Đề xuất bán trường chuyên: Học trường chuyên tôi được gì và mất gì?
Học chuyên, tôi ý thức rất rõ năng lực của bản thân và con cái. Nếu con bình thường, không ép con học mọi cách để vào chuyên, bởi làm vậy là đang “giết” con mình.
“Bọn chuyên”, học lệch và rất “ngố”. Đó là câu nói mà tôi được nghe khá nhiều ở ngoài đời và cả trên mạng. Thực sự, với những người đã trải nghiệm môi trường học chuyên như tôi (gần như cả 3 cấp đều học chuyên) cảm thấy câu nhận xét đó khá ấu trĩ, chẳng khác kiểu “ thầy bói xem voi”.
Năm lớp 5, tôi chính thức bước vào môi trường chuyên-học chuyên Toán của huyện. Cả huyện tôi hồi đó tổ chức kỳ thi để lấy 1 lớp khoảng hơn 40 học sinh vào lớp chuyên Toán. Trước khi đi thi, chúng tôi không được ôn và cũng không có áp lực gì. Tâm lý ai cũng thoải mái, như làm bài thi học kỳ trên lớp. Khi vào lớp chuyên, chúng tôi – những đứa trẻ ở nhiều xã trong huyện nhanh chóng kết thân và thương yêu nhau như chị em trong nhà.
Học chuyên thực sự đã cho chúng tôi rất nhiều thứ
Tôi còn nhớ những buổi trưa ở lại trường để chiều học, đứa nào cũng mang một nắm cơm, đứa “ăn sang” thì có thêm quả trứng, vài con tép còn toàn cơm muối vừng. Chúng tôi góp vào ăn cùng nhưng lúc nào cũng cảm thấy bữa ăn sao mà ngon đến thế.
Buổi sáng, chúng tôi được học chương trình trên lớp như những lớp bình thường khác. Còn hầu như tất cả các buổi chiều, chúng tôi được học chương trình nâng cao. Sau một thời gian, vài bạn trội hơn sẽ được chọn để ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh. Vì thế những người được chọn đi thi cũng không thấy quá áp lực và người không vào đội tuyển cũng thấy vui vẻ vì đã thể hiện đúng năng thực sự của mỗi người.
Tôi còn nhớ, là học sinh lớp chuyên Toán, nhưng tôi và nhiều bạn lại cực kỳ yêu thích các môn Văn, Sử, Địa… Chúng tôi mong đợi các tiết học này để được nghe thầy cô giảng, để được thể hiện bản thân với môn học. Có những bài Văn chúng tôi làm, khi đọc trước cả lớp, cô giáo đã rưng rưng nước mắt. Hay có những hôm làm bài tập nhóm môn Sử, Địa, thầy cô còn mượn để làm mẫu khi dạy các lớp khác. Và thực sự, không có sự phân biệt giữa môn “chuyên” và không chuyên và tình cảm dành cho thầy cô dạy môn “chính” và “phụ”. Đến tận bây giờ, sau gần 40 năm ra trường, thầy trò chúng tôi vẫn có sự kết nối, chia sẻ thân tình.
Học chuyên, chúng tôi không chỉ có học và học. Mà tất cả các hoạt động của trường, chúng tôi đều tham gia không thiếu thứ gì. Thậm chí, trong các cuộc liên hoan văn nghệ, tổ chức cắm trại… chúng tôi thường xuyên là lớp dẫn đầu khối, không phải được thầy cô ưu tiên, mà theo nhận xét của các thầy “bọn” chuyên đã làm gì thì làm ra trò”.
Tôi còn nhớ như in buổi biểu diễn văn nghệ của lớp tôi trước toàn trường, chúng tôi đã tự sáng tác một vở kịch theo thể “phổ thơ” và gái đóng giả trai rất ngầu. Trong suốt 15 phút chúng tôi biểu diễn cũng là từng ấy thời gian không ngớt tiếng cười, tiếng vỗ tay tán dương của cả sân trường đông kín học sinh và thầy cô.
Video đang HOT
Học chuyên thực sự đã cho chúng tôi rất nhiều thứ, mà có lẽ đến bây giờ, tôi luôn thầm cảm ơn. Đó là những bài Toán khó thầy cô khuyến khích chúng tôi làm. Tôi còn nhớ, có bài Toán đã ám ảnh tôi đến cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Đứng đâu tôi cũng có thể vẽ hình trên đất để tìm lời giải và thực tế, có những bài tôi đã tìm lời giải trong cả giấc mơ.
Làm bài khó đã rèn cho chúng tôi khả năng tư duy, tập trung cao độ. Chúng tôi làm nó với sự thích thú và khi tìm ra lời giải, thì sung sướng như “tìm ra châu Mỹ”. Làm bài khó còn rèn cho chúng tôi tính kiên nhẫn, không thấy “dễ làm, khó bỏ”. Khi chưa giải quyết xong việc gì đó, chúng tôi khó có thể nào an tâm và phải cố gắng, nỗ lực làm cho bằng xong công việc của mình.
Học khó cũng giúp chúng tôi có cái nhìn lạc quan trong cuộc sống sau này. Một bài toán khó đến đâu, nếu nỗ lực cố gắng chắc chắn sẽ tìm ra lời giải. Cũng có lẽ vì thế, sau này khi nhìn một sự việc, chúng tôi luôn cố gắng và tin tưởng luôn có cách giải quyết.
Và học chuyên, thực sự cho chúng tôi một sự tự tin nhất định sau khi ra đời. Tự tin vì những vốn kiến thức, vốn sống được thầy cô trang bị cho từ trong nhà trường. Tự tin vì cảm thấy bản thân không bị chênh vênh, chới với trước bất kỳ sự việc hay vấn đề nào. Tự tin vì chúng tôi luôn tin việc gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết, nếu luôn cố gắng.
Cũng vì học chuyên, nên chúng tôi ý thức rất rõ năng lực bản thân và của con cái. Nếu con có năng khiếu, năng lực thực sự, tôi luôn khuyến khích và cổ vũ con tìm tòi, khám phá bản thân. Và trường chuyên là môi trường tốt, tôi mong muốn được gửi gắm những đứa con như vậy.
Nhưng ngược lại, nếu năng lực của con chỉ bình thường, chúng tôi không cố ép mọi cách để con được vào những môi trường như thế. Bởi chúng tôi hiểu, vào đó là bắt con làm một việc quá nặng so với sức của nó, là đang “giết” con mình.
Đến giờ, sau gần nửa cuộc đời, tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì đã có quãng thời gian được trải nghiệm, được sống hết mình ở một môi trường mà mình luôn yêu quý và ao ước./.
Tranh luận bỏ trường chuyên: Nhân tài dễ tự mãn
Một học sinh ngay từ sớm đã được gia đình, nhà trường tạo điều kiện, trải thảm để đón, rước thì sớm sinh tự mãn, cao ngạo, kiêu căng là dễ hiểu.
Nói thêm về đề xuất đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam cho tư nhân, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng quan niệm cào bằng, đòi hỏi bình đẳng trong đầu tư giáo dục công là rất đúng nhưng không thể đòi hỏi cào bằng trong tuyển chọn đầu vào. Người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít, ai học giỏi thì vào trường chuyên, ai học kém thì học trường bình thường, đó là thực tế đương nhiên.
Giáo dục kiến thức không đi đôi với giáo dục đạo đức dễ sinh tự mãn, cao ngạo. Ảnh: VNN
Vấn đề là xác định cho được mục tiêu, mục đích cũng như sự khác nhau giữa trường chuyên và trường công bình thường để có cơ chế quản lý, đầu tư cho phù hợp. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi lâu nay.
Dư luận bức xúc không phải là việc học sinh vào trường chuyên thì khó hơn trường thường mà sự bức xúc nằm ở cơ chế quản lý đã bị hiểu sai, làm sai, nhập nhèm công - tư lẫn lộn.
"Không có một quốc gia nào lại biến trường công thành trường tư cả. Giao cho trường tư tự chủ tài chính, tự đặt ra mức thu học phí thì không khác nào đang biến trường công thành trường tư. Việc này vốn đã không bình đẳng, bởi trường công đang có nhiều ưu thế, được đầu tư từ hạ tầng cơ sở tới ưu ái trong thuê mặt bằng, mọi lợi thế đều hơn hẳn trường tư vậy mà lại được giao cho cơ chế hoạt động như trường tư là không ổn.
Vừa qua, đã có một số trường chuyên tự đặt ra mức thu học phí, được nâng học phí còn cao hơn cả trường tư, như vậy là không thể chấp nhận được.
Tự chủ ở đây là phải tự hạch toán trên số tiền ngân sách đầu tư để chi tiêu cho hợp lý chứ không phải tự chủ nghĩa là trường được tự biên tự diễn, tự đặt ra mức thu riêng rồi tự chi tiêu.
Phải luôn lưu ý, nhiều trường công thu tiền của học sinh cao nhưng nộp về ngân sách rất hạn chế, trong khi trường tư vốn đã thiệt thòi về cơ chế ưu ái lại phải chịu thuế cao", GS Phạm Phố nói thêm.
Khẳng định lại quan điểm sự tồn tại trường chuyên là cần thiết nhằm giáo dục, đào tạo, phát triển những nhân tài và sẽ không có gì đáng nói nếu danh tiếng luôn đi cùng với chất lượng đào tạo và giáo dục đạo đức. Vai trò cũng như mục tiêu, mục đích của trường chuyên đang bị đề cao quá mức khiến một số trường chuyên đi lạc hướng. Trường chuyên không còn là nơi chỉ để đào tạo, phát triển nhân tài mà đã có những phát triển lệch lạc, sai lầm từ trong nhận thức giáo dục - đào tạo tới phát triển hình thành nhân cách cho học sinh.
Tại trường chuyên vẫn có những chuyện tiêu cực, gian dối, biến tướng trong tuyển chọn, học sinh vào trường đôi khi không phải là do giỏi mà nhờ tiền, nhận học sinh qua "cổng phụ" khiến phụ huynh, học sinh bức xúc, mất niềm tin.
Lãnh đạo trường chuyên Amsterdam cũng đã từng phải thừa nhận "nhận ngang cả 10 học sinh trường khác chuyển về do cha mẹ học sinh quá tha thiết với trường, ngày nào cũng đến hỏi xin".
Chuyện này là thực tế và chắc chắn không phải chỉ tồn tại trong quá khứ mà ngay ở thời hiện tại cũng khó chấm dứt tình trạng tiêu cực, gian dối trong thi tuyển.
Thế nhưng, ngay cả khi như vậy thì bản thân nhà trường, các thầy cô giáo giảng dạy trong các trường chuyên cũng luôn tự mãn với danh hiệu đứng nhất cả nước về cả chất lượng mà đã tự cho mình ở một đẳng cấp hơn những giáo viên, trường khác. Từ đó có chuyện một mình một chợ, một mình một luật. Từ khâu thi tuyển cho tới việc thu học phí cứ mang mác trường chuyên là đương nhiên thu tiền học phí cao, đóng tiền nhiều, không cần phải thắc mắc.
Từ chỗ giáo dục kiến thức không đi đôi với giáo dục đạo đức là nguyên nhân hình thành những lớp học sinh có tài nhưng thiếu đức, cao ngạo, kiêu căng, vênh váo coi thường bạn học.
Điển hình như học sinh trường Amsterdam Hà Nội, nhiều chia sẻ cho biết chỉ cần là học sinh của trường Amsterdam đã nghiễm nhiên được mang theo niềm tự hào, hãnh diện về ngôi trường danh giá số 1 ấy. Tuy nhiên, niềm tự hào, hãnh diện đó đôi khi đi quá đà và dẫn đến sự ngạo mạn, kiêu căng thái quá.
Còn có thực tế, chỉ cần có mác "học sinh trường Amsterdam" là đi đâu cũng được chào đón, mọi việc giao lưu, hợp tác, xin tài trợ... đều dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều so với những trường khác.
Vì điều này, nhiều học sinh dù chưa đủ tài, đủ đức, chưa đủ giỏi nhưng được đặt trong một môi trường có uy tín được xây dựng sẵn từ những người đi trước thì đã nhanh chóng có tâm lý vỗ ngực tự mãn, phô trường, khoe khoang, sính ngoại, rất nguy hiểm.
Tính khiêm tốn gần như đã biến mất ở hầu hết các học sinh trường chuyên. Nhiều học sinh chỉ biết nhìn xuống dưới mà không nhìn lên cao, nên luôn xem mình là số 1, là học giỏi nhất mà lại không biết còn có nhiều người khác học giỏi hơn mình. Đó chính là sai lầm trong tư duy quản lý, đào tạo, giáo dục đạo đức ngay từ phía nhà trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hình thành tâm lý, đạo đức của học sinh.
"Chúng ta luôn nhấn mạnh vai trò giáo dục của ba mặt trận là gia đình - nhà trường và xã hội nhưng, gia đình cũng chạy theo thể diện, chạy theo tâm lý nhà giàu, có tiền là có tất cả, con muốn học trường nào sẽ được học trường đó bất kể đó là trường chuyên số 1 hay số 2.
Về phía nhà trường cũng vẫn còn có trường hợp a dua, tiếp tay cho sự gian dối, tuyển chọn học sinh mà không dựa trên năng lực, tài, trí lại dựa trên tiền bạc, quan hệ, khiến chất lượng đầu vào không bảo đảm.
Một học sinh ngay từ sớm đã được gia đình, nhà trường tạo điều kiện, trải thảm để đón rước chứ không phải tự đi bằng đôi chân, không tự chứng minh bằng năng lực và trí tuệ thì sớm sinh tự mãn, cao ngạo, kiêu căng là dễ hiểu. Một học sinh chưa thành tài mà đã được đặt trong một môi trường cao hơn người khác thì cần gì phải nhìn lên cao hơn để mà cố gắng?
Tôi cho rằng, sự biến tướng trong quan điểm, chủ trương đào tạo tới những tiêu cực, gian dối trong tuyển chọn đầu vào là nguyên nhân khiến cho môi trường đào tạo của trường chuyên cũng như chất lượng học sinh trường chuyên ngày càng giảm sút. Vẫn đề này cần phải được nhìn nhận và sửa đổi một cách toàn diện", vị GS nhận định.
Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên? Trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6, đã có rất nhiều phóng viên hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về cuộc tranh cãi trên mạng xã hội: giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành trả lời báo chí về cuộc tranh cãi về trường chuyên, trong cuộc...