Đề xuất tuyển người giỏi không qua sư phạm vào làm giáo viên
Thực tế người được giao trọng trách dạy đội tuyển học sinh giỏi, ôn thi đại học môn Toán không phải học trường sư phạm.
Từng là thầy giáo, ông Phạm Xuân Anh chia sẻ quan điểm về việc tuyển chọn giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Một trong những đổi mới đáng ghi nhận trong mùa tuyển sinh đại học năm nay là việc đặt ra yêu cầu cao hơn của các thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Cụ thể, đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Điểm sàn xét tuyển ngành sư phạm cũng nâng lên so với năm ngoái.
Đây là thay đổi tuyệt vời, kết quả sẽ thấy rõ trong 4 năm tới khi có được lứa sinh viên sư phạm đầu tiên ra trường kể từ sự thay đổi này. Đó sẽ là những thầy cô giáo rất giỏi chuyên môn. Từ sự thay đổi này nghề giáo sẽ dần được coi trọng đặc biệt, sẽ có lúc như Phần Lan, đất nước có nền giáo dục đứng hàng đầu thế giới, nơi nghề giáo được coi trọng đặc biệt.
Tuy nhiên, trước khi chờ đợi lứa sinh viên tài năng ra trường thì ngành giáo dục còn phải đối phó với rất nhiều khó khăn khi đang có một lượng lớn giáo viên không đủ trình độ (do hậu quả của nhiều năm không coi trọng sinh viên sư phạm). Để giải quyết vấn đề này tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt hơn trong chủ trương tuyển chọn những người giỏi, nhưng không học qua sư phạm vào làm giáo viên.
Chủ trương này nên thực hiện thường xuyên (ngay cả khi lứa sinh viên sư phạm tài năng năm nay tốt nghiệp) vì có rất nhiều người tài năng không học qua sư phạm nhưng muốn làm giáo viên. Đây là nguồn lực quý giá góp phần nâng cao chất lượng giáo viên, đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà. Để minh chứng cho việc cần quyết liệt trong việc thực hiện chủ trương tuyển chọn những người giỏi nhưng không học qua sư phạm vào làm giáo viên, tôi xin kể câu chuyện sau.
Vừa rồi tôi có dịp đến nhà một người họ hàng ở Hà Nội chơi. Trong gia đình có một cháu năm vừa rồi thi đỗ và đang học lớp 10 ở một trường công lập có tiếng ở Hà Nội. Gặp cháu ở nhà tôi có hỏi cháu về tình hình học tập. Thú thật là tôi định hỏi để mà hỏi thôi vì tôi nghĩ trường cháu thuộc dạng đỉnh của thủ đô thì việc học hành của học sinh chắc là ổn lắm.
“Môn Toán chán lắm chú ạ”, tôi không ngờ rằng cháu lại phàn nàn ngay như vậy. Hỏi rõ, cháu cho biết thầy giáo dạy kém, lớp đã kiến nghị nhưng nhà trường vẫn chưa đổi giáo viên. Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao cháu tôi lại bảo chán môn Toán (vốn trước đây cháu là học sinh say mê và học giỏi môn Toán) vì tôi cũng từng là giáo viên.
Trường học trước đây tôi từng giảng dạy có những giáo viên Toán rất kém, kém cả kiến thức, kém cả nghiệp vụ; già có, trẻ có. Già thì do được đào tạo từ lâu, sức ỳ lớn nên không cập nhật thường xuyên kiến thức. Trẻ thì do điểm đầu vào đại học thấp, đã thế lại học ở những trường đào tạo không tốt nên kiến thức chuyên môn càng kém. Với nhiều giáo viên bộ môn khác thì tình hình cũng không khả quan hơn, họ cũng rất lười đọc, nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Có những giáo viên Văn mà cả năm không đọc cuốn sách nào thì lấy đâu kiến thức, lấy đâu chất liệu để mà giảng dạy đây? Gặp những giáo viên này thì học sinh lãnh đủ. Nhà trường biết vậy nhưng không thể có giải pháp nào khác vì đó là giáo viên thuộc biên chế và đã được Sở Giáo dục phân về, trường buộc phải phân công giảng dạy dù chuyên môn có kém thế nào đi chăng nữa.
Giáo viên một trường Tiểu học ở Quảng Ninh trong buổi lễ chào cờ ngày khai giảng. Ảnh: Minh Cương.
Video đang HOT
Vậy giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo viên đây? Có nhiều giải pháp như cần bỏ biên chế giáo dục; coi giáo dục như là ngành dịch vụ, trường học như một công ty (trường phải dạy tốt thì mới có học sinh); tăng đãi ngộ với ngành giáo dục… Ở đây tôi mong Bộ Giáo dục thực thi quyết liệt một giải pháp cũ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay, đó là tuyển chọn giáo viên từ những ứng viên ưu tú của các trường không phải là sư phạm, nhưng có nguyện vọng làm giáo viên.
Thực tế, Bộ Giáo dục vẫn có chính sách tuyển giáo viên không qua học ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế chủ trương này chưa được thực thi một cách quyết liệt. Nơi tôi dạy học trước đây, những người được giao trọng trách dạy đội tuyển học sinh giỏi, ôn thi đại học môn Toán là các thầy học ở Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoặc có người dạy ôn thi đại học nổi tiếng ở Phú Thọ là cựu sinh viên… Xây dựng.
Nếu ngành giáo dục thực thi chủ trương tuyển chọn giáo viên từ những ứng viên ưu tú của các trường không phải là sư phạm, nhưng có nguyện vọng làm giáo viên một cách quyết liệt hơn thì nguồn tuyển rất dồi dào. Có rất nhiều người học ngành khác nhưng khi ra trường lại muốn làm giáo viên. Khi đó sẽ có viễn cảnh là những giáo viên dạy Sinh học, nhưng là những người tốt nghiệp Đại học Y, Đại học Khoa học tự nhiên. Giáo viên ngoại ngữ từng du học ở nước ngoài…
Đặc biệt cần quan tâm tới những người từng du học này. Bởi vì ngoài kiến thức chuyên môn thì những trải nghiệm, bản lĩnh họ thu được qua những năm du học sẽ là những bài học sống động cho học sinh, sinh viên. “Người dạy chữ thì thường có nhiều, người dạy người thường có ít”, người xưa đã dạy như vậy.
Chủ trương này đồng thời giúp giảm thiểu nguồn cung thiếu giáo viên giỏi do chất lượng đầu vào thấp của ngành sư phạm nhiều năm gần đây. Giáo viên thì trước hết năng lực phải giỏi. Đối với những giáo viên năng lực kém thì cần loại bỏ. Với những sinh viên sư phạm không đủ năng lực thì không cho dạy, hãy để các em chọn nghề khác, nghề chọn người, nghề giáo đã không chọn các em. Ngành sư phạm không được tuyển sinh tràn lan nữa.
Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng phải quyết liệt thôi nếu muốn chất lượng giáo viên đi lên. Khi đó ngành giáo dục sẽ tuyển được những giáo viên thực sự tài năng, tâm huyết. Nam Định luôn đứng top đầu cả nước về điểm thi THPT, thi học sinh giỏi nhiều năm qua. Sở Giáo dục tỉnh này khi tuyển giáo viên luôn ưu tiên những sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Do đội ngũ chất lượng nên kết quả tốt là hiển nhiên.
Khi tuyển giáo viên có thể dựa trên kết quả, chẳng hạn: (Điểm đầu vào Điểm toàn khóa học (Số các trường đại học, cao đẳng được xếp hạng – Thứ tự được xếp hạng)/100). Ứng cử viên nào điểm cao sẽ được chọn. Hoặc đơn giản nhất, ví dụ một trường THPT dân lập có tiếng ở Hà Nội khi tuyển giáo viên thì hình thức rất đơn giản: đưa bài thi đại học ngẫu nhiên cho ứng viên làm, nếu được từ 9 trở lên thì qua vòng chuyên môn; dạy thử 70% học sinh đánh giá tốt thì qua vòng nghiệp vụ, thế là được nhận.
Nếu chủ trương này được thực thi một cách quyết liệt hơn thì như tôi đã nói trên khi đó ngành giáo dục sẽ tuyển được những giáo viên thực sự tài năng, tâm huyết. Chủ trương này đồng thời giúp giảm thiểu nguồn cung thiếu giáo viên giỏi do chất lượng đầu vào thấp của ngành sư phạm nhiều năm gần đây.
Ví dụ, ứng viên có điểm thi đại học là 20; điểm toàn khóa 8; có 200 trường xếp hạng, nếu ứng viên tốt nghiệp trường xếp hạng 1 thì điểm số sẽ là: (20 8 (200 – 1)/100) = 29.99; nếu trường xếp hạng 30 thì số điểm số sẽ là: (20 8 (200 – 30)/100 = 29.
Phạm Xuân Anh
Theo Vnexpress
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất giải thể đại học vùng
Nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc cấp bách quy hoạch trường sư phạm để "siết" chất lượng, số lượng nguồn giáo viên. Đồng thời, cân nhắc giải thể mô hình đại học vùng, đã thử nghiệm được 24 năm bộc lộ nhiều cản trở trong phát triển của các đại học thành viên tại Hội thảo Giáo dục 2018 mới đây.
Mô hình đào tạo sư phạm truyền thống gây lãng phí?
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dẫn số liệu cho biết, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có 235 đại học, học viện. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện có 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm.
Năm 2017, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã có những thống kê cơ bản về đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo không còn cao như cách đây hai thập kỷ.
"Trong thực tế, với số lượng các cơ sở đào tạo giáo viên như trên và với thực trạng tuyển sinh khá lớn, thiếu kiểm soát của các trường nhóm ngành Sư phạm sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả không chỉ gây lãng phí tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội", đại diện này bày tỏ quan ngại.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo giáo dục ngày 17/8.
Ngoài ra, việc tổ chức và chất lượng đào tạo của các trường đang không đồng nhất, điều đó tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục vì muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có người thầy giỏi.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Minh, hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn, nền kinh tế - xã hội, khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống trường Sư phạm cồng kềnh như hiện nay. Ngược lại, việc kiểu đầu tư dàn trải không tạo được một sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.
Từ thực tế đó, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hơn bao giờ hết, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay là rất cấp bách nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước trong thời kỳ mới.
Ông Minh dẫn chứng mô hình cung cấp nguồn giáo viên ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Mạng lưới các trường đào tạo sư phạm ở quốc tế có xu hướng gọn nhẹ. Một mặt củng cố mô hình đào tạo sư phạm truyền thống, một mặt chuyển dần mô hình đào tạo giáo viên truyền thống thành trường đa ngành/đa lĩnh vực, linh hoạt về đầu ra.
Chẳng hạn ở một số bang của Mỹ, chỉ gần một nửa giáo viên mới vào nghề là sinh viên Sư phạm tốt nghiệp từ các trường sư phạm theo kiểu truyền thống. Sự phát triển các chương trình đào tạo giáo viên linh hoạt được Nhà nước Mỹ ủng họ, vì chúng thu hút một lực lượng đông đảo mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động giáo dục ở nhiều loại hình cơ sở giáo dục khác nhau. Chương trình tự chọn linh hoạt khẳng định được hiệu quả, có thể nâng số lượng giáo viên cùng lúc với việc duy trì hoặc thậm chí cải tiến chất lượng giảng dạy. Một số nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng các trường Sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên truyền thống đã tỏ ra thất bại trong việc tạo ra những "sản phẩm" chất lượng cao theo yêu cầu được nêu trong Luật. Do đó, việc rập khuôn đào tạo giáo viên theo mô hình sư phạm truyền thống tỏ ra lãng phí và không hiệu quả.
Ở Úc, đào tạo giáo viên cũng linh hoạt theo yêu cầu của xã hội và dịch chuyển nghề nghiệp; ví dụ nếu tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học cơ bản có thể học thạc sĩ giáo dục để trở thành giáo viên. Nước này hiện có tới 62 trường đại học có khoa học ngành đào tạo giáo viên.
Singapore chỉ có một đơn vị đào tạo giáo viên trực thuộc Đại học Nanyang. Nhật Bản có 56 cơ sở đào tạo đều thuộc các trường.
Ông Minh cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình, chương trình đạo tạo giáo viên của các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Á lân cận.
Đại diện này đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 đến 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Mặt khác, các cơ sở khác, các trường cao đẳng Sư phạm thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương.
Ở phiên thảo luận "Quản lý nhà nước và Quản trị đại học" tại Giáo dục 2018 , nhiều đại biểu đề xuất quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, giải thể đại học vùng.
"24 năm thử nghiệm, mô hình đại học vùng không đạt hiệu quả"
GS Từ Quang Hiển - nguyên Giám đốc Trường Đại học Thái Nguyên thẳng thắn đề xuất giải thể mô hình đại học vùng. Theo ông, mô hình này thử nghiệm được 24 năm, cho thấy cản trở sự phát triển của các trường đại học thành viên.
"Vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục hiện nay vậy. Tôi từng là hiệu trưởng đại học thành viên cũng là giám đốc đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất", ông Hiển kiến nghị.
Theo đại biểu này, nếu không giải thể đại học vùng thì trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học thành viên và có cơ chế chính sách cho đại học vùng tương đương như đại học quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy năng lực, vai trò của các trường thành viên.
"Tôi kiến nghị thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng giống như quản lý university system của nước ngoài, có nghĩa là đại học không phải là cấp quản lý trung gian (tổng cục), cũng không phải là cấp trên của các trường đại học thành viên; thực hiện được như vậy thì đại học và các trường thành viên đều phát triển bền vững. Có cơ chế mở về đại học quốc gia/vùng, các trường đại học độc lập đóng cùng địa bàn với đại học quốc gia/vùng có thể tham gia đại học với tư cách trường thành viên, ngược lại các trường thành viên của đại học cũng có thể tách ra thành trường đại học độc lập", GS Từ Quang Hiển phát biểu tại hội thảo.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Trường sư phạm đóng cửa giảng đường: Đổi mới tránh sao được xáo trộn? Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh. Thậm chí có trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh để đỡ phải mở lớp học. Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh....