ĐH Bách khoa TP.HCM có sai khi quy định học từ 6h sáng?
Bộ GD&ĐT quy định thời gian hoạt động giảng dạy của trường đại học từ 8h đến 20h. Thế nhưng, tiết một của ĐH Bách khoa TP.HCM bắt đầu từ 6h và kết thúc vào 22h10.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa thông báo đổi khung giờ giảng dạy áp dụng từ học kỳ II năm học học 2018-2019. Tiết một sẽ bắt đầu vào 6h sáng, tiết cuối cùng kéo dài đến 22h10. Các tiết học được sắp xếp liên tục cách nhau 10 phút, không có thời gian nghỉ giữa buổi.
Quyết định thay đổi khung giờ giảng dạy của ĐH Bách khoa TP.HCM gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng sinh viên của trường.
Trái quy định của Bộ GD&ĐT?
Điều 4 Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) của Bộ GD&ĐT quy định:
“Thời gian hoạt động giảng dạy của trường được tính từ 8h đến 20h hàng ngày. Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường. Tùy theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của trường, trưởng phòng đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp”.
Thông báo thay đổi khung giờ giảng dạy của ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Sinh viên Bách khoa.
Luật sư Huỳnh Văn Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ điều 4 của Quy chế 43 có thể hiểu khung giờ từ 8h đến 20h là thước đo, khung quy định bắt buộc đối với các trường. Hiệu trưởng có quyền quy định khung giờ học của trường mình nhưng không được nằm ngoài khung Bộ GD&ĐT quy định.
“Có trường quy định giảng dạy 13h-20h nhưng có trường 8h-12h, tùy cơ sở vật chất, điều kiện giảng viên nhưng không được vượt khung bộ đã quy định. Trong trường hợp luật đã quy định khung giờ và không phải ngoại lệ do pháp luật quy định mà các trường áp dụng khác đi là làm sai luật”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Ngược lại, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Hà Nội, cho rằng điều 4 trong Quy chế 43 được xem là điều luật mang tính chất tùy nghi, tức chủ thể quy định trong điều này được quyền lựa chọn.
“Khung từ 8h-20h mang tính chất khuyến cáo cho các trường. Ngoài ra, theo tình hình thực tế, các trường có thể chọn khung giờ phù hợp. Có thể hiểu Bộ GD&ĐT không ép buộc các trường chỉ được dạy trong khung 8h-20h. Do đó, nếu các trường đưa ra quy định riêng thì cũng không sai về mặt pháp luật”, ông Vinh nói.
Video đang HOT
Đồng tình với luật sư Vinh, luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng điều 4 của Quy chế 43 có 2 vế khá rõ ràng, Bộ GD&ĐT quy định hoạt động giảng dạy từ 8h đến 20h nhưng vế sau có nói tùy tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường có quyền quy định khung giờ riêng. Do đó, các trường có những điều kiện khác thì được quyền quy định khung giờ riêng.
Nhiều trường bắt đầu học từ 7h
Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước áp dụng khung giờ giảng dạy theo quy định riêng.
Giải thích về quy định khung giờ giảng dạy của trường mình, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng theo điều 4 Quy chế 43, các trường vẫn có quyền quy định khung giờ giảng dạy riêng, tùy điều kiện thực tế của nhà trường.
Sinh viên Sài Gòn tự học ở thư viện. Ảnh: Lê Quân.
“Điều 4 trong Quy chế 43 có câu ‘Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường’. Đây chính là điều kiện mà các trường căn cứ vào đó để đưa ra quy định riêng cho trường mình.
Nếu trường không ban hành quy chế riêng, trường sẽ tuân thủ theo khung giờ bộ đã quy định. Nhưng nếu các trường ban hành quyết định khung giờ giảng dạy riêng cho trường mình, sinh viên, giảng viên phải hoạt động theo quy định của trường. Hiện tại, ĐH Bách khoa TP.HCM đang áp dụng khung giờ giảng dạy theo quy định năm 2000 của hiệu trưởng, có cập nhật bổ sung theo từng năm”, ông Thắng nói.
PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho hay trước đây, khi còn đào tạo theo hình thức niên chế, mỗi tiết kéo dài 45 phút, tiết đầu của trường bắt đầu vào 6h30. Nhưng sau khi chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ, mỗi tiết kéo dài 50 phút, trường thay đổi khung giờ tiết một sang 7h.
“Quy chế cũng nói rõ tùy theo tình hình thực tế các trường có thể quy định khung giờ giảng dạy phù hợp. Thực tế, các trường không thể nào bắt đầu vào lúc 8h sáng. Vì điều kiện cơ sở vật chất có hạn, nếu buổi sáng bắt đầu lúc 8h, các trường không thể đảm bảo tiến độ, thời gian đào tạo cho sinh viên như quy định”, ông Hướng cho hay.
Cũng theo ông Hướng, việc các trường đưa ra khung giờ giảng dạy riêng tùy theo tình hình thực tế là không sai so với quy định của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng khung giờ giảng dạy là quyền tự chủ của mỗi trường. Căn cứ điều kiện của trường, nguyện vọng của sinh viên, giảng viên, mỗi trường có thể điều chỉnh khung giờ giảng dạy phù hợp.
Theo quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, việc các trường đưa ra khung giờ giảng dạy riêng là không trái quy định của Bộ GD&ĐT.
TS Vinh cho rằng mặc dù bộ đưa ra khung giờ quy định nhưng vẫn để ngỏ cho các trường quyết định giờ giảng dạy theo điều kiện thực tế của từng trường.
“Xét về quy định, các trường đưa ra khung giờ giảng dạy riêng là không sai. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng không nên đưa ra khung giờ ‘chết’ vào các văn bản pháp luật. Với mỗi tỉnh thành khác nhau, điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên khác nhau, các trường sẽ có cách vận hành khác nhau, đây là quyền tự chủ của các trường. Bộ đưa ra quy định như thế là không nên”, ông Vinh nói.
Theo Zing
Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM bức xúc vì phải học từ 6h sáng
Khung giờ giảng dạy mới của ĐH Bách khoa bắt đầu sớm nhất từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h10. Nhiều sinh viên cho rằng khung giờ giảng dạy này rất bất hợp lý.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa thông báo đổi khung giờ giảng dạy áp dụng từ học kỳ II năm học học 2018-2019.
Sinh viên bức xúc với khung giờ mới
Theo thông báo của trường, tiết một sẽ bắt đầu vào 6h sáng, tiết cuối cùng kéo dài đến 22h10. Các tiết học được sắp xếp liên tục cách nhau 10 phút, không có thời gian nghỉ giữa buổi.
Thông báo thay đổi khung giờ giảng dạy của ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Sinh viên Bách khoa.
Dưới thông báo của trường, nhiều sinh viên bức xúc với cách sắp xếp khung giờ dạy học. Đa số ý kiến cho rằng lịch trường sắp xếp không khoa học, thời gian bắt đầu tiết một quá sớm, sinh viên không sẵn sàng học tập, trong khi đó giờ nghỉ trưa chỉ có 10 phút (tiết 6 kết thúc lúc 11h50, tiết 7 bắt đầu lúc 12h).
"5h hơn, sinh viên phải dậy, trở thành như người nông dân thực sự. Con học ở thành phố có khi còn dậy sớm hơn cha mẹ", tài khoản MK Vo bình luận.
Bạn Thùy Trang Phan cho rằng: "Cần lời giải thích cho khung giờ học như vậy, theo mình hơi phi khoa học".
Phạm Hoài Thư, sinh viên năm thứ tư, khoa Quản lý Công nghiệp của trường, cho biết trước đây, tiết một bắt đầu lúc 6h30 đã là rất sớm so với các trường khác, bây giờ lại đổi thành 6h sẽ khó khăn cho cho những bạn ở xa hoặc ở cơ sở hai (Thủ Đức) lên cơ sở một (quận 10) học.
Tương tự, bạn Ngô Mạnh Thắng, sinh viên khoa Máy tính, cho hay: "Trường xếp giờ các tiết học liền nhau như vậy là không hợp lý, không có thầy cô lẫn sinh viên nào chịu nổi. Giờ học lại bắt đầu quá sớm, sinh viên có đúng giờ thì vào cũng gật gù ngủ".
Sẽ bắt đầu học lúc 7h
Chiều 18/10, trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay đó chỉ là khung giờ hoạt động của nhà trường, khi bộ phận giáo vụ sắp xếp thời khóa biểu cho sinh viên sẽ lưu ý riêng.
Cụ thể, ông Thắng thông tin tiết một của trường bắt đầu lúc 6h nhưng thực tế trường sẽ không xếp lịch học của sinh viên vào tiết này. Thay vào đó, sinh viên sẽ vào học từ lúc 7h sáng.
"Trường xếp tiết một 6h, tức là lúc đó các bộ phận đã sẵn sàng phục vụ sinh viên nếu cần, hoặc trong trường hợp bất khả kháng, khẩn cấp, nhà trường vẫn có thể điều động. Thời khóa biểu của sinh viên sẽ bắt đầu vào tiết 2, tức lúc 7h. Tương tự, tiết trễ nhất trong ngày cũng không được xếp vào thời khóa biểu của sinh viên", ông Thắng thông tin.
Theo lời của trưởng phòng đào tạo, từ học kỳ 2 của năm học này, tiết một trong thời khóa biểu của sinh viên sẽ bắt đầu lúc 7h thay vì 6h30 như trước đây.
Mặt khác, ông Thắng cho biết khung giờ giảng dạy được xếp liên tiếp nhau, giữa các tiết có 10 phút giải lao và không có thời gian nghỉ giữa các buổi, nhưng trên thực tế, sẽ không có sinh viên/giảng viên nào được xếp lịch học/dạy với các tiết liên tục nhau.
"Về mặt kỹ thuật, chúng tôi chia khung giờ giảng dạy liên tục và đều nhau, nhưng thời khóa biểu của mỗi sinh viên/giảng viên sẽ không có tiết học liên tục trong thời gian buổi trưa. Như vậy, các em sẽ cân nhắc chọn giờ học nào cho hợp lý và ăn, nghỉ trưa thế nào cho phù hợp", ông Thắng nói.
Thông tin thêm về cách chia khung giờ giảng dạy mới, đại diện ĐH Bách khoa TP.HCM hy vọng sinh viên chủ động lựa chọn, sắp xếp và dành nhiều thời gian tự học tại trường. Vì trên thực tế, một buổi học của sinh viên Bách khoa thường chỉ kéo dài 3-4 tiết, đôi khi chỉ 2 tiết. Sau đó, sinh viên sẽ làm bài tập, học nhóm hoặc nghỉ ngơi tại các phòng tự học của trường.
"Trước đây, sinh viên dồn sức học liền 6 tiết trong một buổi rồi nghỉ buổi chiều và những ngày sau đó, như thế sinh viên rất mệt mà lại tiếp thu không hiệu quả. Với cách chia khung giờ giảng dạy và thời khóa biểu thời gian tới, sinh viên sẽ luôn có mặt tại trường, học với bạn bè hoặc tự học trong điều kiện đầy đủ Wi-Fi và phòng tự học", ông Thắng chia sẻ.
Theo Zing
Sinh viên nên vào học từ mấy giờ? Trước quy định bắt đầu giờ học lúc 6 giờ sáng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm khác nhau về giờ học phù hợp với sinh viên Việt Nam. Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - BẢO TRÂN Nên học theo giờ hành chính Theo nhiều ý kiến sinh...