Đến GV chủ nhiệm còn rối về phương thức xét tuyển, sao hỗ trợ được cho học trò
Thầy Vũ Khắc Ngọc: ‘Đến giáo viên chủ nhiệm lớp 12 còn lơ mơ, không hiểu phương thức tuyển sinh thế nào thì làm sao hỗ trợ, định hướng được cho học sinh?’
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo dự kiến tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Trong đó, có một số điều chỉnh quan trọng như có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù).
Xét tuyển sớm nhưng thực chất chỉ là nộp hồ sơ sớm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Khắc Ngọc – Chuyên gia giáo dục, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp chia sẻ:
Xét tuyển sớm là hình thức xét tuyển dựa vào điểm học bạ trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển… mà không cần dùng đến điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đây là hình thức phổ biến được nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng trong nhiều năm qua. Việc xét tuyển sớm sẽ giúp các trường chủ động được nguồn tuyển sinh. Các thí sinh khi đủ điện kiện trúng tuyển sớm sẽ làm thủ tục xác nhận nhập học trước khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này cũng giúp trường có cơ sở để định hình mức điểm chuẩn dựa vào phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm tuyển sinh số lượng thí sinh theo đúng chỉ tiêu.
Theo thầy Ngọc, hạn chế của tuyển sinh đại học hiện nay là có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tuy nhiên rất khó để nhận định phương thức nào là hiệu quả, phương thức nào kém hiệu quả. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, việc xét tuyển sớm này, theo thầy Ngọc cũng tạo ra những thiệt thòi nhất định với các thí sinh. Một số trường hợp sẽ xảy ra như: Thí sinh “trót” xác nhận nhập học sớm sẽ không có cơ hội thay đổi nguyện vọng, dù điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, có thể đỗ trường khác thì cũng không thay đổi được.
Do vậy, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, nhằm bảo vệ tối đa lợi ích cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường không được phép bắt thí sinh xác nhận nhập học sớm dù có kết quả đỗ phương thức xét tuyển sớm. Phương án này cũng đã gây ra nhiều tình huống “oái oăm” cho cả cơ sở giáo dục đại học và các thí sinh.
Cụ thể, năm vừa rồi, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển sớm từ trước, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu không được bắt thí sinh xác nhận nhập học sớm. Do đó, các trường rơi vào thế bị động trong việc xác định số lượng thí sinh trúng tuyển ở phương thức xét tuyển sớm, nên một số trường đã gọi quá nhiều thí sinh (dự phòng thêm những trường hợp thí sinh ảo), cũng có trường thực tế học sinh xác nhận nhập học rất ít, dẫn đến sự xáo động mạnh ở điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Video đang HOT
“Với tuyển sinh năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến các trường không công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm trước điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo đó điểm chuẩn tất cả các phương thức sẽ được công bố cùng một thời điểm. Việc này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong cân đối chỉ tiêu giữa các phương thức, tránh chỗ thừa chỗ thiếu”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định.
Theo thầy Ngọc: “Nếu quy định như trên, hình thức xét tuyển sớm không còn là xét tuyển sớm nữa, học sinh chỉ nộp hồ sơ sớm hơn các phương thức khác; Thời gian biết kết quả trúng tuyển đều diễn ra cùng một thời điểm với tất cả các phương thức khác”.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, có tổng cộng khoảng 20 phương thức xét tuyển được các trường trên cả nước sử dụng. Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng đây là hạn chế lớn nhất của tuyển sinh đại học hiện nay:
“Hiện có quá nhiều phương thức xét tuyển, mà các phương thức lại “na ná” nhau, hoặc nội dung thể hiện trên mã đăng ký gần tương tự nhau nên các thí sinh rất dễ nhầm giữa các phương thức xét tuyển”.
Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, rất khó để nhận định phương thức nào là hiệu quả, phương thức nào kém hiệu quả bởi “có thể phương thức này không phù hợp với trường này, nhưng phù hợp với trường kia, điều này tùy thuộc vào đặc thù từng trường”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc đề xuất: chính mỗi cơ sở giáo dục phải rà soát lại các phương thức xét tuyển của đơn vị, kết hợp kinh nghiệm tuyển sinh ở các năm trước chọn ra một vài phương thức tối ưu nhất.
Đây cũng là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Vinh – Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Vinh. Thầy Vinh cho rằng, mỗi phương thức tuyển sinh đều có những thế mạnh riêng với mục đích tạo nguồn tuyển đa dạng cho các trường, tuy nhiên thực tế cũng có một số phương án khó tuyển sinh.
“Hiện nay mỗi trường có rất nhiều phương thức tuyển sinh, khiến các thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký xét tuyển. Các em sẽ phải tự tìm hiểu phương thức tuyển của từng trường, quá nhiều dẫn đến rối. Vì vậy tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quản lý chung như trước đây để dễ triển khai, tránh xảy ra tình trạng đăng ký nhầm, hoặc sai,… như năm vừa qua”, Phó trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Vinh đề xuất ý kiến.
Điều đáng ngại nhất của công tác tuyển sinh đại học hiện nay chính là hệ thống thường xuyên có sự thay đổi
Hiện nay đã bước vào những ngày gần cuối tháng 12 năm 2022, nghĩa là đã đi qua khoảng nửa chặng đường năm học, cũng là lúc nhiều trường đang “rục rịch” cho công tác tư vấn, tuyển sinh năm 2023. Để kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 diễn ra thành công nhất, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng cần làm tốt 2 nhiệm vụ: Hướng nghiệp và thông tin hướng dẫn về kỳ tuyển sinh cần dễ hiểu, cụ thể, dễ tiếp cận.
