Đến trường trên đôi chân của mẹ
Bị liệt cả hai chân nên 5 năm qua, em Nguyễn Văn Vui, học sinh lớp 10A3 Trường THPT Vĩnh Bình ( Tiền Giang) phải nhờ đôi chân của cha mẹ để đến trường…
Hàng ngày Vui đến trường trên đôi chân của mẹ
Sinh ra trong một gia đình có 5 người con tại vùng quê nghèo thuộc ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Bà Lê Thị Hà (sinh năm 1966) mẹ của Vui cho biết, Vui là con thứ 4 trong gia đình.
Lúc nhỏ cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng bất ngờ vào năm em học lớp 3 thì mắc chứng teo cơ khiến hai chân co quắp rồi teo lại đến năm em học lớp 5 thì không thể đi lại được nữa.
Mẹ chính là người bạn đồng hành trên chặng đường đến trường đầy gian nan và thử thách suốt hơn 5 năm qua của Vui
Mọi hy vọng, niềm vui của gia đình gần như sụp đổ khi nhìn đứa con trai bé bỏng nằm trên giường với tay, chân dị dạng khác thường. Gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nơi, cầu cứu Tây y rồi đến thuốc Nam, nhưng bệnh tình của Vui vẫn không khỏi. Vui không thể đi đứng, hoạt động bình thương như những đứa trẻ khác. Mọi sinh hoạt của Vui phải nhờ cha mẹ giúp đỡ.
Còn nỗi đau nào hơn khi chứng kiến con bị bệnh tật giày vò và cả Vui ngày đó cũng chẳng còn tha thiết đến trường khi em quá khác biệt với bạn bè. Những ngày tháng khó khăn ấy may mắn em có mẹ bên cạnh chăm sóc lo ăn uống, thuốc men rồi mẹ cùng Vui tập luyện tay chân giúp em có thêm động lực.
Đến trường trên đôi chân của mẹ
Cứ thế suốt hơn 5 năm qua bà Hà chính là đôi chân cho cậu bé Vui cắp sách đến trường. Trên đôi vai gầy ấy đã cõng em đều đặn suốt năm này qua tháng nọ. Cũng rất nhiều lần bà Hà cõng Vui leo cầu thang đến lớp học, khi đêm về lưng đau, mỏi gối nhưng bà luôn gắng gượng.
“Thấy con mình ham học mình cũng mừng, nhiều lần cha nó kêu cho nó nghỉ đi nhưng tôi không đành lòng. Hai vợ chồng tôi đều bận rộn công việc đồng ruộng, không thể dành nhiều thời gian cho con. Để nó ở nhà thui thủi một mình tôi thấy xót lắm.
Thôi giờ còn sức ngày nào thì tôi cố gắng cõng nó đến trường ngày ấy, con nó muốn học tới đâu tôi cũng ráng cõng con đến trường”, bà Hà giàn dụa nước mắt nói.
Để có đủ sức khỏe mỗi ngày bà Hà đều tập thể dục cho con. Nhờ thế Vui mới có đủ sức cầm viết hoặc sử dụng đồ vật
Không thường xuyên biểu đạt yêu thương với con nhưng ông Nguyễn Văn Chá luôn là trụ cột gia đình vững chắc. Hoàn cảnh khó khăn nên ông Chá phải làm nhiều việc mới đủ lo lắng cho con. Suốt bao năm qua vợ chồng ông hết trồng lúa rồi chuyển sang nuôi bò và giờ đổ hết vốn liếng vào thanh long.
Ngoài làm vườn nhà mình ông còn nhận đi phụ hồ, lặn đất ai thuê gì ông cũng đều nhận làm. Ông kể, do không có vốn nên khi chuyển sang trồng thanh long ông phải tự tay làm nhiều thứ để tiết kiệm chi phí từ đổ cột, khoan lỗ, lên đất…thậm chí làm đến 10h đêm.
Ông Chá luôn tuy ít nói nhưng luôn yêu thương con theo cách riêng của mình
“Nhà nghèo mà đông con, đứa nào cũng ham học nên vợ chồng tôi phải cố gắng rất nhiều mới lo cho con cái không bị dốt chữ. Tôi có 5 người con mà thằng con lớn thì học xong Đại học ra trường giờ đã có nghề nghiệp ổn định. Còn đứa con gái thứ 3 thì có gia đình riêng.
Giờ đây còn 3 đứa con tuổi còn thơ dại. Mà khổ nhất là thằng Vui nó không lành lặn như con người ta. Thấy con ham học tôi mừng lắm mà thấy mẹ nó cõng nó đi học hằng ngày tôi cũng xót xa nên nhiều lần có ý định cho con nghỉ học”, ông Chá trải lòng.
Chính sự khổ cực của cha mẹ đã giúp Vui nỗ lực vươn lên, suốt 9 năm học qua Vui liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi, thành tích trên đã giúp em được tuyển thẳng vào trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
Nghịch cảnh không khiến đôi chân cậu học trò Nguyễn Chung Vui chùn bước mà càng nung nấu đam mê chạm đến cánh cổng tri thức của em
Do gia đình khó khăn và không muốn mẹ phải vất vả Vui rất ít đi học thêm. Hầu hết em đều tự học, trên lớp luôn chăm chú nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập về nhà hoặc chỗ nào không biết sẽ hỏi anh trai.
Mọi sinh hoạt cá nhân cũng như trong học tập Vui gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà em tự ti, mặc cảm. Ngược lại, em càng chăm chỉ học tập không phụ công lao, sự kỳ vọng của cha mẹ. Vui tâm sự, em sẽ cố gắng thi đỗ Đại học và mơ ước trở thành một kỹ sư chế tạo máy móc.
Với Vui, bao nhiêu nghiệt ngã đè nặng xuống bản thân và gia đình nhưng em vẫn cho rằng mình còn may mắn khi được bạn bè, thầy cô thương mến giúp đỡ và gia đình luôn chở che.
Nam sinh khuyết tật nghiên cứu khoa học để giúp người cùng cảnh ngộ
Trần Phan Thanh Hải mong muốn những công trình sáng chế khoa học của mình góp phần mở ra cơ hội để người khuyết tật và yếu thế trong xã hội được cảm nhận và tận hưởng cuộc sống không lệ thuộc.
Sinh viên Trần Phan Thanh Hải. (Nguồn: khampha.vn)
Không thể đi lại được từ khi còn là cậu bé 4 tuổi do chứng teo cơ và vẹo cột sống, nhưng chàng sinh viên năm nhất Trần Phan Thanh Hải, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chưa bao giờ nản chí.
Không chỉ vượt khó đi học với thành tích tốt, Hải còn mày mò nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đã có những ứng dụng rất hữu ích trong cuộc sống, có nhiều sản phẩm phần mềm, robot thông minh hỗ trợ người khuyết tật xuất phát từ câu chuyện của chính cuộc đời em.
Vượt lên chính mình
Lúc chào đời, Hải vẫn khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi dần lớn lên một chút, chân tay của Hải trở nên yếu đi, các cơ dần teo lại.
Đến năm 4 tuổi, Hải không thể tự đi lại được trên chính đôi chân của mình nữa. Gia đình đã đưa em đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi.
Khi Hải lên 8 tuổi, vì hoàn cảnh khó khăn nên em được đưa về quê ngoại ở Tiền Giang để đi học lớp 1. Lên tới lớp 4, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, Hải được bố mẹ đưa về Thành phố Hồ Chí Minh để học tập.
Tuy nhập học muộn hơn những bạn cùng trang lứa, lại thêm sức khỏe yếu nhưng Hải đã luôn cố gắng và năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, nằm trong tốp đầu của lớp.
Đặc biệt, Hải rất đam mê nghiên cứu khoa học và đã sáng chế ra rất nhiều sản phẩm có tính thực tiễn cao. Trong suốt những năm học tại Trường Trung học phổ thông Marie Curie, Hải trở thành niềm tự hào của trường khi liên tục mang về giải thưởng cấp quốc gia, thành phố về nghiên cứu, sáng tạo khoa học.
Đó là những sản phẩm cửa tự động vận hành bằng điện thoại, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật, phần mềm hỗ trợ khám bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện.
Và gần đây nhất, sản phẩm robot hoàn chỉnh hỗ trợ người khuyết tật đã giúp Hải đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019.
Hình ảnh cậu nam sinh nhỏ nhắn ngồi trên chiếc xe lăn say sưa thuyết minh về sáng chế đã nhận được sự đồng cảm lẫn mến mộ của nhiều bạn đồng trang lứa.
Em Lữ Thế Vỹ, bạn học cùng lớp và cũng là người bạn đồng hành cùng Hải trong những công trình sáng chế trong suốt những năm học Trung học phổ thông chia sẻ, Hải là người kiên cường, nghị lực; dù bản thân chịu nhiều thiệt thòi hơn người khác nhưng Hải luôn có một nguồn năng lượng và khát vọng lớn, luôn khát khao được cống hiến cho xã hội bằng chính sức lực của mình.
Vượt qua nhiều trở ngại, Hải tự mình học hỏi về điện tử, lập trình để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.
Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie cho biết, mỗi khi Hải làm các đề tài, sản phẩm mới, nhà trường luôn ủng hộ, hỗ trợ kinh phí thực hiện và luôn cử giáo viên hướng dẫn em.
Mặc dù sức khỏe yếu nhưng Hải thể hiện rõ là một học sinh giàu ý chí, khát vọng về nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu vì những người đồng cảnh ngộ
Những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Trần Phan Thanh Hải đã được ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và hỗ trợ.
Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, Hải được xét miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, tốt nghiệp theo quy định ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là học sinh giỏi đạt giải tại nhiều hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Hải được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao) của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.
Thanh Hải bộc bạch, lý do em quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ hoàn cảnh của chính bản thân mình.
Từ nhỏ đã phải nhờ sự giúp đỡ của người khác từ chuyện sinh hoạt đến học hành, hơn ai hết, em hiểu được nỗi khó khăn và sự thiệt thòi của người khuyết tật để hòa nhập với xã hội.
Hải hy vọng thông qua những công trình sáng chế khoa học góp phần mở ra cơ hội để người khuyết tật và yếu thế trong xã hội được cảm nhận và tận hưởng cuộc sống không lệ thuộc.
Một trong những sản phẩm mà Hải tâm đắc là hệ thống web quản lý giúp làm giảm thời gian chờ khám bệnh tại bệnh viện.
Ý tưởng thực hiện công trình nghiên cứu này đến từ trải nghiệm của chính bản thân Hải khi thường xuyên nhìn thấy cảnh quá tải ở các bệnh viện, người bệnh phải ngồi chờ cả ngày để được khám khiến mất quá nhiều thời gian và công sức.
Theo diễn giải của Hải, hệ thống web quản lý giúp giảm thời gian chờ khám được xây dựng theo hướng liên kết các bệnh viện lại với nhau; người bệnh chỉ cần lên trang web xem bệnh viện nào không quá tải để lấy số thứ tự từ xa.
Sau khi xác nhận thông tin, hệ thống sẽ gửi phiếu bốc số qua hộp thư điện tử cho bệnh nhân và sẽ thông báo số sắp chuẩn bị vào khám để họ tới khám đúng lúc, không phải chờ đợi.
Một công trình tâm huyết khác mà Hải vẫn đang hoàn thiện từng ngày với mong muốn được ứng dụng vào thực tế cuộc sống là sản phẩm robott hỗ trợ người khuyết tật.
Hải chia sẻ, trong một lần lên mạng tìm hiểu, thấy ở Mỹ có loại robot hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng nhưng giá thành quá đắt và nhiều chức năng chưa thật sự phù hợp với đối tượng người dùng.
Từ đó, Hải "nung nấu" ý định sẽ tự chế tạo ra robot giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình với giá thành phù hợp nhất cho thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam.
Trần Phan Thanh Hải (trái) cùng người bạn bên sản phẩm robot hỗ trợ người khuyết tật và bệnh nhân tại hội thi khoa học kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019. (Nguồn: khampha.vn)
Robot có chiều cao 97cm và nặng 7kg cùng khả năng tự di chuyển tránh vật cản, nhận diện khuôn mặt được Hải thiết kế với cơ chế hoạt động rất đơn giản để có thể thay mặt người khuyết tật và người không di chuyển được tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt từ xa thông qua webcam và kết nối mạng.
Robot gồm 3 khung màn hình nên không chỉ hiển thị khuôn mặt và không gian của người dùng mà còn bao hàm cả không gian mà robot thu được, tạo ra sự tương tác lớn nhất giữa người dùng với cộng đồng.
Bên cạnh đó, robot còn có thể giúp người dùng thể hiện được bản thân mình như thuyết trình, lên bảng giải bài tập một cách dễ dàng dù không có mặt trực tiếp tại địa điểm. robot cũng được trang bị những khớp linh hoạt giúp thực hiện một số hoạt động đơn giản như cầm, gắp đồ vật và đút thức ăn cho người dùng khi ở nhà.
Tuy nhiên Hải cũng chia sẻ, vì bo mạch của một robot gần như một máy tính, cần những kiến thức chuyên sâu về khoa học dữ liệu nên chỉ với những kiến thức căn bản Hải tự tìm hiểu khi học Trung học phổ thông, sản phẩm robot của em vẫn chưa đủ điều kiện để sản xuất ra thị trường.
Hải mong muốn khoảng thời gian ở giảng đường đại học, được tiếp cận với nhiều máy móc công nghệ hiện đại và các giáo sư, chuyên gia công nghệ đầu ngành sẽ giúp em cải thiện sản phẩm một cách tối ưu nhất, sớm đưa robot đi vào thực tế để giúp những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Nói về những dự định xa hơn trong tương lai, Hải chỉ hy vọng mình có đủ sức khỏe để tốt nghiệp đại học và thành lập một doanh nghiệp xã hội, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu của mình và thương mại hóa các sản phẩm này để phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khuyết tật như mình./.
Lo ngại dịch Covid-19, nông dân giảm diện tích xuống giống hoa tết Lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hoa trong mùa tết khó khăn hơn, nhiều hộ nông dân trồng hoa tết năm nay đã giảm diện tích gieo trồng. Giảm mạnh số giỏ hoa tết Thời điểm hiện tại, nông dân các làng hoa tết truyền thống tại các tỉnh Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã...