Đề xuất nghỉ học hết tháng 3 ngừa dịch Covid-19: Sẽ cân nhắc rất kỹ
Đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho học sinh cả nước kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 3 và lùi kỳ thi THPT vào cuối tháng 7 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều trường đã chuẩn bị sẵn máy đo thân nhiệt kiểm tra nhiệt độ học sinh khi quay lại trường sau thời gian nghỉ học dài do dịch Covid-19 – Ảnh: Phạm Hữu
Dạy – học – thi sẽ ra sao ?
Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều ý kiến nhà giáo ở Hà Nội và khu vực phía bắc đều có chung nhận xét thông tin kiểm soát tốt về dịch bệnh khiến họ đang chờ đợi sớm đón học sinh (HS) trở lại trường, để tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy học đang dang dở.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng những thông tin tốt về thời tiết và thực tế kiểm soát dịch bệnh cho đến ngày 20.2 thì thấy, việc cho HS Hà Nội trở lại trường vào tuần tới là hoàn toàn khả thi. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), thì cho rằng nếu nghỉ học hết tháng 2, việc lùi kỳ thi THPT quốc gia so với năm trước nên khoảng 2 tuần chứ không nhất thiết phải cuối tháng 7, vì mỗi địa phương còn phải lo tuyển sinh đầu cấp, thi tuyển vào lớp 10. Nếu tất cả đều lùi dồn vào một thời điểm thì sẽ rất rối loạn.
Trao đổi với PV Thanh Niên cuối chiều 20.2, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã xây dựng dự thảo điều chỉnh khung thời gian năm học, các phương án về thời điểm thi THPT quốc gia và sẽ báo cáo Chính phủ vào cuộc họp sáng 21.2, sau đó sẽ có hướng dẫn chính thức với các địa phương để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch học tập, tuyển sinh đầu cấp…
Ông Hoàng Đăng Thưởng, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Tam Nông (Phú Thọ), cũng phân tích khi nghỉ đến hết tháng 2, với quỹ thời gian còn lại, việc thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vẫn khả thi và không có nhiều ảnh hưởng tới khung thời gian năm học của năm học tiếp theo. Nhưng, nếu nghỉ kéo dài sang tháng 3, hoặc tiếp theo, sẽ gây một số áp lực lên khung thời gian chương trình, các mốc kế hoạch năm học và thực hiện nhiệm vụ năm học của cơ sở giáo dục; đặc biệt là công tác chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới từ lớp 1, thi tuyển sinh đầu cấp cho năm học tiếp theo…
Giáo viên tại TP.HCM tham gia tập huấn phương pháp dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch Covid-19 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Video đang HOT
Cân nhắc kỹ đến đề xuất
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cho HS ở nhà, nghỉ học để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và tránh lây lan dịch cho HS và cộng đồng… là rất cần thiết. Tuy nhiên, những đề xuất liên quan vấn đề này cần hết sức cân nhắc. “Chúng ta không coi thường, chủ quan trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, nhưng không nên quá lo lắng dẫn đến những giải pháp gây ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của HS, nhà trường và các gia đình”, ông Thắng nêu quan điểm.
Hôm nay Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm
Về đề xuất của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết hôm nay (21.2), Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm chính thức sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các ban, ngành liên quan.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng cần theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, để quyết định cho HS nghỉ tiếp hay đi học trở lại. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, ông Thành bày tỏ, nếu phải cho HS nghỉ học nhiều hơn nữa, kéo dài hơn thì rõ ràng thấy nhiều bất lợi. Ví dụ phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học; thi THPT quốc gia cũng phải lùi lại…
Theo ông Thắng, đã nghỉ học thì đương nhiên là phải có kế hoạch dạy học bù, và với HS cuối cấp thì còn liên quan đến các kỳ thi chuyển cấp: lớp 9 là thi tuyển sinh vào lớp 10; lớp 12 là thi THPT quốc gia. Kế hoạch năm học của năm nay nếu quá chậm còn ảnh hưởng tới các mốc thời gian năm học của năm sau, vì đó là những phản ứng dây chuyền.
“Do vậy, đã nghỉ là phải có kế hoạch, giải pháp đồng đều. Đề xuất của TP.HCM thì vấn đề không phải của một địa phương mà là đề xuất cho cả nước, trong đó có thời gian tổ chức thi THPT quốc gia, nên theo tôi càng phải cân nhắc rất thận trọng, nhiều yếu tố khi Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT ra quyết định chính thức”, ông Thắng nói.
Nguồn: Tổng hợp – Đồ họa: Hồng Sơn
Cần giải pháp đặc thù với “tâm dịch”
Câu hỏi đặt ra là nếu HS cả nước trở lại trường vào đầu tháng 3 tới thì với những địa phương như Vĩnh Phúc, hoặc những nơi tình hình bệnh mang tính đặc thù, bất khả kháng thì sao khi HS cả nước đi học và tham dự kỳ thi THPT quốc gia?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, quan điểm của Bộ vẫn phải là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thầy cô và HS trong khu vực ấy. “Nếu như buộc phải áp dụng những biện pháp đặc thù thì chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ trưởng quyết định những vấn đề trong thẩm quyền của Bộ trưởng. Còn nếu vượt thẩm quyền của Bộ trưởng thì Bộ sẽ phải xin ý kiến của cấp trên”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, những địa phương là tâm điểm của dịch bệnh thì cần khoanh vùng và có thể có những giải pháp đặc thù cho địa phương đó.
Theo thanhnien
Trường học mong sớm có quyết định về tháng 3
Các trường mong sớm có quyết định để chủ động trong việc lập kế hoạch dạy học.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình lên UBND TP dự thảo đề xuất điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, theo đó học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7-2020, dời kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đến cuối tháng 7.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho biết trong tình hình dịch bệnh COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày nên trường có tổ chức học online như một giải pháp tình thế. Trên tinh thần là ôn tập kiến thức cũ và tạo cho học sinh thói quen giữ nề nếp học tập chứ không dạy kiến thức mới.
Trường THCS - THPT Ngôi Sao tập huấn cho giáo viên về dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Cũng theo ông Bình, hiện nay các trường THPT đang mong chờ sớm có quyết định từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như UBND TP về việc học hay nghỉ trong tháng 3. Bởi quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng kế hoạch của các trường, đặc biệt học sinh khối 12. Quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến việc các trường phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch của năm học.
Ông Bình lý giải nếu TP.HCM tiếp tục nghỉ học tháng 3 thì các trường sẽ học từ đầu tháng 4 và kết thúc vào tháng 7. Nhưng nếu điều chỉnh như thế sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của năm học tới. Cụ thể như học sinh sẽ nghỉ hè như thế nào, lịch tập trung ra sao, khai giảng, bên cạnh đó còn công tác tổ chức tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia sẽ như thế nào. Bởi đây là kỳ thi chung, nó cần sự thống nhất của cả nước.
"Hằng năm học sinh thường tập trung vào giữa tháng 8 để chuẩn bị cho công tác khai giảng vào tháng 9, khi mọi công tác thi cử đã hoàn thành. Do đó, chúng tôi mong sớm có quyết định để trường chủ động bố trí nhân sự cũng như lên kế hoạch" - ông Bình nói.
Liên quan đến việc ngành giáo dục đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho rằng đề xuất này có cơ sở. Bởi nó sẽ tạo một hành lang an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành khác cũng tầm soát, kiểm soát nguồn dân nhập cư vào TP để kịp thời ngăn chặn, cách ly khiến dịch không thể bùng phát.
"Tôi mong rằng đề xuất này sẽ được Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như UBND xem xét và hồi âm sớm để các sở, ban ngành, các nhà trường có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế để không bị động. Hiện nay, trong thời gian nghỉ tránh dịch, để học sinh không lãng quên kiến thức, một số tỉnh, thành tổ chức dạy online".
"Nhưng việc dạy học online hiện nay chỉ được thực hiện đối các tỉnh, thành có điều kiện về kinh tế, công nghệ thông tin. Mục tiêu gửi bài tập để ôn bài, để nghỉ dài ngày các em không lãng quên việc học, tuy nhiên hiệu quả không như mong đợi. Bởi học sinh không quen với cách học trên, phụ huynh còn có công việc riêng nên không có thời gian giám sát việc học, do đó nhiều em sa đà vào chơi game. Việc học này chỉ có tác dụng đối với học sinh cuối cấp.
Do đó, chung tôi mong có quyết định sớm để các trường xây dựng kế hoạch tương ứng, từ đó có lộ trình chuẩn bị không quá dài, không quá ngắn, không làm ảnh hưởng đến năm học sau" - ông Phú nói thêm.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cũng mong rằng: "Việc đưa ra quyết định sẽ được các sở, ban ngành dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh. Hy vọng giữa tuần sau, các đơn vị liên quan sẽ có quyết định về việc này để nhà trường chủ động. Hiện tại, trường cũng đã lên các phương án cho học sinh. Nếu học sinh đi học vào tháng 3 sẽ có kế hoạch như thế nào, học sinh tiếp tục nghỉ sẽ như thế nào. Tuy nhiên, nếu học sinh ở nhà, trường sẽ bị động nhiều hơn. Nhưng dù thế nào nhà trường cũng sẽ có kế hoạch phù hợp".
Tại bậc THCS, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, cho biết việc có quyết định sớm sẽ giúp phụ huynh chủ động công việc cũng như sắp xếp cho con cái. Bên cạnh đó, trường cũng có kế hoạch phù hợp.
"Đợt vừa rồi UBND TP đã có quyết định sớm về việc cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, điều này khiến phụ huynh hài lòng, trường cũng có thêm quá trình chuẩn bị. Cho nên tôi mong sớm có quyết định về tháng 3 để trường lập kế hoạch, dễ dàng trong việc bố trí nhân sự, phân công giáo viên phù hợp tình hình. Vì nghỉ hết tháng 2, học sinh đi học lại trường sẽ có kế hoạch khác. Nhưng nếu nghỉ hết tháng 3, đi học lại tháng 4 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của năm học tới, do đó cần có sự thống nhất" - bà Giang nói thêm.
Theo PLO
Hiệu trưởng Hà Nội tranh luận về đề xuất 4 kỳ nghỉ trong năm học Nhiều hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội đã đưa ra quan điểm trước đề xuất chia năm học làm 4 kỳ nghỉ của Chủ tịch UBND TP. Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ...