát huy đối với một trường ĐH chuyên đào tạo, nghiên cứu và tư vấn khoa học kinh tế.
Đó là tính đặc thù mà theo ông Nguyễn Đông Phong, các trường khối kinh tế cần lưu ý khi được Nhà nước giao quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình.
Đi sâu vào khía cạnh quản lý liên quan tới quyền tự chủ, theo ông Nguyễn Đức Thành, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mô hình quản lý giáo dục hiện nay ở Việt Nam thuộc mô hình phổ biến ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Quyền lực tập trung vào Bộ GD-ĐT, tiếp đó là trường rồi mới đến các khoa/bộ môn theo dạng quản lý tập trung từ trên xuống. Theo xu hướng phát triển của ĐH thế giới, trong những năm tới, các trường ĐH công lập khối kinh tế và quản trị kinh doanh nên áp dụng mô hình phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Đó là mô hình quyền lực tập trung ở cấp trường, sau đó là khoa, bộ môn. Nhà trường được trao nhiều quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội.
Việc thay đổi mô hình quản lý đòi hỏi phải thay đổi mô hình tổ chức bộ máy của nhà trường. Hiện nay, ở phía Bắc, các trường ĐH đang theo hai mô hình chính: Mô hình trường 4 cấp đối với ĐH Quốc gia và ĐH vùng (ĐH Quốc gia/vùng – trường thành viên – khoa – bộ môn); mô hình 3 cấp (trường ĐH độc lập – khoa – bộ môn). Với xu hướng phát triển chung là đa ngành, quy mô lớn, mô hình 3 cấp không có hiệu quả cao vì mọi việc đều tập trung vào trường, không phát huy được sự chủ động của khoa và giáo viên. Thay vào đó, mô hình 4 cấp với ĐH – trường thành viên – khoa – bộ môn có thể tăng tính tự chủ cho các đơn vị, khoa.
Đổi mới quản trị ĐH còn phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới quản lý kinh tế – xã hội, phụ thuộc vào sự phát triển chung của đất nước, song các nhà quản lý giáo dục đều thống nhất: Phê duyệt tự chủ cho các trường lớn là một việc có thể làm ngay, chắc chắn đem lại hiệu quả cao.
Theo Quỳnh Phạm (Hà Nội Mới)
Dạy và học môn Văn: Cô, trò đều... ngán
Học sinh ngao ngán, chán học còn giáo viên dù tâm huyết cũng chỉ biết dạy theo "khuôn mẫu"... thực trạng dạy và học môn Văn trong các trường ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, chưa có "lối thoát".
Ngày càng nhàm chán
Có một thực tế những năm gần đây, môn Ngữ văn trong các trường phổ thông đang dần đánh mất vị thế của một môn học cuốn hút, say mê học trò thủa nào giờ đây chỉ còn là những tiết học thụ động, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán.
Nguyễn Thanh Huyền - học sinh lớp 11 Trường THPT N.T (Hà Nội) chia sẻ: "Trong giờ Văn, nhiều lúc em và các bạn cảm thấy rất buồn ngủ. Lịch học kín mít, tất bật "chạy sô", mệt mỏi vì học nhiều, nên không thể cảm thụ, nghiền ngẫm tác phẩm văn học. Trong giờ Văn, cô cứ giảng, trò chỉ biết lụi hụi ghi để lấy cái làm bài kiểm tra, thi tốt nghiệp. Môn Văn phải học theo khung bài, ba-rem để đi thi, học sinh ít được đưa ra cảm nhận riêng".
Với hơn 30 năm giảng dạy môn Văn, TS Trịnh Thu Tuyết (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) rất buồn trước thực trạng dạy và học môn Văn hiện nay. TS. Tuyết chia sẻ: "Những năm gần đây, một trong những vấn đề khiến nhiều giáo viên Văn trăn trở, bối rối đó là tình trạng học trò chán học Văn, chán văn chương, rút gọn việc học văn bằng các hoạt động miễn cưỡng với: nghe, ghi chép, trả bài. Học sinh thường có cảm giác hoặc buồn ngủ vì những điều phải nghe như không liên quan gì đến các em, hoặc bị "tra tấn" vì những kiến thức "nhồi nhét" một cách khiên cưỡng, áp đặt".
Theo một số giáo viên Văn, chương trình còn nhiều tác phẩm chưa phù hợp. Ví dụ, thời kỳ văn học cổ, quá xa xưa với thời kỳ mà học sinh đang sống, nên các em cũng không mấy hứng thú học. Bên cạnh đó, môn học này học sinh đang có xu hướng học cốt để đi thi tốt nghiệp, trong khi số thí sinh thi khối C ĐH, CĐ ngày càng "hẩm hiu", khiến cho học sinh không còn mặn mà với môn học này.
Loại bỏ cách dạy nhồi nhét
Nhằm "cứu vãn" môn Văn, Bộ GD-&ĐT vừa tổ chức hội thảo quốc gia về dạy môn Văn trong các trường phổ thông. Hội thảo đã chỉ ra bất cập trong môn Văn hiện nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới.
PGS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), kiến nghị: "Trong việc đổ mới nội dung, phương pháp dạy và học môn Văn, cần tập trung hình thành cho học sinh sự đam mê để họ tự đi tìm và lý giải, qua đó hình thành năng lực. Không nên nhồi nhét kiến thức, không bắt ghi nhớ máy móc".
Còn theo TS.Trịnh Thu Tuyết, cần "đánh thức" tinh thần cảm thụ văn học của học sinh: "Giáo viên cần giúp học sinh tri giác, cảm thụ tác phẩm, hiểu ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện, thể loại... để có thể cảm nhận được hình tượng nghệ thuật trong các chi tiết, các liên hệ.
Đưa học sinh đến với ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ, đưa hình tượng nghệ thuật vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm. Giúp học sinh hiểu được vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật".
Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, môn Ngữ văn sau 2015 tiếp tục là môn học chính theo hướng tích hợp, phát triển năng lực của học sinh. Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: "Môn Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng ở cấp phổ thông.
Tuy nhiên, việc dạy môn học này ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Làm thế nào để môn Ngữ văn xứng đáng với tầm quan trọng của nó, đó là thách thức lớn đối với đội ngũ nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa trong thời gian tới".
Theo Gia đình & Xã hội
Vẫn đào tạo mất cân đối Các trường nên xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và trình độ đào tạo Nhiều trường ĐH tại TPHCM vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 với mức đăng ký chỉ tiêu bằng hoặc tăng so với năm...