Để tiết sinh hoạt lớp hứng thú, hấp dẫn học sinh
Làm cách nào để cải thiện tiết sinh hoạt lớp, để gây hứng thú, lôi cuốn các em học sinh vào các hoạt động tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục lý tưởng, đạo đức và kỹ năng sống. Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của cô Phan Hồng Anh – giáo viên môn Toán Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Cô Phan Hồng Anh trong giờ dạy Toán. Ảnh: Internet
6 nguyên tắc đổi mới sinh hoạt lớp
“Với các học sinh cá biệt, trước đây chỉ trông chờ sao cho hết giờ sinh hoạt thì giờ đây các em cũng tham gia rất tích cực vào các hoạt động cùng các bạn, tập thể lớp trở nên đoàn kết hơn. Nhờ các hoạt động tích cực, học sinh có cơ hội được thể hiện năng lực cá nhân của mình trong nhiều vai trò khác nhau như diễn giả, nhà thiết kế, họa sĩ, diễn viên …, các em thêm tự tin, trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống.”
Cô Phan Hồng Anh
Theo cô Hồng Anh, trước hết, mỗi giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cần xác định rõ các yêu cầu, nguyên tắc đổi mới tiết sinh hoạt lớp, bao gồm:
Thứ nhất, nội dung tiết sinh hoạt phải bổ ích, gắn với nhu cầu xã hội, phù hợp với nhu cầu, hứng thú, kinh nghiệm, trình độ của học sinh khối THPT.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức tổ chức sinh hoạt lớp nhưng cần phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Thứ ba, phát huy thế mạnh của hoạt động nhóm/tổ
Thứ tư, tăng cường vai trò của học sinh, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Học sinh là chủ thể, GVCN là người hướng dẫn.
Thứ năm, có sự giao lưu đối thoại giữa GVCN và học sinh, giữa các em học sinh với nhau.
Video đang HOT
Thứ sáu, dành thời gian và công sức cho phần chuẩn bị của GVCN và học sinh trước tiết sinh hoạt lớp.
Như vậy, theo các nguyên tắc đổi mới nói trên, chúng ta cần đổi mới tiết sinh hoạt lớp ở nhiều phương diện, nói cách khác là toàn diện về: nội dung; hình thức tổ chức; vai trò của học sinh, GVCN trong tiết sinh hoạt; phương pháp tổ chức; đổi mới trong các bước thực hiện tiết sinh hoạt lớp.
Cô Phan Hồng Anh cùng các học trò của mình. Ảnh: Internet
Sử dụng biện pháp giáo dục tích cực
Để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt, các GVCN có thể sử dụng những biện pháp giáo dục tích cực, ví dụ như: Hoạt động tổ chức cuộc thi, hoạt động đóng vai, hoạt động tranh biện, hoạt động trò chơi giáo dục, hoạt động làm việc nhóm… tùy thuộc theo các chủ đề lựa chọn.
Chủ đề của tiết sinh hoạt cần gần gũi với học sinh, nội dung dễ hiểu, hình thức tổ chức phong phú, khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và tự giác tham gia vào giờ sinh hoạt.
Ví dụ như: Với chủ đề “Tình yêu, tình bạn khác giới”, các nhóm học sinh có thể tham gia hoạt động đóng vai: xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới tình bạn, tình yêu; các học sinh còn lại nhận xét, bổ sung ý kiến, GVCN hoặc cán bộ lớp tổng kết….
Với mỗi tiết sinh hoạt lớp, GVCN có thể lựa chọn một hoặc nhiều hoạt động giáo dục. Ví dụ như: trong tiết sinh hoạt chủ đề “Áo dài dân tộc” thuộc chủ điểm sinh hoạt “Tuổi trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, GVCN có thể sử dụng hoạt động làm việc nhóm và hoạt động tranh biện.
Với hoạt động nhóm, học sinh chia thành các nhóm với nhiệm vụ khác nhau: tìm hiểu lịch sử áo dài dân tộc (vẽ tranh, thiết kế áo dài theo từng thời kì, làm clip thuyết trình lịch sử…), quay clip cảm nhận của bạn bè quốc tế về áo dài,…
Với hoạt động tranh biện, GVCN cho mở Hộp ý kiến của học sinh (đã lấy ý kiến trong tuần trước đó) và lựa chọn 3 câu hỏi phù hợp, có tính tranh luận về chủ đề Áo dài; GVCN hướng dẫn học sinh có hình thức tranh biện văn minh… Việc lựa chọn bao nhiêu hoạt động, và chọn hoạt động giáo dục nào sẽ tùy thuộc vào chủ đề, thời gian tiết sinh hoạt và đặc điểm cá nhân của mỗi lớp.
Cô Phan Hồng Anh luôn chú trọng đổi mới các giờ sinh hoạt lớp
Để tổ chức thành công các hoạt động giáo dục
Để có thể tổ chức thành công các hoạt động giáo dục nêu trên, theo cô Hồng Anh, yếu tố quyết định là công đoạn chuẩn bị cho tiết sinh hoạt:
Trước hết, từ đầu năm học, GVCN cần xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tích cực, nhiệt tình; xây dựng và thống nhất cùng khối, lớp các chủ đề theo tháng cho cả năm học.
Trước mỗi tuần diễn ra tiết sinh hoạt, GVCN cần trao đổi, định hướng trước với cán bộ lớp về mục đích nhiệm vụ của tiết sinh hoạt sắp tới và kế hoạch tuần tiếp theo (dựa trên chủ đề hoạt động đã thống nhất)
Thống nhất nội dung, hình thức tiết sinh hoạt: Đề nghị học sinh nêu ý tưởng ý tưởng tổ chức sinh hoạt, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và mục đích giáo dục, hướng dẫn đội ngũ cán bộ lớp phân công các nhiệm vụ cho các nhóm.
GVCN theo sát các nhóm trong quá trình chuẩn bị, định hướng, duyệt nội dung, góp ý để sản phẩm của mỗi nhóm vừa thể hiện được trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của học sinh, vừa bám sát chủ đề và mục tiêu tiết sinh hoạt.
Đối với quá trình chuẩn bị này, GVCN cần tránh hai khuynh hướng: phó mặc hoàn toàn cho học sinh chuẩn bị nội dung, dẫn tới sự đơn điệu, buồn tẻ, không đạt được mục đích giáo dục; hoặc quá kiểm soát, không cho học sinh được trình bày, thể hiện ý kiến, sáng tạo cá nhân.
Nếu quá trình chuẩn bị tốt, trong tiết sinh hoạt lớp, GVCN chỉ cần làm việc rất ít, thậm chí có thể không làm gì, trao quyền cho học sinh hoạt động với thời gian tối đa, GVCN chỉ bao quát và chỉ đạo để đảm bảo hoạt động của học sinh đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.
Kết thúc tiết sinh hoạt lớp, GVCN cần thăm dò ý kiến của HS về các hoạt động trong tiết sinh hoạt để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em. Có nhiều cách để nhận được thông tin phản hồi từ học sinh như:
GVCN trực tiếp trò chuyện với học sinh, học sinh điền phiếu thăm dò, GVCN nắm bắt thông tin từ cán bộ lớp … Sau đó, GVCN cùng cán bộ lớp và tập thể lớp thảo luận để rút kinh nghiệm và tìm kiếm những cách thức để tiết sinh hoạt luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn.
“Như vậy, để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn. Nhưng sau những tiết sinh hoạt với các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, tôi nhận thấy học sinh thêm yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em mong chờ và dự đoán tháng tới sẽ được tham gia chủ đề gì, những hoạt động nào. Qua đó, học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em” - cô Phan Hồng Anh.
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Học sinh giảm tải, giáo viên có bị tăng tải?
Tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 27/12, có rất nhiều vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm. Trong đó, có giảm tải cho học sinh ở chương trình mới, đội ngũ giáo viên sẽ được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của chương trình này.
Từ năm 2020-2021 sẽ thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1 trên toàn quốc ảnh: Như Ý
Trước câu hỏi chương trình mới sẽ khắc phục câu chuyện giảm tải cho học sinh như thế nào? Giảm tải học sinh có tăng tải cho giáo viên không? GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng "quá tải" trong GDPT. Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Bộ GD&ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
Nhưng theo GS. Thuyết, sự thực thì thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ. Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước.
Nhưng vì sao việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải? Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, có 6 nguyên nhân. Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh. Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập. Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình. Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều. Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi. Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Từ 6 nguyên nhân này, GS. Thuyết cho biết chương trình GDPT mới đưa ra 6 biện pháp giảm tải như giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.
Quý III/2019 sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên lớp 1
Theo lộ trình được chính thức đưa ra, năm học 2020 - 2021 sẽ thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1 trên toàn quốc. Các năm tiếp theo sẽ tiến hành các lớp còn lại và bậc THCS cũng như bậc THPT. Vậy đối với đội ngũ giáo viên, để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, Bộ lo nhất vấn đề gì? Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, liên quan đến đội ngũ nhà giáo, vấn đề số lượng và chất lượng đều là hai nội dung băn khoăn. Nhưng trong đó, quan trọng nhất là chất lượng. Vì đội ngũ giáo viên có số lượng lớn và có thói quen trước đó nên thường thay đổi rất khó khăn. Do đó, Bộ lo lắng nhiều về chất lượng đội ngũ.
Giải pháp được đưa ra, theo ông Hoàng Đức Minh, sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. Ông cũng cho hay, từ khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở bồi dưỡng giáo viên các năng lực cốt lõi, tổ chức hoạt động trải nghiệm, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn. Giáo viên đã áp dụng đổi mới. Để thực hiện chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm 2020, quý III/2019 Bộ sẽ bồi dưỡng giáo viên từ lớp 1 và cuốn chiếu. Cách thức là bồi dưỡng giáo viên cốt cán trực tiếp tại trung ương, sau đó bồi dưỡng đại trà tất cả giáo viên thông qua mạng internet với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán để trao đổi, tháo gỡ, chia sẻ với giáo viên tại địa phương. Các môn học mới cũng đã kịp thời đào tạo để đáp ứng đúng tiến độ thay sách của Bộ đã đặt ra.
NGHIÊM HUÊ, NGUYỄN HÀ
Theo Tiền phong
Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Ma trận đề thi môn Toán sẽ được bày bố như thế nào? Theo như phân tích của nhóm giáo viên môn Toán, đề thi tham khảo môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2019, kiến thức chương trình Toán 12 trong đề tham khảo chiếm khoảng 90%, 10% câu hỏi thuộc phần kiến thức Toán 10 và 11. Nhấn mạnh về yêu cầu ôn tập, nhóm giáo viên Hệ thống HOCMAI cho biết, có những...