Đến 2030, cần hơn 300.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đáng chú ý tại quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Cụ thể, theo quyết định 1579 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.
Theo đó, nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Long An.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Trước đó, tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cảng biển, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo phân vùng kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay, khu vực miền Trung hiện chỉ có 2 khu vực: Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế và Duyên hải miền Trung (Nam Trung Bộ) gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Video đang HOT
Do đó, để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế – xã hội, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chia làm 5 nhóm cảng biển.
Theo Bộ Giao thông vận tải, điểm mới tại quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển lần này là bên cạnh hai cảng biển loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, 4 cảng biển khác được quy hoạch là cảng biển tiềm năng đặc biệt, gồm: cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Khánh Hòa và cảng biển Sóc Trăng.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 – 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 – 10,3 triệu lượt khách.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 – 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 – 1,3%/năm.
Tại quy hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Về xác định nguồn vốn trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển. Đặc biệt sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển quy hoạch cũng xác định thực hiện các giải pháp thu hút, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.
Tại quy hoạch này, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng được xác định ưu tiên đầu tư, gồm: đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU); dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu – giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; nâng cấp luồng vào cảng Nghi Sơn, luồng sông Chanh, luồng Cẩm Phả, luồng Thọ Quang và các tuyến luồng khác; các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải.
Các bến cảng được ưu tiên đầu tư gồm: các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện; bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng); các bến tại khu bến Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu); các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.
Quy hoạch cũng định hướng các giải pháp thực hiện, đảm bảo hiệu quả thực hiện như: tiếp tục nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình quản lý cảng phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, khai thác cảng biển, cụm cảng biển (ưu tiên tập trung cho các cảng biển quan trọng);
Tăng cường sự hợp tác, phối hợp để khai thác có hiệu quả các cảng biển trong vùng và liên vùng; nghiên cứu áp dụng chính sách cảng mở tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép, Thị Vải và Vân Phong; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế.
Đặc biệt, quy hoạch lần này đã xác định rõ những cảng biển sẽ được phát triển có kết nối đường sắt. Cụ thể, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hàng lang Bắc – Nam sẽ được phát triển các tuyến đường sắt kết nối; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển…
Hàng container qua cảng biển Việt Nam tăng 18%
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, theo thống kê, sản lượng hàng hóa container qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 vẫn có mức tăng trưởng hai con số với mức tăng 18% so vơi cùng kỳ năm 2021, ước đạt gần 16,8 triệu TEUs.
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Theo đó, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 5,4 triệu TEUs, tăng 16%; hàng nhập khẩu ước đạt hơn 5,5 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước.
Một số khu vực cảng biển có sản lượng hàng container thông qua cao nhất tính trong 7 tháng năm 2021 như: khu vực Quảng Nam tăng hơn 115%, khu vực Mỹ Tho tăng 41%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 17%, khu vực TP Hồ Chí Minh tăng gần 16%.
Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có lượng hàng container giảm mạnh như: khu vực Quảng Ninh giảm 98%, khu vực Đà Nẵng giảm 38%, khu vực Cần Thơ giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 8 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 480,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này thấp hơn các tháng trước do một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông qua lớn khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về các giải pháp cấp bách liên quan đến nguồn lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong đại dịch COVID-19. Theo đó, đáng chú ý là Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thống nhất quy định về điều kiện đi lại cho công nhân cảng trong mùa dịch.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc thực hiện giãn cách nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến lực lượng công nhân, người lao động của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cảng biển nói chung.
Đơn cử, tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất đã bị thiếu hụt 50%, chỉ còn 250 người do đội ngũ công nhân có nhiều người nằm trong các khu dân cư bị phong tỏa, quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch.
Trong khi đó, lực lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường duy trì hoạt động khai thác trong ngày (3 ca sản xuất tiếp nhận trung bình 12 chuyến tàu container xuất nhập khẩu) là 500 người, chưa kể nhân viên hải quan, hãng tàu và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Để giải quyết bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng và hiệp hội cảng biển đã gửi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép số lượng lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất của cảng nếu không cư trú tại các khu vực bị phong tỏa được phép lưu thông đến cảng làm việc.
Trong một diễn biến liên quan, nhận định các kịch bản phát triển cảng biển phía Nam gắn với tình hình kiểm soát dịch COVID-19, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết được phát huy, hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng tích cực.
Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn khởi sắc trong những tháng cuối năm, kéo theo tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện toàn diện, hiệu quả.
Trên cơ sở phân tích, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của các cảng biển khu vực phía Nam. Trong đó, kịch bản số 1, dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối quý III/2021, vaccine phòng dịch được tiêm chủng trên diện rộng, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 5 - 7%, khu vực Cái Mép sẽ tăng từ 12 - 15% so với 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân do các hãng tàu chủ động điều chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh ra để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Kịch bản thứ 2, dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý IV/2021, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh dự báo tăng từ 3 - 5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15 - 17% do hãng tàu, khách hàng tăng cường chuyển đổi hàng hóa về Cái Mép và TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai quy định thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 10/2021.
Còn kịch bản thứ 3 là dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý IV/2021, doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất vào các tháng cuối năm với đà phục hồi chậm hơn so với thời điểm thông thường do ảnh hưởng thời gian dài giãn cách. Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh và Cái Mép sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm.
Nghị định quy định tiêu chí phân loại cảng biển Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2021/NĐ-CP quy định tiêu chí phân loại cảng biển. Cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh minh họa: TTXVN Theo đó, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam gồm tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển. Tiêu chí...