Ảnh minh họa: DN
Để làm tốt công tác hướng nghiệp phải có sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học và trường trung học phổ thông nhằm tạo ra kết quả định hướng thực chất, giúp học sinh nhận thức về nghề nghiệp sâu sắc hơn.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng các thí sinh, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định điều đáng ngại nhất của công tác tuyển sinh đại học hiện nay chính là hệ thống thường xuyên có sự thay đổi, “có những cái điều chỉnh đối với người tuyển sinh là rất nhỏ thôi, nhưng đối với phụ huynh và học sinh thì nó là cả vấn đề!”.
Do vậy, liên quan đến các thông tin hướng dẫn về quy chế, phương thức tuyển sinh, cách thức đăng ký,… cần có sự truyền thông mạnh mẽ, đa phương tiện để tiếp cận hiệu quả nhất đến với các thí sinh, phụ huynh,… Chứ không chỉ đơn thuần là những văn bản, thông báo trên trang website. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học và trường trung học phổ thông.
“Theo tôi các thông tin hướng dẫn về kỳ tuyển sinh cần được làm tốt hơn, cần có những clip hướng dẫn trên các trang thông tin và cả mạng xã hội có nhiều người trẻ quan tâm,… để phổ biến nhiều hơn tới học sinh, phụ huynh, và cả các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp 12 – những người có vai trò hướng dẫn, định hướng quan trọng.
Đến giáo viên chủ nhiệm lớp 12 còn lơ mơ, không hiểu phương thức tuyển sinh thế nào thì làm sao hỗ trợ, định hướng được cho học sinh của mình?”, thầy Ngọc nói.
Tuyển sinh Đại học 2023: Tạo thuận lợi cho thí sinh
Thí sinh khi đăng ký trên phần mềm không cần phải lựa chọn phương thức, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo.
Hệ thống sẽ tự động xét phương thức nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Năm 2023 sẽ giảm phương án xét tuyển. Ảnh: TL.
Đây là một trong những điểm mới dự kiến trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2023 nhằm đơn giản hóa cho thí sinh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng đề nghị các trường ĐH loại bỏ những phương án tuyển sinh phức tạp gây ảnh hưởng đến các thí sinh.
Loại bỏ phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn cho thí sinh
Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong hơn 20 phương thức xét tuyển ĐH năm 2022, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2022 có 204 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học; 104 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo chỉ có dưới 10% thí sinh nhập học so với chỉ tiêu. Theo bà Thủy, nhìn vào con số này có thể thấy nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, do đó, năm tới đây sẽ kiên quyết loại bỏ các phương thức này.
Đáng chú ý, mỗi phương thức tuyển sinh có bao nhiêu thí sinh trúng tuyển, số liệu không được các trường công khai. Theo TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trong các phương thức tuyển sinh được thống kê, chỉ có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, với tỷ lệ 88,62%. Các phương thức còn lại chỉ chiếm 11,38% và trong đó hầu hết dưới 1%.
"Nên chăng các trường giới hạn phương thức tuyển sinh để tránh sai sót cho thí sinh trong quá trình đăng ký" - TS Hải đề xuất.
Trên thực tế, mỗi trường ĐH hiện nay đều có ít nhất từ 3 phương thức tuyển sinh trở lên, mỗi ngành lại có những phương thức xét tuyển và chỉ tiêu riêng. Thậm chí, chỉ riêng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ cũng có nhiều lựa chọn khi bên cạnh các chứng chỉ quốc tế đã có thêm chứng chỉ nội được các trường công nhận, đưa vào danh sách xét tuyển. Điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng vì quá nhiều nên cũng khiến thí sinh cảm thấy lúng túng trong lựa chọn. Nhất là những học sinh thiếu sự định hướng từ thầy cô, gia đình sẽ phải tự tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh cũng như chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia xét tuyển.
Với kết quả phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT cho thấy có sự chênh lệch đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng các trường cần hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để điều chỉnh trong năm 2023, khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị các trường có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi.
Cân nhắc cẩn trọng
Về phía các trường, xu hướng chung là giữ ổn định các phương thức tuyển sinh song có sự điều chỉnh về tỷ lệ trúng tuyển giữa các phương thức. Đơn cử như năm 2022 ĐH Quốc gia TPHCM đã tuyển được khoảng 95% tổng chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gần 40%.
Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều ngành không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển hai phương thức còn lại. Dự kiến từ các năm tiếp theo, trường sẽ tiếp tục giảm dần chỉ tiêu xét tuyển phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện các trường khối sức khỏe đã họp bàn về phương án tuyển sinh chung sau khi Bộ GDĐT không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tuyển nữa. Dự kiến các trường sẽ tìm công cụ chung và có thể hướng đến một số kỳ thi của các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.
Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, từ mùa tuyển sinh ĐH 2023, thí sinh có thể dùng điểm của 1 trong 2 bài thi đánh giá năng lực để đăng ký vào ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH xét tuyển từ 2 bài thi này. Sẽ có thang điểm quy đổi 2 bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở tham chiếu và sử dụng chung. Điều này cũng góp phần làm giảm số phương thức xét tuyển của các trường do đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực khác nhau.
Nhiều phương thức xét tuyển đại học chỉ để 'liệt kê cho dài trang giấy' Đề xuất không tổ chức các phương thức tuyển sinh sớm năm 2023 của Bộ GD&ĐT đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các trường đại học trên cả nước. Tại cuộc họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm vừa được tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho...