Đề xuất xóa nợ thuế 1.000 tỷ đồng cho DNNN: Đừng tạo tiền lệ thiếu công bằng
Đây là quan điểm của ông Bùi Đức Thụ – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với báo chí về đề xuất xóa nợ khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế cho DN của Bộ Tài chính.
Theo ông Bùi Đức Thụ, pháp luật về ngân sách cũng như thuế khá chặt chẽ. Việc xóa nợ, khoanh nợ đều phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự không thể muốn làm thế nào cũng được.
- Vừa qua, Bộ Tài chính có đề nghị xoá nợ cho các DNNN với con số ước tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, DN tư nhân đã bỏ trốn, mất tích quá lâu, cơ quan thuế không xác minh được cũng sẽ có cơ hội được xoá nợ thuế. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Trong Luật Quản lý thuế cũng như tiền lệ từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện xóa nợ thuế một cách… có hệ thống như đề xuất của Bộ Tài chính. Vấn đề xóa nợ thuế phải tuân theo một quy trình rất chặt chẽ, cùng với đó là thẩm quyền phân cấp cụ thể nên hầu như chưa xử lý bao nhiêu. Đơn cử như việc xóa nợ cho các DN phá sản theo Luật Phá sản cũng thực hiện rất hạn chế. Bởi vì, các bên liên quan đến DN phá sản phải có đơn đề nghị. Nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại không đồng đơn. Ví dụ ngân hàng cho DN vay không thu hồi vốn được, nhưng họ lại là đối tượng được thanh toán sau nên họ thường thà để nợ treo còn hơn là tuyên bố “trắng phớ” là… mất tiền.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, hiện nay, rất nhiều vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục xóa nợ thuế còn đang bất cập, do đó chính sách liên quan đến thuế đang phải rà soát lại toàn bộ, phần lớn quy định thì có nhưng chưa thể triển khai được.
- Với đề xuất xóa phạt chậm nộp thuế đối với các DN, dưới góc độ Ủy ban Tài chính – Ngân sách, ông có ý kiến ra sao về vấn đề này?
Đây là vấn đề gần đây đã được Chính phủ đề nghị sang Quốc hội cho xóa tiền phạt chậm nộp thuế. Theo đề xuất này, DN nào nợ đọng thuế đã trả được gốc rồi thì xóa phạt lãi trả chậm. Lý lẽ Chính phủ đưa ra để khuyến khích DN trả nợ thuế. Pháp luật về thuế hiện hành, DN nợ thuế lâu ngày ngoài việc trả gốc phải trả cả lãi suất phạt 18%/năm.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách không đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Bởi vì, pháp luật thuế đã ban hành, các tổ chức, cá nhân phải nộp thuế đúng, nộp đủ, nộp kịp thời. DN rất có thể lợi dụng việc chậm nộp thuế để chiếm dụng vốn. Điều này vừa làm thiệt hại đến ngân sách nhà nước vừa làm kỷ cương pháp luật không nghiêm. Chính vì vậy, pháp luật về thuế có chế tài phạt, nặng hơn là phong tỏa tài sản, kê biên tài sản… Nếu bỏ phạt sẽ tạo ra hệ lụy là sự không công bằng người chấp hành nghiêm và người chây ỳ, đồng nghĩa với việc khuyến khích chây ỳ.
Đối với trường hợp xóa nợ thuế khi DN gặp rủi ro, phá sản, Luật Quản lý thuế đã quy định, nhưng cũng cần đưa ra mức nào, tiêu chí nào để việc áp dụng được dễ dàng. Thực tế, DN phải chịu rủi ro thị trường có nhiều lý do, được thì DN hưởng, thua thì họ phải chịu là quy luật. Gặp phải những rủi ro khách quan, bất khả kháng, DN phải có xác nhận, có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan thuế mới được cho xóa nợ, khoanh nợ. Nếu cơ quan thuế làm không chặt sẽ dễ dẫn đến trốn lậu thuế.
Video đang HOT
- Một trong những lý do của đề xuất xóa nợ thuế được Bộ Tài chính đưa ra là để tạo điều kiện tái cấu trúc DNNN. Ông có ý kiến thế nào về lý do này?
Đúng là tiến trình cổ phần hóa (CPH) hiện nay đang vướng ở một số khâu, trong đó có vấn đề nợ thuế nói riêng và nợ của DNNN nói chung. Nói đến vấn đề nợ của DNNN, đầu tiên chúng ta phải quan tâm là vốn thực có của DN. Số liệu thực tế và số liệu trên sổ sách kế toán của nhiều DN thường khác nhau. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc có được bán dưới giá trị sổ sách không.
Vừa qua, chúng ta cũng đã gỡ vấn đề này, CPH phải dựa trên đánh giá tài sản thực của DN. Nhưng tài sản thực thì liên quan đến nợ phải thu, nợ phải trả, trong đó có nợ thuế. Nợ phải thu thì nhiều DN không thu được, trả thì nhiều DN nợ xấu lớn hơn giá trị tài sản DN. Vậy thì đánh giá thế nào. Nợ thuế thường chỉ là một phần trong khối nợ phải trả của DN.
Nếu nói về vấn đề nợ thuế không là chưa đầy đủ. Từ thực tiễn CPH thời gian qua, chúng ta cần đưa ra cơ chế để thúc đẩy tiến trình này. Đặc biệt là cơ chế định giá tài sản DN. Từ chính sách đến thực thi, chúng ta phải thực hiện thật nghiêm túc để đảm bảo không bị lợi dụng, gây thất thoát vốn nhà nước. Để giải quyết được việc này, việc sửa đổi Luật Kế toán lần này đang được Ủy ban Tài chính – Ngân sách quyết liệt đưa vào đó là hoạch toán, phải tính đúng giá trị tài sản DN theo thị trường tại thời điểm đó. Qua đó, những thông tin về giá trị DNNN và hiệu quả hoạt động của DNNN cũng được làm rõ.
Trở lại việc khoanh nợ, xóa nợ thuế cho DN, hiện nay pháp luật về thuế đã khá rõ ràng. Chúng ta phải làm cho đúng luật nếu không thì kiểm toán, thanh tra sẽ tìm ra những sai phạm để xử lý, khởi tố nếu cá nhân, tổ chức nào để mất vốn nhà nước.
CPH tái cơ cấu DNNN là chủ trương đúng của chúng ta. Mục tiêu cuối cùng là thay đổi quản trị DN để DN hoạt động hiệu quả hơn. Việc chuyển nhượng một phần vốn, tài sản DNNN thay đổi quyền sở hữu mới là khởi điểm. Tiến trình CPH DNNN hiện đang mắc ở nhiều khâu như chủ trương, cán bộ DN nhất là người lãnh đạo DNNN không muốn CPH. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tính toán đến cả yếu tố thị trường. Thị trường chứng khoán đang không thuận lợi cho việc đưa thêm nhiều sản phẩm lên sàn. Liệu chúng ta có nên bán cổ phần DN bằng mọi giá? Nếu bán giá quá thấp dẫn đến mất vốn nhà nước cũng là điều cần phải cân nhắc.
Việc CPH, tái cấu trúc DNNN nếu vướng ở cơ chế thì các cơ quan phải thống kê, tổng kết và có số liệu cụ thể. Nếu ở cấp nghị định thì đưa sang Chính phủ ban hành, ở cấp pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, ở cấp luật thì Quốc hội ban hành. Tất cả đã có quy định rất rõ ràng không có chuyện muốn khoanh, muốn xóa thế nào cũng được.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính đang đề nghị xoá nợ cho các DN Nhà nước (DNNN) với con số ước tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, DN tư nhân đã bỏ trốn, mất tích quá lâu cơ quan thuế không xác minh được cũng sẽ có cơ hội được xoá nợ thuế. *Bộ Tài chính dự kiến xin cơ chế xoá nợ thuế cho các DN gặp khó khăn trong thời gian qua. Trong đó, đối với DNNN, sẽ có hai nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ này.
