Đề xuất tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên mầm non
Ngày 3/12 tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp học mầm non.
Ảnh minh họa
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết về chính sách hiện hành, những áp lực, khó khăn của giáo viên mầm non.
Bà Trần Thị Thúy- Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Thái Nguyên) nêu ý kiến: Đối với các trường Mầm non có tổ chức cho trẻ ăn bán trú, ngoài việc chăm sóc giáo dục trẻ, cán bộ quản lý và giáo viên đều phải trực trưa để theo dõi trẻ trong giờ ngủ (140-150 phút/ngày).
Với định mức hiện nay (bình quân khoảng 2GV/lớp), nếu cả 2 giáo viên cùng thực hiện các công việc từ khâu đón trẻ đến khi trả trẻ về cho gia đình (theo chế độ sinh hoạt cho trẻ theo độ tuổi quy định trong Chương trình giáo dục mầm non) thì họ phải làm việc vượt quá số giờ 40h/tuần, khó thực hiện chế độ làm việc đối với giáo viên theo Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT.
Bà Trần Thị Thúy- Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Thái Nguyên)
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các trường không thể có nguồn kinh phí trả cho giáo viên theo chế độ làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo Điều lệ trường mầm non, hoạt động chăm sóc giấc ngủ là một trong những nhiệm vụ của giáo viên, vì vậy địa phương không có cơ sở để huy động xã hội hóa trả tiền công cho việc trông trẻ buổi trưa.
Hiện nay, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ vì với định mức giáo viên theo Thông tư số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập, các giáo viên mầm non thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ đã đủ và vượt tổng số giờ 40h/tuần.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, giáo viên không thể bỏ lớp để dự họp chuyên môn. Trong khi Điều lệ trường mầm non quy định sinh hoạt tổ chuyên môn 2 lần/tháng. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm, họp hội đồng trường đều không thể thực hiện trong giờ hành chính, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bà Trần Thị Tố Uyên- Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Điện Biên)
Còn bà Trần Thị Tố Uyên- Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Điện Biên) chia sẻ: Điện Biên là một tỉnh miền núi có địa bàn khá rộng, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, núi cao, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán; đời sống của đại đa số đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, sự phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế.
Video đang HOT
Số lượng giáo viên, nhân viên, người nấu ăn, bảo vệ của các cơ sở GDMN công lập chưa đáp ứng đủ yêu cầu tối thiểu theo quy định. Tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.
Theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên bộ GD&ĐT, bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập, toàn tỉnh hiện còn thiếu 1.121 giáo viên.
Trong khi đó, số lớp mẫu giáo, nhóm trẻ có số trẻ vượt quá số lượng tối đa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV là 595 nhóm, lớp (chiếm 24,8%).
Các đại biểu tham dự hội thảo
Số lượng trẻ mầm non các độ tuổi ra lớp tăng hàng năm, đặc biệt là trẻ nhà trẻ. Bình quân những năm gần đây mỗi năm tăng trên 1000 trẻ đi học ở các cơ sở GDMN nhưng biên chế không được giao thêm, cùng với đó do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.
Do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, một bộ phận viên chức chưa thực sự yên tâm công tác, chưa xác định gắn bó lâu dài tại địa phương, một số giáo viên công tác ở vùng khó khăn xin thôi việc, thuyên chuyển công tác về miền xuôi…
Ngân sách địa phương còn hạn hẹp, các trường mầm non có nhiều điểm trường lẻ, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là đời sống nhân dân còn nghèo nên việc khó khăn trong việc huy động nhân dân đóng góp để chi trả cho việc hợp đồng người nấu ăn cho trẻ và hợp đồng bảo vệ cho các trường.
Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) đánh giá: Trong những năm qua giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là kết quả của việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi và phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục mầm non nói chung và đội ngũ giáo viên mầm non nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở khảo sát ý kiến thực tế của các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra những giải pháp để phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Thầy cô đừng nóng vội mất tiền oan, nhà nước sẽ có lộ trình nâng chuẩn giáo viên
Với những giáo viên đang giảng dạy nhưng chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định mới sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn theo lộ trình.
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm".
Cán bộ quản lý, giáo viên khối phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác giáo dục (Báo Lạng Sơn).
Luật Giáo dục 2019 cũng quy định rõ:
Giáo viên mầm non: Phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước chỉ cần bằng trung cấp sư phạm);
- Giáo viên tiểu học: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước chỉ cần bằng trung cấp sư phạm);
- Giáo viên trung học cơ sở: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước chỉ cần bằng cao đẳng sư phạm hoặc bằng cao đẳng ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm);
- Giáo viên trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây có bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng được chấp nhận).
Mặc dù còn hơn 10 tháng nữa Luật Giáo dục 2019 mới bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng ngay từ bây giờ, không ít trường đại học đã "đi tắt đón đầu" mở lớp chiêu sinh chuẩn hóa giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng lên bằng đại học.
Nhiều trường đại học đã tranh thủ thời cơ
Hiện có khá nhiều trường đại học trong cả nước mở lớp chiêu sinh đối tượng là giáo viên đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sư phạm.
Hình thức học vô cùng đa dạng như vừa học vừa làm, tại chức, từ xa. Thời gian học đại học từ xa và đại học tại chức thường được tổ chức vào 2 tháng hè hằng năm.
Đại học vừa học, vừa làm thường học vào 2 ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần.
Nếu giáo viên có bằng trung cấp học đại học phải mất từ 2.5-3 năm, có bằng cao đẳng mất từ 1.5-2 năm.
Thời gian quy định chỉ để thu học phí, thời gian này cũng sẽ được rút ngắn trong quá trình học.
Để đăng ký đi học, giáo viên phải tốn không ít tiền từ tiền phí nhận hồ sơ 100 ngàn đồng/bộ, phí xét tuyển 200 ngàn đồng/hồ sơ.
Tiền học phí tùy thuộc từng trường nhưng ít nhất cũng khoảng 3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn tiền nhà trọ (với học viên ở xa), tiền ăn, tiền tàu xe...3 năm học mất đứt vài chục triệu đồng.
Vì nôn nóng, vì lo sợ không đủ chuẩn sẽ bị sa thải, không ít thầy cô giáo đã vay mượn tiền đăng ký đi học đại học tại chức, từ xa, vừa học vừa làm đã gây tốn kém về tài chính, khiến cho đời sống của một bộ phận giáo viên đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Sẽ có lộ trình chuẩn hóa
Khoản 2 Điều 72 của Luật Giáo dục 2019 chỉ rõ: " Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...".
Điều này có nghĩa là, với những giáo viên đang giảng dạy nhưng chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định mới sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn theo lộ trình
Thông tin từ đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, có khoảng 400.000 - 500.000 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên tổng số 1,2 triệu giáo viên phải tham gia các khóa đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học trong thời gian khoảng 5 năm.
Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.1
Đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục thực hiện việc nâng chuẩn cho số lượng lớn giáo viên.
Nhiều năm về trước, do thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở nên giáo viên ra trường chỉ có trình độ 7 3; 9 3; 12 1; 12 2; 12 6 tháng...
Để chuẩn hóa cho các đối tượng này, hằng năm các địa phương đã mời giảng viên tại một số trường đại học về tại địa phương giảng dạy. Thầy cô vừa không phải nộp tiền học phí, vừa không phải đi học nơi xa.
Điều này đã giúp giáo viên không tốn kém gì khi đi học chuẩn hóa. Bởi thế, giáo viên cũng đừng lo lắng, nôn nóng để đăng ký đi học chuẩn hóa tự túc ngay từ bây giờ.
Tài liệu tham khảo:
//www.tienphong.vn/giao-duc/40-giao-vien-chua-dat-chuan-giai-quyet-the-nao-1278448.tpo1
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Khi giáo viên mầm non 60 tuổi vẫn còn đứng lớp Làm thế nào đây, khi nhìn một giáo viên mầm non 60 tuổi vẫn còn phải ẵm bồng con nít, bày trò chơi, múa hát và biết bao việc không tên khác. Mấy hôm nay khi Quốc hội vừa thông qua phương án tăng tuổi hưu chính thức: nữ- 60 tuổi, nam- 62 tuổi, thực sự chưa bao giờ một quyết định của...