Đề thi Ngữ văn lớp 10 THPT chuyên đại học Sư phạm Hà Nội: Nghị luận xã hội ra dưới dạng mở
Câu nghị luận xã hội trong đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội yêu cầu thí sinh bàn luận về câu “Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện của đời mình”.
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT chuyên đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lao Động
Sáng 15/7, trường THPT chuyên đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thi tuyển lớp 10 môn Ngữ văn.
Cụ thể, đề chia làm 3 phần với câu 1 đọc hiểu rơi vào tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Câu 2 nghị luận xã hội chiếm 2 điểm yêu cầu bàn luận về câu “Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện đời mình”. Cuối cùng, câu 3 nghị luận văn học về 4 khổ thơ trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
Nhận xét về đề thi, em Nguyễn Thu Hương (học sinh trường THCS Dịch Vọng Hậu) trả lời Vietnamnet, đề nghị luận xã hội về “Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện của đời mình” khá hóc búa với em.
“Thực ra, bản thân em cũng chưa có nhiều trải nghiệm về cuộc sống. “Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện”, nhưng trước giờ cuộc sống của em luôn là do bố mẹ vạch ra, ví như em đi học trường nào, ở đâu cũng là do bố mẹ lo cả. Do đó, kể từ khi còn bé, em cũng không phải lo lắng về cuộc đời mình. Không có nhiều trải nghiệm nên em cũng không biết phải viết thế nào. Với đề thi này, em hy vọng mình qua ngưỡng 4 điểm”.
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT chuyên đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet
Bên cạnh đó, em Kiều Đức Hiếu (trường THCS Nghĩa Tân) lại đánh giá, đề thi này thú vị nhất là câu nghị luận xã hội.
“Em hiểu câu nói này rằng mỗi người nên sống đúng với bản chất, cá tính của bản thân; có lý tưởng, hoài bão để làm theo mục đích sống của riêng mình.
Video đang HOT
Trong bài, em lấy dẫn chứng về anh Hoa Xuân Tứ. Đó là một người nông dân không tay, nhưng thay vì chọn cách sống khuất phục trước số phận, anh ấy đã sống và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người.
Hay như ca sĩ Freddie Mercury, trưởng ban nhạc Queen của Anh quốc, khi xưa ông chỉ là người bốc hành lý ở cảng hàng không. Nhưng cũng trong quãng thời gian đó, ông đã tìm ra tình yêu âm nhạc của mình khi luôn cầm theo giấy bút để ghi lại ca từ cho những bài hát mình tự sáng tác.
Nhờ đó, em cũng nhận ra rằng mình phải sống đúng với cá tính và ước mơ của bản thân. May mắn là trước giờ em vẫn chọn cách sống như thế. Em vốn là người có sự thích thú với vấn đề bảo vệ môi trường, do đó trong tương lai em sẽ lựa chọn con đường đi này”, Hiếu nói.
Cùng đánh giá về đề thi, phần lớn các thầy cô đều cho rằng, đề thi năm nay cơ bản và phù hợp với tính chất đề thi chung cho mọi thí sinh.
Về phần đọc hiểu:
Theo đánh giá từ các thầy cô giá, phần đọc hiểu bao gồm kiến thức cơ bản hướng về nhận diện các phương thức biểu đạt (biểu cảm, miêu tả), biện pháp tu từ và tác dụng của nó (so sánh) và tác dụng của dấu hai chấm (ngăn cách với thành phần phụ chú).
Ngữ liệu lấy trong chương trình Ngữ văn 8, tập 1. Đây là văn bản quen thuộc và trọng tâm của lớp 8 nên không gây khó dễ cho học sinh.
Về phần nghị luận xã hội:
Các thầy cô nhận định quan điểm được đưa ra trong đề bài nghị luận xã hội khá cấp thiết trong xã hội hiện đại phương Đông, khi nhiều phụ huynh vẫn cho mình cái quyền can thiệp vào đời sống cá nhân của con cái, sắp đặt tương lai cho chúng; còn giới trẻ lại mong muốn tự khẳng định mình, tự tìm con đường đi cho mình.
Với đề này, học sinh phải biết kết hợp thao tác lập luận phân tích để chỉ ra cái lợi, cái hại; cái hay cái dở khi “tự viết nên câu chuyện đời mình”. Đồng thời phải biết lấy dẫn chứng những tấm gương tự lập để chứng minh.
Về phần nghị luận văn học:
Đề ra vào tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của để thi là ở chỗ các khổ thơ không liền mạch mà được lựa chọn rải rác trong văn bản, chủ yếu là những khổ thơ xuất hiện rõ nét vẻ đẹp của con người lao động trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một trong những phần nâng cao của đề bài là việc đưa ra một nhận định của chính nhà thơ Huy Cận về tác phẩm: “khúc tráng ca, ca ngợi con người trong lao động”.
Theo các thầy cô giáo, để làm rõ khái niệm này, học sinh phải nêu được hoàn cảnh sáng tác, phải thể hiện được tư thế làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên của những ngư dân vùng đất Quảng Ninh. Và cao hơn hết là giá trị của lao động, thể hiện rõ nét qua thành quả lao động. Hình thức là một bài văn hoàn chỉnh, yêu cầu kết hợp nhiều thao tác lập luận, thao tác bình luận được đề cao (cảm nhận).
Năm 2020, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm nhận được 4.860 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10. Trường sẽ tuyển 305 chỉ tiêu lớp 10 hệ chuyên gồm các lớp Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Trong số đó, lớp chuyên Tiếng Anh có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/29,25 và chuyên Sinh thấp nhất là 1/9.
Để đạt điều kiện dự thi, thí sinh phải có hạnh kiểm tốt; học lực cả năm của các lớp cấp THCS đạt từ loại khá trở lên, tốt nghiệp THCS từ khá trở lên, có điểm trung bình môn thi chuyên của năm lớp 9 đạt từ 7 điểm trở lên.
Thí sinh được đưa vào danh sách xét tuyển phải có đủ điều kiện dự tuyển, dự thi đầy đủ 3 bài thi, không vi phạm quy chế thi và các bài thi có điểm lớn hơn 2 điểm.
Điểm xét tuyển là điểm môn chuyên nhân hệ số hai cộng điểm Toán chung và Văn chung hệ số một. Trường sẽ lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Đề thi HSG quốc gia môn Ngữ văn khơi gợi hứng thú và suy nghĩ độc lập
Câu nghị luận xã hội khá thú vị bởi nhiều lẽ. Trước hết là cách nhìn ra vấn đề khá độc đáo từ nhan đề một cuốn sách dịch "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế" thay vì những danh ngôn, quan niệm, hay những câu chuyện... như phần lớn các đề quen thuộc.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020, cô Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn, hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều đặt ra những vấn đề quen thuộc mà không bao giờ nhàm chán của cuộc sống và văn chương, đều không có điểm tựa nào ngoài vốn sống, vốn văn chương và năng lực nhận biết, lí giải vấn đề của thí sinh.
Câu nghị luận xã hội khá thú vị bởi nhiều lẽ. Trước hết là cách nhìn ra vấn đề khá độc đáo từ nhan đề một cuốn sách dịch "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế" thay vì những danh ngôn, quan niệm, hay những câu chuyện... như phần lớn các đề quen thuộc.
"Thành công" và "tử tế" là hai vấn đề thường xuất hiện độc lập trong rất nhiều đề thi, rất nhiều bài viết - sự kết nối giữa chúng với nhau trong mối quan hệ nhân quả chính là góc nhìn tạo hứng thú cho học trò trong thời đại của các trào lưu Startup và "việc tử tế" - đặc biệt khi người ta nói nhiều tới "việc tử tế" như một tín hiệu cho thấy cuộc sống đang thiếu vắng sự tử tế, và nhiều thành công bất chấp cả đạo lí lẫn pháp lí.
Câu lệnh yêu cầu trình bày "suy nghĩ của anh/chị về "con đường" này" sẽ mở ra khá nhiều khả năng kiến giải - dù có thể thấy trước hướng khẳng định sẽ chiếm tuyệt đại đa số khi làm bài, bởi học trò sẽ không khó khăn để nhận ra tính đúng đắn muôn đời của sự tử tế.
Tuy nhiên, đề bài vẫn mở ra những khoảng trống của thử thách giúp phân loại những bài viết nhằm tới cái đúng đương nhiên, an toàn với những bài viết thể hiện hiểu biết xã hội sâu rộng, thể hiện những trăn trở suy tư thấu đáo trước mối quan hệ giữa lẽ phải với thực tế cuộc sống nhiều khi trái ngược.
Học sinh sẽ thể hiện kiến thức đời sống xã hội, năng lực lí giải và nhất là bản lĩnh tự chủ của mình khi đặt được vấn đề về nghịch lí và hướng giải quyết nghịch lí khi sống tử tế, trung thực thường thua thiệt, thậm chí thất bại.
Tuy nhiên, cũng vì nghịch lí này đang trở thành lẽ đương nhiên trong thực tế cuộc sống nên nếu học sinh không có tầm nhìn sâu rộng, không có khả năng lí giải, lập luận..., đề bài dễ đưa tới những bài văn viết như... nghị quyết hay bài giáo dục công dân!
Câu nghị luận văn học đề cập vấn đề quen thuộc của lí luận văn học là chức năng văn học, đặt vấn đề cụ thể về khả năng của văn học nhằm "giúp con người hóa giải những áp lực" trong cuộc sống. Với yêu cầu này của đề bài, học trò phải nắm chắc và đề cập được tất cả các chức năng của văn học, từ nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, cho tới giao tiếp, giải trí...
Thử thách của đề bài không chỉ dừng lại ở phần kiến thức khá nặng của lí luận văn học vốn trừu tượng với các em mà còn hiện hữu chủ yếu ở cách các em xử lí mảng kiến thức ấy khi kết hợp với những minh chứng qua văn chương; thậm chí, khó khăn còn xuất hiện ngay trong mảng kiến thức đời sống khi các em đề cập tới những áp lực của đời sống tinh thần.
Khoảng trống trong dư địa vấn đề của câu nghị luận văn học có phần rộng hơn câu nghị luận xã hội khi học sinh hoàn toàn có thể đặt vấn đề phản biện về khả năng hóa giải áp lực tinh thần của văn chương, trong khi vấn đề về sự tử tế để thành công rất khó phản biện mà không chạm tới hàng rào đạo lí.
Thậm chí, nếu một số em cảm thấy sự bất lực của văn học với những áp lực ngày càng nặng nề trong cuộc sống thời hiện đại, các em có thể đặt ra những vấn đề lớn hơn về môi trường sống, môi trường xã hội... - cội nguồn của văn học.
Đề bài, về cơ bản có khả năng khơi gợi hứng thú và suy nghĩ độc lập cho học trò, dù vẫn hoàn toàn có khả năng tạo ra một loạt những bài viết ... như chân lí! Do vậy, khả năng phân loại và tìm ra học sinh giỏi thực sự không xuất hiện ở vấn đề mà chính là ở cách xử lí vấn đề.
PV
Theo giaoducthoidai
Thí sinh nhận định đề Văn chuyên vào Phổ thông Năng khiếu nhẹ nhàng Trưa 14/7, hơn 600 thí sinh hoàn thành bài thi môn Văn chuyên lớp 10 vào trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) rời phòng với tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Thí sinh hoàn thành buổi thi môn Văn chuyên vào trường Phổ thông Năng khiếu Tại điểm thi của trường Phổ thông Năng khiếu (cơ sở chính, Quận 10),...