Đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7: ‘Đó là sự xa xỉ phi thực tế’
Ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội khẳng định các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu trường lớp trầm trọng, vì vậy, nếu học sinh những nơi này được nghỉ học thứ 7 là sự xa xỉ phi thực tế.
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước đề xuất của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không dạy và học vào ngày thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh đều ủng hộ đề xuất này.
Trả lời VTC News ngày 26/8, ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho biết: “Từ trước đến nay, thứ 7 và chủ nhật là hai ngày cuối tuần. Theo đó, ngày chủ nhật thì trường nào cũng được nghỉ học nhưng vấn đề còn lại là ngày thứ 7 có học hay không?”.
Hiệu trưởng Khang cho biết thêm, thời gian học tập của học sinh phụ thuộc vào khối lượng chương trình và phòng học.
Về khối lượng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cũng như chương trình sẽ thay thế sau vài năm nữa cho thấy, nếu học sinh được học 2 buổi/ngày (7 tiết/ngày) thì có thể nghỉ 2 ngày cuối tuần.
Như vậy, hầu hết các trường tiểu học sẽ thực hiện được việc này. Tuy nhiên, các trường THCS và THPT phần lớn đều học 1 buổi/ngày nên không thể nghỉ thứ 7. Ông Khang dẫn chứng: 5 tiết/ ngày x 6 ngày = 30 tiết/tuần.
Mặt khác, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu phòng học trầm trọng, có nơi phải chấp nhận 50 đến 60 thậm chí 70 học sinh/lớp. Vì vậy, ở những nơi này, việc cho học sinh nghỉ học thứ 7 là sự xa xỉ phi thực tế.
Theo ông Khang, không nên quy định cứng nhắc nghỉ một ngày hay nghỉ cuối tuần mà việc này nên để các trường tự quyết định phù hợp với thực tế của trường.
Ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM nghỉ học thứ 7 là sự xa xỉ phi thực tế. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng có cùng quan điểm này, thầy giáo Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng, để nghỉ dạy và học thứ 7, phải phụ thuộc vào chương trình. Việc dồn chương trình của 6 ngày học vào 5 ngày sẽ làm tăng áp lực học sinh.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho biết, đối với bậc tiểu học, nhiều năm nay đã áp dụng nghỉ cả thứ 7 và chủ nhật, tuy nhiên, hiện tại chưa có khảo sát tổng kết hiệu quả của hoạt động này để triển khai. Bên cạnh đó, nội dung kiến thức bậc tiểu học nhẹ nhàng nên dễ áp dụng. Còn ở cấp THPT phổ thông, lượng kiến thức lớn nên khó khả thi.
Video đang HOT
Hơn nữa, trong chương trình học, các môn học đều có hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, để có trải nghiệm thực tiễn nhiều hơn, giáo viên nên đề xuất giảm khối lượng kiến thức, giảm áp lực nội dung thi cử thay vì giảm thời gian học tập.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan – giáo viên trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình cho rằng không tổ chức dạy và học vào thứ 7 là hợp lý.
Cô Loan giải thích: “Việc nghỉ dạy và học vào thứ 7 là hợp lý. Thứ nhất, tất cả các đơn vị sự nghiệp đều nghỉ thứ 7. Thứ hai, việc học sinh học triền miên cả ngày, cả tuần rất mệt. Nghỉ thứ 7 để các em nghỉ ngơi, vui chơi, giải tỏa stress…
Đặc biệt, các ngành khác được nghỉ vào thứ 7 nhưng giáo viên vẫn phải đi dạy, học sinh vẫn phải đi học sẽ khiến giáo viên không được tâm huyết, phát huy sáng tạo, học sinh không tập trung tiếp thu môn học”.
Theo cô giáo Loan, việc dạy và học vào thứ 7 khiến hiệu quả của người dạy và học không cao, tốn thời gian, vô ích.
Theo vtc.vn
Những đề xuất "táo bạo" về bỏ biên chế giáo viên và đào tạo sư phạm
Có ý kiến cho rằng, nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập, đào tạo giáo viên nên điều chỉnh theo hướng xác định quota...
Chính phủ đang thực hiện giảm biên chế theo lộ trình và ngành Giáo dục cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đang trình Chính phủ và Quốc hội xem xét việc nâng cao đời sống của giáo viên cũng như xem lại đào tạo sư phạm.
Những vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) doỦy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 24/8.
Nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập
Góp ý chính sách đối với nhà giáo, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie khẳng định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu luật hóa được điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Khang đề xuất nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý và giáo viên công lập
Tuy nhiên, việc ưu đãi đó trong bối cảnh hiện nay không cải thiện đươc nhiều cuộc sống của nhà giáo. Thực tế, lương hành chính sự nghiệp công lập của nước ta rất thấp, người lao động không sống được bằng lương. Giáo viên công lập cũng trong tình trạng đó. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp.
"Chính sách không vẽ ra được tiền. Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc.
Cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém... Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi kiên cường nào khác", ông Khang nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên, ông Khang cũng đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn. Nên bỏ "biên chế" như hiện nay đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập. Tất cả đều thực hiện chế độ "Hợp đồng lao động" có thời hạn. Bởi như vậy thì người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm...
Việc khó nhất hiện nay là giải quyết hậu quả của hàng chục năm trước để lại. Biên chế công chức, viên chức quá lớn; người làm được việc thì ít, người yếu kém thì nhiều. Tâm lý bám vào Nhà nước còn đang nặng nề".
Khó đến mấy cũng phải làm bằng được. Cần có những điều luật để làm căn cứ giải quyết vấn đề này. Trên cơ sở đó Chính phủ xây dựng lộ trình triển khai thực hiện trong 5 hoặc 10 năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Khang lấy dẫn chứng sự việc hơn 400 giáo viên bị cắt hợp đồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội mới đây và đánh giá câu chuyện vừa đúng nhưng vừa đau.
"Tôi thấy đau nhưng tôi còn thấy đúng. Nhưng phải chịu đau, vì nó là hậu quả của nhiều năm về trước".
Đề cập chính sách đối với giáo viên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Không nên quy định cứng tỷ lệ giáo viên/lớp mà quy định theo hướng xác định khối lượng công việc mà nhà trường cần thực hiện để đảm bảo mỗi học sinh đáp ứng được chuẩn đầu ra hoặc chương trình giáo dục. Quy định như vậy sẽ mở hơn, tạo thuận lợi cho các trường chủ động hơn. Tất nhiên cũng sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện giám sát của cơ quan quản lý.
Điều chỉnh theo hướng xác định quota trong đào tạo giáo viên
Về chính sách đối với sinh viên sư phạm và đào tạo sư phạm, ông Nguyễn Xuân Khang nêu quan điểm, gần đây có ý kiến thay bằng chính sách "tín dụng sư phạm": Sinh viên sư phạm được vay tiền để nộp học phí và trang trải chi phí ăn ở trong quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp nếu làm được việc trong ngành giáo dục được một số năm nào đó thì được xóa nợ.
Đó là một sáng kiến thay thế chính sách miễn tiền học phí cho sinh viên sư phạm lâu nay. Tuy nhiên, tính hiệu quả của chính sách tín dụng sư phạm thật đáng nghi ngờ.
Có ý kiến đề xuất, thay vì đào tạo sư phạm theo nhu cầu và phân công thì nên điều chỉnh theo hướng xác định quota trong đào tạo giáo viên (ảnh minh họa)
Bởi nguyên nhân cơ bản để người ta chọn ngành sư phạm hay không là ở chỗ tốt nghiệp sư phạm có việc làm hay không và lương giáo viên có đủ sống hay không?
Nếu giải quyết được 2 câu hỏi đó một cách thỏa đáng thì ngành sư phạm thực sự sẽ có sức hút rất lớn, người ta sẽ tự xoay xở để có tiền đi học sư phạm.
Vì vậy, theo ông Khang không cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho sinh viên sư phạm (như miễn học phí hay tín dụng sư phạm).
Đối với đào tạo sư phạm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, việc đào tạo thường cần 4 năm trong khi việc xác định nhu cầu luôn xác định cho hiện tại, các dự báo về nhu cầu thường có độ chính xác không cao. Vì vậy, thay vì đào tạo sư phạm theo nhu cầu và phân công thì nên điều chỉnh theo hướng xác định quota (hạn ngạch) trong đào tạo giáo viên.
Ví dụ Bộ GD-ĐT tập hợp nhu cầu giáo viên của từng năm, từng thời điểm xác định quota. Sau đó tổ chức thi quốc gia lấy giấy phép hành nghề giáo viên. Như vậy, sẽ tách việc đào tạo ra khỏi việc hành nghề. Khi đó, uy tín và trách nhiệm của các trường sẽ bị ảnh hưởng nếu sinh viên của mình đào tạo ra không đáp ứng được tiêu chuẩn hành nghề.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, việc tách đào tạo khỏi hành nghề sẽ giải quyết cả về vấn đề tài chính sư phạm. Nếu chỉ thuần túy chuyển đổi từ miễn phí sư phạm sang tín dụng sư phạm thì cũng khó giúp nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Giải pháp căn bản ở đây phải là quỹ học bổng sư phạm. Những thí sinh giỏi có thể được cấp học bổng sư phạm chứ không hỗ trợ học phí sư phạm trực tiếp cho các trường. Chính sách về quỹ học bổng và học bổng sư phạm giúp giải quyết việc chỉ những người thực sự quan tâm và giỏi mới đăng ký vào học bổng đó.
Tín dụng sư phạm vẫn tạo động lực về tài chính cho sinh viên cho dù họ có thể được miễn khi làm giáo viên trong tương lai và đặc biệt do những lý do khách quan mà những người học sư phạm không thể hành nghề giáo viên. Chính điều này tạo sự bất bình giữa các ngành nghề đào tạo.
PGS.TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học giáo dục đưa ra nhận xét, đào tạo sư phạm hiện nay vẫn nhẹ về đào tạo đạo đức giáo viên, kỹ năng sư phạm.
"Chúng ta cần thay đổi trong đào tạo sư phạm, phải hút được người giỏi vào sư phạm, ví dụ ai giỏi nhạc, họa, thể thao... đều có thể trở thành giáo viên sau khi tham gia lớp chứng chỉ sư phạm. Như vậy sẽ "chiêu hiền đãi sĩ" được cho ngành sư phạm", PGS.TS Đặng Bá Lãm nêu ý kiến./.
Theo vov.vn
Hiệu trưởng Trường Marie Curie: Không cần tăng lương giáo viên, chỉ cần cho nghỉ việc những người yếu kém Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, khi sắp xếp lại đội ngũ quản lý, cho nghỉ việc những người có năng lực yếu kém thì năng suất lao động tăng, lương nhà giáo sẽ tăng mà không cần chính sách ưu đãi nào. Ngày 24/8, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi...