Đề thi Văn THPT quốc gia 2018: Đáp án mở nhưng không trái với thuần phong mỹ tục?
Với tính định hướng của câu hỏi trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018, liệu đáp án có dung nạp, chấp nhận những bài viết sâu sắc với những quan điểm trái chiều của thí sinh hay không? Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, câu hỏi mở thì đáp án cũng mở và không trái với thuần phong mỹ tục.
Bộ sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận
Theo ý kiến của nhiều giáo viên với câu 4 phần Đọc hiểu của đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018: “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?”. Với câu hỏi này, liệu có nên định hướng câu trả lời bằng câu hỏi đóng, yêu cầu này quá sức với đa số thí sinh?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến giáo viên cũng băn khoăn về hướng độ mở của đáp án cho những bài làm của những học trò có sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc về thực trạng đất nước, dám dũng cảm trình bày quan điểm của trí tuệ, lương tri và trách nhiệm.
Liệu rằng các em có dám viết theo đúng suy nghĩ của các em hay không hay lựa chọn cách viết an toàn bởi dù sao đây cũng là vấn đề của cả xã hội trong khi đây lại là một kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh?
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018 chiều 27/6, trả lời thắc mắc này, ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng phải mở. Với môn Ngữ văn, Bộ đã ra đề mở nhiều năm gần đây, chứ không riêng gì năm nay. Môn Văn cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó; gồm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, đáp án mở nhưng không trái thuần phong mỹ tục. Mở nhưng không phải không kiểm soát. Mở nhưng không vi phạm pháp luật.
Sẽ theo dõi những bài chấm lệch 0,5 điểm
Đối với việc chấm bài thi tự luận, theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, trước khi chấm yêu cầu cán bộ chấm thi tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo quy định của Quy chế thi.
Bố trí cán bộ chấm thi (CBChT) chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau. Mỗi bài thi tự luận được 2 CBChT chấm độc lập.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Trưởng môn chấm thi trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 CBChT thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên Phiếu ghi điểm của CBChT lần thứ hai với điểm trên Phiếu chấm cá nhân của CBChT lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 CBChT nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi. Đồng thời, quán triệt CBChT không được sửa chữa điểm trên Phiếu chấm, Phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
“Bộ Xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm Quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng Quy chế thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất” – lãnh đạo Cục nhấn mạnh.
Video đang HOT
Chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận
Để kiểm tra khách quan, Ban Chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.
Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, thì điểm trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cho biết, mục đích của chấm kiểm tra là giúp Trưởng Ban Chấm thi phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.
Theo đó, Bộ sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi. Tổ chức cho các thành viên của Tổ Chấm kiểm tra nghiên cứu, thảo luận đáp án, biểu điểm cùng với các tổ chấm thi.
Lãnh đạo Ban Chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn (được 2 CBChT cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm,…) và giao cho Tổ Chấm kiểm tra để chấm kiểm tra.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Đề thi Ngữ văn: Có chấp nhận quan điểm trái chiều của thí sinh?
Với tính định hướng của câu hỏi, liệu đáp án có dung nạp, chấp nhận những bài viết sâu sắc với những quan điểm trái chiều của thí sinh hay không?
Quá sức với thí sinh?
Trên đây là băn khoăn của một số giáo viên Tổ Ngữ văn, thuộc hệ thống giáo dục Học mãi về đề thi Ngữ văn, kì thi THPT quốc gia 2018. Ở phần Đọc hiểu, theo các giáo viên này, liệu có nên định hướng câu trả lời bằng câu hỏi đóng, yêu cầu này quá sức với đa số thí sinh?
Cụ thể, trong câu 4 phần Đọc hiểu, đề ra như sau: "Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?".
Thứ nhất, cách đặt vấn đề "có còn" trong câu hỏi là điểm mà chúng tôi cho rằng sẽ làm cho thí sinh bối rối, bởi cụm từ "có còn" ít nhiều mang tính định hướng trả lời, đặt ra và chạm tới rất nhiều trăn trở về thực trạng tiềm lực đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đề thi Ngữ văn, kì thi THPT quốc gia 2018.
Bản thân cụm từ "có còn" ít nhiều mang tính định hướng, hỏi nhưng ngầm định hướng ý trả lời, trong khi đây là một câu hỏi mở. Học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ "ta ca hát quá nhiều về tiềm lực.../tiềm lực còn ngủ yên". Câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ "còn" trong câu hỏi.
Khi đó, học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố "định hướng".
Thứ hai, với học trò có quan tâm, chủ động trau dồi kiến thức về sự phát triển kinh tế của đất nước, nhạy bén với vấn đề tiềm lực đất nước, các em hoàn toàn có thể hướng tới những bài luận đặt ra vấn đề về "thực trạng" trong tiềm lực - thực tế đánh thức tiềm lực, thậm chí là đề cập đến những vấn đề thời sự nhất của đất nước hiện nay.
Vậy, với tính định hướng của câu hỏi như đã phân tích trên, thí sinh hoàn toàn có thể phải cân nhắc, liệu đáp án có dung nạp, chấp nhận những bài viết sâu sắc với những quan điểm trái chiều của thí sinh hay không?
Thứ ba, trong đề bài, "t iềm lực" là khái niệm rộng không chỉ bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn tiềm lực thuộc về con người, gắn liền với bối cảnh, không gian, thời gian của tác phẩm đồng thời liên hệ với bối cảnh hiện tại, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp mới có thể giải quyết triệt để vấn đề đặt ra.
Cụ thể như: Thực trạng hiện nay của đất nước là nguồn tài nguyên đã bị con người khai thác cạn kiệt, còn đâu mà " ngủ yên" hay là chỉ có con người mới cần phải đánh thức.
Hai quốc gia đã phát huy hiệu quả tiềm lực về con người là Nhật Bản hay Israel vẫn vươn lên giàu mạnh dù không giàu có về tài nguyên mà chủ yếu dựa vào nguồn lực con người.
Cuối cùng, câu 1 phần làm văn với yêu cầu "trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước" liệu có quá sức với thí sinh?
Xuất phát từ cách đặt vấn đề " có còn" ở phần đọc hiểu khi khai thác về chủ đề đánh thức tiềm lực nên ở phần làm văn khi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về " sứ mệnh" hoàn toàn có thể vấp phải cảm giác " bất khả thi" của thí sinh trước tình hình cụ thể đang hiện hữu của cuộc sống hiện tại khi mà: đất đai tự nhiên đang bị thu hẹp; môi trường ô nhiễm; rừng bị tàn phá; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá độ ...
Với yêu cầu này của đề bài, có thể xuất hiện hai dạng bài của học sinh: những bài viết trình bày bài học chung chung về nhiệm vụ, sứ mệnh cá nhân với đất nước và những bài làm chạm tới những vấn đề nhiều chiều trong thực trạng tiềm lực của đất nước.
Theo các giáo viên này, một lần nữa, băn khoăn lại hướng tới độ mở của đáp án cho những bài làm của những học trò có sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc về thực trạng đất nước, dám dũng cảm trình bày quan điểm của trí tuệ, lương tri và trách nhiệm.
Liệu rằng các em có dám viết theo đúng suy nghĩ của các em hay không hay lựa chọn cách viết an toàn bởi dù sao đây cũng là vấn đề của cả xã hội trong khi đây lại là một kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh?
Nhà thơ Nguyễn Duy đã đề cập đến vấn đề tiềm lực đất nước từ những thập niên 80 của thế kỉ trước - thời kì trước khi tiến hành đổi mới nhưng mới chỉ dừng lại ở việc nói mà chưa có hành động.
Cho đến nay, sau bao nhiêu năm đổi mới, chúng ta đã làm, đánh thức, thậm chí khai thác tiềm năng nhưng đã và đang làm như thế nào và tiếp tục làm gì trong tương lai mới là vấn đề phải suy ngẫm.
Câu 1 phần làm văn với yêu cầu "trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước" liệu có quá sức với thí sinh? (Ảnh: Mỹ Hà).
Câu 2, phần Nghị luận văn học: Chưa đảm bảo tính logic
Thông thường, khi so sánh người ta hay dùng các hình ảnh, sự vật, sự việc vốn có nét tương đồng để đối chiếu. Như vậy, để thực hiện được phép so sánh thì yếu tố đầu tiên phải có các hình ảnh so sánh trên cùng một hệ quy chiếu.
Trong Câu 2 - phần Làm văn, có yêu cầu "Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)", chúng ta thấy ở đây có sự thiếu logic khi sử dụng các hình ảnh đối lập nhưng không cùng hệ quy chiếu dẫn đến sự thiếu thuyết phục của đề thi.
So sánh đầu tiên là hình ảnh về chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Thông thường, người ta thường so sánh vẻ đẹp lung linh của chiếc ngoài xa và vẻ đẹp thực tế khi lại gần, nhưng ở đây, xuất phát từ dụng ý của người ra đề nên chiếc thuyền ngoài xa (vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên) lại được đặt trong sự so sánh mang tính đối lập với cảnh bạo lực - một thực tế đau thương, một hình ảnh đáng chua xót về nạn bạo hành gia đình, đó là một cách so sánh hơi khiên cưỡng, khó cho học sinh khi triển khai các luận điểm.
"Sự so sánh thứ hai là hình ảnh đối lập của phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Đúng ra, cảnh phố huyện đêm khuya phải được đặt với "thế giới khác" của đoàn tàu đưa đến mới có ý đối lập. Chúng tôi muốn nói thêm một ý ở đây là: Mặc dù hình ảnh phố huyện nói chung và hình ảnh phố huyện lúc đêm khuya cho thấy một bức tranh cuộc sống quẩn quanh, buồn tẻ của phố huyện thì hình ảnh đoàn tàu mỗi đêm đem đến sự liên tưởng về một "thế giới khác" bởi đoàn tàu mang đến một cuộc sống náo nhiệt, tươi vui - khác hẳn bức tranh cuộc sống nhàn nhạt hàng ngày ở phố huyện.
Với câu hỏi này, người ra đề hoàn toàn có thể thay bằng cách diễn đạt logic khi yêu cầu thí sinh: Phân tich sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và bức tranh hiện thực cuộc sống một gia đình hàng chài khi chiếc thuyền tới gần. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa thế giới của phố huyện lúc đêm khuya và "thế giới khác" mà đoàn tàu đem đến để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả thì ý hỏi sẽ rất trọn vẹn", một số giáo viên nhận định.
Mỹ Hà (ghi)
Theo Dân trí
Vấn đề điện, du lịch biển đảo vào đề thi Địa lý THPT quốc gia 2018 Các thí sinh đã hoàn thành đề thi môn Địa lý thuộc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Nói chung, đề thi về cơ bản có sự phân hóa học sinh, 60% kiến thức cơ bản để học sinh tốt nghiệp và 40% kiến thức nâng cao để thí sinh xét tuyển vào đại học. Dưới đây là mã đề 302,...