Để tự chọn sách giáo khoa thì dễ loạn lắm!
Theo thầy Dong, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không soạn được bộ sách thì Bộ nên chọn lấy một bộ sách nào đó mà cho là khá nhất để hướng dẫn thầy cô chọn lựa.
Một trong những lo lắng hiện nay đối với giáo viên và những nhà quản lý giáo dục tại các địa phương là chọn lựa sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều ý kiến của thầy cô tỏ ra nóng ruột vì đến lúc này vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó các bên có sách giáo khoa liên tục đưa ra thông tin tích cực cho đơn vị mình nhưng tiêu cực cho đối thủ.
Việc làm này, chả khác nào tung hỏa mù, khiến thầy cô giáo càng khó nhìn nhận một cách sáng suốt để chọn lựa bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với địa phương, học sinh của mình.
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn Vietnamnet).
Trước tình trạng này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Theo thầy Dong, việc các đối thủ tăng cường công kích, tung thông tin tiêu cực về đối thủ được cho là hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần phải chấn chỉnh kịp thời.
Vị chuyên gia này cho rằng, các bộ sách đã được thẩm định về mặt pháp lý thì đều đáp ứng yêu cầu. Nhưng chọn là do thầy cô giáo giảng dạy, phụ huynh học sinh chọn nên sợ sách mình không được chọn mà chọn bộ sách khác vì thế tìm cách dè bỉu đối thủ.
“Chính vì thế nên rất dở” – thầy Dong nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không soạn được bộ sách nào thì Bộ nên chọn lấy một bộ nào đó mà cho là khá nhất trong những bộ này và coi như bộ chính thống để định hướng các nhà trường lựa chọn. Còn nhà trường nào muốn tham khảo bộ khác thì đó là tùy vào các trường.
Nếu làm như vậy, theo thầy Dong sẽ êm chuyện. Vì mỗi khi đã có bộ chính được xác định là chất lượng nhất thì các thầy cô và phụ huynh dễ lựa chọn và bớt đi tranh cãi.
Video đang HOT
“Sở dĩ tôi nói như vậy vì khi làm sách sẽ có bộ tốt hơn, bộ kém hơn. Không thể có chuyện chất lượng tương đồng” – thầy Dong cho biết.
Cũng theo thầy Dong đáng lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một bộ sách giáo khoa riêng, làm theo Nghị Quyết của Quốc hội và phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bộ sách đó.
Còn bây giờ không có thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải mời các chuyên gia để lựa chọn, khẳng định bộ sách nào hay nhất, sát nhất và xác định đó là bộ chính, bộ cơ bản nhất.
Còn các bộ sách khác, trong quá trình dạy các tỉnh chọn lựa thêm để tăng thêm tri thức.
Thầy Dong còn cho biết, để nhìn nhận bộ sách nào hay nhất trong các sách thì đã có hội đồng khoa học đã thẩm định được tất cả các bộ sách thì họ sẽ biết bộ nào hay.
Cuối cùng ông Dong nhấn mạnh: “Phải làm thế nào cho đơn giản chứ nếu cứ lung tung chọn lựa thì dễ loạn”.
Như Hải
Theo giaoduc.net
Bản mẫu sách giáo khoa chỉ là con săn sắt
Ngoài chọn sách theo độ dày phong bì, theo mối quan hệ đi đêm, rõ ràng cuộc chiến thị phần sách giáo khoa là cuộc chiến của số lượng bản mẫu.
Trong khi dư luận ở nhiều địa phương lên tiếng "Giáo viên chưa tiếp cận được sách giáo khoa", "Giáo viên phải mua chịu sách giáo khoa"... thì địa phương tôi có gần đủ bản mẫu của tất cả các đầu sách được Bộ duyệt.
Việc có đủ bản mẫu sách giáo khoa mới thể hiện tầm lãnh đạo tuyệt vời của cán bộ quản lý giáo dục địa phương.
Ai phải trả tiền bản mẫu sách giáo khoa? Câu trả lời của lãnh đạo là: "Các đồng chí cứ triển khai chọn sách đúng quy trình, chọn đúng bộ sách mình cần, học sinh cần là mối quan tâm nhất; việc sách mẫu để Sở lo".
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Giáo viên có nhận xét về sách mới như thế nào?
Ngữ liệu phong phú, in ấn đẹp, bắt mắt là nhận xét chung về hình thức; "nặng ... không thua sách cũ" là nội dung.
Cô giáo N. dạy lớp 1 "có thâm niên" nhận xét "Chương trình vẫn vậy, không giảm, sách giáo khoa chỉ khác phương pháp tiếp cận kiến thức, nên nội dung vẫn "nặng" là điều tất yếu".
Giáo viên có chọn sách giáo khoa của cùng một bộ không?
Thăm dò tại địa phương, đã có tình trạng chung là sách giáo khoa giáo viên "sơ chọn" không cùng một bộ, đã xảy ra tình trạng phổ biến "râu ông nọ chắp cằm bà kia".
Ví dụ sách Tiếng Việt thì chọn bộ này, sách Toán thì chọn sách bộ kia, Tự Nhiên và Xã hội thì bộ nọ v.v...
Phụ huynh học sinh có được chọn sách giáo khoa không?
Phần đa các hiệu trưởng đều cho biết: Nhà trường cũng mời ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia, đọc, chọn sách nhưng họ đề "từ chối khéo léo"; "Chúng tôi đồng ý theo ý kiến của giáo viên; thầy cô cứ lập biên bản, chúng tôi đến ký; thực ra chúng tôi cũng không có nghiệp vụ để chọn".
Anh P., một kỹ sư xây dựng, Trưởng ban cha mẹ học sinh nói: "Tôi có bằng kỹ sư, thế nhưng làm sao biết sách nào tốt nhất cho thầy và trò được? Nay nhà trường mời chọn sách, chối thì không phải phép, chọn thì không biết chọn; nhất trí với nhà trường, chọn bộ nào, chúng tôi ký đồng ý bộ đó".
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào?
Cô giáo L., một hiệu phó chuyên môn, tâm sự: "Trước khi chọn bộ sách nào, yêu cầu giáo viên đọc hết các bộ sách có bản mẫu được cấp, rút ra cái hay, cái dở, lý do chọn, lý do không chọn.
Mỗi bộ sách có ba giáo viên đọc, thẩm định, ba người này sẽ có ý kiến riêng, sau đó thống nhất cùng nhau, cùng của ban giám hiệu thống nhất chọn bộ sách nào.
Tâm lý chung, bộ sách nào tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, giản đơn, dễ dạy, dễ hiểu là giáo viên thích, giáo viên chọn.
Ngoài ra, giáo viên có tâm lý tin vào bộ sách nào có đủ bản mẫu sách cho cả bộ; họ lý luận chỉ bộ sách "đủ tự tin" mới "dám đầu tư" giới thiệu sách mẫu cho "xã hội".
Bản mẫu sách giáo khoa là con săn sắt... bắt con cá rô?
Cha ông ta có câu "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"; với "sách giáo khoa" lớp 1 mới "Bản mẫu đi trước là ... bản mẫu khôn" hoàn toàn đúng với tâm và thế của giáo viên chọn sách.
Ngoài chọn sách theo độ dày phong bì, theo mối quan hệ đi đêm, rõ ràng cuộc chiến thị phần sách giáo khoa là cuộc chiến của số lượng bản mẫu.
Việc định hướng chọn bộ nào, ít có lãnh đạo nào dám "chỉ đạo" tại hội nghị khi "thế giới phẳng" như hiện nay; thế nhưng không thể không có việc "chỉ đạo ngầm"; đơn giản nhất là cung cấp bản mẫu.
Bộ sách nào có đủ bản mẫu, giáo viên sẽ tin tưởng chọn lựa
Vì thế, để đảm bảo tính khách quan cao nhất cho việc chọn sách giáo khoa, số lượng bản mẫu của mỗi bộ sách phải được cung cấp ngang nhau về số lượng đầu sách; tránh tình trạng bộ A chỉ có 1 đầu sách, bộ B có đủ đầu sách cả bộ.
Chọn sách giáo khoa cho mình dạy, cho học trò học, cần nhất ở tấm lòng khách quan, vô tư, trong sáng của mỗi giáo viên, chọn đúng bộ sách mình cần là chọn đúng con đường mình và học trò sẽ đi, chọn đúng đường đi là thành công trong sự nghiệp giáo dục của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Các nhà cung cấp sách giáo khoa bỏ quên thầy trò, tập trung tiếp cận lãnh đạo? Đối tượng cần tiếp cận nhất để giới thiệu sách hiện nay là học sinh và giáo viên thì chẳng thấy ai quan tâm đến. Chỉ còn vài tháng nữa là sách giáo khoa mới được thay thế cho sách giáo khoa hiện hành ở bậc tiểu học. Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải đang giới thiệu sách giáo khoa...