Thứ nhất là các DN sắp xếp lại và đang có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN. Thứ hai là các DNNN đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu. *Bộ Tài chính cho hay, Điều 65 của Luật quản lý thuế hiện hành đã cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi DN bị tuyên bố phá sản, cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Luật cũng cho phép xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế khác đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, các quy định này chưa bao quát được hết các trường hợp nợ xấu, khó đòi, nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại, hoặc cổ phần hóa như trên.
Theo Bộ này, việc xoá nợ thuế cho DNNN như vậy sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc như DNNN đã có quyết định giải thể, hoặc đã chuyển đổi sở hữu chưa được xử lý nợ thuế, trong khi pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Như vậy, chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tái cơ cấu lại DNNN thành công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn dự kiến xin xoá nợ tiền thuế cho các DN ngoài quốc doanh khác gặp khó khăn khách quan đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013. Nhóm thứ nhất là các DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước, có khoản tiền phạt chậm nộp trước ngày 1/1/2015 và chưa được gia hạn thời hạn nộp thuế. Trong đó, lý do khiến DN phát sinh nợ thuế là do ngân sách chưa thanh toán kịp thời. Nhóm đối tượng thứ hai là những DN phát sinh nợ thuế có nguyên nhân từ việc đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế. Điều kiện đi kèm là tất cả các DN trên đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Cùng đó, những khoản nợ thuế của các cá nhân, DN đã đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản mà cơ quan thuế đã xác minh thông tin nhưng không tìm được người nộp thuế thì cũng sẽ được xoá.
Các đề xuất trên sẽ được trình ra kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào tháng 10 tới. Cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã từng trình Quốc hội gói hỗ trợ cho DN tư nhân như trên, nhưng với điều kiện đã nộp nợ gốc trước 31/12/2014 và số tiền ước là 4.800 tỷ đồng. Gần đây nhất, tháng 6, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư xoá nợ nhiều khoản thuế từ thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế thu nhập, thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt… cho các cá nhân, hộ gia đình các khoản nợ thuế phát sinh trước 1/7/2007.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Không nợ thuế vẫn bị nêu tên: Coi nhẹ thanh danh doanh nghiệp
Có những đơn vị làm ăn đàng hoàng, không nợ thuế vẫn bị nêu tên, cho thấy ngành thuế đã thiếu cẩn trọng, coi nhẹ thanh danh của doanh nghiệp.
Chủ trương nêu tên doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện truyền thông nhằm đẩy mạnh việc thu ngân sách, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những đơn vị làm ăn đàng hoàng, không nợ thuế vẫn bị nêu tên, cho thấy ngành thuế đã thiếu cẩn trọng, coi nhẹ thanh danh - thứ quí giá nhất của doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra một số ngành cung ứng dịch vụ hiện nay, ai cũng thấy, có một mối quan hệ bất bình đẳng giữa người sử dụng với đơn vị cung cấp. Mà nguyên nhân lại bắt đầu từ thói quan liêu, cửa quyền của các đơn vị cung ứng dịch vụ gây ra.
Hẳn là trước khi quyết định nêu tên công khai doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện truyền thông, ngành thuế đã ý thức rõ tác động của việc làm này. Bởi tên tuổi, uy tín là một trong những giá trị cơ bản nhất mà doanh nghiệp phải dày công xây dựng. Nếu việc nêu tên được thực hiện đúng đắn, tất sẽ đạt mục đích ảnh hưởng đến thanh danh của các doanh nghiệp chây ì, nợ thuế và cũng là răn đe các doanh nghiệp khác, nhằm khắc phục tình trạng nợ thuế dây dưa, tận thu cho ngân sách.
Không nợ thuế vẫn bị nêu tên khiến doanh nghiệp có sự phản ứng gay gắt đối với ngành thuế. (Ảnh minh họa: KT)
Để đảm bảo đòi nợ đúng người, Bộ Tài chính yêu cầu Cục thuế các địa phương tổng hợp danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn đến cuối tháng 6 năm nay để tiến hành công khai danh tánh trên các phương tiện truyền thông. Bởi không thể chịu đựng hơn nữa, khi số tiền nợ thuế đến ngày 30/6 đã là 12.658 tỉ đồng.
