Đề thi THPT quốc gia dễ hay khó?
Đề thi “hai trong một” sẽ nhẹ nhàng để thí sinh có học lực trung bình cũng đậu tốt nghiệp hay sẽ tập trung nhiều câu khó để phân loại xét tuyển ĐH?
Việc chấm thi sau khi trở về thang điểm 10 sẽ có gì thay đổi?
Những câu hỏi này đã được đặt lên bàn PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT – ngay sau khi Bộ ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , PGS.TS TRẦN VĂN NGHĨA cho biết:
- Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ma trận đề thi cho tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Ma trận đề thi sẽ phản ánh đầy đủ các cấp độ nhận thức từ dễ đến khó (biết, hiểu, vận dụng thấp – vận dụng cao) ứng với các khối nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Ma trận đề thi cũng sẽ phản ánh tương quan giữa nội dung với các cấp độ nhận thức một cách hợp lý để đề thi đảm bảo vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 – Ảnh: N.Hùng
Thí sinh được mang gì vào phòng thi?
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).
Thí sinh còn được phép mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình, nhưng đó là các máy chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Lưu ý thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Không ban hành cấu trúc đề thi
* Nhiều thí sinh thắc mắc: trên một số kênh truyền thông vẫn đưa ra cấu trúc đề thi quốc gia của Bộ GD-ĐT, nhưng thực tế năm 2015 Bộ GD-ĐT có còn ban hành cấu trúc đề thi hay không, thưa ông? Nếu Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi nữa thì thí sinh có thể tham khảo dạng đề theo “kênh” nào?
- Với cách tiếp cận mới về cơ sở lý luận và cơ sở khoa học của việc xây dựng đề thi, cấu trúc đề thi được phản ánh thông qua ma trận đề thi.
Để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, trong mấy năm gần đây Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi.
Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 nên các em có thể tham khảo các đề thi này.
Từ năm 2013 trở về trước, trừ môn ngoại ngữ chỉ có một phần chung cho tất cả các thí sinh, các môn còn lại đều có cấu trúc gồm phần chung và riêng, trong đó phần chung thường có thang điểm 7 và phần tự chọn là 3 điểm.
Video đang HOT
Ở kỳ thi tuyển sinh 2014, đề thi nhiều môn đã không còn theo mô hình truyền thống này nữa mà chỉ thống nhất một phần chung để tất cả thí sinh tham dự kỳ thi cùng phải trả lời những câu hỏi như nhau.
Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá năng lực, các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như trước đây.
Nếu phần kiến thức để kiểm tra năng lực chỉ nằm ở phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao thì không cần phải có phần đề thi theo chương trình chuẩn và phần theo chương trình nâng cao cho thí sinh chọn nữa, giống như các đề thi tuyển sinh năm 2014.
Nếu kiến thức sử dụng trong đề thi không nằm trong phần giao thoa sẽ buộc phải có hai phần câu hỏi riêng để thí sinh tự chọn. Bộ sẽ giao cho ban đề thi toàn quyền xử lý việc này: sử dụng kiến thức nào để kiểm tra năng lực và kiến thức ấy nằm trong chương trình nâng cao hay cơ bản…
* Chương trình lớp 12 hiện hành có một số phần giảm tải. Như vậy đề thi có ra vào phần giảm tải hay những phần quá khó không, thưa ông?
- Các em yên tâm rằng đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ có nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Các nội dung đã giảm tải không nằm trong nội dung thi, song các em lưu ý một số môn thi có xu hướng ra đề theo hướng mở, hướng vận dụng kiến thức nên đòi hỏi thí sinh phải chú ý đến việc vận dụng kiến thức trong thực tế đời sống.
Theo quy chế, đề thi sẽ đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Đề thi tự luận sẽ ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi.
Các em cần lựa chọn các phần câu hỏi để làm bài trước một cách phù hợp với khả năng của mình, không nên máy móc làm theo thứ tự câu hỏi từ đầu đến cuối, gặp câu khó không vừa sức sẽ mất nhiều thời gian không hiệu quả.
Đây là đề thi của kỳ thi hai mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng kết quả xét tuyển vào ĐH, nên bên cạnh những câu hỏi dễ chắc chắn đề thi cũng có các câu hỏi ở mức độ khó nhằm phân hóa kết quả thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cán bộ chấm thi Trường ĐH Sài Gòn chấm thi môn sử kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014 – Ảnh: Như Hùng
Đề thi ngoại ngữ sẽ có phần viết trắc nghiệm?
* Việc ra đề thi mở, khơi gợi khuynh hướng học tập kích thích tư duy, không phụ thuộc việc học tủ, học thuộc lòng mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng hiệu quả sẽ được phát huy thế nào trong các môn xã hội và có được mở rộng hơn nữa trong các môn tự nhiên như toán, lý, hóa…?
- Những năm gần đây đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như ngữ văn, lịch sử, địa lý đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài.
Chẳng hạn trong đề thi ngữ văn có kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân… Đề thi các môn khoa học xã hội đã tiếp cận theo xu hướng ra đề đổi mới này bằng nhiều câu hỏi gắn với đời sống xã hội, đòi hỏi thí sinh có sự quan tâm, tìm hiểu về những vấn đề thời sự, diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Ở một số môn trước kia yêu cầu thí sinh phải nhớ các sự kiện, thời gian, nhưng từ một vài năm trở lại đây các dữ kiện đó lại được đưa vào đề thi và chỉ đòi hỏi thí sinh hiểu, phân tích, bình luận trên những dữ liệu có sẵn.
Ngay những đề thi vật lý, toán học, hóa, học, sinh học cũng có những câu hỏi kiểm tra việc vận dụng kiến thức thí sinh đã học vào nhiều hiện tượng cuộc sống. Những thay đổi này là cần thiết, đã được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao.
* Đề thi ngoại ngữ năm nay sẽ chỉ gồm các câu hỏi trắc nghiệm như đề thi tuyển sinh ĐH mọi năm hay sẽ có cả phần tự luận như lộ trình Bộ GD-ĐT từng đặt ra và từng thí điểm trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014? Thời gian thi các môn có gì thay đổi so với trước đây?
- Những kinh nghiệm tốt trong ra đề thi tốt nghiệp THPT cũng như đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước sẽ được tiếp tục phát huy trong đề thi năm 2015. Hiện tại hình thức thi, lịch thi, thời gian thi từng môn chưa được quy định cụ thể trong quy chế mà sẽ có trong hướng dẫn thi sắp tới sẽ được ban hành.
Riêng về thời gian thi các môn dự kiến sẽ tương tự thời gian thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy các năm trước: thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút. Dự kiến với môn ngoại ngữ, đề thi vẫn sẽ gồm phần viết và phần trắc nghiệm như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
PGS.TS TRẦN VĂN NGHĨA:
Không làm tròn điểm
Tất cả các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, nhưng không quy tròn điểm. Việc không quy tròn điểm tính trên điểm từng bài thi cũng như tổng điểm từng tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.
Điều này khác biệt so với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vốn cho phép nếu tổng điểm ba môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5 và có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1 thì quy tròn thành 1.
Ngoài các bài thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, việc chấm bài thi tự luận sẽ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT.
Theo đúng quy trình, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm. Sau đó sẽ tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Ở hai lần chấm này, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 0,5 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, dưới 1 điểm đối với môn khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm thi sẽ thảo luận thống nhất điểm.
Trường hợp lệch nhau từ 0,5-1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1-1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, hai cán bộ chấm thi phải thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.
Còn trường hợp điểm hai lần chấm lệch nhau trên 1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh.
Quy trình chấm thi rất chặt chẽ và được quy định cụ thể trong quy chế. Các hội đồng thi sẽ phải tuân thủ nghiêm túc, đảm bảo cho kỳ thi được an toàn, minh bạch, công bằng.
Theo Tuôi Tre
Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia
(GDVN) - Sự thay đổi liên tục kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng làm cho xã hội không an tâm, cần có giải pháp lâu dài đối với kỳ thi này.
Dự kiến trong tháng 2 này, Bộ GD&ĐT sẽ kết thúc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Với tâm huyết của mình, một thầy giáo giảng dạy ở trường Chu Văn An, Phú Tân, An Giang có bút danh Quốc Thắng đã gửi một bài viết đến Tòa soạn.
Bài này, là "góp ý gan ruột, xuất phát từ chính thực tế giảng dạy" nhằm gửi đến lãnh đạo ngành giáo dục, mong được tiếp thu.
Tòa soạn cho rằng, đây không chỉ là góp ý với ngành, mà các ý kiến của thầy Quốc Thắng cho chúng ta nhiều góc độ nhìn nhận để thực hiện Kỳ thi quốc gia tốt nhất; tránh phải vết xe đổ như trường hợp của Thông tư 30 áp dụng với Tiểu học từ đầu năm học đến giờ.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo lời người đứng đầu ngành giáo dục: đổi mới thi cử là khâu đột phá. Điều này cho thấy trong vài năm trở lại đây, ngành giáo dục mỗi năm đều có sự điều chỉnh về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi Tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Chính sự thay đổi này làm cho mọi người không an tâm về tính ổn định của thi cử nước ta hiện nay. Ngay cả giáo viên - người trong ngành giáo dục mà còn không biết năm nay thi như thế nào, rồi năm sau có thay đổi nữa không,... Thi cử cần có sự ổn định, ít nhất trong một thời gian nhất định để giáo viên, học sinh an tâm dạy và học; xã hội hình dung và biết được cách tổ chức thi cử hiện nay để định hướng cho con em họ trong tương lai.
Nên bỏ quan niệm đậu, rớt
Giáo dục tiểu học đang thực hiện việc đổi mới cách đánh giá bằng nhận xét, bỏ qua con điểm trên cơ sở học tập kinh nghiệm giáo dục ở một số nước. Việc dạy và học tiếng Anh, Bộ đang áp dụng Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu để đánh giá mức độ đạt chuẩn: A2; B1; B2; C1; C2 tương ứng mức điểm đạt tối thiểu là 3,0; 4,5; 5,5; 6,5; 7,5. Trong thi cử, người thi đạt mức điểm nào thì tương ứng với chuẩn đạt được chứ không có quan niệm đậu, rớt.
Ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (kỳ thi QG) vẫn có thể áp dụng hình thức này. Việc áp dụng thực hiện như sau: chúng ta vẫn qui định có bốn môn thi, trong đó môn Văn và Toán là hai môn bắt buộc; hai môn còn lại người học tự chọn.
Kết quả kỳ thi cũng được áp dụng tương tự như cách tính đánh giá theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu. Những học sinh có tổng điểm bốn môn đạt trên 20 điểm thì được dự thi đại học, đạt từ 15 đến dưới 20 điểm được dự thi cao đẳng, đạt dưới 15 điểm thì học các trường trung cấp, trường nghề.
Điểm số thi được bảo lưu hàng năm. Những học sinh đạt dưới 20 điểm nhưng có nguyện vọng học đại học thì những năm sau có thể thi lại một số môn cộng với các môn bảo lưu nếu đạt trên 20 điểm thì vẫn có thể dự thi đại học.
Với cách tính trên chúng ta loại bỏ các điểm khuyến khích, điểm trung bình cuối năm của lớp 12. Học sinh sau khi học xong lớp 12, ngành giáo dục chỉ cần cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; nếu như học sinh không có nguyện vọng thi ở kỳ thi quốc gia thì coi như giống với các thí sinh có thi đạt dưới 15 điểm tức là họ vẫn theo học ở các trường trung cấp, trường nghề.
Đối với người có công, người dân tộc vẫn có thể áp dụng chế độ ưu tiên với điểm chuẩn thấp hơn tương ứng 18 và 13 điểm.
Có nên lo lắng chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông?
Việc bỏ quan niệm đậu, rớt làm cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường, các sở Giáo dục đào tạo không chịu áp lực chạy theo thành tích tốt nghiệp ở đơn vị, thành tích thi đua ở địa phương; ngược lại giáo viên an tâm đầu tư tốt hơn cho giảng dạy, có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học.
Ngành giáo dục chỉ cần đưa ra các tiêu chí đánh giá và đầu tư nhiều vào các khâu kiểm định chất lượng giáo dục. Ở bậc trung học cơ sở, nhiều năm qua ngành giáo dục đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở lớp 9 và chỉ xét công nhận. Bậc trung học phổ thông ngành giáo dục vẫn làm được, quan trọng là sự quyết tâm của ngành.
Quy chế tuyển sinh cũng thay đổi ở các trường đại học, cao đẳng
Quy chế tuyển thẳng vẫn được áp dụng tuyển thẳng vào đại học như đã làm trong các năm qua đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; tùy theo trường mà có những quy định thêm như học sinh thi bốn môn trong kỳ thi quốc gia đạt tổng điểm là 36 hoặc 32 trở lên được tuyển thẳng vào trường.
Quy chế tuyển sinh bình thường; tùy theo ngành, khoa các trường có thể tổ chức thi xét tuyển với 2 môn theo quy định của trường đó là hai môn văn hóa; hoặc một môn văn hóa và một môn năng khiếu; hoặc một môn văn hóa kết hợp phỏng vấn.
Việc ngoại ngữ không bắt buộc mà chỉ là môn chọn trong kỳ thi quốc gia cũng không ảnh hưởng đến đề án dạy ngoại ngữ hiện nay. Học sinh được cấp học bổng du học nước ngoài, đầu tiên là phải đạt chuẩn ngoại ngữ thì các trường cho học bổng, nhưng khi vào học thì năm thứ nhất phải học tiếp ngoại ngữ để đạt chuẩn học chuyên ngành.
Vậy trong quy chế tuyển sinh đại học ở ta có thể thêm tiêu chí xét tuyển, ngoài hai môn xét tuyển ở trên, các trường quy định học sinh đầu vào ngoại ngữ phải đạt chuẩn A2, B1,... hoặc sau khi vào học năm thứ nhất ở đại học phải đạt chuẩn A2, B1,...; nếu đạt chuẩn thì được tiếp tục học các năm tiếp theo.
Ở nhiều nước, học sinh thi đạt mức độ nào thì học ở mức độ đó, còn thấp thì tiếp tục thi để đạt mức cao hơn chứ không quan niệm đậu, rớt. Ngành giáo dục nên nghiên cứu và đưa chuẩn để học sinh đạt được, việc tổ chức thi vẫn tiến hành như các năm trước đây.
Nếu chưa áp dụng ngay trong năm học này thì có thể áp dụng cho những năm sau này, tạo sự ổn định lâu dài trong thi cử, hạn chế sự thay đổi liên tục; nhất là sự an tâm của xã hội về kỳ thi quốc gia.
Theo Giaoducnet.vn
Hoang mang tột độ trước "kỳ thi 2 trong 1" Năm 2015, năm đầu tiên học sinh phải thi "kỳ thi 2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc ôn tập ra sao, đề thi như thế nào vẫn còn gây nhiều hoang mang cho cả thầy và trò... Ôn tập có thu...