Đến trường bằng những ân tình
Không còn oán trách số phận, Nguyễn Thị Thanh (18 tuổi) đang bước qua một cột mốc khác của cuộc đời – trở thành tân sinh viên ĐH Gia Định.
Đỗ đại học, Thanh nói đây là món quà lớn nhất cô tặng cho dì dượng – Video: CÔNG TRIỆU – HUỲNH VY – TRINH TRÀ
Chị Hiền luôn bảo bọc, yêu thương Thanh như con đẻ của mình – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ngày nhận giấy báo nhập học, Thanh vừa mừng vừa tủi: “Bố mẹ ơi! Con đã đỗ đại học!”. Đi học là cách để cô thoát khỏi lối mòn “đủ 18 tuổi thì xin vào nhà máy” như các anh chị mình.
Không biết được ngày mai sẽ ra sao nhưng em sẽ luôn cố gắng hết sức.
Nguyễn Thị Thanh
Phận mồ côi
Con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào nơi Thanh đang ở trên đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình, TP.HCM) vắng lặng. Thanh trầm tư khi nghĩ về khoản học phí bốn năm đại học, tiền sách vở…
Sinh ra trong một gia đình đầm ấm, niềm vui đón thêm thành viên mới kéo dài chẳng bao lâu thì người cha qua đời do bệnh gan, khi Thanh tròn 10 tháng tuổi. Mất đi trụ cột gia đình, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của người mẹ. Mẹ của Thanh lúc đó phải quần quật làm ngày làm đêm mới đủ bữa ăn cho bốn đứa con.
Nỗi đau mất chồng, mất cha chưa nguôi thì nghiệt ngã một lần nữa ập tới. Hôm ấy, mẹ của Thanh quần quật làm việc từ sớm đến hơn 22h vẫn chưa nghỉ tay. Đến gần 23h, mẹ đột ngột qua đời. Bác sĩ nhận định mẹ cô mất vì đột quỵ, có thể do quá lao lực.
Bệnh tật cướp đi người cha thì giờ đây chính nghèo khó đã cướp đi chỗ dựa cuối cùng của bốn chị em. Tất cả trở thành trẻ mồ côi! Lúc đó Thanh chỉ mới vừa lên 4 tuổi. Ký ức về mẹ cha mà Thanh có được là nhờ vào những lần kể lại của anh chị hay bức di ảnh trắng đen trên bàn thờ.
Thương cảnh côi cút, Thanh lúc đó được dì ruột là chị Trần Thị Hiền (45 tuổi) đón lên ở cùng. Dì dạy bảo mọi việc, nuôi ăn học cho tới ngày nay. Chị Hiền kể ngoài hai đứa con ruột đang tuổi ăn tuổi lớn, sau có thêm cháu nên thời điểm đầu cũng đầy gian nan. Chị xoay xở đủ nghề, phải học thêm cách nấu mì Quảng để bán. Thanh lớn hơn một chút, mỗi sáng hai dì cháu đẩy xe mì ra chợ, sau khi bày biện xong thì Thanh đến trường, chiều lại về phụ dì dọn dẹp.
Tâm nguyện của người dì
“Ngày mẹ nó mất, tôi đã nguyện lòng là phải nuôi Thanh ăn học tới nơi tới chốn”, chị Hiền vừa nói vừa chảy nước mắt. Hàng quán khang trang, sạch sẽ mọc lên như “nấm sau mưa” khiến xe mì Quảng của chị ế ẩm, càng bán càng lỗ nên phải dẹp bỏ. Ba năm trở lại đây, công việc thầu xây dựng của anh Nhuận (chồng chị Hiền) cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Hơn 1 năm rồi anh Nhuận không có công trình nào.
“Hai thằng con tôi đang học đại học mà một năm nay tôi chưa biết sẽ làm sao khi dịch bệnh thế này”, chị Hiền tâm sự khi cảm thấy quá bất lực vào thời điểm này.
Trong nhà chỉ có Thanh được đi học. Do cha mẹ qua đời sớm nên các anh chị của Thanh phải bỏ dở giữa chừng. Tất cả đều làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở Đồng Nai, nhưng dịch bệnh khiến họ thất nghiệp đã hơn 3 tháng nay.
Thanh quan niệm chỉ có học mới giúp cô thoát khỏi lối mòn như anh chị mình. Không ít lần vì tự ti mà cô gái 18 tuổi từng muốn dừng bước. Cô muốn kiếm một công việc nào đó để có thể làm ngay, kiếm tiền, hoặc học một nghề chắc chắn tự lo cho bản thân. Lần duy nhất được nghe về tâm nguyện của dì, Thanh bảo đó cũng là lần cuối cùng bản thân nghĩ về chuyện mình sẽ nghỉ học.
Cô gái tự động viên phải suy nghĩ tích cực, nhất là việc phải học thật tốt để cha mẹ, dì dượng và những người kỳ vọng cô được yên lòng. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên trường, đêm về Thanh tự học đến 11h, 12h khuya. Có hôm bắt đầu chợp mắt lúc hơn 2h sáng.
Những trái ngọt đã đến khi Thanh trúng tuyển vào ngành marketing của Trường ĐH Gia Định. Cô nói rằng đây là món quà lớn nhất muốn dành tặng cho dì dượng để báo đáp lại những ân tình của họ. “Không biết được ngày mai sẽ ra sao, nhưng em sẽ luôn cố gắng hết sức” – Thanh quả quyết.
Ngày nhận được điện thoại từ chương trình học bổng “ Tiếp sức đến trường”, Thanh mừng lắm. Cô nói nếu may mắn được tặng học bổng thì khoản nợ mà dì đã mượn để đóng học phí trước đó sẽ không còn phải lo nữa. “Em có xin anh hai rồi, trong lúc học cần máy tính em sẽ dùng ké máy tính của anh” – Thanh cười.
Chạy vạy kinh phí đầu năm học mới
Để lo đủ số tiền học phí cho cháu, mấy hôm nay chị Hiền đã phải chạy vạy khắp nơi. Người thân, rồi hàng xóm thương tình cũng gom góp giúp đỡ Thanh. Thanh kể đường đến trường của cô đầy ắp những ân tình. Khi Thanh không có xe thì bạn bè ghé nhà cho đi nhờ. Sách vở, giày dép đầu mỗi năm học sẽ được người thân, hay thậm chí những người không quen mua tặng. Thanh bảo mình không bao giờ quên những tình cảm đó.
'Team học bổng' chung tay cùng Tiếp sức đến trường
Hòa cùng dòng chảy Tiếp sức đến trường, hơn 9 năm qua, có một "team học bổng" miệt mài kiếm tìm, xác minh hoàn cảnh đặc biệt của những học trò nghèo hiếu học và gửi đến đường dây nóng xin học bổng.
Người khởi xướng cho ý tưởng kết nối sinh viên nghèo vượt khó được học bổng Tiếp sức đến trường trợ sức là anh Đinh Quang Hoạch, 34 tuổi, hiện làm việc ở Hà Nội. Bắt đầu từ năm 2013, anh rong ruổi trên chiếc xe máy tìm đến những sinh viên nghèo ở quê nhà Hà Nam và các tỉnh lân cận. Hơn 9 năm sau, mạng lưới tìm kiếm ngày càng được mở rộng.
Song hành cùng mùa học bổng năm nay "team học bổng" đã kết nối với nhau qua hình thức trực tuyến để chia sẻ về cách thức hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt giới thiệu đến báo Tuổi Trẻ .
Từ học bổng "Bạn tôi - người vượt khó" với việc giới thiệu tấm gương bạn khiếm thị ở Hải Phòng, anh Hoạch ngày gắn bó và kết nối với quỹ học bổng Tiếp sức đến trường cho đến ngày hôm nay.
Đến mỗi mùa học bổng, anh đều sắp xếp thời gian, công việc để đi "tiền trạm" trước khi gửi hồ sơ giới thiệu. Hễ tìm thấy bạn tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, anh đều tự quay chụp, viết bài hoặc viết thư gửi về cho chương trình.
Nhưng càng về sau, số lượng tân sinh viên cần được giúp đỡ càng lớn dần lên, anh quyết định mở rộng mạng lưới tìm kiếm bằng cách kết nối các cựu "tân sinh viên" từng được nhận học bổng.
"Báo Tuổi Trẻ yêu cầu rất kỹ về hồ sơ cũng như tính chân thực của thông tin. Tôi rất tôn trọng điều đó, nên với mỗi hồ sơ, mỗi gương mặt giới thiệu tôi đều luôn cố gắng tìm hiểu kỹ càng. Nhưng về sau nhận thấy một mình sẽ làm không xuể, tôi bắt đầu giới thiệu cho mọi người cùng tìm hiểu, đồng thời chia sẻ cách thức xác minh, giới thiệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên để xin học bổng" - anh Hoạch chia sẻ.
Nhờ mở rộng mạng lưới, những gương mặt tân sinh viên đặc biệt đã góp mặt trong "team học bổng" như chàng trai "vác đá, bán than" Bùi Trung Hiếu đỗ hai trường đại học, hai chị em Đặng Thị Vân và Đặng Thế Vang cùng đỗ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Đinh Thị Thanh hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật Hà Nội.
Theo chân quỹ học bổng suốt 5 năm qua, Đặng Thị Vân chia sẻ những bạn trẻ ở "team học bổng" đều có một điểm chung là xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt, nỗ lực vươn lên thay đổi cuộc sống. "Từ trái tim đến trái tim, đó chính là sự đồng cảm. Chúng tôi sẵn sàng quay lại, lan tỏa điều đó cho thế hệ tiếp theo", Vân bày tỏ.
Năm 2015, Vân được học bổng tiếp sức. Cô tân sinh viên nay đã trưởng thành tự tin đứng trên bục giảng, quả quyết nhờ học bổng ngày ấy đến đúng lúc, động viên đúng thời điểm đã giúp cô thay đổi cuộc đời.
Chẳng đợi thành công rồi mới quay lại trả ơn, mỗi ngày ngồi trên ghế giảng đường, Vân không ngừng truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh, trở thành cầu nối cho các bạn sinh viên biết đến quỹ học bổng Tiếp sức đến trường. Đồng thời tận tình xác minh từng hồ sơ để giới thiệu gương mặt tân sinh viên "chất lượng nhất".
Những lần tham gia tập huấn cho giáo viên tại các tỉnh, thành, cô còn cẩn thận in thêm poster chươnvg trình, các quỹ học bổng kèm theo đường link đăng ký để nhờ các thầy, cô giáo góp phần trở thành "mắt xích" quan trọng để học bổng vươn tới được các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Vân nhớ đến câu chuyện của Thái Hải Đăng (du học sinh ở Hàn Quốc) dù không phải là cựu sinh viên nhận học bổng nhưng vẫn tình nguyện xin gia nhập mạng lưới để được nối dài cánh tay trợ sức cho các tân sinh viên nghèo. Nay ở đất nước xa xôi nhưng Đăng đã kịp thời cập nhật thông tin về học bổng và đăng tải trên Facebook để lan tỏa rộng rãi đến cho nhiều người biết. "Châm ngôn sống của mình là giúp được ai thì giúp, giúp bằng hết tấm lòng" - Đăng quả quyết.
Từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia chống dịch, anh Đinh Quang Hoạch tranh thủ thời gian nghỉ ngơi cùng "team học bổng" kết nối trực tuyến để khởi động cho mùa học bổng mới. Trong dịch COVID-19, dù mỗi người đang ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Sơn La... đã sáng tạo trong cách thức hoạt động và chia sẻ với nhau về thông tin tìm kiếm các gương mặt tân sinh viên.
Mấy năm gần đây, công việc bận rộn nhưng anh Hoạch vẫn lặng lẽ làm "quan sát viên", đọc từng hồ sơ, hoàn cảnh giới thiệu đến quỹ học bổng Tiếp sức đến trường Anh cho rằng việc giới thiệu học bổng như một "bài test" về kinh nghiệm cũng như kỹ năng lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu. Những kỹ năng, kinh nghiệm trong xác minh hồ sơ, hoàn cảnh đã được anh truyền đạt đến sinh viên để mỗi người cùng chung tay giúp sức cho "team học bổng" vận hành trơn tru.
"Dõi theo các bạn nhiều năm qua, tôi nhận thấy ai cũng chững chạc, trưởng thành, năng động hơn trong học tập, hoạt động xã hội. Tôi tin rằng học bổng không chỉ giúp sức về mặt tài chính mà quan trọng hơn cả là giúp các bạn tự thay đổi, tự làm mới mình, tìm được những công việc có ý nghĩa. Mỗi người một hoàn cảnh, suy nghĩ khác nhau nhưng tôi tin bằng cách này hay cách khác, các bạn sẽ hành động để thay đổi bản thân, sẻ chia với nhiều người khác trong xã hội" - anh Hoạch tâm tình.
Đại học Đà Lạt cho tân sinh viên khó khăn nợ phần lớn học phí Đại học Đà Lạt sẽ cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nợ học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022. Sinh viên Đại học Đà Lạt trong giờ thực hành - Ảnh: M.V. Ngày 5-10, Đại học Đà Lạt cho biết nhà trường ủng hộ chương trình Tiếp sức đến trườngcủa báo Tuổi Trẻ bằng việc cho tân sinh viên...