Thế nhưng, sau khi Tổng Cục thuế công bố 600 doanh nghiệp nợ thuế trên website của mình, nhiều doanh nghiệp không nợ thuế đã bị nêu tên. Trong đó Hà Nội có 34 doanh nghiệp, TP HCM có 26 doanh nghiệp bị nêu tên với tổng số nợ lên đến 508 tỷ đồng.
Nợ thuế hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng, cũng đồng nghĩa với tình hình tài chính không lành mạnh, là ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp kém, luôn phải đối mặt với tình trạng phá sản hoặc bị cơ quan pháp luật sờ gáy. Liệu có đối tác nào còn muốn hợp tác làm ăn với những doanh nghiệp như vậy! Ngành thuế biết rất rõ điều này nên đã ra một chiêu độc mà không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài. Còn dư luận thì lại rất đồng tình, vì ngân sách quốc gia đang gặp khó khăn.
Chây ì, nợ thuế, bị nêu tên công khai cũng đành một nhẽ! Đằng này những người làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ lại đứng tên trong danh sách nợ thuế, khiến đối tác đơn phương dừng ký hợp đồng làm ăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Đấy là chưa kể, phía sau ông chủ là việc làm, là cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn lao động và gia đình họ. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì những người này cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng.
Vì thế, sự phản ứng gay gắt của doanh nghiệp đối với cách làm việc tắc trách của ngành thuế là điều dễ hiểu. Tiếc rằng, việc làm tắc trách này lại được giải thích một cách đơn giản là "do ...lỗi phần mềm!"
Vấn đề đặt ra là, vì sao ngành thuế rất ý thức về giá trị của thanh danh, uy tín doanh nghiệp, quyết định dùng sức mạnh của thông tin dư luận nhằm được việc cho mình mà không tính đến những tác động ngược lại nếu việc nêu tên không chính xác, trước khi hạ bút chốt "danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn" phải bị nêu tên?
Nêu tên là các đánh thẳng vào uy tín, thanh danh của doanh nghiệp, cũng giống như chỉ định người bệnh dùng thuốc, chỉ cần sử dụng sai là có thể tử vong. Sao không "3 kiểm tra, 5 đối chiếu" như nhân viên ngành y tế phải làm khi cho bệnh nhân dùng thuốc, để có thể đối chiếu, rà soát lần chót, và cũng là để cảnh cáo lần cuối trước khi đưa vào danh sách nợ thuế phải nêu tên, thi hành "án tử thanh danh" các doanh nghiệp?
Từ chuyện nợ thuế oan, nghĩ đến một số dịch vụ công khác như điện, nước...mới thấy người dân và doanh nghiệp luôn bị đối xử không công bằng, như người được ban ơn. Chậm nộp tiền là điện, nước bị cắt. Nhưng khi giá điện tăng cao bất thường do nhân viên cố tình cộng dồn, cách tích lũy tiến chưa hợp lý; nước thất thoát nhiều do đường ống vỡ, người tiêu dùng cũng đành bấm bụng trả tiền. Nếu không, lại bị cắt nước, cắt điện thì biết mua ở đâu!
Không thể cứ sai là đổ cho "lỗi phần mềm". Các ngành dịch vụ công phải xem đó là lỗi của phương pháp và thái độ làm việc. Bởi con người mới là chủ của công nghệ. Không thể xem nhẹ thanh danh của doanh nghiệp - một thứ mà các doanh nhân còn quý như mạng sống của mình, giải thích qua loa "chưa đúng thì chỉnh lại chứ có gì đâu!", rồi buông một lời xin lỗi là xong! Còn doanh nghiệp, nếu có được đính chính, được xin lỗi, thì cũng là "được vạ, má đã sưng"!
Vân Thiêng
Theo_VOV
HimLam, Bitexco nợ thuế hàng chục tỷ đồng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn tại TPHCM trong đó có HimLanm, Bitexco... tiếp tục bị bêu tên vì nợ thuế. Theo báo cáo Cục thuế TP.HCM, hiện có khoảng 20 đại gia địa ốc đang nợ thuế khoảng 500 tỷ đồng (tính đến 30/6/2015). Đứng đầu là Công ty CP bất động sản Tiến Phước có trụ sở tại 542 Trần...