Đề xuất có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo Việt Nam
Ngày 10/1, Cục Nhà giáo – Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Tại đây, các cựu giáo chức tâm huyết đã kiến nghị, Việt Nam nên chăng có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề?
Ông Lê Quán Tần – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong Luật Giáo dục (sửa đổi), các vấn đề như tôn vinh, khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng, lương và chế độ phụ cấp giáo viên rất cần được chú ý.
Toàn cảnh hội thảo.
Trong quá trình làm quản lý giáo dục trước đây, ông Tần khảo sát thực tế quốc tế nhận thấy: “Ở một số nước cung cấp thị trường rất chín muồi, họ đều kế hoạch hóa giáo viên rất chặt chẽ để quản lý nguồn giáo viên. Ví dụ, Hàn Quốc lập kế hoạch đào tạo giáo viên 5 năm tới dựa vào số liệu cụ thể về giáo viên thừa, thiếu, giáo viên nghỉ hưu. Họ đào tạo giáo viên theo cơ chế thị trường để tránh việc ưu đãi giáo viên lại thu hút gây lãng phí “thừa”.
Theo ông Tần, Việt Nam chúng ta dường như đang “thả nổi” về cung – cầu giáo viên dẫn đến thực tế người giỏi ra trường chưa chắc đã có việc làm. Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học kiến nghị, kế hoạch đào tạo giáo viên phải căn cứ nhu cầu thực tế.
Ông Lê Quán Tần phát biểu.
Bên cạnh đó, ông Lê Quán Tần cũng kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề.
“Ở Nhật, những người được đào tạo giáo viên rất giỏi nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ (cấp 10 năm 1 lần). Tại sao? Vì trong hệ thống giáo dục, người ta có thể gặp giáo viên có tư chất rất kém, vậy lấy lí do gì loại họ? Chứng chỉ hành nghề giáo viên là thước đo kiểm soát đạo đức, năng lực nhà giáo. Nếu Việt Nam chúng ta chưa làm được ngay nên chăng, hãy dọn đường để đến một lúc nào đó Việt Nam có chứng chỉ hành nghề?”, đại diện này đặt câu hỏi.
Ông kiến nghị Chính phủ quy định điều kiện hành nghề nhà giáo nói chung, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp để kiểm soát và giảm những vụ việc đáng tiếc trong ngành giáo dục xảy ra nổi cộm trong thời gian gần đây. Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình từ các đại biểu tham dự hội thảo.
Đảm bảo mối quan hệ hai chiều
Video đang HOT
Bà Vũ Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (cựu chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, chánh văn phòng Đảng ủy – Bộ GD&ĐT) tâm sự, là người nhiều năm theo dõi về chế độ chính sách giáo viên nên bà rất hiểu đời sống của giáo viên.
“Thời xưa, giáo viên mầm non được trả thù lao bằng gà, chó, mèo nhưng giáo viên vẫn gắn bó, làm việc hết lòng. Hiện nay, đời sống kinh tế – xã hội đất nước đã cải thiện nhưng tôi cho rằng, đời sống của giáo viên vẫn khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trước khi yêu cầu tiêu chuẩn của nhà giáo thì nên đặt vấn đề về chế độ chính sách thu nhập, bồi dưỡng, đào tạo trước. Bởi vì chúng ta chỉ yêu cầu người giáo viên mà không nghĩ tới chế độ chính sách cho họ thì mới chỉ là một chiều”, bà Lan thẳng thắn chia sẻ.
Bà Vũ Thị Lan nhấn mạnh đến việc đảm bảo chế độ đãi ngộ nhằm nâng cao vị thế người giáo viên.
Bà Lan kiến nghị, nếu lương chưa làm được thì phải tập trung vào vấn đề phụ cấp đối với giáo viên: “Chính sách chế độ không chỉ giúp giáo viên yên tâm công tác với tâm thế phấn khởi, tự hào, có động lực phấn đấu, mặt khác nó còn nâng cao vị thế khiến giáo viên có tác dụng để xã hội, phụ huynh, học sinh nhìn nhận người thầy đúng đắn, nghiêm túc hơn. Bởi lẽ, lực lượng giáo viên là nòng cốt của ngành Giáo dục”.
Ông Nguyễn Trí – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên) đồng tình cho rằng, việc khẳng định vị trí nhà giáo phải thể hiện bằng giá trị tôn vinh của xã hội với nghề giáo, trong đó có vấn đề đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp với sự đóng góp, cống hiến của các giáo viên.
Ngoài ra, ông Trí cho rằng, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên cũng cần được quan tâm để đảm bảo chất lượng giáo dục.
“Về việc đào tạo bồi dưỡng, điều 73 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mới chỉ chú ý đến đào tạo đạt chuẩn nhưng theo tôi, thực tế cái cần bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ và hiện đại hóa nghề nghiệp của giáo viên thời 4.0 mới quan trọng. Bởi vì tới đây, chúng ta tiến tới tuyển giáo viên đạt chuẩn rồi. Chúng ta có thể áp dụng như các nước, bồi dưỡng định kỳ cho giáo viên trong suốt cuộc đời giảng dạy”. .
Về vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, đại biểu này cho rằng phải bổ sung thêm kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt chú ý đến kỹ năng giao tiếp của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên với phụ huynh, học sinh để vận động tốt, thuyết phục tốt.
TS. Cao Ngọc Châu – Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam kể câu chuyện thuở học trò trước đây, vì rất ham hỏi, thường xuyên thắc mắc – từng đặt câu hỏi “vì sao cây kim nổi trên mặt nước” nên bị cô giáo hiểu nhầm là trò muốn chọc tức và bị phê bình rất tệ vào sổ học bạ. Điều đó khiến ông ảnh hưởng tâm lý, thậm chí từng buồn chán muốn bỏ học.
Vì vậy ông Châu cho rằng, giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn cần có thêm “kỹ năng” và kiến thức tâm lý giáo dục vì nếu giáo viên đánh giá sai có thể sẽ “giết chết” học sinh.
Chủ trì hội thảo, ông Trần Kim Tự – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thay mặt đơn vị chủ trì trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các hội viên Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT. Tại hội thảo, các vấn đề xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm: Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; Cán bộ quản lý giáo dục; Chính sách đối với nhà giáo; Chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; Chính sách tôn vinh, khen thưởng được trao đổi góp ý trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở.
Ông Trần Kim Tự – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu.
Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, với các nội dung chỉnh sửa, đánh giá cao những tâm huyết của Ban soạn thảo về những sửa đổi, bổ sung trong các nội dung của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); đồng thời nêu một số đề xuất như: Cần có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cần quy định rõ theo định kỳ; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình và yếu tố kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước; cơ chế chính sách tôn vinh giáo viên giỏi…
Ông Tự cho hay, tới đây tinh thần quỹ tiền lương cho giáo viên sẽ cấu thành từ 3 phần: lương – 70%, phụ cấp – khống chế khoảng 20-30%, quỹ thưởng – 10% (giao cho thủ trưởng đơn vị).
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, bên cạnh việc đăng tải thông tin trên website của Bộ GD&ĐT, Cục đã đề nghị các Sở GD&ĐT đăng tải thông tin lên website của Sở, của trường học, địa phương… để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Có thể thấy đây là cuộc xin ý kiến góp ý được tổ chức nghiêm túc với quy mô rộng rãi, tổng thể.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Nhiều vấn đề nóng được "mổ xẻ" trong Luật Giáo dục sửa đổi
Hôm nay (10/1) tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Giới thiệu về dự thảo Luật, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều. Trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục so với Luật hiện hành; tăng 1 chương, sửa đổi bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).Tham dự có TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội...
Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành. Đồng thời, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất, nội dung dự thảo Luật.
Trong đó, có một số chính sách mới đáng chú ý của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến: nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên ĐH, thạc sĩ; học phí học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm...
Các chuyên gia tại hội thảo. (Ảnh: YN)
Ông Nguyễn Đức Cường cũng chia sẻ các vấn đề nổi bật để xin ý kiến của các chuyên gia. Tiêu biểu như quy định về triết lý giáo dục, về hướng nghiệp và phân luồng, chính sách cử tuyển; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về học phí; về xã hội hóa giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng triết lý giáo dục có vai trò quan trọng đặc biệt. Trong giáo dục các nước tiên tiến và cả ở nước ta trước đây rất coi trọng vấn đề tự học và phương pháp truyền dạy, học. Ông Đặng Bá Lãm (Hiệp hội Các trường Đại học - Cao đẳng) cho rằng, trong Luật giáo dục sửa đổi còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất về cách hiểu và cách xác định triết lý giáo dục thì chưa nên đưa vào Luật lúc này. Hơn nữa, việc quyết định về triết lý giáo nằm ngoài trách nhiệm của Ban Soạn thảo và Ban Biên tập Luật Giáo dục.
Đề cập đến quy định về hướng nghiệp, phân luồng, ông Lãm cho rằng, hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng bởi trong quá khứ những quy định đó đều không thành công.
Nói về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, ông Đặng Bá Lãm chia sẻ, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục phải được phân bổ theo nguyên tắc công khai, tập trung dân chủ. Đồng thời, căn cứ vào quy mô giáo dục, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; đảm bảo ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh Luật Giáo dục (sửa đổi). (Nguồn: Vietnammoi)
Ông Lãm cũng cho rằng giải pháp lâu dài là biến hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thành hệ thống mở. Từ đó, để những ai có chứng nhận về trình độ chuyên môn và sư phạm đều có thể trở thành giáo viên, nhưng điều tiên quyết là việc trở thành giáo viên có sức hấp dẫn khi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.
Chia sẻ quan điểm của mình, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự chủ. "Trong Luật giáo dục đã thừa nhận quyền tự chủ của các trường đại học nhưng lại hạn chế quyền tự chủ của giáo dục phổ thông là không đúng. Tự chủ giúp người ta sáng tạo".
"Có tự chủ, nhà trường phải chịu trách nhiệm, xác định được địa chỉ phải chịu trách nhiệm, yếu kém ở đâu, xác định trách nhiệm giải trình. Nếu hạn chế theo tôi nghĩ là một bước thụt lùi", GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Theo baoquocte
Gia Lai: Sai phạm nghiêm trọng, kế toán lãnh án 8 năm tù, nguyên hiệu trưởng bị cảnh cáo Ngày 10/1, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, huyện vừa có quyết định mới nhất về việc xử lý bà Lưu Thị Lý - nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Tám với mức kỉ luật cảnh cáo. Ảnh minh họa Trước đó, thanh tra huyện Chư Sê đã phát hiện bà Siu Huyn - kế toán trường tiểu học...