Thi vào lớp 10: Học sinh 2K5 cần “tránh xa” những lỗi sai cơ bản này để đạt điểm cao
Phân bổ thời gian không hợp lý, quá chủ quan với những dạng bài dễ và quen thuộc hay xác định không đúng yêu cầu của đề bài, … là những sai lầm học sinh 2k5 cần “tránh xa” khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10.
Một số lỗi thường gặp khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 mà thí sinh nên biết để “tránh xa”. Ảnh minh họa
Phân bổ thời gian không hợp lý
Theo quy định, bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 có thời gian làm bài là 120 phút, với các câu hỏi: Đọc hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Để có thể đạt điểm cao tuyệt đối, bên cạnh việc nắm chắc toàn bộ kiến thức, thí sinh phải kiểm soát được thời gian làm bài mới đảm bảo làm hết các câu hỏi trong đề.
Theo kinh nghiệm của nhiều thầy, cô giáo chia sẻ, các thí sinh nên phải tự phân chia thời gian làm bài hợp lí cho từng câu hỏi. Ví như bài đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội mỗi câu chỉ chiếm khoảng 3 điểm nên thí sinh không cần viết quá dài, mỗi câu viết khoảng 1 trang giấy thi là đủ. Câu hỏi nghị luận văn học chiếm nhiều điểm nhất, nên thí sinh cần dành nhiều thời gian để viết sâu hơn, chi tiết hơn.
Có nhiều trường hợp thí sinh mải mê làm những câu mà mình nắm chắc kiến thức nhất mà dành thời gian ít cho những câu hỏi khác, dẫn đến những câu sau thường bị thiếu ý, bài viết sơ sài, làm mất điểm đáng tiếc.
Trình bày lan man, dài dòng hoặc quá tắt tém
Cấu trúc đề thi văn vào lớp 10 thường bao gồm 3 câu: Đọc hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Mỗi câu sẽ có những yêu cầu riêng về cách trả lời cũng như trình bày. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn chưa nắm rõ để có thể phân bổ thời gian hợp lý, dẫn đến một số lỗi sai “điển hình” sau:
Trả lời tắt tém, thiếu ý:
Nhiều học sinh suy nghĩ rằng nên viết câu ngắn để đảm bảo không sai ngữ pháp. Tuy nhiên, nhiều bạn lại viết câu quá ngắn gọn, tắt tém dẫn đến câu cụt ý, câu sai, thiếu ý… Với việc viết câu tắt tém như thế, bài làm của học sinh sẽ không thể hiện được hết nội dung của bài làm dẫn đến điểm bài thi không cao.
Theo đó, để đạt điểm tuyệt đối, học sinh nên trình bày đủ ý của câu, viết câu rõ ràng, không vắn tắt để người chấm có thể hiểu được hết những nội dung mà học sinh muốn truyền tải. Bên cạnh đó, câu văn cũng cần được trau chuốt, mượt mà thì bài làm sẽ dễ gây được cảm tình cho người chấm.
Nghị luận xã hội sa vào kể chuyện, thừa ý, thiếu dẫn chứng:
Video đang HOT
Câu nghị luận xã hội (viết khoảng 1 trang giấy thi) phản ánh suy nghĩ, quan điểm của học sinh về một hiện tượng, một ý kiến hay một vấn đề “ nóng” đang xảy ra trong xã hội,…
Một bài văn nghị luận xã hội phải có đủ hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng để gia tăng tính thuyết phục cho bài văn. Song rất nhiều thí sinh khi làm văn nghị luận xã hội thường sa vào kể chuyện, đưa ra rất nhiều ý kiến và dẫn chứng thiếu xác đáng và thuyết phục.
Do vậy, thí sinh cần lưu ý: Các dẫn chứng đưa ra không cần nhiều nhưng phải được chọn lọc, vừa đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu và sát hợp với vấn đề cần nghị luận; số lượng dẫn chứng đưa ra phải luôn đi kèm với chất lượng, đi sâu phân tích chứ không làm bài theo kiểu liệt kê.
Xác định chưa đúng yêu cầu đề bài
Đây là một trong những lỗi mà thí sinh thường hay mắc phải khi làm bài thi môn Văn vào lớp 10. Việc này dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhẹ thì xa đề, nặng thì sai đề và lệch đề hoàn toàn. Một số lỗi thí sinh mắc phải khi không xác định đúng yêu cầu của đề bài dẫn đến mất điểm có thể gặp như: Viết lạc đề, trả lời không đúng trọng tâm, bỏ sót các yêu cầu phụ của bài.
Nguyên nhân, có thể thí sinh còn gặp phải yếu tố tâm lý, vào phòng thi thấy căng thẳng, áp lực do sự chuẩn bị ôn luyện chưa kỹ; còn tình trạng học tủ, học vẹt, rập khuôn kiến thức máy móc,…
Do đó, sau khi nhận được đề thi, thí sinh cần lấy bút gạch chân vào những cụm từ chính, những “từ khóa” trong đề bài.
Nên dành ra khoảng 5 – 10 phút để gạch dàn ý sơ lược bài làm ra nháp, đối với các câu nghị luận thì xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ cho rõ ràng, mạch lạc rồi mới bắt tay vào làm bài.
Gạch xóa nhiều trong bài
Môn Ngữ văn đòi hỏi rất cao tính trình bày bài thi. Do đó, các thí sinh trình bày càng sạch đẹp thì người chấm càng dễ chấm điểm. Tuy nhiên, nhiều bạn lại có thói quen tẩy xóa, viết sai rồi tô đậm lên chữ sai khiến bài thi trở nên không đẹp và rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh có chữ viết cẩu thả, sử dụng và lạm dụng các ký hiệu, bài thi viết hai màu mực, sử dụng bút phủ, bút xóa… khiến bài trở nên nhom nhem, gây mất mỹ quan có thể ảnh hưởng đến điểm số.
Theo đó, thí sinh nên trình bày bài thi rõ ràng, hạn chế dùng bút xóa, sử dụng ký hiệu, bài thi với hai màu mực… Khi viết sai chỉ nên gạch một lần rồi viết lại, không nên tô đậm chữ đó lên khiến bài thi trở nên rối và không đẹp.
Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay sẽ như thế nào?
"Giáo viên và học sinh lớp 9 phải thay đổi phương pháp dạy và học, không thể học tủ, học vẹt như trước. Nếu không, học sinh sẽ rất thiệt thòi trong việc tìm một chỗ học trong trường THPT công lập ở TP.HCM".
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM năm 2020. Ông Hiếu cho biết: "So với năm trước, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, nội dung đề thi sẽ tăng cường những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để giải quyết tình huống thực tế".
Do thời gian học sinh nghỉ học kéo dài nên Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất với UBND TP.HCM dời kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 tương ứng với thời gian kết thúc năm học của học sinh lớp 9. Năm nay, TP có gần 100.000 học sinh lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS. Các trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10.
Ông Nguyễn Văn Hiếu
Học đến đâu, thi đến đó
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, dù thời gian học của học sinh bị gián đoạn do dịch COVID-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc, khối lượng kiến thức trong đề thi.
"Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức các em đã học. Dĩ nhiên đây là kỳ thi tuyển sinh nên chắc chắn phải có những câu hỏi phân hóa nhằm chọn lựa thí sinh" - ông Hiếu nói.
Với môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 sẽ có 3 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm) với thời gian làm bài 120 phút.
Trong đó phần đọc hiểu sẽ cho ra một hoặc một số văn bản có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học...để thí sinh đọc. Tiếp theo đó là những câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; có thể yêu cầu nêu nội dung văn bản; yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới.
"Khi làm các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung; trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề; tránh lan man, dài dòng không cần thiết" - ông Thành khuyên.
Ở câu hỏi nghị luận xã hội, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng một trang giấy thi. "Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình" - ông Thành hướng dẫn.
Riêng câu hỏi về nghị luận văn học được xem là câu phân loại trình độ thí sinh, thông thường đề thi sẽ cho học sinh có 2 lựa chọn. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc, yêu cầu phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng như liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến... Đề 2 sẽ có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn, thường thì đề này sẽ dành cho những học sinh giỏi văn.
"Để làm tốt câu nghị luận văn học, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này, tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc" - ông Thành nói.
Môn toán: quan trọng nhất là... kỹ năng đọc - hiểu
"Đề thi môn toán bao gồm 8 bài, mỗi bài có nhiều câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó bài 1 và 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 bài tiếp theo là dạng toán thực tế; bài số 8 có nội dung về hình học và cũng là bài toán khó nhất trong đề thi, dùng để phân loại thí sinh" - ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin.
Ông Lộc cho biết: "Đề thi có 5/8 bài thuộc dạng toán thực tế mà đề bài toán thực tế thường rất dài, có rất nhiều thông tin khác nhau. Do đó, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc - hiểu thì thường cảm thấy "choáng", rối rắm sau khi đọc đề thi.
Nhiều em cho rằng đó là bài toán quá khó và bỏ luôn, không làm. Thật ra, bài toán thực tế không khó về thuật toán mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu đề bài, biết phân tích đề và "gạn lọc" những chi tiết cần thiết để sử dụng giải đề bài ấy. Đây là kỹ năng giải bài toán thực tế".
Theo một số giáo viên chấm thi môn toán tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, ở đề toán thực tế, thí sinh hay bị trừ điểm do sai và nhầm lẫn về khái niệm gần đúng, các quy ước; sai do dùng dữ liệu không chính xác...
Các câu hỏi thuộc về hình học cũng làm khó nhiều thí sinh do đòi hỏi tư duy cao. Vì vậy, muốn giải quyết được trọn vẹn bài toán về hình học, thí sinh phải thuộc các định lý, tính chất, biết cách chứng minh và thuần thục kỹ năng vẽ hình, đổi đơn vị...
Môn tiếng Anh: Tập trung vào từ vựng
Theo ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi môn tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tăng cường những câu hỏi về từ vựng, ngữ nghĩa của câu, việc ứng dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế đời sống.
Thế nên học sinh không thể học vẹt, học theo kiểu rập khuôn theo những kiến thức sách vở mà phải biết phân tích câu để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau. Ngữ pháp cũng là nội dung quan trọng trong đề thi và chiếm 30-40% đề thi.
Ông Lữ khuyên: "Trong thời gian nghỉ ở nhà dài ngày như hiện nay, học sinh cần tranh thủ rèn luyện, nâng cao vốn từ vựng bằng cách xem phim, nghe nhạc, đọc sách bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, các em đặt các từ trong nhiều bối cảnh khác nhau để nhớ lâu hơn và hiểu được nghĩa của từng từ rõ ràng hơn".
HOÀNG HƯƠNG
Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM dời đến khi nào? Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết có thể kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 17.7 với cấu trúc đề thi không đổi so với năm 2019. Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Học đến đâu, thi đến đó Sáng 16.3, trao đổi với PV...